Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 17-22/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Dịch vụ

Việt Nam trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách quốc tế. Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 so với năm 2016.

Theo Báo cáo “Điểm nhấn Du lịch 2018”, dẫn đầu danh sách tăng trưởng du lịch quốc tế là là Ai Cập, với mức tăng trưởng 55,1%; tiếp đến là Togo, San Marino và Việt Nam, với mức tăng trưởng lần lượt là 46,7%, 31,1% và 29,1%. (Theo Tổ chức Du lịch thế giới Liên Hợp quốc - UNWTO ngày 16/9)

Thương mại

Trong giai đoạn 2018 - 2020, doanh số bán hàng thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định khoảng 20%/năm và đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Trong đó 30% dân số mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm.

Về phương thức thanh toán, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) là phương thức thanh toán phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn (năm 2013 là 74%, năm 2017 là 82%); tiếp đến là chuyển khoản qua ngân hàng, thẻ thanh toán quốc tế...

Tỷ lệ người tiêu dùng trả lời hài lòng khi mua sắm trực tuyến tăng từ 29% của năm 2013 lên 54% trong năm 2017.

(Theo Bộ Công Thương ngày 15/9)

Tài chính

Báo cáo của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) về tài chính cho phát triển của Việt Nam mới được công bố cho thấy, tài chính tư nhân trong nước của Việt Nam đã gia tăng liên tục từ năm 2000, tăng gấp 4 lần lên 24,2 tỷ USD vào năm 2015; tuy nhiên vẫn ở dưới mức bình quân 46 tỷ USD của khu vực (không kể Singapore) và còn thấp hơn rất nhiều so với 200 tỷ USD của Indonesia.

Bên cạnh đó, quy mô đầu tư tư nhân trong nước giai đoạn 2011 - 2016 tăng trưởng bình quân 10,3%/năm.

Khu vực tư nhân của Việt Nam đóng góp bình quân 38,4% tổng đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011 - 2016. Tỷ trọng này còn thấp so với tỷ trọng cần có để đầu tư tư nhân trở thành đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. (Theo Báo Hải quan ngày 18/9)

Doanh nghiệp

Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, tính đến ngày 01/7/2017, cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012, mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức tăng 5% của giai đoạn 2007 - 2012.

Doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động.

Năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Theo đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước đạt 505.000 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp còn lại mới đầu tư và chưa đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dù số lượng doanh nghiệp như trên nhưng chỉ có 10.100 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%.

Số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%. Doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở Đông Nam bộ với gần 216.000 doanh nghiệp, chiếm 41,7%, trong đó dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 19/9)

Năm 2016, doanh nghiệp Việt Nam thu được 8,6 tỷ USD từ hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa sau gia công tập trung chính vào các doanh nghiệp FDI với 25,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 78,9%.

Nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các doanh nghiệp FDI là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu. Tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao 62,3%.

Trong đó cao nhất ở nhóm hàng điện thoại vởi 78,9%, hàng điện tử máy tính 76,4%, dệt may 67,1%, giầy dép 47% và hàng hóa khác là 74,7%.

Tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 19/9)

Trong 9 tháng đầu năm 2018 có 11.200 gói thầu đã được áp dụng đấu thầu điện tử, đạt 16,5%. Về lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019 - 2025 có ý kiến đề xuất nên quy định hạn mức cụ thể các gói thầu phải thực hiện đấu thầu qua mạng và chia thành 2 giai đoạn (2019 - 2020 và 2021 - 2025) để thuận tiện cho công tác quản lý, giám sát trên thực tế. (Theo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 17/9/2018)

Tổng cầu


Xuất - nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Séc sang Việt Nam trong tháng 7/2018 đã tăng đột biến (tăng 580,5%), với tổng giá trị trên 45,5 triệu USD, so với mức trung bình 7 - 10 triệu USD/tháng.

Nhóm sản phẩm của Séc xuất khẩu sang Việt Nam tạo sự đột biến là thiết bị ghi âm, ghi hình, âm thanh, màn hình tivi với giá trị gần 40,5 triệu USD.

Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Séc trong 7 tháng đầu năm nay dẫn đầu vẫn là những sản phẩm thiết bị điện tử nghe nhìn với kim ngạch gần 202 triệu USD, tiếp đến là giầy dép và các sản phẩm thuộc nhóm này với hơn 141 triệu USD.

Tính hết tháng 7/2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 681 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2017. Việc kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng, thậm chí có đột biến là những tín hiệu dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu song phương sẽ tiếp tục vượt 1 tỷ USD trong năm 2018.

(Theo Cục Thống kê Cộng hòa Séc ngày 17/9)

Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 8/2018 đạt khoảng 441.000 tấn với giá trị đạt 209 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2018 đạt khoảng 4,4 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá gạo xuất khẩu bình quân các tháng đầu năm 2018 cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (giá bình quân 7 tháng là 507 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017). Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng năm 2018 với 24,7% thị phần.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tăng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi tăng lên.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, nếu thị trường thuận lợi, sản lượng xuất khẩu các loại gạo nếp, gạo tẻ của Việt Nam có thể đạt 6 - 6,5 triệu tấn trong năm 2018.

(Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 19/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi hơn 660 triệu USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm chủ yếu từ thị trường New Zealand, chiếm 33,1% tỷ trọng, đạt 222,3 triệu USD, tăng 47,27% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính riêng tháng 8/2018, kim ngạch nhập khẩu sữa từ thị trường này đạt 24 triệu USD, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam cũng nhập từ thị trường Đông Nam Á với giá trị khoảng 152,8 triệu USD. Tiếp đến là các nước EU, đạt 124 triệu USD giảm 19,76%. (Theo Bộ Công Thương ngày 20/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sắt thép tăng mạnh gần 41% về lượng so với cùng kỳ năm 2017, đạt 4,05 triệu tấn, tương đương 2,99 tỷ USD. Giá sắt thép xuất khẩu trung bình trong tháng 8/2018 tăng trên 14% so với năm 2017.

Khu vực Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm tới 57,6% tổng lượng sắt thép xuất khẩu. Trong đó, thị trường Campuchia chiếm 34,9% tổng kim ngạch sắt thép xuất khẩu.

Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan cũng là những nước nhập khẩu thép lớn của Việt Nam. (Theo vov.vn ngày 19/9)

Trong 8 tháng năm 2018, nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017, với giá trị gần 9,9 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng phế liệu sắt thép ghi nhận mức tăng 54%, tương đương giá trị nhập khẩu là 1,244 tỷ USD.

Lượng sắt thép phế liệu từ Nhật Bản đạt 990.639 tấn, trị giá 368,64 triệu USD, chiếm 28,5% tổng lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 30,3% tổng kim ngạch, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 29,5% về kim ngạch.

Tiếp đến là Hoa Kỳ, với lượng nhập khẩu đạt 594.963 tấn, trị giá 213,03 triệu USD, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước, tăng mạnh 50,4% về lượng và tăng 89,1% về kim ngạch.

(Theo Bộ Công Thương ngày 21/9)

Xuất khẩu giầy dép của Việt Nam trong tháng 8/2018 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 10,5% so với tháng 8/2017. Sau 8 tháng, xuất khẩu mặt hàng này đã đem về 10,532 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Giầy dép của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép của cả nước, đạt 3,81 tỷ USD, tăng 13,4%. Đứng thứ 2 là thị trường EU đạt 3,03 tỷ USD, tăng 0,6%. (Theo Bộ Công Thương)

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Campuchia thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 4 tỷ USD, tăng hơn 29% so với năm 2016.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 18,7 % so với cùng kỳ năm 2017. Hai nước quyết tâm phấn đấu nâng kim ngạch xuất - nhập khẩu sớm đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới.

Về đầu tư, hiện Việt Nam có khoảng 206 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, nằm trong 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Campuchia. Về phía Campuchia cũng có 18 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng trị giá hơn 58 triệu USD.

(Theo TTXVN ngày 14/9)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Trong quý II/2018 có 54,02 triệu người có việc làm, tăng 29.900 người so với quý I. Đáng chú ý, số người thất nghiệp trình độ đại học trở lên giảm xuống còn 126.900 người, giảm 15.400 người so với quý I; nhóm trình độ cao đẳng có 70.800 người thất nghiệp, giảm 18.000 người.

Dự báo số việc làm trong quý III đạt khoảng 54,26 triệu người, tăng 237 nghìn người (0,44%) so với quý II/2018 và tăng 0,91% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, nhiều lĩnh vực sẽ tăng trưởng và tạo việc làm cao như: Chế biến đồ uống, dệt in, sản xuất cao su và nhựa... (Theo Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 18/9)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá; 3 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 22/9 so với ngày 21/9, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,52 - 36,67 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiếu bán ra.

- Doji: 36,56 - 36,66 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 22 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 1 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 22/9, tỷ giá trung tâm là 22.712 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 21/9; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 21/9 như sau:

- Vietcombank: 23.290 - 23.370 VND/USD, tăng 10 đồng.

- BIDV: 23.290 - 23.370 VND/USD, tăng 10 đồng.

- Techcombank: 23.270 - 23.380 VND/USD, tăng 10 đồng.

Tín dụng

Tính đến ngày 31/7, dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn đạt 171.374 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94% tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng này.

Dư nợ tập trung chủ yếu ở các hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với đạt 169.257 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,7% cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh là 120.434 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng là 45.226 tỷ đồng. (Theo Ngân hàng Chính sách xã hội ngày 18/9)

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Ngày 19/9, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.800 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,75%/năm, tăng 0,04%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 12/9/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,75%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.200 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,02%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 12/9/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 5,02%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm và 7 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018, KBNN huy động được 117.961 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 17 - 21/9/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 1,77 điểm (-0,18%) xuống 1.002,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 222,68 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.639,55 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,74 điểm (0,64%) lên 115,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 58,73 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 766,31 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,5 điểm (0,95%) lên 53,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 25,74 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 408,93 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 29.157.531 triệu đơn vị, trị giá 797,6 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 2 ngày bán ròng và 3 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 19,58 triệu đơn vị, trị giá 746,67 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 14,23 triệu đơn vị, trị giá 870,46 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 8,86 triệu đơn vị, trị giá 44,7 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 2,97 triệu đơn vị, trị giá 2,01 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 717.531 đơn vị, trị giá 6,23 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 352.684 đơn vị, trị giá 18,82 tỷ đồng).

Bất động sản

Tính đến tháng 6/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản khoảng 24.072 tỷ đồng, giảm 81,27% so với đỉnh điểm ở quý I/2013; giảm 1.310 tỷ đồng (giảm 5,16%) so với năm 2017.

Tổng dư nợ tín dụng trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng: quý IV/2017 là 471.200 tỷ đồng, quý I/2018 là 473.073 tỷ đồng.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, kinh doanh bất động sản do nhu cầu về bất động sản nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng... còn rất lớn. (Theo Bộ Xây dựng ngày 12/9)

Nhận định

chuyên gia

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam:

Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện trung bình từ 20 - 50%/năm. Cá biệt có một số khách hàng bị áp lãi suất 60 - 70%, chủ yếu do việc trả nợ không đúng thời hạn nên bị phạt nợ.

Nếu so với lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại thì lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao gấp 2 lần, thậm chí gấp 5 lần.

Lãi suất cao là do: (i) Nguồn vốn để cho vay của các công ty không được huy động từ dân mà phải đi vay mượn từ các tổ chức; (ii) Các khoản vay nhỏ lẻ, tiện lợi, nhanh chóng (thường chỉ giải quyết trong vòng 24 giờ); (iii) Rủi ro cao do khoản vay không có tài sản đảm bảo; (iv) Chi phí quản lý lớn. (Theo bizlive ngày 17/9)