Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 18-23/02/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

Quỹ Di sản - Heritage - vừa công bố báo cáo Chỉ số tự do kinh tế năm 2019, trong đó Việt Nam được tăng 2 điểm so với năm ngoái, đạt 55,3 điểm, xếp hạng thứ 128 trên thế giới. Nguyên nhân của sự gia tăng này là nhờ sức khỏe tài khóa, tự do đầu tư và môi trường pháp lý. Một số chỉ số thành phần được cải thiện như chỉ số tự do kinh doanh tăng 0,3 điểm; chỉ số tự do lao động tăng 2,4 điểm; tuy nhiên chỉ số tự do tiền tệ lại giảm 6,5 điểm. (Theo enternews.vn ngày 21/02)

Sản xuất công nghiệp

Tính đến 15 giờ ngày 15/02/2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex còn 1.720 tỷ đồng, giảm 220 tỷ đồng so với thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu trước đó vào ngày 31/01/2019. Sau khi trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu các loại vẫn được giữ nguyên như thời điểm điều chỉnh vào ngày 31/01/2019. Cụ thể: Xăng RON 95-IV là 17.750 đồng/lít; xăng RON 95-III là 17.600 đồng/lít; xăng E5 RON 92 là 16.270 đồng/lít. Dầu diesel tiêu chuẩn euro 5 là 15.100 đồng/lít. Dầu hỏa là 14.180 đồng/lít.

Ngày 19/02, làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. (Theo sggp.org.vn ngày 19/02)

Doanh nghiệp

Giá trị thương hiệu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tăng 64%, từ 381 triệu USD (năm 2018) lên trên 625 triệu USD năm 2019, tăng 68 bậc, lên hạng 242 - thứ hạng cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam và đưa VietinBank trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên, duy nhất lọt vào Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới theo báo cáo xếp hạng năm 2019 của Brand Finance. VietinBank cũng giữ vững vị trí trong Top 20 ngân hàng thế giới thăng hạng mạnh nhất (xếp thứ 8). Chỉ số sức mạnh thương hiệu của VietinBank được Brand Finance đánh giá tăng từ 67 lên 77,33 trong thang điểm 100, xếp hạng thương hiệu tăng từ AA- (năm 2018) lên AA+. (Theo bnews.vn ngày 18/02)

Trong tháng 01/2019, doanh số bán xe ô tô toàn thị trường đạt 33.484 xe, giảm 2% so với tháng 12/2018 và tăng 27% so với tháng 1/2018. Trong đó, doanh số bán xe du lịch đạt 27.396 xe, tăng 14%; xe thương mại đạt 5.755 xe, giảm 41%; xe chuyên dụng đạt 333 xe, giảm 34% so với tháng trước. Theo xuất xứ, doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 18.799 xe, giảm 12%; xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 14.685 xe, tăng 14% so với tháng trước. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA ngày 20/02)

Bộ Công Thương vừa ban hành khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện. Cụ thể, đối với nhà máy nhiệt điện than, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung) áp dụng cho than nhập khẩu công suất tinh 1x600 MW là 1.896,05 đồng/kWh.

Mức trần của nhà máy điện chuẩn có công suất tinh 2x600MW là 1.677,02 đồng/kWh. Đối với nhà máy thủy điện, mức trần của khung giá điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) là 1.110 đồng/kWh. (Theo Thoibaotaichinh.vn ngày 20/02)

Năm 2019, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành thanh tra thuế 7.157 doanh nghiệp, giảm 70 doanh nghiệp so với chỉ tiêu giao năm 2018 (7.227 doanh nghiệp) và kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế 79.941 cuộc, giảm 1.973 cuộc (81.914 cuộc). Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là có số lượng doanh nghiệp thanh kiểm tra thuế lớn nhất.

Riêng Cục Thuế Hà Nội được giao kế hoạch thanh tra 1.331 doanh nghiệp và 15.303 cuộc kiểm tra. Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thanh tra 1.246 doanh nghiệp và có nhiệm vụ kiểm tra 22.422 cuộc. Một số tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương được giao nhiệm vụ kiểm tra trung bình từ trên 1.000 cuộc đến trên 2.800 cuộc. (Tổng cục Thuế ngày 19/02)

Cả nước có hơn 9.600 doanh nghiệp hoạt động gia công, nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Mặc dù về số lượng, các doanh nghiệp này chỉ chiếm tỷ trọng 11,2% (trên tổng số hơn 85.600 doanh nghiệp xuất - nhập khẩu) nhưng về kim ngạch lại chiếm trên 55,28% kim ngạch nhập khẩu và 64,87% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, xuất siêu của Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, tuy nhiên lĩnh vực gia công, sản xuất hàng xuất khẩu xuất siêu 65,35 tỷ USD (xuất 222,24 tỷ USD, nhập khẩu 156,89 tỷ USD). (Báo haiquan.vn ngày 20/02 dẫn thông tin từ Tổng cục Hải quan)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Trong nỗ lực triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trước mắt, Chính phủ sẽ triển khai đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh. Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Giai đoạn này sẽ có gần 5.000 héc-ta đất bị thu hồi, khoảng 3.700 hộ dân phải tái định cư. (Theo saigondautu.com.vn ngày 22/02)

Xuất nhập khẩu

Xuất khẩu gạo đầu năm 2019 đã lao dốc mạnh, làm cho giá lúa, gạo ở thị trường nội địa cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá lúa thường chỉ còn 4.300 đồng/kg, giảm khoảng 300 đồng/kg so với trước Tết. Dù bị thương lái ép giá nhưng nông dân bắt buộc bán lúa vì không có nơi cất trữ. Kết thúc năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 7 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2016 và tăng gần 400.000 tấn so với năm 2017, tuy nhiên, bước sang năm 2019, xuất khẩu gạo đã quay đầu sụt giảm mạnh. (Báo congthuong.vn ngày 18/02 dẫn thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam tại các thị trường truyền thống sẽ tăng nhẹ trong quý I/2019. Philippines có nhu cầu nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam. Thuế nhập khẩu gạo ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ khu vực ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức do các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. (Theo Vov.vn ngày 17/02)

Năm 2019, ngành sản xuất, chế biến tôm đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản đạt mục tiêu 10 tỷ USD và hướng tới mục tiêu đạt 4,5 tỷ USD từ xuất khẩu tôm vào năm 2020. Để đảm bảo mục tiêu này, diện tích nuôi tôm sú được duy trì khoảng 620.000ha, với sản lượng khoảng 330.000 tấn. Sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng dự kiến đạt khoảng 530.000 tấn. Năm 2018, xuất khẩu tôm giảm gần 8%, chỉ đạt 3,55 tỷ USD.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tháng 01/2019 khởi sắc với kim ngạch đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ 2018. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ gấp 4,7 lần tốc độ bình quân chung cả nước. Trong tháng 1, Việt Nam nhập khẩu 1,076 tỷ USD từ thị trường Hoa Kỳ. Như vậy, tháng 1 Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD sang Hoa Kỳ. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 19/02)

Tháng 01/2019, tổng trị giá xuất - nhập khẩu cả nước đạt hơn 43 tỷ USD. Trong đó, trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 22,076 tỷ USD và nhập khẩu đạt 21,26 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại của cả nước thặng dư 816 triệu USD (trước đó Tổng cục Thống kê ước tính cán cân thương mại tháng 1 thâm hụt khoảng 800 triệu USD). Ước tính, nếu tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước tăng bình quân 5% trong năm 2019, đến đầu tháng 12/2019, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt kỷ lục mới 500 tỷ USD. (Tổng cục Hải quan ngày 18/02)

Năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục được duy trì ở mức hai con số và có thể đạt mục tiêu đề ra là 10,5 tỷ USD. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ đạt hơn 8,9 tỷ USD (không tính các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ), tăng 14,5% so với năm 2017. Nguyên liệu cho chế biến gỗ trong nước đã chiếm 75%. Các doanh nghiệp trong nước chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. (Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ngày 21/02)

Trong nửa đầu tháng 2, tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 4,246 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 6,332 tỷ USD, đưa giá trị nhập siêu tăng lên mức 2,086 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 15/02, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 26,319 tỷ USD, nhập khẩu đạt 27,596 tỷ USD tỷ USD, giá trị nhập siêu gần 1,3 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/02)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố số liệu mới nhất cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 01/2019 ước đạt 644 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu cá tra ước đạt 165 triệu USD, giảm 4,4%; tôm các loại ước đạt 260 triệu USD, giảm 2,2%. Đáng chú ý, tại đồng bằng sông Cửu Lon, giá cá tra loại I chững lại ở mức 29.000 - 29.500 đồng/kg. (Theo baohaiquan.vn ngày 21/02)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 23/02 so với ngày 22/02, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,90 - 37,1 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Công ty Doji: 36,97 - 37,09 triệu đồng/lượng, tăng 110 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 23/02, tỷ giá trung tâm là 22.906 VND/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 22/02; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng nhẹ so với ngày 22/02 như sau:

- Vietcombank và Techcombank: 23.165-23.265 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều mua và bán.

- BIDV: 23.160-23.260 VND/USD, tăng 5 đồng ở mỗi chiều.

Tín dụng

Trong tuần 11 - 15/02, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 51.558 tỷ đồng khi có tới 65.354 tỷ đồng OMO đến hạn. Khối lượng OMO lưu hành giảm liên tục từ mức hơn 150 nghìn tỷ đồng về 101 nghìn tỷ đồng. Kênh tín phiếu vẫn không phát sinh giao dịch và duy trì số dư bằng 0. Lãi suất liên ngân hàng giảm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất qua đêm là 4,52%/năm, lãi suất 1 tuần 4,64%. Chênh lệch lãi suất VND -USD có xu hướng thu hẹp nhưng vẫn duy trì ở mức 1,8 - 2%. (Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn ngày 18/02)

Thị trường tài sản

 

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 18/02 - 22/02/2019:

- VN-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 1,34 điểm (+0,14%) lên 988,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 198,34 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 4.589,76 triệu đơn vị/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,7 điểm (+0,66%) lên 106,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 35,39 triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 491,22 triệu đơn vị/ngày.

- Upcom-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,03%) lên 55,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,462 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 258,178 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng 17,76 triệu đơn vị (tuần trước mua ròng 37,63 triệu đơn vị). Tuy nhiên, xét về giá trị, họ vẫn mua ròng 45,24 tỷ đồng, giảm mạnh so với giá trị mua ròng của tuần trước (1.875,89 tỷ đồng).

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 phiên mua ròng và bán ròng duy nhất 1 phiên ngày đầu tuần 18/2. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 8,26 triệu đơn vị, giảm 78,54% so với tuần trước. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 540,47 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 71% so với tuần trước đó (mua ròng 1.867,58 tỷ đồng).

 - HNX: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp với tổng khối lượng 1,98 triệu đơn vị,  tổng giá trị 55,41 tỷ đồng (tuần trước đó đã bán ròng 1,92 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 0,36 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng gần 28 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 550,64 tỷ đồng (tuần trước đó mua ròng 1,09 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 7,95 tỷ đồng).

Bất động sản

Trong năm 2019, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển thêm 8 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn lên 178,25 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người vào cuối năm 2019 lên 19,81 m2/người. Trong năm 2018, thành phố đã phát triển tăng thêm 11,52 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn lên 173,77 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân là 19,75 m2/người. (Theo tinnhanhchungkhoan ngày 20/02)

Việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt được 33% so với mục tiêu phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và cần hơn 12 triệu m2 nhà ở xã hội nữa. Hiện nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 198 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng hơn 81.700 căn hộ, tương đương khoảng 4,1 triệu m2.

Trong đó, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành 98 dự án, có quy mô hơn 40.700 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp có 100 dự án hoàn thành với quy mô hơn 41.000 căn hộ. Nhà ở cho học sinh, sinh viên có 89 dự án nhà hoàn thành, đạt tỷ lệ bình quân 82%. (Theo Bộ Xây dựng ngày 21/02)

Chính sách

Quyết định 146/QĐ-TTg

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với 3 mục tiêu chính là:

Đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế và góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.

Theo đề án, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm: Kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; hoạt động kinh tế bị bỏ sót. Số liệu kinh tế khu vực này sẽ bắt đầu được đo lường chính thức từ năm 2020.

Quyết định có hiệu lực từ ngày có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nhận định

chuyên gia

Ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính tiêu dùng HD Saison (infomoney.vnngày 17/02):

Thị trường tài chính tiêu dùng năm 2019 vẫn theo xu hướng tăng trưởng mạnh. Nhu cầu vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất lớn, do độ thâm nhập của các tổ chức tín dụng chưa cao, nhất là ở vùng nông thôn. Tỷ lệ mua hàng trả góp chỉ khoảng 20 - 25%, nên dư địa còn rất lớn. Nhu cầu mua mới và nâng cấp xe máy, điện thoại, điện máy gia dụng, đồ gỗ nội thất… của người dân sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm nữa, nên đây sẽ vẫn là sản phẩm chủ lực của các công ty tài chính.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (18/02):

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt kết quả tích cực, dự trữ ngoại hối gia tăng mạnh giúp giải tỏa áp lực với tỷ giá, thị trường tiền tệ ổn đinh, lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thậm chí có thể giảm. Tuy vậy, các rủi ro từ diễn biến quốc tế vẫn còn và có thể thay đổi cục diện rất nhanh.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng (21/02):

Sức ép lên VND trong năm 2019 không quá lớn, nhờ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước được củng cố và duy trì ở mức khá. Giá USD nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ trong năm 2019 khi Fed giãn thời gian tăng lãi suất. Ngoài ra, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 sẽ tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá tại Việt Nam.