Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 18-23/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

Báo cáo “Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế thế giới sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?” của PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết, đến năm 2050, GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 20 của thế giới, đạt 3.176 tỷ USD (tính theo ngang giá sức mua).

Dân số tăng 1%/năm, tương đương gần 1 triệu người. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 10%/năm. Do đó, áp lực về năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và tiêu dùng là khá lớn. (Theo ttvn.vn ngày 19/3)

Trong năm 2018, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,8%, cao nhất trong bốn năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 716 nghìn tỷ đồng, tăng 12%, cao nhất từ trước đến nay.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm 2017, trong đó có 6 tỉnh xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre và Đồng Tháp) và nhiều tỉnh khác cũng đang tiệm cận mức tỷ USD. (Theo Vietnamplus.vn ngày 20/3/2019).

Sản xuất công nghiệp

Trong kỳ điều chỉnh ngày 18/3, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã giữ nguyên giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, cụ thể: Giá xăng E5 RON 92 vẫn ở mức 17.210 đồng, RON 95 là 18.540 đồng, dầu diesel 15.850 đồng, dầu hoả 14.880 đồng mỗi lít.

Để ổn định mức giá xăng dầu, mức chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 tăng thêm 801 đồng, lên 2.801 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 811 đồng lên 2.061 đồng/lít; dầu mazut tăng 240 đồng, lên mức 1.640 đồng/lít. (Theo thoibaotaichinh.vn ngày 18/3)

Bộ Công Thương đã điều chỉnh tăng giá điện năm 2019 từ ngày 20/3. So với giá bán điện bình quân hiện hành 1.720,65 đồng/kWh, giá bán lẻ điện bình quân 2019 tăng 8,36%, ở mức 1.864,44 đồng/kWh.

Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm GDP giảm 0,22%, CPI tăng thêm 0,29%. NNnăm 2017, giá điện được điều chỉnh tăng 6,8. (Theo vov.vn ngày 20/3).

Doanh nghiệp

Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2011- 2016 của Chính phủ cho thấy, tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lên tới 12,6 tỷ USD.

Đến hết năm 2016, các DNNN đã giải ngân 7 tỷ USD đầu tư ở nước ngoài (trong đó PVN giải ngân hơn 3,4 tỷ USD) và chỉ có 4/18 DNNN thu hồi được 1,5 tỷ USD, bằng 22% vốn đã giải ngân.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN còn thấp, có 25,5% dự án báo lỗ năm trong 2016; 29% dự án lỗ lũy kế tính đến hết năm 2016; gần một nửa số dự án không có báo cáo về doanh thu - lợi nhuận. Lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam trong năm 2016 chỉ là 145 triệu USD, tương đương 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. (Theo cafef.vn ngày 20/3).

Tổng cầu

 

Đầu tư

Cục Hàng không Việt Nam dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách bằng hàng không tăng trung bình 16%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020 và 8% trong giai đoạn 2020 - 2025.

Tổng thị trường vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 18%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020 và 12%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030. Đây vừa là nhu cầu, vừa là cơ hội đầu tư vào hạ tầng hàng không trong thời gian tới. (Theo baodautu.vn ngày 19/3).

Xuất - nhập khẩu

Tổng cục Hải quan cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 36,11 tỷ USD, tăng 4,2%, tương ứng tăng 1,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD là Hoa Kỳ với trị giá đạt 8,18 tỷ USD, tăng 35,7%; Trung Quốc đạt 4,72 tỷ USD, giảm 16,3%; Hàn Quốc đạt 2,92 tỷ USD, tăng 4,9%; Nhật Bản là 2,94 tỷ USD, tăng 9,1%. 4 thị trường này trên chiếm tới 51,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. (Theo baohaiquan.vn ngày 18/3)

Trong 2 tháng đầu năm 2019, có 5 thị trường xuất khẩu của Việt Nam đạt trị giá trên 1 tỷ USD là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 8,18 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ hai là thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 6,18 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ ba là Trung Quốc với kim ngạch đạt 4,72 tỷ USD, giảm 16,3%. Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường lớn thứ từ và thứ năm, với kim ngạch lần lượt đạt 2,94 tỷ USD và 2,92 tỷ USD, tăng 9,1% và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa từ 7 thị trường nước ngoài, đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu 9,91 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với 7,33 tỷ USD, giảm 0,24 tỷ USD.

Nhập khẩu từ EU, Hoa Kỳ có tốc độ tăng khá cao, lần lượt đạt 2,21 tỷ USD và 1,83 tỷ USD, tương ứng mức tăng 16,8% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường còn lại là ASEAN, Nhật Bản, Đài Loan cũng đều đạt mức tăng trưởng cao hơn năm ngoái, với kim ngạch lần lượt là 4,97 tỷ USD, 2,78 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 18/3)

Tổng cục Hải Quan cho biết, xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 711.759 tấn, tương đương 311,59 triệu USD. Riêng tháng 02/2019, xuất khẩu gạo đạt 274.765 tấn, tương đương 116,62 triệu USD, giảm 37,2% về lượng và giảm 40,3% về kim ngạch so với tháng 01/2019; giảm 19,1% về lượng và giảm 31% về kim ngạch so với tháng 02/2018.

Giá xuất khẩu gạo trong tháng 2/2019 giảm 4,9% so với tháng 1/2019 và giảm 14,6% so với tháng 2/2018, đạt trung bình 424,4 USD/tấn. Tính trung bình cả 2 tháng đầu năm, giá gạo đạt 437,8 USD/tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ. (Theo baocongthuong.vn ngày 19/3)

Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 02/2019 đạt 10,13 tỷ USD, giảm 31,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 2 tháng đầu năm 2019 lên 24,95 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 02/2019 đạt 8,89 tỷ USD, giảm 26,9% so với tháng 1, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 21,19 tỷ USD, tăng 3,7% so với 2 tháng năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 02/2019 thặng dư 1,23 tỷ USD, tổng thặng dư thương mại trong 2 tháng từ đầu năm 2019 lên 3,76 tỷ USD. (Theo enternews.vn ngày 19/3)

Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2011 - 2018, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 2,51 lần, từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD vào năm 2018, đưa thứ hạng xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới từ hạng 50 lên hạng 27.

Số lượng thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD tăng từ 24 thị trường trong năm 2011 (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) lên 31 thị trường trong năm 2018 (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD).

Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường trong năm 2018 đạt tốc độ hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017, sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%, sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%. (Theo vneconomy.vn ngày 20/3)

Tổng cục Hải quan cho biết, 2 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc đạt trị giá hơn 9,909 tỷ USD, tăng 8,2% (tương đương 750 triệu USD) so với cùng kỳ 2018, chiếm tỷ trọng 27,4% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, số lượng nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD chỉ còn 2 nhóm, giảm 1 nhóm (điện thoại và linh kiện) so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, nhóm hàng máy móc thiết bị đạt hơn 2 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD, tương đương 18,5%. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,552 tỷ USD, tăng hơn 500 triệu USD, tương đương tăng 47,7%. (Theo baohaiquan.vn ngày 20/3)

Trong tháng 2 lượng xăng dầu nhập khẩu cả nước đạt 500 nghìn tấn, trị giá 292 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 17,5% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm, cả nước nhập 1,15 triệu tấn, trị giá 655 triệu USD, giảm 47,7% về lượng và giảm 53,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xăng dầu nhập khẩu chủ yếu từ Singapore với 310 nghìn tấn, giảm 19,5%; Malaysia với 315 nghìn tấn, giảm 56,4%; Trung Quốc với 223 nghìn tấn, tăng 4,7%... Việc giảm nhập khẩu xăng dầu là điều tất yếu khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành chính thức từ cuối năm 2018. (Theo baohaiquan.vn ngày 19/3)

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào trong năm 2018 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Lào đạt 97,4 triệu USD, tăng 20,26% so cùng kỳ năm 2018.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải, sản phẩm từ sắt với tỷ trọng 40,84%, trong đó kim ngạch xuất khẩu xăng dầu đạt cao nhất với 12,8 triệu USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Lào, sau Thái Lan và Trung Quốc. (Theo nhandan.com ngày 18/3)

Tổng cục Hải quan cho biết, trong 2 tháng khởi đầu năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 14,63 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc bị giảm trong 2 tháng đầu năm, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc giảm mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đạt 4,72 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 2 tháng đạt hơn 9,9 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017). (Theo baohaiquan.vn ngày 22/3)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng giá và 2 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 23/3 so với ngày 22/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,60 - 36,74 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng mỗi chiều.

- Công ty Doji: 36,64 - 36,74 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 30 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm không thay đổi so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 23/3, tỷ giá trung tâm là 22.957 đồng, không thay đổi so với ngày 22/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm:

- Vietcombank và Techcombank: 23.150 - 23.250 VND/USD, trong đó, Vietcombank giảm 5 đồng mỗi chiều, Techcombank tăng 10 đồng chiều mua vào và giảm 5 đồng chiều bán ra.

- VietinBank: 23.153 - 23.253 đồng, giảm 3 đồng mỗi chiều.

- ACB và Eximbank: 23.160 - 23.240 VND/USD, không thay đổi.

- Sacombank: 23.157 - 23.244 VND/USD, giảm 1 đồng mỗi chiều.

- BIDV: 23.155 - 23.255 VND/USD, không thay đổi.

Thị trường tài sản

 

Trái phiếu

Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 2 của SSI Retail Research cho biết, tổng khối lượng phát hành trái phiếu trong 2 tháng đầu năm 2019 là 55.194 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch phát hành quý I/2019 (73.500 tỷ đồng) và 21,2% kế hoạch dự kiến cả năm 2019. Trong đó khối lượng phát hành tháng 2 là 18.850 tỷ đồng, bằng 52% lượng phát hành tháng 1.

Tỷ lệ trúng thầu đạt gần 100% với 8.250 tỷ đồng cho kỳ hạn 10 năm và 7.400 tỷ đồng cho 15 năm được phát hành trong tháng 2. Tính chung cả 2 tháng, lượng phát hành kỳ hạn 10 năm và 15 năm đã đạt trên 80% kế hoạch quý I/2019, lần lượt là 25.400 tỷ đồng và 21.400 tỷ đồng.

Lãi suất trúng thầu tháng 2 giảm 10 - 17 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 5 - 15 năm, giảm 3 điểm cơ bản ở kỳ hạn 20 năm và 1 điểm cơ bản ở kỳ hạn 30 năm so với phiên đấu thầu gần nhất của tháng 1. Cụ thể, lãi suất trúng thầu của kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm hiện nay lần lượt là 3,63%, 4,05%, 4,7%, 5%, 5,56% và 5,79%/năm.

Tháng 2, lợi tức trái phiếu giảm so với tháng 1 từ 6 – 40 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn giảm mạnh nhất là 1 và 2 năm, về mức 2,86%/năm và 3,15%/năm. Lãi suất kỳ hạn 5 năm hiện ở mức 3,73%/năm, cao hơn lãi suất trúng thầu trên sơ cấp 10 điểm cơ bản trong khi lợi tức các kỳ hạn 7, 10 và 15 năm tương đương sơ cấp, lần lượt là 4,06%, 4,7% và 5,02%/năm.

(Theo thoibaotaichinh.vn ngày 18/3)

Ngày 20/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu là 5.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng) và 20 năm (500 tỷ đồng). Kết quả đã huy động được 200/5.500 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 3,6%.

- Trái phiếu kỳ hạn 20 năm huy động được 200 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,2%/năm, thấp hơn 0,36%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 20/2/2019).

- Trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm không huy động được.

Kể từ đầu năm 2019, Kho bạc Nhà nước huy động được 60.448,5 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua hình thức đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 18 - 22/3/2019:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 15,41 điểm (-1,53%) xuống 988,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 234,84 triệu đơn vị/phiên, tăng 7,62% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 5.634,53 triệu đơn vị/phiên, tăng 12,95% so với tuần trước.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 2,35 điểm (-2,13%) xuống 108,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 52,07 triệu đơn vị/phiên, giảm 5,65% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 733,49 triệu đơn vị/phiên, tăng 14,47% so với tuần trước.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, UPCoM tăng 0,34 điểm (+0,6%) lên 57,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 19,51 triệu đơn vị/ngày, giá trị 321,824 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, khối ngoại mua ròng hơn 35,18 triệu đơn vị; với tổng giá trị mua ròng tương ứng 924,75 tỷ đồng. Trong khi tuần trước, khối ngoại bán ròng 486.160 đơn vị, tổng giá trị bán ròng 119,74 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Khối ngoại đã mua ròng 17,23 triệu đơn vị, giá trị hơn 584,5 tỷ đồng. Trong khi tuần trước, khối ngoại mua ròng 5,03 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị tương ứng lại là bán ròng 40,57 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Khối ngoại mua ròng hơn 20 triệu đơn vị với giá trị mua ròng tương ứng hơn 349 tỷ đồng. Trong khi tuần trước, khối này bán ròng 2,48 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 60,3 tỷ đồng.

- UPCoM: Khối ngoại 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng. Khối ngoại bán ròng hơn 2 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng gần 9 tỷ đồng. Trong khi tuần trước bán ròng 3,04 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 18,87 tỷ đồng.

Bất động sản

Báo cáo mới nhất về lợi suất văn phòng toàn cầu của Công ty Savills cho biết, Hà Nội là thành phố dẫn đầu về lợi suất văn phòng với mức 8,57%. Thành phố Hồ Chí Minh đứng ở vị trí thứ 4 với lợi suất thị trường ở mức 7,36%.

Thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có triển vọng rất khả quan về giá thuê và công suất thuê. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá thuê trung bình tăng 8%/năm và công suất thuê đạt 97%. Tại Hà Nội, giá thuê tăng 3%/năm và công suất thuê ổn định ở mức 95%. (Theo bnews.vn ngày 18/3)