Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 18-23/6/2018

Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín Minh Châu

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Doanh nghiệp

Tổng doanh thu phí bảo hiểm tính đến cuối tháng 5/2018 đạt khoảng 46.765 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu ngành bảo hiểm cả năm 2017 đạt 105.611 tỷ đồng, duy trì mức tăng 21,2%. Trong đó, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 40.561 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 65.050 tỷ đồng, tăng 28,9%.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt khoảng 12.647 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2017). Giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế đến cuối tháng 5/2018 đạt khoảng 270.123 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung vào các tài sản có tính an toàn cao.

(Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ngày 17/6)

Theo số liệu kiểm toán từ ngày 01/2018 - 10/6/2018, tổng số kiến nghị xử lý tài chính gần 7.004 tỷ đồng.

Trong đó tăng thu ngân sách nhà nước các khoản thu từ thuế và thu khác hơn 75 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước hơn 232 tỷ đồng; xử lý tài chính khác hơn 742 tỷ đồng; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền hơn 5.954 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị các địa phương, đơn vị được kiểm toán khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, điều hành ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước.

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước khu vực 1 tiếp tục thực hiện 8 cuộc kiểm toán. (Theo Kiểm toán Nhà nước khu vực 1 ngày 15/6)

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã thông qua kế hoạch hoạt động trong năm 2018 với mục tiêu đạt doanh số mua nợ, tài sản 3.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2015.

Trong năm 2018, DATC sẽ tái cơ cấu nợ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty cổ phần Thực phẩm miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và một số tập đoàn và tổng công ty khác. (Theo DATC ngày 19/6)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 751/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo đó, Vinalines sẽ được cổ phần hóa theo hình thức kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của Vinalines sau khi cổ phần hóa là 14.046 tỷ đồng. Tổng số cổ phần Vinalines là 1.404.605.800 cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ 912.993.770 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2.293.900 cổ phần, chiếm 0,16% vốn điều lệ.

Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207.280.921.160 cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai là 280.921.160 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu của Vinalines là 10.000 đồng/cổ phần. (Theo Vietnam Finance ngày 21/6)

Thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, trong các năm 2016 - 2017, doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký.

Năm 2016, cả nước có hơn 110 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng. Năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 127 nghìn doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là gần 1,3 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và thế giới. Trong khu vực, có quốc gia 2 triệu dân nhưng có đến 260 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Tại Việt Nam, 1 nghìn dân mới chỉ có 7 doanh nghiệp. (Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư ngày 22/6)

Tổng cầu

Xuất nhập khẩu

Tính đến cuối tháng 5/2018, ngành điều đã xuất khẩu được 141.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD, tăng 24% về sản lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Dự báo trong năm 2019, ngành điều Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn nông dân sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, ngành này sẽ tăng cường chất lượng và truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, phát triển mạnh thị trường nội địa, đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc 4 tỷ USD. (Theo Hiệp hội Điều Việt Nam ngày 18/6)

Trong tháng 5/2018, cả nước nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn thép, nâng lượng thép nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm lên gần 5,7 triệu tấn. Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm 2018, các thành viên Hiệp hội đã sản xuất gần 5 triệu tấn và tiêu thụ khoảng 5,2 triệu tấn thép thô. Thép thành phẩm các loại đạt gần 9,7 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ 2017 và tăng 41,7% so với cùng kỳ 2016.

Lượng bán hàng của các thành viên đạt gần 6,7 triệu tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 38,8% so với 4 tháng năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn, tăng 47,7% so với cùng kỳ 2017. (Theo Bộ Công Thương và Hiệp hội thép Việt Nam - VSA ngày 19/6)

Trong tháng 5/2018, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 1,26 triệu tấn, trị giá 873 triệu USD, tăng 28,7% về lượng và 38,3% về trị giá so với tháng 4/2018. Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại trong 5 tháng đầu năm đạt gần 5,7 triệu tấn, trị giá 3,71 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 38,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Xăng dầu các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 5 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Malaysia với 1,74 triệu tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 76,4% về lượng và 132,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; từ Hàn Quốc 1,4 triệu tấn, trị giá 996 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và 31,1% về trị giá; từ Singapore 1,3 triệu tấn, trị giá 786 triệu USD, giảm 40% về lượng và 24,7% về trị giá. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 18/6)

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 4,46 tỷ USD, tăng 43,83% so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 2,75 tỷ USD, tăng gấp đôi và nhập khẩu từ Ấn Độ 1,71 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, có 8 ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đạt trên 100%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng trưởng 526,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 937,93 tỷ USD và trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ấn Độ. (Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ ngày 20/6)

Trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc với 11,57 tỷ USD, giảm 11,4%. Năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc 31,9 tỷ USD, cao gấp 2 lần tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2016.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất - nhập khẩu với Hàn Quốc trong năm 2017 là hơn 19.000 doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi so với năm 2013 (10.900 doanh nghiệp). (Theo Tổng cục Hải quan ngày 18/6)

Hoa Kỳ là khách hàng chính của hạt điều Việt Nam, chiếm tới 36,4% thị phần điều xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu điều Việt Nam do giá thấp.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2018, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 41.392 tấn điều, tăng 5% về lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng điều nhập khẩu từ Việt Nam tăng tới 30,3% về lượng, nhờ vậy thị phần của hạt điều Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng từ 65,5% trong 4 tháng đầu năm 2017 lên 81,3%. (Theo báo Thanh niên ngày 22/6)

Cân đối vĩ mô

Lao động

Tính đến nay, có khoảng 500 nghìn người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài và có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2017 đã có hơn 134 nghìn người đi làm việc ở nhiều nước khác nhau. Tổng số tiền các lao động ở nước ngoài gửi về Việt Nam hằng năm khoảng 3 tỷ USD, tương đương hơn 76 nghìn tỷ đồng. (Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 20/6)

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 782.000 người, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, khoảng 725.000 người có việc làm mới trong nước, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2017; khoảng 57.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 18,3%.

Các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức được 560 phiên giao dịch việc làm. Số lao động tham gia trong một phiên giao dịch khoảng 400 - 450 người, trong đó khoảng 200 - 230 lao động được sơ tuyển. (Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 21/6)

Lãi suất

Trong tuần (10 - 14/6), lãi suất liên ngân hàng trung bình có xu hướng giảm đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm ở mức 0,17 - 0,22%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,22% về 1,44%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,22% về 1,55%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,17% về 1,67%/năm. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 19/6)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 1 ngày không đổi. Trong ngày giao dịch 23/6 so với ngày 22/6, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,80 - 36,90 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 10 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Công ty Vàng bạc đá quý Minh Châu: 36,81 - 36,89 triệu đồng/lượng, tăng 90 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 25 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng, 1 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi. Trong ngày giao dịch 23/6, tỷ giá trung tâm là 22.620 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 22/6; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại như sau:

- Vietcombank và BIDV: 22.830 - 22.900 VND/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 22.810 - 22.910 VND/USD, giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra.

Tín dụng

Trong tuần (10 - 14/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành 27.400 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày, trong khi đó lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 8.400 tỷ đồng.

Như vậy, tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng 19.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Điều này cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang dư thừa hơn so với các tuần trước đó. (Theo BVSC ngày 19/6)

Thị trường tài sản

Chứng khoán

Trong tuần (10 - 14/6), tổng giá trị giao dịch outright đạt 22.670 tỷ đồng, giảm 18,33% so với tuần trước đó. Tỷ trọng loại trái phiếu với kỳ hạn còn lại từ 1 - 3 năm chiếm 35,1% tổng giá trị giao dịch, tương đương 7.960,77 tỷ đồng; tỷ trọng loại trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm chiếm 7,2%; kỳ hạn còn lại 3 - 5 năm chiếm 10,3%; kỳ hạn còn lại 5 - 10 năm chiếm 33,2% và kỳ hạn còn lại 10 - 30 năm chiếm 14,2% tổng giá trị giao dịch.

Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch repos tuần qua giảm 24,3% so với tuần trước đó, về mức 13.344 tỷ đồng. (Theo BVSC ngày 19/6)

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 19/6/2018, với tổng số 896 mã chứng khoán giao dịch tập trung tại hai sở giao dịch chứng khoán, có tới 505 mã cổ phiếu có chỉ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách; căn cứ theo giá giao dịch kết thúc phiên ngày 19/6/2018 và giá trị sổ sách hạch toán trên báo cáo tài chính công bố gần nhất) nhỏ hơn 1, tương đương tỷ lệ 56,36% mã chứng khoán có giá thấp hơn giá trị sổ sách.

Trong nhóm này, có 5 mã có thị giá nhỏ hơn 10% giá trị sổ sách; 16 mã có thị giá trong khoảng từ 10 - 20% giá trị sổ sách. Nguyên nhân là do khả năng sinh lời của cổ phiếu, niềm tin của nhà đầu tư với ban lãnh đạo doanh nghiệp, báo cáo tài chính của doanh nghiệp “có vấn đề”… (Theo Công ty Chứng khoán Tân Việt - TVSI ngày 22/6)

Trái phiếu

Trong tháng 5/2018, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 5 phiên đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), huy động được 11.178 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 31/5, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 20 phiên đấu thầu qua HNX, huy động được 57.641 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm. So với cuối năm 2017, lãi suất TPCP giảm từ 0,68% đến 1,52% đối với tất cả các kỳ hạn. (Theo Bộ Tài chính ngày 16/6)

Ngày 20/6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng), 20 năm (500 tỷ đồng) và 30 năm (500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 100 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3,1%/năm, cao hơn 0,1%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 23/5).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.800 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,35%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 13/6). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,35%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.200 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,68%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 13/6). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,68%/năm.

- Kỳ hạn 7 năm, 20 năm, 30 năm: Không trúng thầu.

Từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 70.181 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong trường hợp Argentina và Kuwait được nâng hạng, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục thị trường cận biên MSCI 100 Index sẽ tăng mạnh từ 17,72% lên 28,37%; số lượng cổ phiếu theo đó cũng tăng từ 17 lên 30.

Trong đó, VNM là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 6,21%. Các cổ phiếu khác của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục thị trường cận biên MSCI 100 Index là VIC (5,07%), MSN (2,68%). (Theo kết quả phân loại định kỳ các thị trường chứng khoán trên thế giới của MSCI công bố ngày 21/6)

Ngày 22/6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách 100 cổ phiếu cảnh báo nhà đầu tư, trong đó có 84 mã cổ phiếu bị hạn chế giao dịch; 9 mã bị đình chỉ giao dịch và 7mã có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

Trong số 84 mã cổ phiếu bị hạn chế giao dịch có những tên tuổi lớn như CTCP Tư vấn xây dựng điện 1, CTCP Lilama 45.4, CTCP BETON 6, CTCP Dược phẩm Trung ương 2, CTCP Giầy Thượng Đình… 9 mã bị đình chỉ giao dịch gồm CTCP Nhựa Tân Hóa, CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á, CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico, Công ty cổ phần Đầu tư Khoáng Sản Tây Bắc, CTCP Luyện Kim Phú Thịnh, CTCP Tập đoàn Quốc Tế FBA, CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang.

7 mã có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng gồm CTCP Xây dựng và Phát triển Cơ sở hạ tầng, CTCP Đường bộ Hải Phòng, CTCP Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa sinh, CTCP Licogi Quảng Ngãi, CTCP Sông Đà 19, CTCP Vận tải biển Vinaship, CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam.

Trong tuần từ 18/6 - 22/6/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 13,77 điểm (1,42%) lên 983,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 164,95 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.411,96 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,82 điểm (1,65%) lên 111,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 40,11 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 625,2 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,02 điểm (0,03%) lên 51,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 16,02 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 233,17 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19,63 triệu đơn vị, trị giá 593,5 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 15 triệu đơn vị, trị giá 503 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 63 triệu đơn vị, trị giá 1.573 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,63 triệu đơn vị, trị giá 84 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 7 triệu đơn vị, trị giá 124 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 3 triệu đơn vị, trị giá 6,5 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 2 triệu đơn vị, trị giá 3 tỷ đồng).

Chính sách

Nghị định số 72/2018/NĐ-CP

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, mức lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng bắt đầu từ ngày 01/7/2018.

Mức lương cơ sở mới này sẽ dùng làm căn cứ:

- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ;

- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 và thay thế Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017.