Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 19-24/3/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Sản xuất công nghiệp

Trong 2 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đạt 4.477 triệu kWh, tăng 10,09% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng bình quân đạt 150,1 triệu kWh/ngày. Bên cạnh đó, sản lượng điện tiết kiệm cũng tăng nhanh với 107 triệu kWh, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong năm 2018, kế hoạch đầu tư của EVN SPC được giao là 8.300 tỷ đồng, bao gồm hoàn thành 2 công trình lưới điện 220 kV và 83 công trình lưới điện 110 kV với tổng khối lượng là 1,04 km đường dây mới 220 kV, 555 km đường dây 110 kV xây dựng mới, 957 km đường dây 110 kV cải tạo, tổng công suất trạm 220 kV là 500 MVA và tổng công suất trạm 110 kV là 1.496 MVA. (Theo EVN SPC ngày 15/3)

Doanh nghiệp

Ngày 22/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Trong bảng xếp hạng PCI 2017, tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7/100 điểm.

Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2017 lần lượt gồm: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Bến Tre (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm).

Báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

(Theo VCCI ngày 22/3)

Theo kết quả nghiên cứu 1.765 doanh nghiệp FDI từ 21 tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp FDI đang hoạt động nhiều nhất tại Việt Nam do VCCI công bố ngày 22/3, năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi giảm xuống 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, số doanh nghiệp báo lỗ cũng đạt kỷ lục mới với 37,9%.

Tổng cầu

Đầu tư

Các nhà đầu tư Hồng Kông hiện rất quan tâm tới cung cấp dịch vụ hạ tầng cho Việt Nam. Hồng Kông đang có 1.265 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 17,7 tỷ USD.

Đồng thời, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động của ASEAN, có thể tận dụng lợi thế từ Hồng Kông, với vai trò là trung tâm tài chính của thế giới và trạm trung chuyển của các dòng lưu thông hàng hóa, dịch vụ sang Trung Quốc đại lục và các quốc gia khác.

Ngược lại, thông qua cửa ngõ Việt Nam, hàng hóa và dịch vụ từ Hồng Kông có thể thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ hai của Hồng Kông, chỉ sau Trung Quốc đại lục. (Theo Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông ngày 21/3)

Xuất nhập khẩu

Trong 15 ngày đầu tháng 3/2018 có 2.408 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam với trị giá kim ngạch nhập khẩu 55.120.000 USD. Trong đó, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tuần đầu tháng 3/2018 là 2.020 chiếc, trị giá 44.420.000 USD; tuần thứ 2 là 388 chiếc, trị giá gần 10.700.000 USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/3)

Tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong năm 2017 đạt 49,53 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 21,51 tỷ USD, tăng 23,9% (4,15 tỷ USD) so với năm 2016 và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, do trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng tăng cao như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 948 triệu USD, sắt thép các loại tăng 722 triệu USD, máy vi tính cùng sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 488 triệu USD…

- Tổng trị giá hàng hóa các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN là 28,02 tỷ USD, tăng 16,4% và chiếm 13,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, chủ yếu do nhập khẩu một số nhóm hàng chủ lực tăng cao như: Xăng, dầu các loại tăng 873 triệu USD, hàng rau quả tăng 464 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 313 triệu USD…

Trong năm 2017, thâm hụt cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với 6,51 tỷ USD (giảm so với mức thâm hụt 6,7 tỷ USD trong năm 2016), bằng 30,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/3)

Trong năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,3 tỷ USD thủy sản các loại, tăng 18% so với năm 2016, do nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đầu vào để chế biến xuất khẩu tăng cao, chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu 1,44 tỷ USD của mặt hàng này. Thủy sản là nhóm hàng đứng thứ 6 trong số các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2017.

Liên minh châu Âu đã vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá 1,46 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016. Trong 2 tháng đầu năm 2018, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2017; nhập khẩu thủy sản đạt 272 triệu USD, tăng 33,9%. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/3)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng giá, 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 24/3, so với ngày 23/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,84 - 37,06 triệu đồng/lượng, giảm 230 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 250 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji và PNJ: 36,91 - 36,98 triệu đồng/lượng, giảm 220 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 210 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng, 2 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 24/3, tỷ giá trung tâm là 22.455 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 23/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 08/3 như sau:

- Vietcombank: 22.750 - 22.820 VND/USD, không thay đổi.

- BIDV: 22.735 - 22.815 VND/USD, giảm 10 đồng.

- Viettinbank: 22.751 - 22.831 VND/USD, tăng 10 đồng.

Thị trường tài sản

Cổ phiếu

Trong tuần từ 19/3 - 23/3/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 18,77 điểm (-1,6%) xuống 1.153,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt243,79 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 7.099,87 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 2,17 điểm (-1,62%) xuống 131,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt74,29triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 1.363,14 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,48 điểm (-0,8%) xuống 59,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt22,51triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 508,7 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,27 triệu đơn vị, trị giá 163,9 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 phiên bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 19,31 triệu đơn vị, trị giá 342 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng hơn 12,65 triệu đơn vị, trị giá 453,14 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 4 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,33 triệu đơn vị, trị giá 70,46 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 808.110 đơn vị, trị giá 23,83 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 3,71 triệu đơn vị, trị giá 107,64 tỷ đồng.

Bất động sản

Thị trường nhà ở Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Với dân số trẻ, năng động và tốc độ đô thị hóa khoảng 3%/năm, Việt Nam hiện có nhu cầu rất lớn về nhà ở, đặc biệt tại những khu đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018 được dự báo tăng trưởng tích cực với số căn được bán mới tăng thêm hơn 37 nghìn căn; doanh số bán hàng của thị trường Hà Nội đạt ngưỡng 28 nghìn căn. (Theo Tập đoàn bất động sản quốc tế CBRE ngày 19/3)

Hãng Tư vấn bất động sản JLL đã công bố báo cáo Chỉ số tăng trưởng thành phố (CMI) lần thứ 5 về những thành phố năng động nhất thế giới, nhằm xác định những thành phố có các thuộc tính thành công trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong đó, Việt Nam có hai thành phố vào nhóm 10 trong bảng xếp hạng CMI, gồm thành phố Hồ Chí Minh (thứ 3) và Hà Nội (thứ 6), nhờ nỗ lực của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng và các chiến dịch thu hút đầu tư.

CMI được nghiên cứu tại 131 thành phố và được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm dân số, sự hiện diện của các trụ sở chính các doanh nghiệp, tình hình xây dựng bất động sản thương mại và giá thuê… (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 15/3)

Theo Báo cáo Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018 được Công ty nghiên cứu thị trường và đầu tư bất động sản CBRE công bố ngày 21/3, các nhà đầu tư Việt Nam chủ yếu hoạt động tích cực trên thị trường với vai trò là người bán, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài lại tìm kiếm các cơ hội để mua. Tính đến nay, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản là những quốc gia đứng đầu về nắm giữ tài sản bất động sản ở Việt Nam.

Dự báo sự thiếu hụt về nguồn cung trong thời gian tới sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các tập đoàn trong nước để đầu tư xây dựng dự án mới. Đồng thời, các quỹ đầu tư bất động sản sẽ tiếp tục tìm kiếm mua lại cổ phần của các chủ đầu tư lớn trong nước.

(Theo CBRE ngày 21/3)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Hàn Quốc

- Ngày 21/3, Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) của Hàn Quốc ra thông cáo cho biết, Chủ tịch FSC Choi Jong-ku sẽ thực hiện chuyến thăm Việt Nam trong bốn ngày, bắt đầu từ ngày 21/3, để bàn biện pháp tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực tài chính. Trong đó sẽ ký kết một thỏa thuận sơ bộ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tài chính, cũng như đề nghị Việt Nam ủng hộ hơn nữa các công ty tài chính của Hàn Quốc kinh doanh tại Việt Nam.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với số vốn lũy kế tính đến hết năm 2017 đạt gần 58 tỷ USD, đối tác lớn thứ hai trong lĩnh vực thương mại (năm 2017 đạt hơn 61 tỷ USD), du lịch (năm 2017 có hơn 2,4 triệu lượt khách Hàn Quốc sang Việt Nam), viện trợ phát triển chính thức và lao động.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) và Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc (NACF):

Ngày 22/3, VCA và NACF tổ chức ký thỏa thuận hợp tác, nhằm hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) nói riêng cũng như giúp phát triển lĩnh vực nông nghiệp, tăng thu nhập của nông dân ở hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc nói chung.

Thỏa thuận hợp tác này sẽ thúc đẩy hợp tác sâu, rộng, thực chất và có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực giữa VCA và NACF; phát hiện những cơ hội hợp tác kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính như hoạt động ngân hàng, bảo hiểm và cho thuê, cũng như khởi sự một công ty tài chính vi mô chung sau khi đã được thảo luận kỹ càng.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 20.100 HTX, 80.340 tổ hợp tác, 59 liên hiệp HTX; trong đó 12.000 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, 8.000 HTX hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và tiền tệ; thu hút 5,7 triệu thành viên và tạo việc làm cho 2,4 triệu người lao động.

Kinh tế hợp tác nói chung và HTX nói riêng đang có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, an sinh xã hội của người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Chính sách

Nghị định số 39/2018/NĐ-CP

Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009.

Nghị định quy định chi tiết các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng lĩnh vực. Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm:

- Doanh nghiệp siêu nhỏ: Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ (trước đây không phân loại dựa vào vốn).

- Doanh nghiệp nhỏ: Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ (trước đây là 10 tỷ trở xuống).

- Doanh nghiệp vừa: Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/3/2018.