Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 20-25/11/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Sau khi trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu bắt đầu từ 15h ngày 20/11. Theo đó, giá xăng RON 92 tăng 434 đồng/lít; xăng E5 tăng 385 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 408 đồng/lít; dầu hỏa tăng 419 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 473 đồng/kg.

Như vậy, giá trần bán xăng RON 92 là 18.580 đồng/lít; xăng E5 là 18.243 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 15.019 đồng/lít; dầu hỏa là 13.617 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 12.382 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu đã trải qua 21 kỳ điều chỉnh, trong đó có 9 kỳ tăng giá, 9 đợt giảm giá và 3 kỳ giữ nguyên mức giá. (Theo báo Nhân dân ngày 20/11)

Doanh nghiệp

The Asian Banker vừa công bố danh sách 500 ngân hàng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương kinh doanh hiệu quả, trong đó Việt Nam có 15 ngân hàng thương mại được lọt vào danh sách này.

Có hai bảng xếp hạng được thực hiện với hai tiêu chí được sử dụng: (i) Danh sách 500 ngân hàng hàng đầu trong khu vực theo quy mô tài sản (AB500 Rank); (ii) Xếp loại 500 ngân hàng dựa trên niềm tin về khả năng sinh lời lâu dài từ kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng (Strength Rank) hay các ngân hàng mạnh nhất khu vực.

Vietcombank tuy xếp hạng thứ 188 về quy mô tài sản nhưng lại được đánh giá khá cao về khả năng sinh lời khi xếp thứ 48 về Strength Rank, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong danh sách Asian Bank 500.

Trong khi VietinBank và BIDV xếp hạng 124 và 161 (Strength Rank); 163 và 157 (AB500 Rank). Trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh, Techcombank là ngân hàng được đánh giá mạnh nhất về khả năng sinh lời tại Việt Nam, tiếp đó là MBBank, LienVietPostBank, ACB, VPBank, TPBank...

(Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 21/11)

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo sẽ bán đấu giá toàn bộ phần vốn góp hơn 2 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa với mức giá khởi điểm 10.600 đồng/cổ phần vào ngày 07/12/2017 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

SCIC là cổ đông lớn nhất của Cảng Thanh Hóa, hai tổ chức khác nắm giữ tổng cộng hơn 40% cổ phần là Công ty Hóa dầu Quân đội và Công ty Thương mại Xăng đầu Xuân Hương, bên cạnh đó còn có một cá nhân nắm giữ hơn 7% vốn cổ phần. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 22/11)

Sau 10 năm, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh khi có tổng doanh thu hơn 67,7 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng gần 30%/năm. Việc phổ cập CNTT đến người dân đạt kết quả ấn tượng. Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới.

Ngành CNTT đã trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo cho nhu cầu ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. (Theo Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 23/11)

Tổng cầu

Đầu tư

Sáng ngày 22/11, với 408/449 số đại biểu tán thành (chiếm 83,1%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Địa điểm xây dựng từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án dự kiến được thực từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021. (Theo Báo Nhân dân ngày 22/11)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với mục tiêu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ đồng nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đào tạo trong mô hình; 45 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác công tư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; 25 tỷ đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất của các đơn vị và 5 tỷ đồng cho các hoạt động khác).

Ngân sách từ các doanh nghiệp, nông dân, vốn vay tín dụng là 60 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 200 - 300 nghìn héc-ta cà phê chất lượng cao tại các vùng nguyên liệu hàng hóa; 20 tỷ đồng hỗ trợ hệ thống sấy, kho bảo quản, chế biến; 10 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường).

Đề án được thực hiện trong giai đoạn năm 2018 - 2023, tầm nhìn đến năm 2030.

(Theo Báo Chính phủ ngày 21/11)

Ngân sách nhà nước

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với tỷ lệ 89,21% vào sáng ngày 23/11/2017. Theo đó, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) không đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công...

Luật bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật...

Luật bổ sung quy định tổ chức tín dụng được lựa chọn là cơ quan cho vay lại phải đáp ứng điều kiện: Phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12.

(Theo Báo Nhân dân ngày 23/11)

Bộ Tài chính ước tính, với 10 hiệp định tự do thương mại song và đa phương (FTA) thế hệ mới, trong đó có những cơ chế tự do thương mại, xóa bỏ hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng thông thường, hàng nhạy cảm cao, Việt Nam có thể thất thu ngân sách hơn 110.000 tỷ đồng trong 3 năm tới; trong đó, năm 2018 là 30.150 tỷ đồng, năm 2019 là 36.340 tỷ đồng và năm 2020 là 43.965 tỷ đồng. (Theo Báo Dân trí ngày 23/11)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 10/2017:

- Nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 1,05 triệu tấn, trị giá 604,4 triệu USD tăng 16% về lượng và tăng 20,3% về giá trị so với tháng 9/2017. Tính chung trong 10 tháng, cả nước nhập khẩu 10,55 triệu tấn xăng dầu tương đương 5,6 tỷ USD; lượng và giá trị tăng lần lượt 10,4% và 41,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 10 bình quân đạt 573,08 USD/tấn, tăng 3,7% so với mức giá trung bình trong tháng 9. Tính chung trong 10 tháng, giá xăng dầu các loại đạt 533,3 USD/tấn và tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Các thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam trong 10 tháng năm 2017 chủ yếu là Singapore với 3,71 triệu tấn, giá trị 1,82 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và tăng 30,8% về giá trị; Hàn Quốc đứng thứ 2 với 2,41 triệu tấn, giá trị 1,49 tỷ USD, tăng 81,1% về lượng và tăng 113,3% về giá trị; thứ 3 là Malaysia với 2,1 triệu tấn, giảm 20,1% về lượng và giảm 3,8% về giá trị.

- Xuất khẩu 156.782 tấn, giá trị 83,3 triệu USD tăng 10,7% về lượng và tăng 13,5% về giá trị. Tính chung trong 10 tháng, cả nước xuất khẩu 1,66 triệu tấn, thu về 837,9 triệu USD, giảm 0,6% về lượng nhưng tăng 26,2% về giá trị.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/11)

- Trong kỳ 1 tháng 11/2017 (01 - 15/11), Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 đạt 728,118 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng lên 7,565 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 vượt mức dự báo 7,4 tỷ USD của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) và có khả năng vượt mức dự báo 8 tỷ USD của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Theo Vasep ngày 22/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

- Tính đến hết ngày 15/11/2017, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 365,48 tỷ USD, tăng 21,4% (khoảng 64,37 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 11/2017 (01 - 15/11) thâm hụt 346 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước cùng thời gian này đạt thặng dư 2,24 tỷ USD. (Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan ngày 22/11)

Thống kê của Tổng cục Hải quan trong 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 378.164 tấn thép, trị giá 302,9 triệu USD, chủ yếu là thép mạ crôm (HS 7210 6111) đạt 93 triệu USD, chiếm 31% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc hoặc lượng nhập ít, không đủ để xuất khẩu. (Theo Bộ Công Thương ngày 22/11)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 6,21 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo trong 2 tháng cuối năm xuất khẩu gỗ tăng mạnh hơn, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016.

Các thị trường chính nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam là Hoa Kỳ với 2,66 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016; Trung Quốc 873 triệu USD, tăng 8,9%; Nhật Bản 850 triệu USD, tăng 5,9%…

(Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh - HAWA ngày 23/11)

Ông Nguyễn Trác Toàn - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 196 dự án tại Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,94 tỷ USD, là 1 trong 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Campuchia.

Hiện Campuchia có 18 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 58 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 31,5 % so cùng kỳ năm 2016. Dự kiến cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD. (Theo Đại diện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia ngày 20/11)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng, 2 ngày giảm và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 25/11, so với ngày 24/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,40 - 36,62 triệu đồng/lượng, không thay đổi.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,46 - 36,52 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,45 - 36,53 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 10 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 8 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng, 2 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 25/11, tỷ giá trung tâm là 22.430 NVD/USD không thay đổi so với ngày 24/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không thay đổi so với ngày 25/11 như sau: Vietcombank, Vietinbank và BIDV: 22.690 - 22.760 VND/USD, không thay đổi.

Tín dụng

Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 còn khoảng 566 nghìn tỷ đồng, giảm so với 600 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 9/2017 ở mức 8,61%, giảm so với cuối năm 2016 là 10,08%; nợ xấu nội bảng ở mức 2,34%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 7 tỷ USD, đưa tổng dự trữ ngoại hối đạt 46 tỷ USD.

Thị trường ngoại hối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, giữ được sự ổn định tỷ giá là yếu tố then chốt trong việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài) và điều hành của Chính phủ, qua đó thu hút được các nguồn vốn đầu tư. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 17/11)

Thị trường tài sản

Cổ phiếu

Trong tuần từ 20 - 24/11/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 5 phiên tăng điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 1,87 điểm (0,2%) lên 935,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt213,07 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 6.115,89 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiển giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,65 điểm (0,59) lên 110,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt55,97triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 748,07 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%) xuống 54,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt12,43triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 214,83 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2,65 triệu đơn vị, tuy nhiên xét về giá trị họ bán ròng 49,55 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là VJC với khối lượng 1,23 triệu đơn vị, trị giá 154,36 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là VIC với khối lượng 2,76 triệu cổ phiếu, trị giá 215 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại đã bán ròng 2,19 triệu đơn vị (tăng 29,59% so với tuần trước), trị giá 165,46 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 472,03 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 phiên bán ròng và 1 phiên mua ròng duy nhất vào ngày 23/11. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,83 triệu đơn vị (trong khi tuần trước mua ròng 1,58 triệu đơn vị), trị giá 48,98 tỷ đồng (tăng gấp 4,4 lần so với tuần trước).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 6,67 triệu đơn vị, trị giá 164,89 tỷ đồng, tăng 7,14% về lượng nhưng giảm 39,39% về giá trị so với tuần trước.

Nhận định

chuyên gia

Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 22/11, chuyên gia phân tích Grant Govertse của Hãng Tư vấn Union Gaming Securities Asia (Macau):

Một trong những chính sách được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn gió mới cho ngành du lịch Việt Nam, thúc đẩy dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường nhiều hơn là việc thí điểm cho phép người Việt được tham gia đánh bạc tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng có kinh doanh casino. Nếu triển khai 30 sòng casino, Việt Nam có thể đạt doanh thu 1,2 tỷ USD.

Đàm phán - Ký kết

Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) và Deutsche Bank (Đức):

Theo Báo Thanh niên ngày 23/11, FE CREDIT đã tiếp nhận khoản vay vốn có đảm bảo trị giá 100 triệu USD của Deutsche Bank) vào ngày 23/11/2017. Đây là khoản cho vay lớn nhất của Deutsche Bank trong ngành tài chính tiêu dùng từ trước đến nay.

Khoản vay này sẽ gia tăng tiềm lực tài chính cho FE CREDIT, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cho người dân. FE CREDIT hiện cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng như cho vay tiền mặt, vay mua xe, vay mua thiết bị điện máy... cho gần 7 triệu khách hàng, hợp tác với 5.500 đối tác với 9.000 điểm bán hàng trên cả nước.

Chính sách

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Sáng ngày 23/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với tỷ lệ 89,21%. Theo đó, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) không đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công... Luật bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật...

Luật bổ sung quy định tổ chức tín dụng được lựa chọn là cơ quan cho vay lại phải đáp ứng điều kiện: Phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12.

(Theo Báo Nhân dân ngày 23/11)

Nghị quyết số 121/NQ-CP:

Ngày 22/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP quy định về việc xử lý vướng mắc trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Để hoàn thành tiến độ cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, trong thời gian Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần chưa có hiệu lực thi hành, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được thực hiện như sau: Các doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa trước ngày 01/01/2018 và các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2017 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017, thì được tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, nhưng phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 22/11/2017.

Thông tư số 114/2017TT-BTC

Ngày 24/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 114/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Biểu mức thu phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 277/2016/TT-BTC.

Từ ngày 11/12/2017 phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm chỉ còn 1.600.000 đồng/hồ sơ (thay vì mức phí 1.800.000 đồng như quy định hiện hành).

Đồng thời, bãi bỏ các phí thẩm định tại điểm 4 phần I và điểm 12 phần II Biểu mức thu phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 277/2016/TT-BTC, bao gồm: Phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền; phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12/2017.

Quyết định số 1782/QĐ-TTg

Ngày 12/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1782/QĐ-TTg về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu.

Trong đó, điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư di dân, tái định cư từ hơn 4.500 tỷ đồng lên hơn 5.400 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay, thuế VAT). Phần vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư là hơn 2.400 tỷ đồng, phần vốn do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư là 3.000 tỷ đồng (tăng gần 669 tỷ đồng so Quy hoạch tổng thể đã phê duyệt).

Tổng số hộ dân phải di chuyển, tái định cư là 2.009 hộ/8.467 khẩu. Ngoài ra điều chỉnh, bổ sung phương án tái định cư, tập trung 8 khu, 17 điểm cho 1.833 hộ/7.812 khẩu; tái định cư xen ghép 6 hộ/40 khẩu; tái định cư tự nguyện 3 điểm, 170 hộ/615 khẩu…

Quyết định có hiệu lực từ ngày 12/11/2017.

Quyết định số 126/2017NĐ-CP

Ngày 16/11, Chính phủ ban hành Quyết định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

- Các đối tượng trong Nghị định thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ hai điều kiện: (i) Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ; (ii) Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ; còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

- 3 hình thức cổ phần hóa gồm: (i) Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; (ii) Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; (iii) Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.