Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 20-25/8/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong vài năm tới và hỗ trợ nợ chính phủ ở mức ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam sẽ đạt 6,4% trong giai đoạn 2018 - 2022, cao gần 2 lần mức tăng trưởng trung bình 3,5% của một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba3 (như Việt Nam hiện nay).

Mức tăng trưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sức cạnh tranh gia tăng, các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh của Việt Nam.

Tuy vậy, những rủi ro trong hệ thống ngân hàng, tình trạng dễ biến động phá vỡ chu kỳ ổn định của thị trường tài chính vẫn là một rào cản đối với việc lan tỏa sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. (Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ngày 21/8)

Sản xuất công nghiệp

Tính đến 15h ngày 22/8, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn 2.300 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với kỳ công bố ngày 07/8.

Trước đó, theo quyết định của liên bộ Công Thương - Tài chính, xăng E5 RON92, RON95-III được giữ ổn định giá, trong khi dầu diesel 0,05S tăng 148 đồng/lít, dầu hỏa giảm 116 đồng/lít và dầu mazút 3,5S giảm 270 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 19.611 đồng/lít và xăng RON95-III không cao hơn 21.177 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel 0.05S có mức trần mới là 17.688 đồng/lít, dầu hỏa là 16.263 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 14.743 đồng/kg. (Theo Petrolimex ngày 22/8)

Doanh nghiệp

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020.

Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen, thế hệ Z (những người sinh năm 1996 - 2000), nhóm chiếm 21% lực lượng lao động ở Việt Nam vào năm 2025 có tỷ lệ kết nối internet thường xuyên lên đến 21%, cao gấp 2 lần so với thệ hệ Millennial (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000).

Cùng với đó, gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm. Dự kiến đến năm 2020, có 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online, đạt giá trị trung bình 350 USD/người/năm. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 18/8)

Từ đầu năm 2018 đến trung tuần tháng 8, toàn cơ quan hải quan đã tiếp nhận hơn 65.000 hồ sơ, cơ bản số lượng hồ sơ đã được cơ quan hải quan xử lý, trả kết quả đúng hạn theo quy định.

Tổng số dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu mức độ 3 trong lĩnh vực hải quan là 170/180 thủ tục hành chính, chiếm trên 94,4%, trong đó số dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 là 161 thủ tục. (Theo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan - Tổng cục Hải quan ngày 16/8)

Việt Nam có 51 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (chiếm 53% dân số), 64 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 66,3% dân số), mạng điện thoại di động 3G/4G phủ khắp cả nước.

Theo tính toán, giá trị giao dịch của thị trường Fintech tại Việt Nam dự kiến tăng từ 4,4 tỷ USD lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Số liệu từ báo cáo của Công ty tư vấn Solidiance cho thấy, hiện có khoảng 100 công ty Fintech đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực, trong đó thanh toán vẫn là lĩnh vực chủ đạo, chiếm phần lớn.

Tổng giá trị đầu tư nước ngoài liên quan đến các công ty Fintech tại Việt Nam trong 2 năm 2016 - 2017 đạt khoảng 129 triệu USD. Tính hết năm 2017, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD.

(Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 21/8)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán (không bao gồm ngân hàng) đạt 616.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, chiếm 25,2% tổng tài sản.

Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn là 334,300 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 281.000 tỷ đồng. Riêng nhóm 10 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất chiếm 38% tổng nợ vay toàn thị trường. (Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội ngày 24/8)

Trong 8 lĩnh vực được khảo sát của Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI), việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018.

Tính đến phiên họp Chính phủ tháng 7/2018, các bộ, cơ quan mới cắt giảm 900 điều kiện (12%). Tuy nhiên, với các nghị định được ban hành trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% và có thể tới trên 60% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành.

Trong đó, nổi bật như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến cắt giảm hơn 65% số điều kiện; Bộ Y tế cắt giảm hơn 72% số điều kiện; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến cắt giảm 54%... (Theo Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành ngày 17/8)

Tổng cầu


Niềm tin tiêu dùng

Báo cáo thói quen sử dụng truyền thông của người tiêu dùng Việt và cách tiếp cận hiệu quả do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố cho thấy, đến cuối năm 2018, tổng đầu tư cho quảng cáo truyền thông tại Việt Nam đạt khoảng 68.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD.

Quảng cáo trên ti vi chiếm khoảng 66% tổng chi phí cho truyền thông ở Việt Nam. Đây vẫn là kênh có độ phủ cao nhưng có xu hướng giảm dần. Kênh quảng cáo trực tuyến có thể tăng lên đến 30%. (Theo Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/8)

Ngân sách
nhà nước

Tính đến ngày 31/7/2018, lũy kế vốn giải ngân thuộc kế hoạch năm 2018 qua KBNN đạt khoảng 135.110,2 tỷ đồng, chiếm 35,7% kế hoạch.

Trong đó, vốn từ nguồn Chính phủ giao giải ngân là 133.820 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch, vốn xây dựng cơ bản giải ngân là 110.455,1 tỷ đồng, đạt 37,2% kế hoạch Chính phủ giao; vốn trái phiếu chính phủ giải ngân là 7.020,3 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch Chính phủ giao; vốn Chương trình mục tiêu và Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân là 16.344,6 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch Chính phủ giao. (Theo Kho bạc Nhà nước - KBNN ngày 16/8)

Xuất nhập khẩu

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 8/2018 thâm hụt 47 triệu USD, song lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2018 vẫn thặng dư 2,92 tỷ USD.

Tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 286,29 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong nửa đầu tháng 8, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 19,51 tỷ USD, giảm 4,03 tỷ USD so với nửa cuối tháng 7/2018.

- Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2018 đạt 9,73 tỷ USD, giảm 17,6% (tương ứng giảm 2,08 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 7/2018. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2018, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 144,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2017.

- Trị giá hàng hóa nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2018 đạt 9,78 tỷ USD, giảm 16,6% so với 15 ngày cuối tháng 7/2018. Tính đến hết ngày 15/8/2018, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 141,68 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/8)

Năm 2018 là năm đầu tiên ngành xuất khẩu cá tra đột phá, có thể đạt trên 2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 30/7 đạt trên 1,198 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cả nguyên liệu trong nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng 4.500 - 7.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu hiện nay khoảng 25.000 - 27.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 21/8)

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 6,36 tỷ USD, tăng 50,16% so với cùng kỳ năm 2017 (4,23 tỷ USD).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 3,92 tỷ USD, tăng 96% so với 2 tỷ USD cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9,2%. Thặng dư thương mại đạt 1,48 tỷ USD.

Theo Trưởng đại diện Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng, thương mại song phương giữa hai nước có thể vượt 10 tỷ USD trong năm 2018 và hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD trong năm 2020. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 22/8)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 2 ngày giảm giá và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 25/8 so với ngày 24/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,64 - 36,84 triệu đồng/lượng, tăng 90 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,71 - 36,80 triệu đồng/lượng, tăng 110 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 1 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 25/8, tỷ giá trung tâm là 22.688 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 24/8; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 24/8 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.260 - 23.340 VND/USD, tăng 20 đồng.

- Viettinbank: 23.234 - 23.334 VND/USD, tăng 20 đồng.

Tín dụng

Trung bình vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn thực có của chủ sở hữu chỉ khoảng 20 - 30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em.

Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là “tín dụng đen”. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất - kinh doanh là từ “tín dụng đen”.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân làm hoạt động của tín dụng đen phát triển mạnh thời gian qua là do nhu cầu thực tế lớn, thủ tục vay nhanh gọn so với các tổ chức tín dụng khác, những người có nguồn tài chính không muốn gửi vào ngân hàng do cho vay ngoài sẽ hưởng lãi suất cao hơn.

(Theo Công ty Cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt ngày 21/8)

Báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 3,05 tỷ USD kể từ đầu năm 2018 để can thiệp thị trường, giúp ổn định tỷ giá.

Tỷ giá đồng bạc xanh có thể diễn biến theo các kịch bản khác nhau tùy thuộc vào chỉ số DXY. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể bán khoảng 6 - 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối (bao gồm cả 3 tỷ USD đã bán). (Theo Vietstock.vn ngày 22/8)

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 23/8 đã tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 5.500 tỷ đồng, với các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng), 30 năm (500 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 4.100 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,6%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 15/8/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,6%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.400 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,87%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 15/8/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,87%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 30 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước huy động được 104.261 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.

Tính đến tháng 7/2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) là 29,2% GDP năm 2017. Cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP có sự thay đổi căn bản theo hướng mở rộng, đa dạng hóa, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại.

Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại là 51,1% (giảm mạnh so với mức khoảng 79,7% vào năm 2014), tương đương với các nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và thấp hơn Trung Quốc (khoảng 68%), Thái Lan (60%); danh mục còn lại do các nhà đầu tư là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ.

Quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, cao hơn nhiều so với 1.000 - 2.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn 2011 - 2013. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân đạt 10,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 15% so với bình quân năm 2017. (Theo Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính - Bộ Tài chính ngày 22/8)

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 20 - 24/8/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,03%) xuống 987,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 182,49 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.194,6 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,1 điểm (1%) lên 111,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 36,7 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 555,91 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,18 điểm (0,34%) lên 51,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,56 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 190,07 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10,41 triệu đơn vị, trị giá 39,64 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 10,64 triệu đơn vị, trị giá 51,56 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 4,84 triệu đơn vị, trị giá 251,29 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,42 triệu đơn vị, trị giá 27,63 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 981.448 đơn vị, trị giá 35,71 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,62 triệu đơn vị, trị giá 15,71 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1,96 triệu đơn vị, trị giá 90,8 tỷ đồng).

Nhận định

chuyên gia

Các chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới WB (21/8):

Cơ cấu thị trường vốn dài hạn tại Việt Nam thời gian qua có nhiều tín hiệu khởi sắc, có xu hướng bắt kịp các nước khác trong khu vực. Một trong những vấn đề cần chú ý và giải quyết nhiều hơn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khả năng tăng trưởng, đặc biệt tại thị trường tư nhân.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết. Đây là tiềm năng lớn giúp tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu chứng khoán của Việt Nam phát triển.

Ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam (21/8):

Xét cả về số lượng và chất lượng, thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Mặc dù, vốn hóa của thị trường chứng khoán trong nước đạt trên 70% GDP nhờ những nỗ lực và kết quả của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng quy mô thị trường vẫn chưa đủ lớn để đáp ứng các nhu cầu về vốn ngày càng cao của khối kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư chiến lược và các tổ chức nắm giữ cổ phiếu lâu dài, theo đuổi doanh thu dài hạn vẫn còn ít. Kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy được đánh giá là quan trọng để huy động vốn dài hạn thì hiện mới ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (22/8):

Các ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; bất động sản khu công nghiệp và logistics, vận tải và khai thác cảng của Việt Nam có thể được hưởng lợi nếu chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài.

(1) Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản: Việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên nông sản của Hoa Kỳ có thể giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc, phần nào tận dụng cơ hội từ khoảng trống mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ để lại.

(2) Bất động sản khu công nghiệp: Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có thể tăng lên do các doanh nghiệp Trung Quốc đặt nhà máy Việt Nam để xuất khẩu vào Hoa Kỳ hoặc các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác có thể dừng kế hoạch mở rộng công suất sản xuất ở Trung Quốc mà chuyển qua Đông Nam Á.

(3) Logistics, vận tải và khai thác cảng: Khả năng nhiều vốn FDI sẽ đổ vào Việt Nam hơn, đồng nghĩa với khả năng lưu lượng hàng hóa ra - vào Việt Nam sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lưu lượng hàng hóa có thể sụt giảm do căng thẳng thương mại và những bất ổn tiếp diễn.