Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 21-26/01/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

 

Một báo cáo của Google và Temasek gần đây về triển vọng các nền kinh tế số ASEAN cho thấy, năm 2018 nền kinh tế internet của Việt Nam có quy mô khoảng 9 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 35%/năm trong giai đoạn 2015 - 2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN. Dự báo đến năm 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế internet Việt Nam chạm ngưỡng 33 tỷ USD.

Hiện Việt Nam có 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G, 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua smartphone chiếm 72% tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.

(Theo Chính phủ ngày 17/01)

Ngày 15/01/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Theo đó, đối với nguồn tài lực, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước; mức dự trữ quốc gia đạt 0,8 - 1% GDP và dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP.

Đến năm 2030, nợ công ≤60% GDP, nợ chính phủ ≤50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ≤45% GDP. Đến năm 2035, mức dự trữ quốc gia đạt 1,5% GDP. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt 70% GDP. Nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm khoảng 20 - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn. Đến năm 2045, mức dự trữ quốc gia đạt 2% GDP. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt 80% GDP. Nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30 - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn. (Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 15/01)

Trong năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08% so với năm 2017, đạt và vượt kế hoạch năm là 6,7%, đạt mốc cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kết quả tăng trưởng khả quan năm 2018 là điều kiện thuận lợi tạo đà cho tăng trưởng cho năm 2019 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo; tỷ giá cơ bản vẫn trong khả năng giám sát; dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân vãng lai thặng dư 8 năm liền, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn.

NCIF đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng năm 2019, trong đó với kịch bản khả quan (giả định các yếu tố ngoài nước dự kiến không thay đổi so với kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam được đánh giá là ít chịu ảnh hưởng hơn từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc), tăng trưởng GDP sẽ đạt 7%, lạm phát 4,4%,thu hút FDI đạt 19,6 tỷ USD. (Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - NCIF ngày 17/01)

Việt Nam, Ấn Độ, Mexico và Arab Saudi là những nền kinh tế lần đầu tiên lọt vào Bảng xếp hạng 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới của Bloomberg, trong đó Việt Nam xếp thứ 60 với tổng điểm 45,92. Bloomberg đánh giá hơn 200 nền kinh tế, xếp theo thang điểm 0 - 100 dựa trên 7 tiêu chí có tỷ trọng tương đương: Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, giá trị sản xuất gia tăng, năng suất, giáo dục hậu trung học phổ thông, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, số lượng đăng ký bằng sáng chế và số lượng nhà nghiên cứu. (Theo Bloomberg ngày 12/01)

Sản xuất công nghiệp

Trong năm 2018 có thêm 9 nhà máy điện ọt vào thương mại củahương mại trởmới tham gia thị trường điện với tổng công suất 472 MW. Tổng chi phí trên thị trường điện giao ngay cho 90 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong năm là 109,3 nghìn tỷ đồng. Giá trần thị trường điện năm 2018 là 1.280 đồng/kWh. (Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) ngày 22/01)

Doanh nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đặt mục tiêu thu hút khoảng 80.000 - 100.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó phấn đấu có khoảng 3.000 - 4.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, 6.000 - 8.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa.

Trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp gia tăng mạnh ở nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản... Chỉ riêng lĩnh vực chế biến trái cây, trong năm 2018 có 16 doanh nghiệp lớn vào đầu tư với tổng vốn khoảng 8.700 tỷ đồng. (Theo Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22/01)

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (2014 - 2018), môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 21 bậc và hiện đứng ở vị trí 69 thế giới, thứ 5 trong ASEAN. Về các chỉ số thành phần, có 6 chỉ số tăng hạng, 4 chỉ số giảm bậc.

Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,  tập trung vào bốn lĩnh vực ưu tiên trọng tâm, gồm: Cải cách thực chất cắt giảm điều kiện kinh doanh; cải cách quản lý chuyên ngành; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công mức 4; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua đó, đưa môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 5 - 7 bậc, năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 3 - 5 bậc so với năm 2018. (Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ngày 22/01)

Trong năm 2018, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia - NAPAS tăng trưởng 45,7% so với 2017; tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2018 tăng trưởng 169% so với năm 2017, đạt hơn 1.763.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của NAPAS tăng trưởng gấp 4 lần tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt tại mạng lưới ATM liên ngân hàng thực hiện qua hệ thống chuyển mạch tài chính NAPAS.

Điều này cho thấy hệ thống chuyển mạch các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của NAPAS đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho các ngân hàng giảm tải việc cung ứng tiền mặt tại hệ thống ATM, phát huy vai trò của một hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng trong hoạt động thanh toán. (Theo NAPAS ngày 23/01)

Lũy kế 3 năm đầu giai đoạn 2016 - 2020, cả nước cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tăng 34% so với  cùng kỳ 3 năm đầu giai đoạn 2011- 2015 (116 doanh nghiệp), với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 204.818 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011 - 2015 (189.509 tỷ đồng).

Nhà nước cũng thu về hơn 210.000 tỷ đồng tiền thoái vốn, gấp gần 2,7 lần tổng thu của cả giai đoạn 2011 - 2015. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp ngân sách nhà nước phục vụ kế hoạch đầu tư công trung hạn từ năm 2016 đến hết năm 2018 đạt 62% kế hoạch của cả giai đoạn 2016 - 2020, với 155 nghìn tỷ đồng đã chuyển từ quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.

Đến hết năm 2018 các bộ, địa phương đã bàn giao 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC);  còn 53 doanh nghiệp nhà nước chưa được cổ phần hóa, 118 doanh nghiệp chưa được thoái vốn theo kế hoạch đã đề ra.

(Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 22/01)

Tổng cầu

 

Xuất - nhập khẩu

Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất trong khu vực, thế chỗ của Trung Quốc vào khoảng năm 2013. Tuy nhiên, giá trị nội địa trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp và trên thực tế còn thấp hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác. Chỉ 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra tại Việt Nam, phần còn lại là đầu vào nhập khẩu.

Tỷ trọng của giá trị nội địa trên thực tế đã giảm theo thời gian. Bên cạnh đó, đóng góp về giá trị gia tăng của Việt Nam đặc biệt thấp trong hoạt động sản xuất chế tạo hàng giá trị cao (như hàng điện tử, điện thoại…). Do đó, Việt Nam cần tập trung đầu tư mang tính chiến lược vào 3 lĩnh vực: Đầu tư vào nguồn vốn nhân lực và kỹ năng; đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất và hậu cần; đầu tư vào các thể chế thị trường, bao gồm chất lượng hoạt động điều tiết, tạo sân chơi bình đẳng, thị trường nhân tố hoạt động hiệu quả, khuôn khổ cạnh tranh. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB tại Việt Nam ngày 17/01)

Trong 2 tuần đầu tháng 01/2019, tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 71 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng mạnh 646 triệu USD. Lũy kế 15 ngày đầu năm mới 2019, cả nước bị thâm hụt gần 1 tỷ USD. Nguyên nhân do là thời gian vừa qua là giai đoạn cận tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi lịch nghỉ tết, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết tăng. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/01)

Trong năm 2018, tổng trị giá hàng hóa xuất - nhập khẩu đạt 480,17 tỷ USD, tăng hơn 52 tỷ USD so với năm 2017. Kết quả này thấp hơn mức tăng tuyệt đối 76,75 tỷ USD của năm 2017 so với năm 2016. Như vậy, chỉ số độ mở của nền kinh tế Việt Nam (xuất - nhập khẩu hàng hóa/GDP) trong năm 2018 ước đạt 196%. Xuất khẩu hàng hóa tăng 13,2% và nhập khẩu tăng 11,1%, thấp hơn nhiều so tốc độ tăng trong năm 2017 (xuất khẩu tăng 21,8% và nhập khẩu tăng 21,9% so với năm 2016).

Với kết quả của xuất - nhập khẩu trong năm 2018 thì thứ hạng xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có thể được cải thiện khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố báo cáo tổng quan về xuất - nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào tháng 4/2019. Theo WTO, trong năm 2017, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 27  và nhập khẩu hàng hóa đứng ở vị trí thứ 25 trên phạm vi toàn cầu.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 19/01)

Trong năm 2018, nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam chiếm hơn 72% tổng trị giá xuất - nhập khẩu. Trong đó, xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc là lớn nhất, đạt 106,7 tỷ USD và chiếm 22,2% tổng trị giá xuất - nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 65,7 tỷ USD (chiếm 13,7%), Hoa Kỳ là 60,3 tỷ USD (chiếm 12,6%), Nhật Bản đạt hơn 37,8 tỷ USD (chiếm 7,9%), Thái Lan đạt 17,3 tỷ USD (chiếm 3,6%), Malaysia đạt 11,5 tỷ USD (chiếm 2,4%), Đức đạt 10,7 tỷ USD (chiếm 2,2%), Ấn Độ đạt 10,7 tỷ USD (chiếm 2,2%) và Hồng Kông đạt gần 9,5 tỷ USD (chiếm 2%).

Xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với tất cả 9 thành viên ASEAN đạt 56,3 tỷ USD, chiếm 11,7% và xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU28) đạt 55,8 tỷ USD, chiếm 11,6%.

Châu Á vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam (xuất khẩu chiếm 54% và nhập khẩu chiếm 80,3%); tiếp theo là châu Mỹ (xuất khẩu chiếm 23,8% và nhập khẩu chiếm 8,6%); châu Âu (xuất khẩu chiếm 19%, trong đó EU chiếm 17,2% và nhập khẩu chiếm 7,5%, trong đó EU chiếm 5,9%); châu Đại Dương (xuất khẩu chiếm 2% và nhập khẩu chiếm 1,9%); châu Phi (xuất khẩu chiếm 1,2% và nhập khẩu chiếm 1,7%).

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 22/01)

Trong năm 2018, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,72 tỷ USD, tăng mạnh 19,6% so với năm 2017. Ấn Độ tiếp tục là thị trường cung cấp thủy sản cho Việt Nam lớn nhất với kim ngạch 344,5 triệu USD, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2017 thì trị giá nhập khẩu thủy sản từ Ấn Độ giảm nhẹ 3,6%. Trong năm 2018 chỉ có 4 thị trường nhập khẩu thủy sản giảm kim ngạch so với năm 2017, gồm Đan Mạch giảm 20,6%, đạt 15,93 triệu USD; Ba Lan giảm 17,5%, đạt 8,54 triệu USD; Myanmar giảm 17,4%; đạt 3,16 triệu USD; Án Độ giảm 3,6%, đạt 344,59 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 24/01)

Mặc dù cuộc chiến thương mại và chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới ngày càng gia tăng làm suy thoái niềm tin đầu tư giữa nhiều quốc gia, song kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục có bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 13 tỷ USD, nhờ việc đẩy mạnh hợp tác về năng lượng, cơ khí, dược phẩm, năng lượng, may mặc, du lịch... Hai nước hướng tới mục tiêu thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

Đến nay, Ấn Độ có 208 dự án FDI tại Việt Nam với vốn đăng ký khoảng 878 triệu USD, đứng thứ 26/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.

(Theo Bộ Công Thương ngày 23/01)

Đầu tư

Trong năm 2018, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đạt hơn 8,3 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới vào khoảng 560 dự án đạt hơn 5,3 tỷ USD; vốn tăng thêm của gần 500 dự án đạt khoảng 3 tỷ USD. Lũy kế đến hết năm 2018, các KCN, KKT đã thu hút được khoảng 8.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng hơn 145 tỷ USD. Hiện cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 93 nghìn héc-ta.

Trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 64 nghìn héc-ta, chiếm khoảng 68% tổng diện tích đất tự nhiên. Có 250 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 73% và 76 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 845 nghìn héc-ta. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 20/01)

Ngân sách nhà nước

Trong năm 2018, tốc độ tăng nợ công cũng như trần nợ công đã được kiểm soát trong ngưỡng an toàn. Nếu trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng của nợ công bình quân đạt 18,1%/năm thì giai đoạn 2016 - 2018 đã giảm còn 8,6%/năm, riêng năm 2018 chỉ ở mức 6%.

Về trần nợ công, tỷ lệ nợ công giảm 63,7% GDP từ (cuối năm 2016) xuống còn 61,4% GDP (cuối năm 2017). Ước tính nợ công năm 2018 dưới 61% GDP.

(Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính ngày 17/01)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá, 4 ngày giảm. Trong phiên giao dịch ngày 26/01 so với ngày 25/01, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,62 - 36,82 triệu đồng/lượng, tăng 260 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 280 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,72 - 36,82 triệu đồng/lượng, tăng 280 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 9 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 26/01, tỷ giá trung tâm là 22.880 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 25/01; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 25/01 như sau:

- Vietcombank: 23.145 - 23.235 VND/USD, giảm 10 đồng.

- BIDV: 23.155 - 23.245 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 23.144 - 23.234 VND/USD, giảm 4 đồng ở cả hai chiều.

Lao động

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI 2019) đo lường chỉ số cạnh tranh dựa trên 68 yếu tố được Trường Kinh doanh Toàn cầu (INSEAD) kết hợp với Tập đoàn Adecco và Tata Communications công bố ngày 21/01, Việt Nam đứng thứ 92 trên tổng số 125 quốc gia, được đánh giá cao ở các chỉ số Kỹ năng Kiến thức Toàn cầu (xếp thứ 69) và Tạo điều kiện (xếp thứ 80). Tuy nhiên, một số chỉ số bị đánh giá thấp như Thu hút (xếp thứ 91) và Kỹ năng Kỹ thuật/tay nghề (xếp thứ 109).

GTCI 2019 là thước đo hằng năm giúp đánh giá sự phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài của quốc gia và thành phố, qua đó khắc họa bức tranh cạnh tranh nhân lực toàn cầu, giúp người đọc hiểu và phát triển kế hoạch nâng cao khả năng của mình. Chỉ số của năm 2019 bao quát 125 quốc gia và 114 thành phố thuộc nhiều nhóm thu nhập và phát triển khác nhau.

(Theo bảng xếp hạng GTCI 2019 ngày 21/01)

Thương mại
điện tử

Tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Gần 85% giao dịch tại ATM chỉ đơn giản là rút tiền. Tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến rất thấp, chỉ đạt 6,98%.

Để cải thiện tình hình, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, xóa độc quyền trong cung cấp dịch vụ chuyển mạch…; Bộ Công an tập trung hoàn thiện kho dữ liệu công dân, áp dụng thu phạt hành chính không dùng tiền mặt; Văn phòng Chính phủ thiết lập và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trước tháng 9/2019; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Việt Nam chi trả cho các đối tượng qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. (Theo CIEM ngày 22/01)

Thị trường tài sản

 

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 21/01 - 25/01/2019:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 0,09 điểm (0,01%) lên 908,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 134,93 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 2.797,81 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 102,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 26,2 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 326,37 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 53,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,94 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 236,73 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 16.319.197 đơn vị, trị giá 86,7 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 14,67 triệu đơn vị, trị giá bán ròng 22,24 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 6,13 triệu đơn vị, trị giá 663,05 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,15 triệu đơn vị, trị giá 49,3 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1,14 triệu đơn vị, trị giá 25,43 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 499.197 đơn vị, trị giá 59,64 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 1,29 triệu đơn vị, trị giá mua ròng 46,99 tỷ đồng).

Trái phiếu

Ngày 23/01, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với khối lượng gọi thầu 5.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 7 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (3.000 tỷ đồng) và 30 năm (500 tỷ đồng). Kết quả huy động được 6.195 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,17%/năm, thấp hơn 0,18%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 9/1/2019).

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động thành công 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,12%/năm, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 16/1/2019). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 1.500 tỷ đồng, huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất 5,12%/năm.

- Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 395 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,8%/năm, cao hơn 0,38%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 18/7/2018).

Kể từ đầu năm 2019, Kho bạc Nhà nước huy động được 30.395 tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX.

(Theo HNX ngày 23/01)

Chứng khoán

Ngày 23/01, HNX cho biết vừa quyết định bổ sung cổ phiếu SHE của Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch kỹ quỹ. Đồng thời, HNX cũng quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SDP của CTCP SDP. Theo đó, Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã chứng khoán: SHE) không được phép giao dịch ký quỹ, do thời gian niêm yết dưới 6 tháng tính từ ngày giao dịch đầu tiên, 25/01/2019.

HNX sẽ xem xét đưa cổ phiếu SHE ra khỏi danh sách chứng khoán không được phép ký quỹ khi cổ phiếu đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Bên cạnh đó, từ ngày 21/02/2019 sẽ hủy niêm yết đối với 11.114.472 cổ phiếu SDP, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phiếu, do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty cổ phần SDP, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.

(Theo HNX ngày 23/01)