Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 22-27/10/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) đã đưa ra 2 kịch bản dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018 và 2019:

- Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 6,83% và 6,9%.

- Kịch bản 2 (kịch bản cơ sở): Tăng trưởng GDP năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 7,01% và 7,1%.

Trong đó, kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra hơn, dựa trên đà tăng trưởng của năm 2018; nền kinh tế tiếp tục có nhiều yếu tố hậu thuẫn tích cực từ triển vọng tăng trưởng khả quan của kinh tế thế giới và hưởng lợi từ những động lực của nền kinh tế trong nước.

(Theo Thời báo Ngân hàng ngày 23/10)

Báo cáo “Triển vọng Việt Nam: Khả năng phục hồi giữa sự bấp bênh của các thị trường mới nổi” do Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng tốc với triển vọng lạc quan, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của những bất ổn tài chính và thương mại gần đây đối với nhiều thị trường mới nổi ở Đông Nam Á.

Sau khi đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 6 năm là 6,8% vào năm 2017 (số liệu đã điều chỉnh theo lạm phát), nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018.

Triển vọng kinh tế tích cực được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện tử và dệt may đang diễn ra mạnh mẽ, cùng đà phục hồi tương đối của lĩnh vực nông nghiệp, dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định và thị trường nội địa mạnh mẽ. (Theo TTXVN ngày 25/10)

Doanh nghiệp

Bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance công bố cho thấy, thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD, tăng 32 tỷ USD so với năm 2017 và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, mức tăng giá trị 16% không đủ giúp Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng như thành tích từng đạt được vào năm 2017.

Tại khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu Việt Nam chỉ xếp thứ sáu và kém quốc gia dẫn đầu là Indonesia đến 613 tỷ USD. (Theo VnExpress ngày 18/10)

Tính đến hết năm tài chính 2017, tổng tài sản của 526 doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con (gồm 83 doanh nghiệp) đạt 2.776.384 tỷ đồng; còn lại trên 239.000 tỷ đồng thuộc về số công ty TNHH MTV.

Tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 1.530.667 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016 và chiếm 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty.

Tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đạt 1.455.921 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 154.569 tỷ đồng, tăng 27%. Các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận kế toán trước thuế đạt trên 2.000 tỷ đồng chủ yếu vẫn là những đơn vị có quy mô lớn. (Theo Chính phủ ngày 22/10)

Các ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin, dược phẩm, y tế, vận tải và thực phẩm, đồ uống, thuốc lá đang đưa lại tỷ suất lợi nhuận bình quân ROA và ROE lớn nhất của các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam.

Trong đó, ROE trung bình ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin đang ở mức cao nhất, đạt gần 0,3; tiếp theo là ngành vận tải với mức 0,24 và ngành dược phẩm 0,21. (Theo bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018 được Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam - Vietnam Report ngày 22/10)

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt trong năm 2018, đa số các doanh nghiệp lạc quan với kết quả hoạt động trong năm 2018.

Cụ thể, 90% doanh nghiệp được hỏi nhận định, doanh thu sẽ tăng lên so với năm 2017, 80% phản hồi lợi nhuận tăng lên và 8,6% cho biết lợi nhuận ổn định, không thay đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức tiềm ẩn.

51,4% doanh nghiệp được hỏi cho rằng biến động tỷ giá hối đoái là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay, kế đến là thuế với 42,9% lựa chọn của doanh nghiệp. (Theo Vietnam Report ngày 22/10)

Sản xuất công nghiệp

Tính đến thời điểm 15h ngày 22/10, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của Petrolimex còn khoảng 1.420 tỷ đồng, giảm 280 tỷ đồng so với lần công bố cách đây hai tuần (ngày 06/10) là 1.700 tỷ đồng.

Trước đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15h ngày 22/10. Theo đó, xăng E5 RON92 giảm 224 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 144 đồng/lít, trong khi dầu diesel 0.05S, dầu hỏa và dầu mazút 3.5S giữ ổn định giá.

Như vậy, giá bán mới của xăng E5 RON92 cao nhất là 20.682 đồng/lít; xăng RON95-III là 22.203 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giữ giá trần là 18.611 đồng/lít, dầu hỏa là 17.086 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 15.694 đồng/kg.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến ngày 25/9, BOG đã phải chi 5.500 tỷ đồng cho các lần giữ bình ổn giá xăng dầu. Đến ngày 31/8/2018 thì BOG còn 3.100 tỷ đồng.

(Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex ngày 22/10)

Trong 9 tháng năm 2018, số dư đầu kỳ của Quỹ bình ổn (BOG) là trên 3.040 tỷ đồng. Số trích lập tính đến ngày 30/9 là trên 1.601 tỷ đồng. Số chi sử dụng tính theo lũy kế từ ngày 01/01 đến hết ngày 30/9 là trên 2.863 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết ngày 30/9, số dư cuối kỳ của BOG còn trên 1.787 tỷ đồng. (Theo Petrolimex ngày 24/9)

Dịch vụ

Trong 9 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 293.312 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2017; tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường đạt khoảng 93.760 tỷ đồng, tăng 24,63%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt khoảng 25.151 tỷ đồng, tăng 18,68%; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn thị trường đạt khoảng 369.848 tỷ đồng, tăng 29,65%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt khoảng 233.865 tỷ đồng, tăng 36,76%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt khoảng 77.816 tỷ đồng, tăng 50,93%. (Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính ngày 26/10)

 

Kết quả nghiên cứu “Thu hút - Chuyển đổi - Tái tương tác” của Euromonitor cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, chi tiêu cho quảng cáo trên truyền hình và in ấn chiếm tỷ trọng lớn nhất, song quảng cáo trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, khoảng 27%/năm trong giai đoạn 2014 - năm 2017.

Dự báo đến năm 2022 sẽ có hơn 34% người dùng có từ 2 thiết bị có thể kết nổi trở lên; 89% tổng ngân sách tiếp thị sẽ chi cho quảng cáo trực tuyến.

Đặc biệt, 89% người dùng di động tại Việt Nam đã thực hiện tất cả các bước để mua hàng trong ứng dụng. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 22/10)

Tổng cầu


Ngân sách nhà nước

Tính đến ngày 31/8, tổng tiền thuế nợ từ 5 triệu đồng trở lên của doanh nghiệp tại 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách trung ương là hơn 45.800 tỷ đồng, 47 địa phương còn lại có số nợ là hơn 12.000 tỷ đồng.

Trong số các địa phương, có số nợ lớn nhất là Hà Nội với hơn 13.530 tỷ đồng; đứng thứ 2 là thành phố Hồ Chí Minh với hơn 9.890 tỷ đồng.

Ngoài ra, một loạt địa phương còn tổng nợ lớn như: Hải Phòng (trên 2.340 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (hơn 1.601 tỷ đồng), Bình Dương (khoảng 1.153 tỷ đồng), Thái Bình (1.191 tỷ đồng)…

(Theo Tổng cục Thuế ngày 22/10)

Tính đến đầu tháng 10/2018, số thu thuế của ngành Hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu thuế điện tử (39 ngân hàng) đạt 218.608 tỷ đồng, đạt hơn 97% tổng thu ngân sách đã thực hiện (225.116 tỷ đồng).

Trong 39 ngân hàng có 24 ngân hàng thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 (nộp thuế điện tử 24/7).

Tính đến nay, sau hơn một năm triển khai thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 theo Quyết định số 2082/QĐ-TCHQ (ngày 21/6/2017), số thuế được ngành Hải quan thu được từ phương thức này đạt 10.626 tỷ đồng/61.350 giao dịch.

Mặc dù việc triển khai nộp thuế điện tử 24/7, bước đầu đã tạo thuận lợi, giảm thủ tục, chi phí cho người nộp thuế, tổng số tiền thuế nộp qua hình thức này tăng dần, tuy nhiên so với tỷ lệ nộp tiền vào ngân sách của cơ quan hải quan vẫn còn thấp. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 22/10)

Xuất - nhập khẩu

Trong kỳ 1 tháng 10/2018 (01 - 15/10/2018), tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 20,32 tỷ USD, giảm 2,1% (tương ứng giảm 443 triệu USD) so với nửa cuối tháng 9/2018.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2018 tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 372,87 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 45,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2018 thặng dư 39 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2018 tiếp tục thặng dư 6,33 tỷ USD.

- Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 10/2018 đạt 10,18 tỷ USD, giảm 6,2% (tương ứng giảm 667 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2018.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2018, tổng trị giá xuất khẩu đạt 189,6 tỷ USD, tăng 15,6% (tương ứng tăng 25,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

- Trị giá hàng hóa nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 10/2018 đạt 10,14 tỷ USD, tăng 2,3% (tương ứng tăng 224 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2018.

Tính đến hết ngày 15/10/2018, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 183,27 tỷ USD, tăng12,1% (tương ứng tăng 19,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/10)

Từ đầu năm 2018 đến nay, xuất khẩu da giầy của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt, với kim ngạch 9 tháng đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đến thời điểm này, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nhà cung cấp giầy dép hàng đầu thế giới.

Thị trường xuất khẩu da giầy của Việt Nam đã được mở rộng ra trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 72 nước nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu USD trở lên. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm da giầy của Việt Nam, chiếm khoảng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép hằng năm.

Dự báo năm 2108, kim ngạch xuất khẩu da giầy sang Hoa Kỳ đạt 8 tỷ USD. (Theo Hiệp hội Da giầy và Túi xách Việt Nam - Lefaso ngày 26/10)

Tính đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước đạt 1,59 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2017. Ðáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ có xu hướng tăng mạnh, đạt kim ngạch gần 48 triệu USD, tăng 152,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Với những tín hiệu tích cực từ các thị trường, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu cá tra năm 2018 sẽ đạt 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017. Ðây cũng là giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành cá tra từ trước đến nay. (Theo VASEP ngày 25/10)

Tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và EU năm 2017 đạt 50,46 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2016 và chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 38,33 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 4,33 tỷ USD) so với năm 2016.

Trong 9 tháng năm 2018, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU cũng đạt 31,2 tỷ USD, tăng 2,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017, trong khi nhập khẩu từ thị trường này đạt 9,99 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam với EU đạt 21,24 tỷ USD.

Theo Ủy ban châu Âu, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa vào EU năm 2017 là 1858,7 tỷ EUR, trong đó nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam xếp thứ 10 với hơn 37 tỷ EUR, chiếm 2% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của toàn khối.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của EU sang Việt Nam năm 2017 đạt 10,62 tỷ EUR, xếp thứ 32 và chỉ chiếm 0,6% tổng trị giá hàng hóa EU xuất khẩu ra toàn thế giới.

Như vậy, so với tổng trị giá xuất - nhập khẩu của EU với toàn thế giới là 3 737 tỷ EUR năm 2017, thì kim ngạch xuất nhập khẩu của EU với Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ khoảng 1,3% và xếp vị trí thứ 19.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 25/10)

Đầu tư

Trong 8 tháng đầu năm 2018, lượng FDI cam kết đầu tư của Việt Nam đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, chiếm hơn 65% tổng lượng FDI.

Các lĩnh vực sản xuất truyền thống như điện tử, hàng may mặc, giầy dép... sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa và tăng thu nhập cá nhân nhanh, những lĩnh vực như giáo dục, bất động sản, bán lẻ, thực phẩm, thương mại điện tử và FMCG sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018.

Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đáng tin cậy của FDI và ngày càng nâng cao vị thế trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/10)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 3 ngày giảm giá và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 27/10 so với ngày 26/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,48 - 36,62 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 10 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,46 - 36,56 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 1 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 27/10, tỷ giá trung tâm là 22.723 VND/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 26/10; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại ổn định so với ngày 26/10 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.300 - 23.390 VND/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 23.280 - 23.390 VND/USD, không thay đổi.

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 22 - 26/10/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 5 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 9,35 điểm (-1,03%) xuống 900,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 166,98 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.951,92 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 5 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 1,31 điểm (-1,27%) xuống 101,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 43,63t riệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 535,9 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 5 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,16 điểm (-0,32%) xuống 51,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,33 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 248,34 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,3 triệu đơn vị, trị giá 460 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 3 triệu đơn vị, trị giá 413,49 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 2 triệu đơn vị, trị giá 131,82 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng, với khối lượng mua ròng 3,82 triệu đơn vị, trị giá 75,42 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 4,39 triệu đơn vị, trị giá 70,73 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,12 triệu đơn vị, trị giá 121,93 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 1,37 triệu đơn vị, trị giá 68,23 tỷ đồng).

Chứng khoán

Tổng giá trị vào ròng của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 16/10 đạt 2,97 tỷ USD, vượt mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD).

Giá trị danh mục đầu tư của nước ngoài đạt 35 tỷ USD, giảm 2,3 tỷ USD so với cuối tháng 9. Đáng chú ý, số dư tiền mặt trên tài khoản nhà nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao, đạt khoảng 1 tỷ USD (tương đương 23,6 nghìn tỷ VND).

(Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 24/10)

Trái phiếu

Ngày 25/10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX đã tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 3.500 tỷ đồng: Kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (1.000 tỷ đồng), 15 năm (1.000 tỷ đồng) và 30 năm (500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 450 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,2%/năm, tăng 0,1%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/10).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 850 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,9%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/10).

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,2%/năm, giảm 0,2%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/10).

- Kỳ hạn 30 năm: Không trúng thầu.

Từ đầu năm đến ngày 25/10, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 126.428 tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX.

(Theo HNX ngày 25/10)

Bất động sản

Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 820.964,1 tỷ đồng.

Trong đó vốn tín dụng 512.450 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 39.480 tỷ đồng, vốn do cộng đồng và dân cư đóng góp 56.799 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương là 1.219,2 tỷ đồng, giảm 3.738,6 tỷ đồng so với tháng 01/2018 và giảm khoảng 92% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 01/2016. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22/10)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và EU:

- Ủy ban châu Âu đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu năm 2019).

Bộ Công Thương cho biết, EVFTA là hiệp định chất lượng cao nên việc xóa bỏ hàng rào thuế quan ở mức cao nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm Việt Nam.

Có gần 99% ngành hàng, sản phẩm Việt Nam được hưởng thuế. Dự kiến, xuất khẩu tăng trưởng khoảng 4 - 6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD năm 2019 và đến năm 2028 tăng 70 tỷ USD. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 21/10)

- Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định, EVFTA sẽ là cú hích không nhỏ cho phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam khi EU hiện là đối tác thương mại và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10 - 15%, nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30 - 40% trong hơn 10 năm tới. Dệt may, da giầy là những ngành sẽ có khả năng tăng mạnh nhất. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 22/10)