Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 23-28/10/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Quỹ bình ổn xăng dầu

Quỹ bình ổn (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tính đến trước 17h ngày 20/10 còn dư 3.190 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với kỳ công bố mới nhất ngày 05/10. Tổng cộng hai kỳ công bố gần nhất, tính từ ngày 20/9, BOG của Petrolimex đã tăng 103 tỷ đồng. (Theo Petrolimex ngày 20/10)

Doanh nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 12.186 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lợi nhuận trước thuế (riêng lẻ) đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ, cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,13%, giảm 0,4% so với đầu năm 2017. (Theo Vietcombank ngày 21/10)

Trong báo cáo tài chính quý III/2017 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy, tổng tài sản của BIDV đạt gần 1,126 triệu tỷ đồng, tăng 11,9% so với đầu năm 2017, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá, đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 1,054 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với đầu năm, trong đó tiền gửi khách hàng đạt 823.073 tỷ đồng, tăng 13,36% so với đầu năm.

Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, kỳ hạn ngắn. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt gần 1,080 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của BIDV cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng (tăng 12,16%). Trong đó cho vay tổ chức kinh tế và dân cư đạt 828.007 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với đầu năm. (Theo BIDV ngày 25/10)

Trong 9 tháng đầu năm 2017, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia 107.070 hồ sơ; xử lý, giải quyết 101.656 hồ sơ (đạt tỷ lệ 95%); đang tiếp tục xử lý 5.414 hồ sơ.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2018, cơ bản các thủ tục hành chính liên quan xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh hàng hóa và khoảng 80% hồ sơ thuộc lĩnh vực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý sẽ thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25/10)

Tổng cầu

Đầu tư

Tính đến ngày 20/10/2017, cả nước có 2.070 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16,3 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2016; có 1.001 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,27 tỷ USD, tăng 35,9% và 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,67 tỷ USD, tăng 58,8%.

Tính chung 10 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực và 59 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 7,62 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,07 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,59 tỷ USD.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/10)

Ngân sách
nhà nước

Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 15 địa phương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ với số tiền là 550 tỷ đồng.

Theo đó, ngành Tài chính đề nghị hỗ trợ Hà Tĩnh 135 tỷ đồng, Quảng Bình 70 tỷ đồng, Thanh Hóa 45 tỷ đồng, Nam Định 35 tỷ đồng, Quảng Trị 30 tỷ đồng, Ninh Bình 30 tỷ đồng, Thái Bình 15 tỷ đồng, Hải Phòng 15 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 15 tỷ đồng, Nghệ An 65 tỷ đồng, Hà Giang 30 tỷ đồng, Bắc Kạn 30 tỷ đồng, Lạng Sơn 15 tỷ đồng, Lào Cai 10 tỷ đồng và Hòa Bình 10 tỷ đồng. Về nguồn kinh phí, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2017.

Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 10/2017, đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn tại các tỉnh kể trên với tổng thiệt hại ước tính là 2.870 tỷ đồng.

(Theo TTXVN ngày 23/10)

Tổng thu NSNN năm 2017 ước đạt 1.212.180 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng chậm, tiến độ thu đạt thấp trong 3 năm gần đây. Dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017. Bội chi NSNN năm 2017 đạt khoảng 3,5% GDP; bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7% GDP, tăng 0,2% GDP so với năm 2017. (Theo Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước ngày 23/10)

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Nhà nước cần triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công; đẩy mạnh đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ trong năm 2018 chỉ bố trí mua ô tô theo chức danh từ cấp Bộ trưởng và tương đương trở lên, khi thực sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi. (Theo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội ngày 23/10)

Theo Báo cáo về tình hình nợ công vừa được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV cho biết, cuối năm 2017, dư nợ công dự kiến đạt khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP, giảm 1% so với cuối năm 2016.

Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, dư nợ công năm 2017 lại tăng 0,27 triệu tỷ đồng. Đến hết năm 2017, nợ chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng (51,8% GDP) và nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 498.000 tỷ đồng, nợ địa phương 39.600 tỷ. (Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số ngày 25/10)

Giá trị nguồn thu ngân sách từ nhà và đất của thành phố Hồ Chí Minh có tỷ trọng dao động từ 3 - 6% và đạt ngưỡng cao nhất gần 8% vào năm 2007 (năm đỉnh điểm của “cơn sốt” nhà đất) trong tổng thu ngân sách.

Hiện nguồn thu ngân sách từ thị trường bất động sản đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/năm và có tiềm năng tăng thu thông qua cách áp dụng thí điểm một số nguồn thu mới từ thị trường bất động sản, tăng cường sự minh bạch của thị trường để thu được nguồn thuế chính xác từ các giao dịch và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Trong giai đoạn 2006 - 2015, GDP trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản của thành phố đã tăng từ 22.670 tỷ đồng của năm 2006 lên khoảng 88.000 tỷ đồng trong năm 2015 (chiếm 9,2% trong cơ cấu nền kinh tế); tổng các khoản thu về đất đai và bất động sản đạt trên 100.000 tỷ đồng.

(Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/10)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 10/2017, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 2,74 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng năm 2017 đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 15,62 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 6,73 tỷ USD, tăng 17,6%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 6,44 tỷ USD, tăng 9,9%.

Đáng lưu ý, nhiều nhóm hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh như rau quả đạt khoảng 2,84 tỷ USD, tăng 41,2%; cao su đạt khoảng 1,05 triệu tấn và 1,77 tỷ USD, tăng 5,7% về khối lượng và tăng 40,6% về giá trị… (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/10)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng và 2 ngày giảm. Trong phiên giao dịch ngày 28/10, so với ngày 27/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,43 - 36,48 triệu đồng/lượng, tăng 210 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 40 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,61 - 36,67 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,42 - 36,49 triệu đồng/lượng, tăng 110 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 120 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 15 đồng so với tuần trước với 4 ngày tăng, 1 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 28/10, tỷ giá trung tâm là 22.474 NVD/USD, tăng 3 đồng so với tỷ giá ngày 27/10; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm nhẹ so với ngày 27/10 như sau: Vietcombank, Vietinbank và BIDV: 22.680 - 22.750 VND/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều.

Thương mại điện tử

Ngành công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng lên đến 16%/năm và đứng trong nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới… Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ người dân tiếp cận mạng internet đạt 60%, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm trên 80% ở thành phố lớn và 60% ở nông thôn.

Trong năm 2017, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt hơn 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm; riêng doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến đạt khoảng 76 triệu USD. (Theo Hiệp hội Internet Việt Nam và Công ty Nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen Việt Nam ngày 25/10)

Thị trường tài sản

Cổ phiếu

Trong tuần từ 23 - 27/10/2017, thị trường diễn biến trái chiều. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 10,26 điểm (1,24%) lên 840,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 176,49 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.492,26 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,14 điểm (0,13%) lên 106,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 41,6triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 518,35 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 52,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 9,5triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 204,28 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5,55 triệu đơn vị, tuy nhiên xét về giá trị họ bán ròng 8,5 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là VNM với khối lượng 1,35 triệu đơn vị, trị giá 206,46 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là NVL với khối lượng 4,24 triệu cổ phiếu, trị giá 255,23 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 11,07 triệu đơn vị (tăng mạnh so với tuần trước chỉ bán ròng 217.090 đơn vị), trị giá 163,03 tỷ đồng (tăng 89,67% so với tuần trước).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất ngày 26/10. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 3,19 triệu đơn vị, trị giá 26,62 tỷ đồng, tăng 19,12% về lượng, nhưng giảm 91% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp với tổng cộng 8,31 triệu đơn vị, trị giá 127,91 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần cả về lượng và giá trị so với tuần trước.

Chứng khoán

Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 3 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là hơn 63% GDP.

Năm 2006, trên thị trường chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và có duy nhất 1 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD; hiện nay có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. (Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ngày 25/10)

Trái phiếu

Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt rất thấp, khoảng 7% dự toán, trong khi tỷ lệ huy động vốn TPCP cao (đến hết tháng 9/2017 đã thực hiện phát hành 148,2 nghìn tỷ đồng TPCP, bằng 80,8% tổng khối lượng phát hành dự kiến 183,3 nghìn tỷ đồng, lãi suất bình quân khoảng 6,1%/năm).

Điều đó cho thấy một lượng tiền lớn đọng tại Kho bạc Nhà nước trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động. Việc chậm giải ngân tác động tiêu cực tới tăng trưởng, đồng thời gây lãng phí nguồn vốn huy động TPCP, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách không cao. (Theo Kiểm toán Nhà nước ngày 24/10)

Đàm phán - Ký kết

 

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017:

- Ngày 20/10, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM 2017), Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã tiếp ông Scott John Morrison, Bộ trưởng Ngân khố Australia và Ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Australia.

Việc ký Biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác, tạo cơ sở nền tảng giúp các cán bộ của Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Australia thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ. Đồng thời đóng vai trò tích cực giúp tạo ra khuôn khổ mang tính định hướng cho việc triển khai hợp tác giữa hai Bộ…

- Ngày 21/10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC Việt Nam 2017 lần thứ 24 đã ra tuyên bố chung về những định hướng và các cam kết trên một số lĩnh vực ưu tiên trong tiến trình thực hiện: Kinh tế toàn cầu và các khu vực, kế hoạch hành động Cebu; đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; tài chính bao trùm.

Trong vấn đề đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, các Bộ trưởng khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực, tìm kiếm và phát triển các giải pháp tài chính hiệu quả cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Các Bộ trưởng kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục phối hợp với các nền kinh tế APEC xây dựng những bài học kinh nghiệm tốt, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cho các nền kinh tế về đầu tư cơ sở hạ tầng… Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra tại Papua New Guinea vào tháng 10/2018.

Tổng cục Hải quan và 5 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank):

Để triển khai thực hiện Đề án nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7, ngày 24/10, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận với 5 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank) thực hiện thí điểm.

Theo đó, cho phép người nộp thuế lập bảng kê nộp thuế trực tiếp trên Cổng thanh toán điện tử hải quan mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối với internet và được ngân hàng xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế thành công ngay sau khi nhận được yêu cầu chuyển tiền nộp thuế và thực hiện thông quan ngay hàng hóa.

So với quy trình của các phương thức thu hiện tại, đặc biệt là phương thức nộp tiền điện tử qua ngân hàng phối hợp thu, quy trình nộp thuế và thông quan 24/7 có đặc điểm ưu việt, đơn giản, thuận tiện, chính xác vượt trội so với các phương thức đang thực hiện. Thỏa thuận được triển khai đồng bộ tại tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn hệ thống của 5 ngân hàng, trên tất cả các kênh phân phối: Tại quầy giao dịch, ATM, Internet Banking, POS, nộp thuế điện tử…

Nhận định

chuyên gia

Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 26/10, giới chuyên gia bất động sản:

Những tháng cuối năm 2017, thị trường bất động sản có thể sẽ diễn ra theo một trong ba kịch bản:

- Kịch bản tích cực: Thị trường bất động sản sẽ đi lên tuy không có đột biến.

- Kịch bản trung tính: Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất và khả năng xảy ra cao nhất khi nền kinh tế không có đột biến. Tất cả các yếu tố vĩ mô và vi mô không khác biệt, thị trường đi ngang.

- Kịch bản tiêu cực: Đây là kịch bản không mong muốn khi nền kinh tế thế giới bất ổn, tình hình chính trị không thuận lợi, biển Đông không ổn định, kinh tế vĩ mô không thuận lợi… thị trường sẽ đi xuống.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có xu thế tổng quát là phát triển ổn định, bền vững.

Chính sách

Nghị định số 117/2017NĐ-CP

Ngày 19/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động đối ngoại. Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải lựa chọn ngân hàng có uy tín hàng đầu ở nước sở tại để mở tài khoản phục vụ cho việc sử dụng ngân sách.

Khi trả tiền cho bên thụ hưởng, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả; trừ các trường hợp sau: Hệ thống tài khoản thanh toán tại nước đó chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng; các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/12/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Thông tư số 101/TT-BTC

Ngày 04/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2017/TT-BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Hội đồng giám sát cuộc đua được quyền yêu cầu tạm dừng hoạt động tổ chức cuộc đua ngựa, đua chó của doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

- Các thiết bị xuất phát và camera xác định ngựa đua, chó đua về đích chưa đầy đủ và không đảm bảo tính chính xác, trung thực trong việc tổ chức cuộc đua.

- Tổ chức đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó không đúng lịch và địa điểm như đã thông báo.

- Gian lận trong việc tổ chức cuộc đua.

- Hệ thống máy chủ, thiết bị đầu cuối bị ngừng hoạt động liên tục trong 30 phút trong thời gian bán vé đặt cược.

- Thời tiết hoặc bề mặt đường đua ngựa, đua chó trong tình trạng không thích hợp tổ chức đua ngựa, đua chó.

- Hệ thống không ngừng phát hành vé đặt cược trước thời điểm kết thúc nhận đặt cược.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.