Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 24-28/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

 

Dự báo kinh tế năm 2019, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra ba kịch bản cho giai đoạn 2018 - 2020: (i) Kịch bản 1, GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm ; (ii) Kịch bản 2, GDP tăng trưởng 6,91%; (iii) Kịch bản 3 GDP tăng trưởng 7,06%.

Năm 2019, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6,9 - 7%; lạm phát tăng dưới 4%. Để đạt được mục tiêu này, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và là hai động lực chính; có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để phát triển khu vực kinh tế tư nhân .

(Theo nhận định của các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng ngày 22/12)

Trong quý IV/2018, GDP  tăng khoảng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và dịch vụ tăng 7,61%. Tính chung cả năm 2018, GDP tăng 7,08% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 và cao hơn mức 6,7% mà Quốc hội đặt ra.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12)

Sản xuất công nghiệp

Tính đến thời điểm 15h ngày 21/12, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của Petrolimex còn khoảng 1.680 tỷ đồng, tăng hơn 220 tỷ đồng so với lần công bố mới nhất (ngày 6/12) là 1.460 tỷ đồng. Trước đó, theo quyết định của liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu giảm 250 - 390 đồng/lít, kg, áp dụng từ 15h ngày 21/12.

Cụ thể, xăng E5 RON92 giảm 394 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 318 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 257 đồng/lít, trong khi dầu hỏa giảm 249 đồng/lít và dầu mazút 3.5S giảm 394 đồng/kg. Như vậy, xăng E5 RON92 sẽ có mức giá mới là 16.787 đồng/lít và xăng RON95-III là 18.141 đồng/lít.

Trong khi đó, dầu diesel 0.05S có giá trần là 16.001 đồng/lít, dầu hỏa là 15.003 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 14.008 đồng/kg. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex ngày 21/12)

Doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2006 - 2018, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước cho GDP đều đạt mức hơn 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12 - 13% tổng lao động xã hội. Thống kê cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa cho doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh.

Nếu tính chung từ 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, thương mại trong nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế của như chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thương mại còn chậm.

Trong khi đó, tình trạng hàng giả, hàng lậu chưa hoàn toàn được kiểm soát, việc lừa đảo, chiếm đoạt, cung cấp thông tin không đầy đủ còn diễn ra phổ biến. (Theo Bộ Công Thương ngày 24/12)

Dịch vụ

Trong năm 2018, du lịch Việt Nam đã đón khoảng 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng. Các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước có tốc độ tăng trưởng mạnh như: Thành phố Hồ Chí Minh đón 36,5 triệu lượt khách (trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế); Hà Nội 28 triệu lượt khách du lịch (5,5 triệu khách quốc tế), Quảng Ninh 12,5 triệu lượt khách (5,3 triệu lượt khách quốc tế); Đà Nẵng 7,7 triệu lượt khách du lịch (gần 3 triệu khách quốc tế)...

Các địa phương đón từ 6 triệu lượt khách trở lên gồm Khánh Hòa, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thanh Hóa... (Theo Tổng Cục Du lịch ngày 26/12)

Tổng cầu

 

Xuất - nhập khẩu

Trong tuần từ 14 - 20/12, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đã tăng hơn 37% so với tuần trước. Lượng xe nhập khẩu trong tuần đạt 3.886 chiếc, tương ứng đạt hơn 81,4 triệu USD (ô tô nguyên chiếc các loại nhập trong tuần từ ngày 07/12 - 13/12 đạt 2.833 chiếc). Xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có 3.038 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá đạt hơn 61 triệu USD, chiếm 78,2% lượng ô tô các loại.

Xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được đăng ký nhập khẩu trong tuần chủ yếu là xe xuất xứ từ Thái Lan với 1.621 chiếc, tiếp theo là xe xuất xứ từ Indonesia với 957 chiếc, xuất xứ từ Nhật Bản có 246 chiếc…Về xe ô tô trên 9 chỗ ngồi, trong tuần có 20 chiếc xe loại này xuất xứ từ Thái Lan và được làm thủ tục nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu thành phố Hồ Chí Minh.

Tuần qua có 786 ô tô tải các loại với trị giá đạt gần 15,3 triệu USD làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 42 chiếc xe chuyên dụng với trị giá khai báo khoảng 4,5 triệu USD. Trong đó có tới 30 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc; chiếm 72% lượng xe loại này nhập khẩu vào Việt Nam trong tuần qua. Ngoài ra, có 4 chiếc xuất xứ từ Pháp, 2 chiếc từ Hàn Quốc…

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/12)

Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%, với hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017. Trong đó, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỷ USD giảm 2,0%; tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%); nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%, nhuyễn thể 785 triệu USD tăng 9,1%, giáp xác 145 triệu USD, tăng 23%.

Mục tiêu năm 2019 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn (khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,3 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. (Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/12)

Trong năm 2018, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 482,23 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2017, trong đó:

- Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8%, trong đó mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất máy móc thiết bị dụng vụ phụ tùng ước tính là 16,53 tỷ USD, tăng 28% so với năm trước; hàng dệt may xuất khẩu ước đạt 30,45 tỷ USD, tăng 16,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 29,45 tỷ USD, tăng 13,4%… 

- Tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5%, trong đó các mặt hàng có trị giá ước nhập cao nhất so với cùng kỳ năm trước lần lượt là vải các loại 12,91 tỷ USD, tăng 13,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 42,5 tỷ USD, tăng 12,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy là 5,74 tỷ USD, tăng 5,7%.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 27/12)

Tính đến hết tháng 11/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 183,5 triệu USD (tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Thái Lan đạt 67,5 triệu USD.

Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam tại ASEAN, chiếm 36,8% tổng xuất khẩu sang cả khu vực; tiếp đến là thị trường Singapore và Philippines với giá trị lần lượt là 42,3 triệu USD và 37,4 triệu USD. (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 26/12)

Tính hết tháng 11/2018, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 43,455 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch chiếm tỷ trọng hơn 19,4% trong 11 tháng qua.

Đáng chú ý, kết quả trên không chỉ tăng cao so với cùng kỳ mà còn vượt cả tỷ USD kim ngạch của cả năm 2017 tại thị trường này. Nếu so với cùng kỳ 2017, trị giá tăng thêm đạt 5,409 tỷ USD, trong khi so với cả năm, trị giá cũng đã vượt 1,864 tỷ USD (tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2017 đạt 41,591 tỷ USD).

Hết tháng 11 có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt trị giá 12,45 tỷ USD, tăng 11,8% và chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,08 tỷ USD, tăng 39%; giầy dép đạt 5,26 tỷ USD, tăng 14,5%; thủy sản đạt 1,48 tỷ USD, tăng 14,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 18,4%...

Hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ đạt 11,703 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lên đến 31,752 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ 2017. Kết quả xuất siêu sang Hoa Kỳ góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được thặng dư thương mại hơn 7,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2018.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 26/12)

Trong tháng 11/2018, lượng xuất khẩu hạt điều tăng 4,7% so với tháng 10/2018 nhưng giảm 1,8% về kim ngạch, đạt 35.122 tấn hạt điều, trị giá 278,72 triệu USD.

Tính trung bình trong cả 11 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 339.708 tấn hạt điều, thu về 3,09 tỷ USD, tăng 4,9% về lượng nhưng giảm 3,8% về kim ngạch so với 11 tháng đầu năm 2017; giá xuất khẩu hạt điều đạt trung bình 9.105 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Dự kiến cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 3,4 tỷ USD và nếu về đích với con số 3,4 tỷ USD, xuất khẩu hạt điều đã giảm tốc so với con số gần 3,516 tỷ USD của năm 2017. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 26/12)

Tính đến hết tháng 11/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 494,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm trước.

VASEP nhận định, đây là dấu hiệu tích cực đối với xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2018. Mức tăng trưởng này đã giúp Hoa Kỳ lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP ngày 25/12)

Đầu tư

Tính đến hết ngày 17/12, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt gần 245.000 tỷ đồng, bằng khoảng 62,8% so với kế hoạch vốn năm 2017. Thông qua quá trình kiểm soát thanh toán vốn trên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 59,8 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau 11 tháng, chỉ có 5 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao trên 80% kế hoạch trong khi có tới 31/56 bộ, ngành trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% kế hoạch năm. Trong đó còn 21 bộ, ngành trung ương và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

(Theo Kho bạc Nhà nước ngày 21/12)

Tính chung cả năm 2018, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 35,46 tỷ USD, trong đó, vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2017, tổng vốn FDI vào Việt Nam giảm nhẹ 1,2% nhưng vốn giải ngân tăng 9,1%. Cả nước có 3.046 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đạt gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ.

Có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng số vốn tăng thêm đạt 7,59 tỷ USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ. Riêng hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh 59,8% với tổng giá trị vốn góp đạt 9,89 tỷ đồng.

Vốn FDI đã chảy vào 18 ngành, lĩnh vực. Đứng đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp theo là bất động sản và bán buôn, bán lẻ. Có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/12)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng giá và 1 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 28/12 so với ngày 27/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,32 - 36,48 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 60 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,38 - 36,48 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 40 đồng so với tuần trước với 4 ngày tăng giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 28/12, tỷ giá trung tâm là 22.825 VND/USD, tăng 20 đồng so với tỷ giá ngày 27/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 27/12 như sau:

- Vietcombank: 23.170 - 23.260 VND/USD, giảm 20 đồng.

- BIDV: 23.165 - 23.255 VND/USD, giảm 30 đồng.

- Techcombank: 23.140 - 23.255 VND/USD, giảm 20 đồng.

Lao động

Trong năm 2018, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt khoảng 102 triệu đồng/lao động, tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017.

Năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12)

Lạm phát

Trong tháng 12/2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm 4,88% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 06 và 21/12 làm cho giá xăng, dầu giảm 10,77% (tác động CPI chung giảm 0,45%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,89% do giá gas trong tháng giảm 9,64%.

Trong quý IV/2018, CPI tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,44% so với quý IV/2017. Tính chung CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12)

Tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng của dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending)- hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính.

Sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P Lending trên thế giới trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển.

Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây ra mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ, để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua. Do đó, NHNN khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng. (Theo NHNN ngày 24/12)

Thị trường tài sản

 

 

Chứng khoán

 

Trong tuần từ ngày 24/12 - 28/12/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 8,27 điểm (-0,92%) xuống 892,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 175,2 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.749,55 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,24%) lên 104,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 37,98 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 545,08 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,24 điểm (0,46%) lên 52,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 13,91 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 266,08 tỷ đồng/ngày.

Trong năm 2018:

- Kho bạc Nhà nước đã huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng, đạt 91% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2018. Lãi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng sau khi tạo đáy vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2018.

- Khối ngoại bán ròng 1,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ do Fed tăng lãi suất làm giảm chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. 

- Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2018 đạt khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều mức bình quân các nước khu vực (21% GDP), chỉ cao hơn Indonesia (2,9% GDP) và Philippines (6,5%GDP).

(Theo Báo cáo Tổng quan về thị trường tài chính Việt Nam 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 26/12)

Trong năm 2018, thị trường cổ phiếu tăng cả về quy mô và thanh khoản. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX đón nhận thêm 7 doanh nghiệp niêm yết mới đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, toàn sàn HNX đã có 374 doanh nghiệp niêm yết với giá trị vốn hóa thị trường lên đến 190.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 788 tỷ đồng/phiên, tăng 12% về khối lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường UPCoM có 803 doanh nghiệp giao dịch, vốn hóa thị trường đạt trên 830.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân tăng 84% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 374 tỷ đồng/phiên.

Nguyên nhân là do xuất phát từ những thành công trong hoạt động đấu giá cổ phần của năm. Từ 01/01 - 15/12, HNX đã tổ chức 38 phiên đấu giá với giá trị trúng thầu là 21.000 tỷ đồng, trong đó có 10 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cổ phần hóa và 28 phiên đấu giá phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(Theo HNX ngày 22/12)

Tính đến ngày 15/12:

- Thị trường chứng khoán phái sinh sau hơn một năm đi vào hoạt động đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Tính đến ngày 15/12, khối lượng bình quân đạt hơn 76.000 hợp đồng/phiên và tăng 6,9 lần so với bình quân năm 2017.

Khối lượng mở OI toàn thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 19.500 hợp đồng, gấp 2,35 lần so với phiên giao dịch đầu năm với số lượng tài khoản giao dịch phái sinh hiện tại là 56.000 tài khoản. Bên cạnh đó, HNX và các đơn vị liên quan cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

- Trên thị trường trái phiếu chính phủ, HNX đã tổ chức 255 đợt đấu thầu, huy động được 165.800 tỷ đồng. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được hơn 149.700 tỷ đồng, hoàn thành 85,5% kế hoạch năm; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam huy động 6.440 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch năm. So với cuối năm 2017, lãi suất huy động trên tất cả các kỳ hạn tại thời điểm cuối tháng 12/2018 giảm khoảng 32 - 98 điểm cơ bản.

Quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu chính phủ tăng 8,2%  GDP năm 2017 lên tương đương 20% GDP trong năm 2018. Trong ngày 15/12, quy mô thị trường đã đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 8.700 tỷ đồng, giảm 3,3% so với năm 2017, trong đó giao dịch mua đi bán lại chiếm 53,8% tổng giá trị giao toàn thị trường.

(Theo HNX ngày 22/12)

Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) công bố 6 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE bị xử phạt về thuế, cụ thể:

- Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) phạt thuế năm 2017 về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 232 triệu đồng; truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 132.698 đồng; truy thu thuế TNDN là 1,16 tỷ đồng, tiền chậm nộp thuế là gần 193 triệu.

- Công ty Cổ phần In và Bao bì Mỹ Châu (MCP) xử phạt thuế năm 2017 về hành vi khai sai dẫn đến số thuế phải nộp là 22,5 triệu đồng; truy thu thuế GTGT là 112,5 triệu và tiền chậm nộp thuế TNDN là 1,1 triệu đồng.

- Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (HOT) bị xử phạt thuế qua thời kỳ kiểm tra năm 2012 - 2016 với số tổng số tiền truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế là gần 3,5 tỷ đồng.

- Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) bị xử phạt thuế qua thời kỳ kiểm tra năm 2016 với số tiền truy hoàn thuế là 19,3 triệu đồng, phạt và tính tiền chậm nộp gần 5,2 triệu đồng.

- Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFG) bị xử phạt thuế qua thời kỳ kiểm tra năm 2016 với truy thu thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt gần 595 triệu đồng và tiền phạt thời kỳ kiểm tra năm 2017 hơn 612 triệu đồng.

- Công ty Cổ phần Đá Núi Nhỏ (NNC) bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế năm thời kỳ kiểm tra năm 2014 - 2016 với tổng số tiền thuế và phí truy thu hơn 596 triệu đồng; xử phạt vi phạm về thuế 20% số thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường kê khai sai số thuế hơn 596 triệu đồng là 119,2 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế là 192,4 triệu đồng.

(Theo HOSE ngày 27/12)

Ngày 26/12, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu được 4.310 tỷ đồng, cụ thể:

- 10 năm: Huy động được 4.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,1%/năm và phiên thầu phụ 300 tỷ đồng với lãi suất trên.

 - 15 năm: Huy động được 10 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,3%/năm và phiên thầu phụ 1.500 tỷ đồng. 
Kể từ đầu năm 2018 đến ngày 26/12, Kho bạc Nhà nước huy động được 165.797 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua đấu thầu tại HNX.