Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 25/02-01/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

PMI

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm trong tháng 2 (dữ liệu thu thập từ ngày 12 - 20/tháng 2). So với tháng 1, PMI đã giảm 0,7 điểm, chỉ còn 51,2 điểm. Tuy sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng nhanh hơn nhưng lượng việc làm và tồn kho giảm đã làm cho PMI bị ảnh hưởng. Như vậy, dù vẫn nằm trên ngưỡng trung bình 50 điểm nhưng PMI đã giảm 3 tháng liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016. (Theo Nikkei ngày 1/3)

Dịch vụ

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2019 ước đạt hơn 1,58 triệu lượt người, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay, do đang vào mùa lễ hội đầu năm với nhiều sự kiện hấp dẫn thu hút du khách quốc tế.  Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không tăng 5,5%; đường bộ tăng 29,5%; đường biển giảm 40,7%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Doanh nghiệp

Theo Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2019, giai đoạn 2014 - 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép CAGR trung bình của doanh nghiệp FAST500 đạt 38%. Kinh tế tư nhân thể hiện rõ vai trò là nguồn lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình đạt 39,6%, vượt xa khu vực nhà nước và FDI.

Kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong FAST500 với 81,4% số doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp lạc quan trước kết quả kinh doanh năm 2018 (85,6% đánh giá doanh thu năm 2018 tăng so với năm 2017, 64,3% nhận định lợi nhuận sau thuế có tăng lên). Gần 70% doanh nghiệp có dự định mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

(Theo Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report - ngày 27/02)

Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Như vậy mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam là khó khả thi.

(Theo Baodautu.vn ngày 26/02)

Tính đến hết ngày 25/02/2019 đã có tổng cộng 1.005 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 (chiếm 98% vốn hóa trên 3 sàn). Tổng lợi nhuận ròng cả năm 2018 của các doanh nghiệp đạt khoảng 276,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2017. Tuy nhiên nếu loại trừ lợi nhuận đột biến của VHM (tăng gần 13 nghìn tỷ đồng lợi nhuận) thì con số này chỉ là 13,3%. Ngành bất động sản dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 75%, chủ yếu do lợi nhuận đột biến từ VHM. Nếu loại trừ VHM thì tăng trưởng đạt 22,8%.

 (Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI  ngày28/02)

Tháng 2/2019, cả nước có 5,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 96,3 nghìn tỷ đồng, giảm 41,5% về số doanh nghiệp và giảm 36,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 15.979 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 247,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 10.191 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 26,2 nghìn doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản trong 2 tháng đầu năm 2019 lên tới 16.675 doanh nghiệp, bằng 104,36% doanh nghiệp thành lập mới. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 6,25 triệu USD. Trong đó, có 3 dự án thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư là 5,6 triệu USD, chiếm 89,5% tổng vốn đầu tư; 2 dự án thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin và truyền thông. Các nước nhận đầu tư của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 là Hoa Kỳ, Singapore, Phần Lan, Nhật Bản.

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư  ngày 26/02)

Tính từ đầu năm đến ngày 20/2/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là gần 8,471 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cả nước thu hút 514 dự án mới với tổng vốn đăng ký 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018; 176 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018; 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,17 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 61% tổng vốn đăng ký. Vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân trong 2 tháng đạt 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư  ngày 26/02)

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 218,446 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018 cho các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được bổ sung 138,592 tỷ đồng để thực hiện Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng; Dự án Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của 5 địa phương được bổ sung 79,854 tỷ đồng, trong đó Hà Giang 28 tỷ đồng, Hòa Bình 18 tỷ đồng, Quảng Trị 8,454 tỷ đồng, Kon Tum 16,4 tỷ đồng và Trà Vinh 9 tỷ đồng. (Theo baodautu.vn ngày 22/02)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2/2019 đạt khoảng 390,8 nghìn tỷ đồng, giảm 3% so với tháng 1/2018 nhưng vẫn tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 2/2019 diễn ra sôi động phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán,  nhưng tháng 2 chỉ có 28 ngày và thời gian nghỉ Tết kéo dài nên doanh thu hoạt động thương mại dịch vụ trong nước giảm so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 793,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,28%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Xuất - nhập khẩu

Hai tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 4,3%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam là: điện thoại và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 4,9 tỷ USD, tăng 19%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 1,9%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU với 6,3 tỷ USD, tăng 1,2%; Trung Quốc 5,1 tỷ USD, giảm 9,3%;  ASEAN 3,8 tỷ USD, tăng 3,5%;  Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 17,3%; Hàn Quốc 3,1 tỷ USD, tăng 10,1%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản trong tháng 1/2019 đạt khoảng 3,2 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 1,55 tỷ USD, bằng 82,8% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 2,57 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 2,19 tỷ USD, giảm 6%.

(Theo vneconomy.vn  ngày 26/02)

Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Canada đạt 379 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 317 triệu USD, tăng 33,83% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 62,62 triệu USD, tăng 6,85% so với tháng 1/2018. Việt Nam đã xuất siêu sang Canada trên 250 triệu USD.

(Theo Báo vov.vn  ngày 27/02)

Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu được 486.712 tấn dầu thô trong tháng 1/2019, tương đương 225,79 triệu USD, tăng 39% về lượng, tăng 49% về kim ngạch so với tháng 12/2018; tăng 26% về lượng, tăng 10% về kim ngạch so với tháng 1/2018.

Mức giá xuất khẩu dầu thô đạt trung bình 463,9 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng 12/2018 nhưng giảm 12,5% so với tháng 1/2018. Thái Lan là thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2019, chiếm tỷ trọng 41% (199.349 tấn), kim ngạch gần 94,35 triệu USD, tăng 81,8% về lượng và tăng 88,3% về kim ngạch so với tháng 12/2018; tăng 185% về lượng và tăng 146,7% về kim ngạch so với tháng 1/2018. (Theo Baocongthuong.vn ngày 23/02)

Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt sản lượng nuôi cá tra 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018. Tuy nhiên, năm 2019 các thị trường xuất khẩu cá tra chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU... được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi, do vậy, xuất khẩu cá tra có thể đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD. (Theo baohaiquan.vn ngày 26/02)

Tháng 2/2019, lượng cao su xuất khẩu đạt 51 nghìn tấn, trị giá 76 triệu USD, giảm 61,8% về lượng và 61% trị giá so với tháng 1/2019. Đây là tháng thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm 2019, xuất khẩu cao su giảm nhưng tăng 18,2% về lượng và 2,9% trị giá so với tháng 2/2018. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su đạt khoảng 186 nghìn tấn, trị giá 274 triệu USD. (Theo baocongthuong.vn  ngày 25/02)

Tổng cục Hải quan cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2018, giá trị thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 3 lần, từ 18,01 tỷ USD (năm 2010) lên 60,28 tỷ USD trong năm 2018; tốc độ tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước bình quân đạt 16,3%/năm; tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ bình quân đạt 16,3%/năm, từ 14,24 tỷ USD trong năm 2010 lên đến 47,53 tỷ USD trong năm 2018. Tốc độ tăng của hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng bình quân 16,5%/năm, từ 3,77 tỷ USD (năm 2010) lên 12,75 tỷ USD (năm 2018). Cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam với Hoa Kỳ trong năm 2018 thặng dư gần 34,8 tỷ USD, bằng 73,2% trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. (Theo thoibaotaichinh.vn ngày 28/02)

Cân đối vĩ mô

 

Lạm phát

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 CPI tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 2 tăng so với tháng trước.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,73%. Tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,66%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%. Lạm phát cơ bản tháng 2/2019 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 2 tháng đầu năm 2019 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng giá, 4 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 02/3 so với ngày 02/3 giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 6,55 - 36,75 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Công ty Doji: 36,59 - 36,69 triệu đồng/lượng, giảm 210 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 230 nghìn đồng/lượng chiều bán ra

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 17 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 02/3, tỷ giá trung tâm 22.923 đồng, không đổi so với ngày 01/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi so với ngày 01/3 như sau:

- Vietcombank và Techcombank: 23.150 - 23.250 VND/USD, không đổi.

- BIDV: 23.150 - 23.250 VND/USD, giảm 5 đồng ở mỗi chiều.

Tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2018, thống tổ chức tín dụng đã cho vay trong lĩnh vực lúa gạo khoảng 99 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2017. Đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay lúa gạo của toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay sản xuất lúa khoảng 23 nghìn tỷ đồng; cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo khoảng 63 nghìn tỷ đồng và cho vay chế biến, bảo quản lúa gạo khoảng 14 nghìn tỷ đồng. (Theo Thoibaonganhang.vn  ngày 26/02)

Thị trường tài sản

 

Trái phiếu

Trong phiên đấu thầu ngày 27/02, Kho bạc Nhà nươc (KBNN) gọi thầu 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) và huy động thành công 3.950 tỷ đồng, với các kỳ hạn như sau:

- TPCP kỳ hạn 7 năm huy động được 100 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,05%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 13/2/2019).

- TPCP kỳ hạn kỳ hạn 10 năm huy động thành công 2.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,7%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 13/2/2019).

- Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 1.250 tỷ đồng, huy động được 1.250 tỷ đồng với lãi suất 4,7%/năm.

- TPCP kỳ hạn 30 năm huy động được 100 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,79%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 13/2/2019).

Từ đầu năm 2019, KBNN đã huy động được 55.193,5 tỷ đồng thông qua đấu thầu TPCP tại HNX.

(Theo baonhandan.com.vn  ngày 28/02)

 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nướccho biết, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017. Hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều được thực hiện dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng đăng ký phát hành là 427.000 tỷ đồng, khối lượng phát hành thành công là 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017. (Theo Thoibaotaichinh.vn  ngày 25/02)

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 25/02 - 01/3/2019:

- VN-Index: có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 14,16 điểm (+1,47%), đứng ở mức 979,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 226,64 triệu đơn vị/ngày, tăng 14,27% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 5.001,66 triệu đơn vị/ngày, tăng 8,97% so với tuần trước.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,4 điểm (+1,32%) lên 107,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 50,1 triệu đơn vị/phiên, tăng 41,55% so với tuần trước.

Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 700,26 triệu đơn vị/ngày, tăng 42,56% so với tuần trước.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, UPCoM-0,56 điểm (+1,01%) lên 55,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 14,8 triệu đơn vị/ngày, giá trị 305,5 tỷ đồng.

Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng 50,61 triệu đơn vị, tăng gần 185% so với tuần trước. Tổng giá trị bán ròng 1.183,4 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 45,24 tỷ đồng).

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng với tổng khối lượng bán ròng 10,03 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 349,64 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 8,26 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 540,47 tỷ đồng).

 - HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng  với tổng khối lượng bán ròng 40,68 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 867,78 tỷ đồng (trong khi tuần trước đó mua ròng 1,98 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 55,41 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp với tổng khối lượng 103.900 đơn vị, tổng giá trị 34,02 tỷ đồng (trong khi tuần trước đó bán ròng gần 28 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 550,64 tỷ đồng).

Đàm phán - Ký kết

Ngày 27/02, trong buổi hội đàm nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donal Trump đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác.

Theo đó, Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Hoa Kỳ). Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD...

(Theo Vneconomy.vn ngày 27/02)

Nhận định

chuyên gia

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Nguồn tiền huy động của ngành Ngân hàng Việt Nam chủ yếu là ngắn hạn, nếu đem cho vay trung, dài hạn với tỷ lệ cao sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản. Vì vậy cần giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 30%, thậm chí xuống 20% (hiện nay là 40%). Để làm việc này cần có thời gian và lộ trình để các ngân hàng có sự chuẩn bị, có thể trong khoảng 2 - 3 năm. (Theo infomoney.vn ngày 28/02)