Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 26/11-01/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Sản xuất nông nghiệp

 

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so năm 2008. Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm; năng suất lao động trong nông nghiệp năm 2017 tăng 6,48%; thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 tăng lên 32 triệu đồng năm 2017... (Theo Chính phủ ngày 27/11)

Doanh nghiệp

Tổng số tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý đến thời điểm ngày 30/9 là 82.961 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017, một phần do sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực… Do đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế cho từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo phòng, chi cục thuế và từng cán bộ. Các cục trưởng, phó cục trưởng và các đơn vị liên quan sẽ có nhiệm vụ đôn đốc thu nợ với hơn 177.000 người nộp thuế, tổng số tiền thuế nợ là 41.653 tỷ đồng. Trong đó, các cục trưởng cục thuế sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc 547 doanh nghiệp với số tiền thuế nợ là 14.396 tỷ đồng; số tiền thuế nợ có khả năng thu là 12.806 tỷ đồng. Các phó cục trưởng cục thuế chịu trách nhiệm đôn đốc 899 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế nợ là 4.100 tỷ đồng; số tiền thuế nợ có khả năng thu là 3.718 tỷ đồng... (Theo Tổng cục Thuế ngày 28/11)

 

Trong 11 tháng đầu năm 2018, cả nước có:

- 121.248 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3.432.598 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn bổ sung của ngành kinh doanh bất động sản là375.064 tỷ đồng, chiếm 30,4% tổng số vốn đăng ký; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy là 193.606 tỷ đồng, chiếm 15,7%; ngành xây dựng 158.918 tỷ đồng, chiếm 12,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 140.411 tỷ đồng, chiếm 11,4%. 

- 31.869 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,9%.

 - 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,8%.

- 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64%.

- 14.861 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 37,4%.

(Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ngày 28/11)

 

Ngày 29/11, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo điện tử VietNamNet tổ chức Lễ công bố 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018. Sự kiên này nhằm vinh danh những doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, đạt khả năng sinh lời tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển tương lai của nền kinh tế Việt Nam. 

500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018 bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội, Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công yhương Việt Nam, Tập đoàn Vingroup... 

(Theo Báo điện tử VietNamNet ngày 29/11)

Dịch vụ

Báo cáo của e-Conomy SEA 2018 - một nghiên cứu về kinh tế kỹ thuật số được thực hiện giữa Temasek (Singapore) và Google cho thấy, nền kinh tế Internet ở Việt Nam có tổng giá trị 9 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015 - 2018. Trong đó, thương mại điện tử gần như tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017, quảng cáo trực tuyến và game online tăng trưởng hơn 50% mỗi năm, kinh tế online ở Việt Nam đang thực sự bùng nổ. Ngoài ra, thị trường du lịch trực tuyến cũng còn rất nhiều khoảng trống để phát triển. (Theo Báo điện tử Truyền hình Việt Nam ngày 26/11)

 

Trong tháng 11/2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1.301.909 lượt, tăng 8,0% so với tháng 10/2018 và tăng 11% so với tháng 11/2017. Tính chung 11 tháng năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 14,1 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017, khách du lịch đến Việt Nam ở hầu hết các thị trường đều tăng, trong đó:

- Châu Á tăng 25,3% (Trung Quốc tăng 26,9%; Hàn Quốc 46,5%; Nhật Bản 3,7%; Đài Loan 15,6%; Malaysia 13,4%; Thái Lan 14,3%; Singapore 3,7%).

- Châu Âu tăng 8,7% (Nga tăng 6,8%; Hà Lan 7,4%).

- 5 thị trường Tây Âu mà Việt Nam miễn thị thực cũng tăng (Anh tăng 5,2%; Pháp 9,9%; Đức 6,8%; Tây Ban Nha 12,9%; Italy 13,1%).

- Châu Mỹ cũng tăng 11,4%; châu Đại dương tăng 4,9%; châu Phi tăng 19,7%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/11)

Tổng cầu

 

Xuất - nhập khẩu

Trong tuần từ 16 - 22/11, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu tăng 35,6% so với lượng nhập khẩu trong tuần trước. Lượng xe nhập khẩu trong tuần đạt 3.437 chiếc, tương ứng đạt 73,7 triệu USD.  Về cơ cấu xe, có 2.995 xe  từ 9 chỗ ngồi trở xuống được làm thủ tục nhập khẩu với trị giá đạt gần 56 triệu USD, chiếm 87% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu, tăng mạnh 60,8% (tương đương 1.132 chiếc) so với tuần trước. Với xe ô tô trên 9 chỗ ngồi trong tuần có 16 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu . Số lượng xe tải làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam trong tuần đạt 373 chiếc, với trị giá 11,7 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 23/11)

 

Giá trị xuất khẩu lâm sản 11 tháng năm 2018 đạt khoảng 8,49 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,42% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 11 tháng ước đạt 6,398 tỷ USD. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản chính cả năm đạt 9,3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lâm sản tập trung chủ yếu tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch xuất khẩu lâm sản. Giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 6,17% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường chủ yếu gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Thái Lan…

Thời gian tới, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12 - 13 tỷ USD vào năm 2020.

(Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/11)

 

Trong tháng 11/2018, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt khoảng 43,6 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu khoảng 21,6 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 22 tỷ USD, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 400 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 11 tháng đạt khoảng 440,45 tỷ USD, tăng khoảng 13,4% so cùng kỳ năm 2017, cán cân thương mại thặng dư hơn 6,8 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 28/11)

 

Tính hết tháng 10/2018, trong khi người Hàn Quốc chi 15,23 tỉ USD mua hàng từ Việt Nam thì Việt Nam chi gần 39,22 tỷ USD để mua hàng hóa từ xứ sở kim chi. Như vậy, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc lên đến 24 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sang thị trường Hàn. Thương mại 2 chiều Việt Nam - Hàn Quốc đã gia tăng mạnh, đặc biệt từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2015. Tính đến hết tháng 10/2018 có đến 9 nhóm hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch lên đến gần 14,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 5,1 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện gần 4,9 tỷ USD… (Theo Tổng cục Hải quan ngày 27/11)

 

Hiện nay, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới, các sản phẩm nông sản đã có mặt tại 180 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản luôn đạt giá trị cao, song xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai cần phát huy tốt hơn nữa những lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc xuất khẩu an toàn và bền vững. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/11)

Đầu tư

Tính chung trong 11 tháng năm 2018, cả nước có 125 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 303,5 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 54 triệu USD. Tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 357,5 triệu USD. Lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư. Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 97,6 triệu USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài ngày 27/11)

 

Công ty cổ phần Northstar Group (Singapore), đã đầu tư 50 triệu USD vào Công ty công nghệ giáo dục Topica Edtech Group có trụ sở tại Hà Nội (Việt Nam) với hơn 1.700 nhân viên. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào một công ty giáo dục trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á. Topica Edtech Group cung cấp các lớp học tiếng Anh trực tuyến, với hơn 2.000 khóa học ngắn hạn sử dụng các đoạn video giảng dạy tiếng Anh và một nền tảng cho phép 12 trường đại học trong khu vực Đông Nam Á cung cấp chương trình giảng dạy và cấp bằng trực tuyến. Bên cạnh đó, Topica Edtech Group - được thành lập vào năm 2008 - cũng đang điều hành một số chương trình hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp. (Theo TTXVN ngày 26/11)

 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản tài trợ hơn 100 triệu USD để giúp Chính phủ Việt Nam lắp đặt 8 hệ thống thủy lợi hiện đại ở 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, giúp cải thiện năng suất nông nghiệp, nhất là đối với những vùng canh tác các loại cây có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, nho, thanh long và xoài. 5 tỉnh được tài trợ gồm Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa và Ninh Thuận. ADB hỗ trợ việc nâng cấp các hệ thống thủy lợi, bao gồm hệ thống đường ống nước áp lực, cấp nước theo nhu cầu; hỗ trợ xây dựng các hệ thống vi tưới cải tiến dựa trên loại cây trồng và nhu cầu của người nông dân. (Theo TTXVN ngày 27/11)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Nghiên cứu của PwC về hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Việt Nam được công bố ngày 22/11 dẫn số liệu từ Báo cáo “Hàng tiêu dùng và Bán lẻ Việt Nam quý I/2019” do BMI, một đơn vị của Fitch Group, công ty xếp hạng tín dụng nổi tiếng thế giới, thực hiện cho thấy, ước tính đến năm 2017, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam đạt 120 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%/ năm trong giai đoạn 2012 - 2017. Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á - Thái Bình Dương, cùng với Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc, với mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn từ nay đến năm 2022. Nguyên nhân là do mức tiêu dùng cá nhân tăng lên cùng với nền kinh tế tăng trưởng; tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tối thiểu gia tăng tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Các công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ Việt Nam nên tận dụng các yếu tố vốn lưu động cho sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. (Theo nghiên cứu của PwC ngày 22/11)

 

Trong tháng 11/2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 385.000 tỷ đồng và tăng 1,1% so với tháng 10, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đó, người Việt tiêu dùng mua sắm lên tới 288.600 tỷ đồng và chi tiêu cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống 47.000 tỷ đồng, du lịch 3.400 tỷ đồng và một số dịch vụ khác 46.000 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/11)

Ngân sách nhà nước

Tính đến ngày 30/11/2018, lũy kế vốn đầu tư giải ngân thuộc kế hoạch năm 2018 qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) đạt khoảng 243.519,6 tỷ đồng, đạt 62,6% kế hoạch. Trong đó, nguồn Chính phủ giao giải ngân 241.358,1 tỷ đồng, đạt 62,9% kế hoạch (bao gồm vốn xây dựng cơ bản giải ngân 198.211,3 tỷ đồng, đạt 65,6% kế hoạch; vốn trái phiếu chính phủ giải ngân 14.616,8 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 28.530 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch); nguồn thu để lại giải ngân là 2.161,5 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch KBNN nhận được.

Dự toán chi thường xuyên năm 2018 của NSNN qua KBNN đã loại trừ số tạm ứng và dự toán từ năm trước chuyển sang là 976.515 tỷ đồng; ước tính thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/11/2018, được 747.531 tỷ đồng, đạt 76,6% dự toán chi thường xuyên (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

(Theo KBNN ngày 27/11)

 

Tính đến ngày 15/11/2018:

- Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.160,1 nghìn tỷ đồng, trong đó:

+ Thu nội địa 926,9 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, bằng 77,2% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 156,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70.3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 178,7 nghìn tỷ đồng, bằng 82%; thu thuế thu nhập cá nhân 82,5 nghìn tỷ đồng, bằng 85,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5%; thu tiền sử dụng đất 102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,8%).

+ Thu từ dầu thô 54,3 nghìn tỷ đồng, bằng 151,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu 174,9 nghìn tỷ đồng, bằng 97,7%.

- Tổng chi ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.166,2 nghìn tỷ đồng, trong đó:

+ Chi thường xuyên đạt 806,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85,8%.

+ Chi đầu tư phát triển 239,8 nghìn tỷ đồng, bằng 60%.

+ Chi trả nợ lãi 93,5 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1%.

(Theo số liệu Tổng cục Thống kê ngày 29/11)

 

Trong tháng 11/2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 36.700 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn trung ương 6.700 tỷ đồng, giảm 0,3%, vốn địa phương 30.000 tỷ đồng, tăng 19,6%. 

Tính chung 11 tháng năm 2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 284.700 tỷ đồng và bằng 82,1% kế hoạch năm và tăng 12,8% so với cùng kỳ, trong đó vốn trung ương quản lý đạt 52.400 tỷ đồng, bằng 79,6% kế hoạch năm và giảm 5,9% so với cùng kỳ; vốn địa phương quản lý đạt 232.300 tỷ đồng, bằng 82,7% kế hoạch năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ (vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 162.900 tỷ đồng, cấp huyện đạt 58.400 tỷ đồng, cấp xã đạt 11.00 tỷ đồng). 

(Theo Báo cáo Kinh tế - Xã hội từ Tổng cục Thống kê ngày 29/11)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá và 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 01/12 so với ngày 30/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

 - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,32 - 36,48 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,35 - 36,45 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá và 5 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 01/12, tỷ giá trung tâm là 22.750 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 30/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với ngày 30/11 như sau:

- Vietcombank: 23.275 - 23.365 VND/USD, không thay đổi.

- BIDV: 23.270 - 23.350 VND/USD, giảm 10 đồng.

- Vietinbank: 23.257 - 23.357 VND/USD, giảm 8 đồng.

Lạm phát

Trong tháng 11/2018 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,29% so với tháng trước, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 11 tháng của năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có:

- 7 nhóm hàng tăng giá: May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,26%; hàng hóa và dịch vụ khác 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,08%; đồ uống và thuốc lá 0,07%; văn hóa, giải trí và du lịch 0,05%; giáo dục 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế 0,01%.

- 4 nhóm hàng giảm giá là giao thông giảm 1,81%; nhà ở và vật liệu xây dựng 0,64%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,14%; bưu chính viễn thông 0,06%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/11)

Thị trường tài sản

 

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 26/11 - 30/11/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 0,25 điểm (-0,03%) xuống 926,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 139,63 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.515 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,65 điểm (0,63%) lên 104,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 33,05 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 467,68 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,07 điểm (0,13%) lên 52,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,51 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 299,46 tỷ đồng/ngày.

 

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4.625.970 đơn vị, trị giá mua ròng 241,43 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 2 ngày bán ròng và 3 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 945.970 đơn vị, trị giá 180,68 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 534.450 đơn vị, trị giá 300,12 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 6,78 triệu đơn vị, trị giá 84,39 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 4,34 triệu đơn vị, trị giá 69,15 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng với khối lượng là 3,1 triệu đơn vị, trị giá 145,14 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 587.604 đơn vị, trị giá mua ròng 13,76 tỷ đồng).

 

Ngày 22/11, Công ty cổ phần Vận tải và Chế biến Than Đông Bắc đưa 5,1 triệu cổ phiếu (mã VDB) với tổng giá trị đăng ký giao dịch 51 tỷ đồng lên sàn UpCoM và giá giao dịch ngày đầu là 10.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong buổi sáng của phiên giao dịch đầu tiên (ngày 22/11), cổ phiếu này đã không có sự chuyển nhượng và vẫn giữ nguyên mức giá tham chiếu là 10.100 đồng/cổ phiếu.

Tháng 4/2018, Công ty đã chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần có vốn điệu lệ 51 tỷ đồng. Công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiếp nhận than tại các đơn vị khai thác trong nội bộ Tổng công ty Đông Bắc và các nguồn than thương mại hợp pháp khác về sàng tuyển, chế biến ra than thành phẩm và tiêu thụ. Ngoài ra, VDB kinh doanh cả vận tải hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ nội địa.

(Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 23/11)

Trái phiếu

Kho bạc Nhà nước gọi thầu 4.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, với kết quả huy động thành công là 3.656 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (đạt 81,2%). Cụ thể:

- 10 năm: Huy động được 1.946 tỷ đồng, lãi suất 5,1%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 600 tỷ đồng, lãi suất 5,1%/năm.

- 15 năm: Huy động được 510 tỷ đồng, lãi 5,3%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 600 tỷ đồng, lãi suất 5,3%/năm.

- 5 năm không có lãi suất trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018 đến ngày 28/11, KBNN huy động được 137.347 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thông qua đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 28/11)

 

Trong tháng 11/2018, KBNN đã tổ chức 3 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ qua HNX và đã huy động được 6.564 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Lũy kế đến 23/11/2018, toàn hệ thống KBNN đã huy động được 148.691 tỷ đồng, đạt 67,3% so với kế hoạch năm. (Theo KBNN ngày 27/11)