Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 26-30/12/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

- GDP năm 2016 tăng khoảng 6,21% , thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, do tình hình kinh tế thế giới bất ổn, trong nước gặp nhiều khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường biển diễn biến phức tạp. Trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm 2015, đóng góp 2,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.

- Quy mô nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Sản xuất
công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2016 tăng khoảng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung cả năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2015, thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015 và 7,6% của năm 2014 do ngành khai khoáng giảm sút mạnh. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Sản xuất
nông nghiệp

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015, thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... Năm 2017, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,5 - 2,8%, giá trị sản xuất tăng 3-3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 32-32,5 tỷ USD. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 26/12)

Doanh nghiệp

Tính chung năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% (nếu tính cả 1.629,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2016 đạt 2.520,9 nghìn tỷ đồng); số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 là 1.268 nghìn người, bằng 86,1% năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt khoảng 26.689, tăng 24,1% so với năm 2015, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2016 lên gần 136,8 nghìn doanh nghiệp. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội đầu tư kinh doanh được mở rộng, giúp thị trường tăng sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Tính đến đầu năm 2016, cả nước mới chỉ có gần 14.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và so với tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, tức là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm gần 3%. Đặc biệt, sự yếu kém về nội lực khiến hầu hết các nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo đều phải nhập khẩu, do đó sản phẩm cuối cùng không tạo ra giá trị gia tăng cao. (Theo Bộ Công Thương ngày 23/12)

Kết quả điều tra thực hiện tháng 4/2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 94% biết tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhưng chỉ có chưa đầy 17% biết rõ về các cam kết trong AEC. Số doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ AEC thời gian qua rất thấp, do thiếu thông tin chính xác và toàn diện về AEC. (TheoTrung tâm WTO ngày 28/12)

Tổng cầu


Đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giải ngân trong năm 2016 (tính theo giá hiện hành) đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP. Trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 557.500 tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2% so với năm 2015; vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 579.700 tỷ đồng, chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực FDI đạt 347.900 tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,4%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/12)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016đạt khoảng 3.527,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,8%, thấp hơn mức tăng 8,5% của năm 2015 do sức mua không biến động lớn, trong khi giá tiêu dùng năm 2016 tăng cao hơn so với năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Ngân sách
nhà nước

Thu ngân sách tính đến ngày 31/12/2016 đạt 100,7% dự toán năm, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm sẽ vượt khoảng 70.000 tỷ đồng. Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách trong năm 2016 là: Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu; giá dầu giảm (làm thất thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng), khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 20% do trích lập dự phòng; thua lỗ các dự án lớn thuộc các doanh nghiệp nhà nước… (Theo Bộ Tài chính ngày 29/12)

Xuất nhập khẩu

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 50 tỷ USD, tăng 4,8%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt khoảng 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%;khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2016 đạt thặng dư 2,68 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,70 tỷ USD. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Trong 11 tháng năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn nguyên liệu cao su, trị giá 1,45 tỷ USD. Ước tính xuất khẩu cao su năm 2016 đạt 1,2-1,25 triệu tấn, tăng 5,5-10% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2015, do giá cao su trên thị trường toàn cầu giảm. (Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam ngày 26/12)

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2016 đạt 399.000 tấn với giá trị đạt 181 triệu USD. Tổng khối lượng xuất khẩu gạo năm 2016 đạt khoảng 4,88 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,9% thị phần; Gana đứng thứ hai với 11,1% thị phần. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/12)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,4%. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015. Lạm phát cơ bản tháng 12/2016 tăng 0,11% so với tháng 11 và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2015. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2016 tăng 1,83% so với bình quân năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Tín dụng

Năm 2016, chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) được cải thiện, dự phòng rủi ro tăng. Trong đó tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống giảm từ 2,9% năm 2015 xuống 2,8%; hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu (xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 21%); dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống tăng khoảng 11,9% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 5,4%); dự phòng rủi ro cụ thể tăng 24,9%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 (11,9%); tỷ lệ dự phòng rủi ro cụ thể/nợ xấu báo cáo là 57,2%; lãi dự thu tiếp tục tăng khoảng 19% so với cuối năm 2015; tỷ lệ lãi dự thu/dư nợ là 2,9% (năm 2015 là 2,8%). (Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ngày 26/12)

Năm 2016, toàn hệ thống có 10/118 tổ chức tín dụng (TCTD) bị âm vốn tự có (trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng là OceanBank, GPBank, VNCB); tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống là 11,3% (năm 2015 là 11,6%); tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có rủi ro điều chỉnh là 8,6%; có 4/92 NHTM có tỷ lệ CAR dưới 9%; hệ số CAR của 4 NHTM nhà nước đã gần tiệm cận mức 9%, áp dụng Basel II thì hệ số CAR giảm xuống dưới 8%. (Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ngày 27/12)

Tính đến cuối năm 2016, đồng Việt Nam mất giá 1,1-1,2% và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường ổn định. Năm 2017 dự báo kinh tế thế giới có diễn biến khó lường, nhiều nước áp dụng chính sách phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, bảo hộ mậu dịch... nên chính sách tiền tệ trong nước cũng sẽ được điều hành thận trọng, linh hoạt, đảm bảo hài hòa mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế cao và kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. (Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 29/12)

Tính đến ngày 20/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,55%); huy động vốn của các TCTD tăng 16,88% (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,59%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,46%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Bảo hiểm

Thị trường bảo hiểm năm 2016 duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng khoảng 22,1% so với năm 2015, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 30,5%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12,5%. Tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trong bảo hiểm phi nhân thọ tăng khoảng 32,98% (cùng kỳ năm 2015 là 41,47%). (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 2 ngày tăng, 2 ngày giảm và 2 ngày biến động trái chiều, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 50 - 250 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 31/12), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 35,45 - 36,35 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 35,45 - 36,37 triệu đồng/lượng, giảm 300 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 30/12.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,15 - 36,25 triệu đồng/lượng, giảm 160 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 140 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 30/12.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 1 đồng với 2 ngày tăng giá và 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 31/12), tỷ giá trung tâm là 22.156 NVD/USD giảm 3 đồng so với tỷ giá ngày 30/12, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại có sự điều chỉnh giảm giá:

- Vietcombank: 22.710-22.780 VND/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.710-22.780 VND/USD, giảm 30 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.720-22.790 VND/USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều.

- ACB: 22.720-22.800 VND/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

- Techcombank: 22.720-22.810 VND/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 26-30/12/2016, chỉ số VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 0,5 điểm (0,07%) lên 664,87 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt126,4triệu đơn vị/phiên, tăng 12%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.724,43tỷ đồng/phiên, tăng 17,82%.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,04 điểm (1,3%) lên 80,12 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt30,5triệu đơn vị/phiên, giảm 22%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt326,6tỷ đồng/phiên, giảm 22,6%.

Trong tuần qua, tính chung trên cả 2 sàn,khối ngoại đã mua ròng 6.644,212 triệu đơn vị với tổng giá trị 143,88 tỷ đồng so với tuần trước đó.

- HOSE: Khối ngoại có 3 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng, tổng cộng đã mua ròng 6.129,580 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng là 101,09 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại đã bán ròng 2 phiên và mua ròng 4 phiên, tổng cộng đã mua ròng 514,632 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng là 42,79 tỷ đồng.

Chính sách

Thông tư số 319/2016/TT-BTC

Ngày 13/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 319/2016/TT-BTC quy định việc xử lý chuyển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 sang năm 2017.

Tính đến hết ngày 31/01/2017, số dư dự toán NSNN giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, dự án sẽ không được chi tiếp và bị hủy bỏ, trừ số dư dự toán các trường hợp được chuyển sang năm sau chi tiếp theo chế độ quy định; số dư dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ; số dư dự toán kinh phí ngân sách của các trường hợp được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho chi tiếp vào năm 2017 và các khoản vốn viện trợ không hoàn lại đã xác định được nhiệm vụ chi cụ thể.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/12/2016.

Quyết định số 2509/QĐ-NHNN

Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2509/QĐ-NHNN về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được duy trì dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90% (mức cũ là 80%).

- 3 ngân hàng trên phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, cơ cấu tín dụng phù hợp, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên, đồng thời giám sát chặt chẽ các khoản vay trong lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT…

Nhận định

chuyên gia

Theo AFP và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (29/12), giới chuyên gia quốc tế đánh giá:

Việt Nam là điểm sáng kinh tế trong khu vực, ngày càng có sức hút mạnh trong thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nhờ nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp, nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh và sản xuất hàng hóa theo hướng xuất khẩu.

Theo Bloomberg (28/12):

Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 6% trong hai năm liên tiếp 2015 và 2016, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mặc dù thương mại toàn cầu suy giảm. Đặc biệt, ưu thế về lao động giá rẻ và tay nghề cao tiếp tục là yếu tố thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.