Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 29/10-3/11/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Sản xuất công nghiệp

 

Trong năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc, đạt mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay, với 87,94 điểm, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia, nền kinh tế, tăng tới 37 bậc so với xếp hạng năm 2017.

Đây là chỉ số cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của nền kinh tế theo đánh giá của Doing Business và là nền kinh tế có chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực. (Theo báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới - WB công bố ngày 31/10)

Doanh nghiệp

Ngày 30/10, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service:

- Nâng xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng nội tệ và xếp hạng nhà phát hành nợ bằng nội tệ và ngoại tệ của 5 trong 16 ngân hàng Việt Nam.

- Nâng xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng ngoại tệ của 2 ngân hàng trong danh sách nói trên, xếp hạng của các ngân hàng còn lại đều được giữ nguyên.

- Nâng mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của 12 ngân hàng, chủ yếu nhờ xếp hạng toàn ngành ngân hàng của Việt Nam ở mức tốt và 12 ngân hàng này đã có tiến bộ trong việc giảm nợ xấu, gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, ABBank, ACB, MB, OCB, TPBank, VIB và Techcombank, VPBank, HDBank.

- Giữ nguyên xếp hạng BCA của MaritimeBank, Sacombank, SHB và LienVietPostBank.

(Theo TTXVN ngày 31/10)

Các công ty từ Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bị mất thị phần, đặc biệt là vào tay các công ty từ Việt Nam, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Khoảng 20% trong số 219 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết mức độ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với doanh thu đã vượt con số 10 triệu USD.

Theo Nikkei, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất, lắp ráp hoặc nguồn cung cấp đến một quốc gia khác, trong đó có Việt Nam như Công ty GoerTek của Trung Quốc, nhà lắp ráp tai nghe không dây cho hãng Apple; Nhà sản xuất polyester Zhejiang Hailide New Material của Trung Quốc đang đầu tư 155 triệu USD tại một nhà máy ở Việt Nam nhằm xuất khẩu sang Hoa Kỳ...

(Theo kết quả cuộc khảo sát được thực hiện từ 21/9 - 10/10 của Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - AmCham có trụ sở ở Quảng Châu - Trung Quốc công bố ngày 29/10)

Trong 10 tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 78.404 doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động và 13.307 doanh nghiệp giải thể, tăng lần lượt 48,5% và 35,9% so với cùng kỳ năm 2017; có 109.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 27.935 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số lên 137.500 doanh nghiệp tiếp sức vào nền kinh tế.

Tính riêng trong tháng 10/2018, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 152.500 tỷ đồng (tăng 41,9% về số doanh nghiệp và tăng 79,9% về số vốn đăng ký so với tháng 9) và 3.453 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Bên cạnh đó, 6.684 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 1.771 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 30/10)

Tính đến hết ngày 24/10/2018 đã có 449 doanh nghiệp niêm yết trên HSX, HNX và Upcom công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, trong đó có 388 doanh nghiệp báo lãi, chiếm 86% với tổng số tiền lãi đạt hơn 70.315 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của 449 doanh nghiệp này đạt 70.315 tỷ đồng, tăng 31,1% so với mức 56.615 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó đã có 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính. Trong đó, 16/20 nhà băng có tăng trưởng dương ở mảng kinh doanh ngoại hối với lợi nhuận cao. (Theo Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư ngày 29/10)

Theo báo cáo tài chính quý III/2018 của ba ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (BIDV, Vietinbank, Vietcombank), giá trị tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đạt 218.562 tỷ đồng, tăng 48.777 tỷ đồng sau 3 tháng. Trong đó, riêng BIDV nhận thêm hơn 28.700 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc điều tiết lượng tiền gửi KBNN về NHNN để ổn định thanh khoản và lãi suất, không gây sức ép lên thị trường tiền tệ, lạm phát là một trong các phương thức phối hợp của NHNN và Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 31/10)

PMI

Chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng từ 51,5 điểm trong tháng 9/2018 lên 53,9 điểm trong tháng 10/2018.

Mức độ tăng trưởng sản xuất, việc làm và hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã gia tăng nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và nhanh. Điều này thể hiện sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất kể từ tháng 7/2018. (Theo Nikkei ngày 01/11)

Tổng cầu

 

Ngân sách nhà nước

Trong những năm gần đây Bộ Tài chính đã thu khoảng 82% số nợ đọng thuế có khả năng thu. Năm 2016 đã thu hồi 40.044 tỷ đồng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015, năm 2017 thu được 44.773 tỷ đồng tăng 12% so với cùng năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2018 đã thu được 25.382 tỷ đồng, đạt 61% so với kế hoạch.

Tỷ lệ nợ đọng thuế/tổng thu nội địa đã giảm dần qua các năm, từ 8,5% trong năm 2016 còn 7,6% trong năm 2017 và đến cuối tháng 9/2018 chỉ còn 7,5%.

Mặc dù hiện tỷ lệ đọng thuế/tổng thu nội địa của Việt Nam đạt khoảng 7,5% trong khi các nước ASEAN bình quân là 8,5% và các nước OECD là 9,2%. Tuy nhiên, tổng số nợ thuế hiện nay vẫn còn rất lớn.

Tính đến cuối tháng 9/2018, số nợ đọng là 82.961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% , tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế chiếm tỷ trọng 30% và tăng 6%.

Nguyên nhân nợ thuế chủ yếu do số nợ đọng không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, hay mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến phá sản.

(Theo Bộ Tài chính ngày 31/10)

Xuất - nhập khẩu

Trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 6,36 tỷ USD, tăng 50,16% so với cùng kỳ năm 2017 (4,23 tỷ USD).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 3,92 tỷ USD, tăng 96% so với mức 2 tỷ USD cùng kỳ năm 2017; kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 2,44 tỷ USD tăng 9,2%. Thặng dư thương mại đạt 1,48 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ như máy móc, thiết bị, phụ tùng…

- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước như bông các loại, ngô, thức ăn gia súc…

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 25/10)

Trong tháng 10/2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 100 triệu USD. Tính chung 10 tháng, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu 6,4 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đạt khoảng 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 193,84 tỷ USD, tăng 11,8%.

Trong 10 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 39 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017; trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 52,9 tỷ USD, tăng 12,4%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 30/10)

Trong 10 tháng năm 2018, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khá (hơn 16%), kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,6 tỷ USD và là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 23,37% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp).

Châu Âu là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ 4, chiếm hơn 10% thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam và có hơn 400 doanh nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ngày 31/10)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng 10/2018, tổng mức tiêu thụ hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu đạt 378.600 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 9 và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Sau 10 tháng, người tiêu dùng Việt chi tiêu tới 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ và nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,31% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,79%). Trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 2,7 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 75,3% và tăng 12,2% so với cùng kỳ).

Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống bên ngoài gia đình đạt 440.100 tỷ đồng, du lịch lưu hành 33.500 tỷ đồng và dịch vụ khác là 420.000 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 30/10)

Đầu tư

Tính chung 10 tháng năm 2018 (đến ngày 20/10/2018):

- Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó cả nước có 2.458 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký cấp mới là 15 tỷ USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2017; có 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,5 tỷ USD, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2017; có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 6,3 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ 2017.

Tính đến ngày 20/10/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

- Cả nước có 121 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư của Việt Nam 297,3 triệu USD; 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 47,1 triệu USD.

Tính chung trong 10 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 344,4 triệu USD.

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 30,7% tổng vốn đầu tư. Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 97,6 triệu USD…

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/10)

Môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam xếp thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang 100 điểm, giảm 1 bậc so với năm 2017 (năm 2017, Việt Nam tăng 14 bậc, xếp hạng thứ 68 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, với số điểm 67,93/100).

Mặc dù bị tụt hạng, song kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều cải cách, nhất là trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với báo cáo Doing Business năm 2018, Việt Nam được đánh giá có 5 cải cách, thì báo cáo Doing Business năm 2019, Việt Nam chỉ đạt 3 cải cách. (Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 - Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới - WB công bố ngày 31/10)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 3 ngày giảm giá và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 03/11 so với ngày 02/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,44 - 36,59 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở chiều mua vào và giảm 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,45 - 36,55 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 03/11, tỷ giá trung tâm là 22.725 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 02/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 02/11 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.275 - 23.365 VND/USD, giảm 15 đồng.

- Techcombank: 23.255 - 23.365 VND/USD, giảm 25 đồng.

Lao động

Kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010 - 2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2017 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2015, số lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc tăng rõ rệt, nhưng từ năm 2016 - 2017 có xu hướng giảm.

Tính đến năm 2017, cả nước có 81.359 lao động nước ngoài đang làm việc ở các vị trí như nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động khác. Trong đó, số được cấp giấy phép lao động là gần 70 nghìn người, còn số không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 6.400 người; số đang làm thủ tục để được cấp giấy phép lao động là hơn 5.000 người.

Lao động nước ngoài đến từ khoảng 110 quốc gia, trong đó đa phần là đến từ Trung Quốc với trên 25,1 nghìn người, chiếm khoảng 1/3 tổng lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam.

Nếu tính cả gần 10,5 nghìn lao động đến từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thì lượng lao động từ thị trường này lên đến 35,6 nghìn người. (Theo Vietnamnet ngày 26/10)

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào (khoảng 56 triệu người), năng suất lao động và GDP bình quân đầu người có xu hướng tăng.

Năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016; GDP bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng, cao hơn gần 5 triệu đồng so với năm 2016.

Lao động trong nền kinh tế Việt Nam chỉ “vàng” về số lượng, nhưng chưa “vàng” về chất lượng do có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Đồng quan điểm, Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, cung lao động Việt Nam chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giá rẻ. Mới chỉ có 20,01% được đào tạo cơ bản, còn lại gần 80% không được đào tạo. (Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia ngày 31/10)

Lạm phát

Trong tháng 10/2018, CPI tăng 0,33% so với tháng 9 và CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,60% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,55% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu khá mạnh vào ngày 06/10/2018; nhóm giáo dục tăng 0,58% (dịch vụ giáo dục tăng 0,65% làm CPI chung tăng 0,03%) do trong tháng có 7 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%... (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/10)

Tín dụng

Sau hơn một năm sơ kết thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, hiện đã xử lý được 140.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng, trong đó Công ty TNHH Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các nhà băng.

Tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn nợ xấu năm 2016 là 10,08%; đến cuối năm 2017 là 7,7% và hết tháng 6/2018 đã giảm xuống khoảng 6,7%, nợ xấu nội bảng là 2,09%.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ ngành và một số địa phương, do đó cần triển khai quyết liệt hơn nữa việc xử lý nợ xấu. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 01/11)

Thị trường tài sản

 

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 29/10 - 02/11/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 5 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 16,9 điểm (1,86%) lên 924,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 178,75 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.766,5 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 5 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 2,38 điểm (2,3%) lên 105,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 34,66 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 474,39 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 5 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,43 điểm (0,85%) lên 51,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 10,38 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 202,22 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8.564.986 đơn vị, trị giá 1.638,84 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng mạnh nhất vào ngày 01/11 và 4 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 6,5 triệu đơn vị, trị giá 1.569,34 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 3 triệu đơn vị, trị giá 413,49 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng vào ngày 01/11. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,74 triệu đơn vị, trị giá 28,18 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 3,82 triệu đơn vị, trị giá 75,42 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng vào ngày 31/10. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 324.986 đơn vị, trị giá 41,32 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 2,12 triệu đơn vị, trị giá 121,93 tỷ đồng).

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 22/11 sẽ tổ chức 2 phiên đấu giá thoái vốn cổ phần của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo hình thức đấu giá trọn lô.

Viettel bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex. Với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, giá trị mỗi cổ phiếu tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

SCIC bán đấu giá 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex. Với mức giá khởi điểm 5.429.394.558.900 đồng/lô, giá trị mỗi cổ phần tương đương 21.300 đồng.

(Theo HNX ngày 01/11)

Trong tháng 10/2018, HNX đã tổ chức phiên đấu giá thoái vốn tại các công ty Cảng Nha Trang, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty MBLand, Công ty Xi măng Phú Thọ.

Sau các phiên đấu giá, số cổ phần bán được là 24,1 triệu cổ phần, tổng số tiền thu được đạt hơn 293,1 tỷ đồng và thặng dư vốn so với giá khởi điểm là 51,6 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, HNX đã tổ chức 31 phiên đấu giá, trong đó có 20 phiên đấu giá thoái vốn, 10 phiên IPO và 1 phiên đấu giá quyền mua.

Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá đạt 1,6 tỷ đơn vị và khối lượng trúng giá là 698,9 triệu cổ phần, tỷ lệ thành công đạt 43% và tổng giá trị thu về hơn 11.100 tỷ đồng. (Theo HNX ngày 31/10)

Trái phiếu

Ngày 31/10, HNX đã tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu 3.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (1.000 tỷ đồng), 15 năm (1.000 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 699 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 275 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,20%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 24/10/2018).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 424 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,95%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 24/10/2018).

- Kỳ hạn 15 năm: Không có lãi suất trúng thầu.

Tính từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 127.127 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 01/11)

Nhận định

chuyên gia

Ngân hàng Thế giới ngày 26/10:

Nhiều khả năng El Nino sẽ quay trở lại Việt Nam trong mùa đông năm 2018 - 2019, làm giảm GDP, cũng như chỉ số giá tiêu dùng và làm gia tăng số lượng người nghèo.

Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia dễ bị thiên tai nhất trên thế giới với hơn 13.000 người tử vong và tổn thất tài sản trị giá 6,4 tỷ USD trong vòng hơn 2 thập kỷ qua.

Việt Nam cũng sẽ là quốc gia chịu tác động và ảnh hưởng lớn thứ 2 trong nhóm 5 quốc gia (Philippines, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào) từ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này.

Do đó, Chính phủ Việt Nam cần ban hành chính sách kịp thời để ứng phó với các sự kiện khởi phát từ El Nino, đồng thời tăng cường năng lực cho các cán bộ nhà nước về lĩnh vực chống chịu hiện tượng El Nino.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - NCIF ngày 25/10:

Kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể giữ được đà tăng trưởng của năm 2018 nhờ việc hưởng lợi từ các động lực như trưởng kinh tế toàn cầu khả quan; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy nhanh… Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có thể phải chịu ảnh hưởng từ tiêu cực từ 6 vấn đều sau:

(i) Việt Nam thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

(ii) Nền kinh tế đang đối diện với xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng.

(iii) Giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao (cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2010), gây quan ngại về tình trạng “bong bóng tài chính”, đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.

(iv) Diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Hoa Kỳ - Trung Quốc - EU) diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR…) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc.

(v) Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.

(vi) Chất lượng lao động chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học và công nghệ chưa cao có thể ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong trường quốc tế và khả năng thu hút dòng vốn tới Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh ngày 29/10:

Nếu CTTPP được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sẽ có hai tác động tích cực được tạo ra: (i) Lòng tin của thị trường, nhà đầu tư và của doanh nghiệp vào nỗ lực tiếp tục hội nhập sâu rộng, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam, do CTTPP là một hiệp định chất lượng cao có tác động rất nhiều đến cải cách thể chế; (ii) Nhiều cơ hội mới về thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, kỹ năng, cũng như cả tác động trực tiếp lẫn gián tiếp đối được mở ra với nền kinh tế Việt Nam.