Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 30/7-04/8/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


PMI

Trong tháng 7/2018, PMI của Việt Nam đã giảm từ 55,7 điểm của tháng 6 xuống 54,9 điểm, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2011 (thời điểm Nikkei - HIS Markit bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát về PMI lần đầu tiên).

Các điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện hơn trong suốt 32 tháng qua, với số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất tiếp tục tăng khá mạnh. (Theo Nikkei - HIS Markit ngày 01/8)

Dịch vụ

Tính đến hết tháng 7/2018, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng 20,2%; đường bộ tăng 63,3%; đường biển giảm nhẹ 0,2%.

Trong tháng 7/2018, khách đến từ châu Á chiếm 77% tổng số khách du lịch đến Việt Nam, tăng 30,4%; khách đến từ châu Âu tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 30/7)

Báo cáo “Connecting to Compete” do World Bank công bố cuối tháng 7/2018 cho thấy, chỉ số hiệu suất dịch vụ logistics (LPI) năm 2018 của Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 64 (năm 2016) lên 39 trong bảng xếp hạng.

Việt Nam có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn các thị trường có mức thu nhập tương đương. Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến sản xuất mới với chi phí thấp của các doanh nghiệp nước ngoài, khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc gia tăng. (Theo Forbes Việt Nam ngày 03/8)

Doanh nghiệp

Tính chung 7 tháng đầu năm 2018:

- Cả nước có 75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là hơn 771 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu tính cả hơn 1,4 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2018 là hơn 2,2 triệu tỷ đồng.

- Có 18.696 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm lên gần 95 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là hơn 623 nghìn người.

- Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 59.910 doanh nghiệp, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2017. Số doanh nghiệp giải thể là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/7)

Trong tháng 7/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX đã tổ chức 1 phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Duyên hải Quảng Ninh và 1 phiên đấu giá thoái vốn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tại Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An.

Cả hai phiên đấu giá đã bán hết 100% số cổ phần chào bán, tổng giá trị thu về đạt hơn 182 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 59,5 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần đạt 71,3 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, HNX đã tổ chức 23 phiên đấu giá, trong đó 15 phiên đấu giá thoái vốn, 7 phiên IPO và 1 phiên đấu giá quyền mua. Tổng giá trị cổ phần sau 23 phiên đấu giá đạt hơn 10.600 tỷ đồng. (Theo HNX ngày 02/8)

Trong tháng 7/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 343 nhà đầu tư nước ngoài, giảm 26% so với tháng trước.

Trong đó có 53 tổ chức và 290 cá nhân nước ngoài được cấp mã số giao dịch. Ngoài ra, VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 43 nhà đầu tư nước ngoài gồm 20 tổ chức và 23 cá nhân, hủy mã số giao dịch chứng khoán của 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Tính từ đầu năm đến nay, VSD đã cấp thêm 4.062 mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài, gồm 339 tổ chức và 3.723 có nhân. (Theo VSD ngày 03/8)

Tổng cầu


Ngân sách Nhà nước

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới, cả nước có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 37,76% số xã), bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn thấp khi còn 46 tỉnh với gần 2.140 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có trên 100 xã đặc biệt khó khăn, 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Mục tiêu đến năm 2020, thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi Đề án tăng ít nhất 1,6 - 1,8 lần so với năm 2015, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3 - 4% bình quân hằng năm...

Giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi “Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020” sẽ được hỗ trợ trực tiếp khoảng 1.400 tỷ đồng.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/7)

Số thu từ dầu thô 7 tháng đầu năm đạt khoảng 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán, góp phần đưa số thu chung đạt gần 60% dự toán. Theo Báo Hải quan, đến ngày 03/8, số thu này đã cán đích và vượt thu. Cụ thể trong 7 tháng đầu năm 2018:

- Thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 775 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 621,57 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù, số thu nội địa còn lại đạt khoảng 479,5 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3% dự toán, tăng 12,6% so cùng kỳ năm 2017.

- Chi NSNN đạt 759,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,9% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. Chi đầu tư phát triển đạt 150,45 nghìn tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán, tăng 26%; chi trả nợ lãi đạt 68,8 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, tăng 10,4%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 534 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán, tăng 5,1%.

(Theo Bộ Tài chính ngày 03/8)

Xuất nhập khẩu

7 tháng đầu năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 130,63 tỷ USD, tăng 10,2%.

Trong 7 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ USD, tăng hơn 13%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/7)

Trong tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đạt khoảng 2,85 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 11,6 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017; thủy sản đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 6,3%; các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 5,03 tỷ USD, tăng 12,3%.

Các thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh là Indonesia (gạo, cà phê, cao su), Nga (cà phê, hạt điều), Đức (chè, hạt điều, hạt tiêu, cao su), Malaysia (gạo, chè, gỗ, rau quả), Philippines (gạo, cà phê), Saudi Arabia (chè), Iraq, Hồng Kông (Trung Quốc) (gạo), Hoa Kỳ (chè, hạt điều, hạt tiêu), Ấn Độ (cao su, hạt tiêu), Thái Lan (rau quả, thủy sản).

(Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu dệt may đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng xuất khẩu mặt hàng may mặc đạt khoảng 12,86 tỷ USD, tăng 15,3%.

Nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may chỉ đạt 10,78 tỷ USD. Như vậy, trong nửa đầu năm 2018, ngành dệt may đạt thặng dự thương mại khoảng 7,6 tỷ USD.

Với những kết quả tích cực này, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 35 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. (Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam ngày 30/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đã cấp 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 20,4 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA.

Tỷ lệ sử dụng C/O của những năm đầu thực hiện FTA đã tăng từ 10% lên 38%. (Theo Cục Xuất nhập khẩu; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương ngày 02/8)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng riêng trong tháng 7 đạt khoảng 371.500 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 6 và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 277.100 tỷ đồng (tăng tương ứng 1,6% và 14%), doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 45.900 tỷ đồng (tăng 2,1% và 6,4%), doanh thu du lịch lữ hành đạt 3.500 tỷ đồng (tăng 2,3% và 9,2%).

Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước lên tới 2,49 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/7)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá và 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 04/8 so với ngày 03/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,66 - 36,86 triệu đồng/lượng, tăng 110 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,70 - 36,80 triệu đồng/lượng, tăng 110 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 27 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 1 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 04/8, tỷ giá trung tâm là 22.676 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 03/8; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 03/8 như sau:

- Vietcombank: 23.260 - 23.340 VND/USD, tăng 10 đồng.

- BIDV: 23.260 - 23.340 VND/USD, tăng 12 đồng.

- Viettinbank: 23. 682 - 23.348 VND/USD, tăng 17 đồng.

Lạm phát

Trong tháng 7/2018, CPI giảm 0,09% so với tháng 6 và CPI bình quân 7 tháng tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Trong tháng 7, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giảm cao nhất 5,85% (dịch vụ y tế giảm 7,58%) do điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế làm CPI chung giảm 0,29%; nhóm giao thông giảm 0,52% chủ yếu do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu làm CPI chung giảm 0,05%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Các nhóm còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng 6. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/7)

Lãi suất

Trong tuần từ 23 - 27/7, lãi suất liên ngân hàng trung bình có xu hướng tăng mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ tăng 2,01 - 2,24%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 2,24% lên 4,16%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 2,06% lên 4,05%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 2,01% lên 4,21%/năm.

Đây là hệ quả của việc thanh khoản tiền đồng toàn hệ thống có phần eo hẹp khi Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ nhằm hạ nhiệt tỷ giá (lượng ngoại tệ bán ra đạt khoảng 2 tỷ USD, đồng nghĩa với khoảng 46 nghìn tỷ đồng đã được hút ra khỏi hệ thống).

(Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt ngày 31/7)

Lao động

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 01/7/2018 tăng 3% so với cùng thời điểm năm 2017, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,3%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,1%.

Trong tháng 7, cả nước có 11.262 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 115 nghìn người, tăng 19,9%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 623,5 nghìn người, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/8)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 30/7 - 03/8/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 6,05 điểm (0,63%) lên 959,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 208,60 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.389 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,59 điểm (0,56%) lên 106,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 39,12 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 515,81 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,45 điểm (0,9%) lên 50,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 16,26 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 218,02 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14.950.000 đơn vị, trị giá 920,16 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng, với khối lượng 12,35 triệu đơn vị, trị giá 904 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 15,3 triệu đơn vị, trị giá 492 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 100.000 đơn vị, trị giá 16 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 4,6 triệu đơn vị, trị giá 81 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,5 triệu đơn vị, trị giá 0,16 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1,2 triệu đơn vị, trị giá 43 tỷ đồng).

Trái phiếu

Trong tháng 7/2018;

- Trên thị trường sơ cấp: HNX đã tổ chức 33 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 15.770 tỷ đồng trái phiếu, giảm 6,9% so với tháng 6. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 15.420 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 350 tỷ đồng.

Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu tháng 7 đạt 42,3%. Khối lượng đặt thầu của tháng 7 gấp 4,89 lần khối lượng gọi thầu.

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm nằm trong khoảng 3,45 - 4,1%/năm, 7 năm trong khoảng 3,85 - 3,9%/năm, 10 năm trong khoảng 4,4 - 4,48%/năm, 15 năm trong khoảng 4,7 - 4,78%/năm, 20 năm là 5,22%/năm, 30 năm là 5,42%/năm.

So với tháng 6, lãi suất trúng thầu của trái phiếu chính phủ (TPCP)tăng trên tất cả các kỳ hạn: 5 năm (tăng 0,35%/năm), 10 năm (tăng 0,13%/năm), 15 năm (tăng 0,08%/năm), 20 năm (tăng 0,02%/năm).

- Trên thị trường thứ cấp: Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 554,6 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 42,3% về giá trị so với tháng 6/2018.

Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 902 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 92,5 nghìn tỷ đồng, tăng 39,7% về giá trị so với tháng 6.

(Theo HNX ngày 02/8)

Trong tháng 7/2018, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 2 phiên đấu thầu trái phiếu. Kết quả huy động là 6.320 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, tổng khối lượng huy động đạt 95.901 tỷ đồng, đạt 34,8% kế hoạch được giao (275.970 tỷ đồng).

Huy động vốn trong nước 7 tháng là 105.001 tỷ đồng (bằng 38,05% kế hoạch); huy động vốn nước ngoài của Chính phủ là 844,2 triệu USD thông qua 11 hiệp định vay. (Theo Bộ Tài chính ngày 03/8)

Chứng khoán

Trong tuần từ 23 - 27/7, tổng giá trị giao dịch Outright đạt 14.501 tỷ đồng, giảm 1,58% so với tuần trước đó.

Trong đó, tỷ trọng loại trái phiếu với kỳ hạn còn lại từ 1 - 3 năm chiếm 44,6% tổng giá trị giao dịch, tương đương 6.467,89 tỷ đồng, tỷ trọng loại trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm chiếm 13%; kỳ hạn còn lại 3 - 5 năm chiếm 22,2%; kỳ hạn còn lại 5 - 10 năm chiếm 13,9%; kỳ hạn còn lại 10 - 30 năm chiếm 6,3% tổng giá trị giao dịch.

Tổng giá trị giao dịch Repos tăng 1,57% so với tuần trước đó, đạt 20.937 tỷ đồng.

(Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 31/7)

Lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 5 năm, 7 năm và 10 năm trên thị trường thứ cấp tuần qua có xu hướng tăng với biên độ 0,007 - 0,138%, lần lượt đạt 2,988%; 3,17%; 3,825%; 4,218% và 4,913%/năm.

Trong khi đó, lợi suất kỳ hạn 3 năm giảm 0,078% xuống 3,26%/năm; lợi suất kỳ hạn 15 năm không đổi, ở mức 5,25%/năm. (Theo BVSC ngày 31/7)