Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 4-9/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Sản xuất công nghiệp

Tháng 2/2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 16,8% so với tháng trước, chủ yếu do tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Nếu so với cùng kỳ, chỉ số IIP tháng 2 năm nay tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm 2017, 2016 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,4%; cùng kỳ năm 2016 tăng 6,6%).

(Theo tinnhanhchungkhoan ngày 5/3)

Dịch vụ

Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2018, toàn thị trường có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Tổng tài sản ước đạt 81.806 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 45.694 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2017. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.476 tỷ đồng, tăng 21,19% so với cùng kỳ năm 2017.

Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 43.173 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mở thêm hơn 19 chi nhánh, 1 phòng giao dịch và 1 văn phòng đại diện, nâng tổng số chi nhánh/công ty thành viên lên 633 và hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. (Theo cafef.vn ngày 06/3)

Doanh nghiệp

Theo báo cáo kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” (thực hiện trong tháng 10/2018) của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố sáng 4/3,  tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “có lãi” chiếm 65,3%.

Đáng chú ý, tỷ lệ có lãi đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 giữ ổn định (sấp xỉ quanh mức 80%). Khoảng 69,8% doanh nghiệp Nhật Bản có phương châm "mở rộng kinh doanh", tại Việt Nam, cao hơn so với mức 48,7% tại Trung Quốc, 52,4% tại Philippines, 49,2% tại Indonesia... (Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản ngày 04/3)

 

Hai tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đề ra. Cụ thể, khai thác dầu vượt 5% (trong đó khai thác dầu trong nước vượt 5,1%), khai thác khí vượt 9,7%, sản xuất đạm vượt 6,7%, sản xuất điện vượt 4,2%, xăng dầu vượt 7,2%. Do vậy, dù giá dầu thô trong 2 tháng đầu năm thấp hơn so mức giá kế hoạch, Tập đoàn vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính dự kiến (doanh thu vượt 8% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước vượt 2% kế hoạch). (Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN  ngày 04/3)

 

Công ty chứng khoán Vietinbanksc cho biết, trong năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trên HoSE lần lượt đạt 26,99% và 22,2%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường và hầu hết các ngành (trừ bất động sản) đang có dấu hiệu chậm lại rõ rệt. Cụ thể, lợi nhuận toàn thị trường tăng 9,3% trong quý IV/2018, thấp hơn nhiều so với cả năm đạt 22,2%. Nhóm ngành dầu khí và các doanh nghiệp khác thậm chí có mức tăng trưởng lợi nhuận âm. (Theo baohaiquan.vn ngày 08/3)

Tổng cầu

 

Ngân sách
nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 02/2019 ước đạt 84,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đầu năm đạt gần 246,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm, tăng 18,2% so cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, thu nội địa trong tháng 2/2019 ước đạt 69,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt gần 204,8 nghìn tỷ đồng, bằng 17,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018; thu từ dầu thô ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt gần 8,7 nghìn tỷ đồng, bằng 19,5% dự toán, giảm 1,7% so cùng kỳ năm 2018; thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu tháng 02/2019 ước đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,1% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng chi cân đối NSNN tháng 2/2019 ước đạt 103,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 2 tháng đầu năm đạt khoảng 195,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018. Các nhiệm vụ chi được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.

(Theo Bộ Tài chính ngày 07/3)

Xuất - nhập khẩu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (01/3), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 2/2019 đạt khoảng 1,93 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như thủy sản ước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12%; gạo ước đạt 837.000 tấn, với kim ngạch 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng, nhưng giảm 10,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2018.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 02/2019, các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 8 nghìn  ô tô nguyên chiếc, trị giá 188 triệu USD. Trong khi đó, giá tị nhập khẩu phụ tùng và linh kiện phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô là  250 triệu USD; giá trị  nhập khẩu các loại xe máy phân khối lớn hay các dòng xe đặc biệt, bao gồm cả phụ tùng và linh kiện, là khoảng 50 triệu USD.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019 đã có gần 20 nghìn ô tô nhập khẩu vào Việt Nam, kim ngạch đạt hơn 462 triệu USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu linh kiện và phụ tùng cũng đạt gần 600 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2018, số lượng xe hơi nhập trong tháng 2/2019 tăng 88%; xe máy và linh kiện tăng 55,6%. (Theo baodatutu.vn ngày 05/3)

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2019, thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nma (sau Hoa Kỳ), đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2018. Ở chiều nhập khẩu, thị trường EU cung cấp hàng hóa vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,9%. Như vậy, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn xuất siêu vào EU 4,1 tỷ USD.

Năm 2018, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và châu Âu đạt 62,11 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu 44,93 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam xuất siêu vào châu Âu 27,75 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại và tạo đầu ra ổn định, bền vững cho hàng hóa. Các nước châu Âu cũng đã đầu tư vào Việt Nam gần 50 tỷ USD với 3.300 dự án, trải rộng trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế. (Theo vov.vn ngày 05/3)

Trong tháng 02/2019, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ ước đạt 392 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị nhập khẩu tháng 02/2019 ước đạt 104 triệu USD, đưa tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 355 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, giá trị xuất siêu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD. (Theo thoibaotaichinh.vn ngày 06/3)

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 02/2019 ước đạt 229 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2019 đạt 584 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, tiếp đến là Hàn Quốc, Hà Lan, Úc...

Giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 02/2019 đạt 101 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 275 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan, Trung Quốc…

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 06/3)

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong năm 2018, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ đạt xấp xỉ 1,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 1,41 tỷ USD (giảm 25,8% so với năm 2017);  kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thổ Nhĩ Kỳ đạt 285,64 triệu USD (tăng 27,6% so với năm 2017).

Các sản phẩm chính đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản... Trong năm 2019, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo tăng trưởng khoảng 1%, thấp hơn năm 2018.

(Theo baocongthuong.vn ngày 06/3)

Cân đối vĩ mô

 

Lạm phát

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ngày 05/3 cho biết, Bộ Công Thương đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến tăng 8,36%, đưa giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh từ cuối tháng 3. Việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP 0,22% và  CPI tăng thêm 0,29%. (Theo Bộ Công Thương ngày 05/3)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 09/3 so với ngày 08/3 giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,50 - 36,67 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng.

- Công ty Doji: 36,55 - 36,65 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 23 đồng so với tuần trước với 4 ngày tăng giá và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 09/3, tỷ giá trung tâm 22.946 đồng, không đổi so với ngày 08/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi so với ngày 08/3:

- BIDV và Techcombank: 23.150 - 23.250 VND/USD, không thay đổi.

- VietinBank: 23.152 - 23.252 đồng, tăng 1 đồng mỗi chiều.

- ACB và Eximbank: 23.160 - 23.240 VND/USD, không thay đổi.

- Vietcombank: 23.150 - 23.250 đồng, giảm 10 đồng mỗi chiều.

- DongABank: 23.190 - 23.240 đồng, tăng 30 đồng chiều mua vào.

Tín dụng

 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2019 cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Theo đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng của NHCSXH năm 2019 so với năm 2018 là 8%, tương ứng khoảng 13.211 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với nguồn vốn cấp của các chương trình tín dụng từ ngân sách trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, tổng tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2019 đạt khoảng 16.200 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đến ngày 31/12/2019 đạt khoảng 204 nghìn tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so năm 2017. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (+9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. (Theo baonhan.vn ngày 04/3)

Thị trường tài sản

 

Trái phiếu

-

Cổ phiếu

Trong tháng 02/2019, tại HNX diễn ra 5 phiên đấu giá thoái vốn ở các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình, Công ty cổ phần  Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh, Công ty cổ phần  Cấp nước Cửa Lò, Công ty cổ phần  Lilama 10, Công ty cổ phần  Lilama 69-3. Trong tổng khối lượng chào bán hơn 25,6 triệu cổ phần, số cổ phần trúng giá đạt hơn 20,8 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ thành công 81%.

Tổng số tiền thu được đạt hơn 490 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần đạt 282 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 98 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, HNX đã tổ chức 6 phiên đấu giá thoái vốn với 26,3 triệu cổ phần đưa ra đấu giá, khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 21,4 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ thành công 81,5%. Tổng giá trị cổ phần bán được sau 6 phiên đấu giá đạt hơn 497,6 tỷ đồng. (Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 04/3)

Tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom (tính đến ngày 28/2) là 811 doanh nghiệp với tổng khối lượng đăng ký giao dịch đạt gần 32,6 tỷ cổ phiếu, giá trị đăng ký giao dịch gần 326 nghìn tỷ đồng. Chỉ số UPCoM-Index đạt 55,13 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng, tăng 0,8 % so với thời điểm cuối tháng 1. Giá trị vốn hóa thị trường phiên giao dịch cuối tháng 2 đạt hơn 946 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước.

Toàn thị trường có gần 225 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch đạt gần 4,8 nghìn tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 15 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 18% so với tháng trước), giá trị giao dịch đạt hơn 319 tỷ đồng/phiên (tăng gần 24% so với tháng trước). Tháng 2/2019, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng cộng 46,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,3 nghìn tỷ đồng, giá trị  bán ròng hơn 554 tỷ đồng.

(Theo Bộ Tài chính ngày 04/3, tháng 02/2019)

HNX-Index đạt 105.86 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng, tăng 3% so với cuối tháng 1/2019. Giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 197.000 tỷ đồng, tăng 4,2%. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 583,5 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 7.700 tỷ đồng.

Bình quân khối lượng giao dịch đạt 38,9 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 518 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 36% và 30% so với tháng 1. Tính đến hết tháng 2/2019, trên HNX có 378 cổ phiếu với tổng khối lượng niêm yết hơn 12,8 tỷ cổ phiếu, giá trị niêm yết đạt gần 128.000 tỷ đồng. (Theo tinnhanhchungkhoan.vn ngày 06/3)

Tháng 2/2019, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 190 nhà đầu tư nước ngoài gồm 24 tổ chức và 166 cá nhân. Đây là con số thấp nhất trong hơn 2 năm qua, từ tháng 1/2017 (113 nhà đầu tư ngoại được cấp mã số).

Tính đến hết tháng 2, đã có 29.454 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán, bao gồm 4.151 tổ chức và 25.303 cá nhân. Trong tháng 2/2019, khối này đã bán ròng 27,74 triệu đơn vị, tuy nhiên tổng giá trị là mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng, giảm hơn 36% so với tháng trước (mua ròng hơn 1.565 tỷ đồng).

(Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán - VSD ngày 06/3)

Trong tuần từ ngày 04 - 08/3/2019:

- VN-Index: có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,62 điểm (+0,57%), đứng ở mức 985,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 239,44 triệu đơn vị/phiên, tăng 5,65% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 5.001,54 tỷ đồng/ngày, giảm 0% so với tuần trước.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,9%) lên 108,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 60,98 triệu đơn vị/phiên, tăng 21,72% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 678,02 tỷ đồng/ngày, giảm 3,18% so với tuần trước.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, UPCoM tăng 0,26 điểm (+0,48%) lên 55,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 13,17 triệu đơn vị/ngày, giá trị 251,828 tỷ đồng/ngày.

 

Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng 3,62 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 86,89 tỷ đồng, cùng giảm mạnh hơn 92% cả về lượng và giá trị so với tuần trước (bán ròng 50,61 triệu đơn vị, trị giá 1.183,4 tỷ đồng).

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Khối ngoại đã bán ròng 4,11 triệu đơn vị, với tổng giá trị 199,1 tỷ đồng (giảm gần 59% về lượng và hơn 43% về giá trị so với tuần trước).

 - HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Khối ngoại đã mua ròng 616.350 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 78,06 tỷ đồng (trong khi tuần trước đó bán ròng 40,68 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng lên tới 867,78 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 ngày liên tiếp. Khối ngoại đã bán ròng 117.650 đơn vị, trong khi tuần trước mua ròng 103.900 đơn vị; tuy nhiên tổng giá trị là mua ròng 34,15 tỷ đồng, đạt xấp xỉ tuần trước.

Bảo hiểm

Tháng 02/2019 có trên 110 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong đó hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 200 nghìn người so với tháng 01/2019); gần 300 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 15 nghìn người so với tháng 01/2019).

Số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế trong 2 tháng đầu năm ước đạt 50 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương có tỷ lệ nợ so với số phải thu thấp hơn so với bình quân toàn quốc (7,2%) là Đồng Tháp (1,8%), Trà Vinh (2,1%), Bến Tre (2,2%), Hà Giang (2,7%), Điện Biên (2,8%), Lạng Sơn (2,8%)… (Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 5/3)

Đàm phán - Ký kết

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam ngày 05/3 đã ký kết khoản vay trị giá 188 triệu USD cho Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Khoản vay sẽ tài trợ cho việc cải thiện và nâng cấp 198 kmt đường, kết nối một số thành phố và huyện của các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, vốn là một phần của Hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng trong Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) kết nối khu vực Hà Nội với các tỉnh phía bắc của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Dự án nhằm mục tiêu mở rộng lợi ích của các hành lang GMS tới các tỉnh Tây Bắc, thúc đẩy thương mại ở biên giới, đầu tư tư nhân và tạo việc làm trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho người dân các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nghèo, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

(Theo baodautu.vn ngày 05/3)

Chính sách

Ngày 04/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 255/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2019 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 5%/năm.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/3/2019 và thay thế Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 22/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó quy định mức lãi suất là 5%, nhưng sau đó đến tháng 4/2018 được điều chỉnh giảm xuống còn 4,8%/năm).

Nhận định

chuyên gia

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Ðầu tư, Công ty Chứng khoán Everest - EVS:

Năm 2019, lãi suất cho vay sẽ tăng thêm khoảng 0,5%/năm so với năm 2018, quanh mức bình quân 9 - 10%/năm, tùy theo ngân hàng và đối tượng khách hàng vay. Mức lãi suất vay hiện nay là tương đối hợp lý để doanh nghiêp cân nhắc sử dụng vốn vay và tính toán chi phí vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp phải chịu mức vay với lãi suất cao hơn, làm tăng gánh nặng chi phí.

(Theo tinhnhanhchungkhoan.vn ngày 04/3)