Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 5-10/02/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Số dư Quỹ bình ổn (BOG) của Petrolimex tính đến trước 15h ngày 03/02 đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, giảm 53 tỷ đồng so với kỳ công bố mới nhất ngày 19/01 (2.953 tỷ đồng). Trước đó, liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu so với kỳ công bố gần đây nhất. Tuy nhiên, mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu lại tăng mạnh:

Chi cho xăng E5 RON92 là 1.141 đồng/lít (tăng 284 đồng/lít), xăng RON 95 là 400 đồng/lít, dầu diesel là 678 đồng/lít (tăng 278 đồng/lít), dầu hỏa là 710 đồng/lít (tăng 250 đồng/lít) và dầu mazút là 320 đồng/lít. Sau khi áp dụng quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tiếp tục duy trì mức trần là 18.672 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 15.959 đồng/lít, dầu hỏa là 14.560 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 12.765 đồng/kg. (Theo Petrolimex ngày 03/02 ngày)

Môi trường kinh doanh

Chỉ số tự do kinh tế 2018 của Việt Nam xếp hạng 141/180 với 53,1 điểm, thấp hơn điểm bình quân khu vực và thế giới. Trong 43 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp hạng 35, sau Lào (53,6 điểm, hạng 34), Myanmar (53,9 điểm, hạng 33) và Cambodia (58,7 điểm hạng 22).

Tuy nhiên, tổng số điểm của Việt Nam đã tăng 0,7 điểm so với năm 2017 nhờ nỗ lực cải cách chính sách thuế, tăng cường chính phủ liêm chính và gia tăng hiệu quả của bộ máy pháp luật. Ngược lại, Việt Nam vẫn còn thấp điểm về các chỉ số tự do thương mại, quyền tư hữu và tự do lao động. (Theo báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế 2018” được Quỹ Heritage ở Washington - Hoa Kỳ công bố ngày 02/02 (giờ địa phương)

Doanh nghiệp

Năm 2017, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) thu hồi được 30.700 tỷ đồng nợ xấu và mua nợ theo giá thị trường từ 5 TCTD với tổng giá trị 3.142 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến cuối năm 2017, VAMC đã mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá trị mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VAMC xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua và mua nợ xấu theo giá thị trường tối thiểu là 6.600 tỷ đồng. (Theo VAMC ngày 08/02)

Số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm 24 lần so với cách đây hơn 20 năm, từ 12.000 doanh nghiệp trong năm 1986 xuống còn 500 đơn vị vào năm 2017, nắm giữ 11 lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong 3 năm nữa, dự kiến số doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm về còn 150.

Bên cạnh đó, cả nước có 47,3% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, trong đó khối doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ lãi cao nhất với 83,5%, khối FDI là 54,4% và thấp nhất là doanh nghiệp tư nhân với 47%. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 73,4%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt cao nhất với 83,9%, FDI là 75,2% và doanh nghiệp tư nhân là 73,3%. (Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp ngày 31/01)

Ngày 02/02, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức buổi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với 475,1 triệu cổ phần, tương đương 11,9% vốn điều lệ, giá khởi điểm chào bán là 13.000 đồng/cổ phần. Kết quả đấu giá thành công cao nhất là 20.800 đồng/cổ phần, thấp nhất là 13.000 đồng/cổ phần, bình quân là 13,011 đồng/cổ phần. Đợt đấu giá đã mang về cho Nhà nước số tiền hơn 1.300 tỷ đồng. Theo ???

Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong năm 2017 có lãi chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm 2017. Doanh nghiệp gia công xuất khẩu có lãi chiếm 67,5% tổng số doanh nghiệp. Về triển vọng đầu tư, có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm “mở rộng hoạt động”, tăng 3% so với năm 2016 và là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác, do doanh thu tăng.

Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng. Tuy nhiên, môi trường đầu tư cũng gặp phải những rủi ro như “chi phí nhân công tăng cao”; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế, thủ tục thuế phức tạp; khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam, khó quản lý được chất lượng. (Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO về tình hình hoạt động năm 2017 của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được công bố ngày 06/02)

Tổng cầu

Đầu tư

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã ký một hiệp định vay vốn trị giá 100 triệu USD với Tập đoàn China Everbright International Limited (CEIL) để hỗ trợ nhiều nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng (WTE) tại các đô thị loại 1 và 2 ở đồng bằng sông Cửu Long, nhằm cải thiện hoạt động quản lý rác thải rắn ở các đô thị, cũng như góp phần hạn chế biến đổi khí hậu thông qua giảm lượng khí mê tan và tăng sản xuất năng lượng từ các nguồn tái chế.

Đây là dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đầu tiên trong lĩnh vực chuyển hóa rác thành năng lượng tại các đô thị ở Việt Nam. Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 27,8 triệu tấn rác thải, hầu hết rác thải thu gom được đổ vào các bãi chôn lấp rác theo cách thức không đảm bảo vệ sinh, mang lại nguy cơ đáng lo ngại về sức khỏe cho các cộng đồng sinh sống quanh đó, phần lớn là người nghèo đô thị. (Theo vov.vn ngày 04/02)

Ngân sách
nhà nước

Tháng 01/2018, thu ngân sách qua cơ quan thuế đạt 99.500 tỷ đồng, bằng 9,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 99,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu từ dầu thô đạt khoảng 4.100 tỷ đồng, bằng 11,4% so với dự toán, bằng 148,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá bình quân tháng 01/2018 đạt khoảng 66 USD/thùng, cao hơn 16 USD/thùng so với giá dự toán, cao hơn khoảng 7,4 USD/thùng so với cùng kỳ năm 2017. Thu nội địa đạt khoảng 95.400 tỷ đồng, bằng 9,2% so với dự toán pháp lệnh. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 81.000 tỷ đồng, bằng 9,3% so với dự toán pháp lệnh, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Thuế ngày 08/02)

Năm 2018, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra 89.212 doanh nghiệp, bằng 18,5% số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong tháng 01/2018, cơ quan thuế đã thực hiện 1.746 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 1,96% kế hoạch năm 2018, bằng 119,51% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 506,97 tỷ đồng, bằng 73,74% so với cùng kỳ năm 2017; giảm khấu trừ là 19,65 tỷ đồng; giảm lỗ là 538,86 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 128,03 tỷ đồng, đạt 25,25% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 568,97% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Thuế ngày 08/02)

Xuất - nhập khẩu

Năm 2017, tổng trị giá xuất - nhập khẩu Việt Nam - Cambodia đạt 3.796,7 triệu USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Cambodia đạt 2.776,1 triệu USD, tăng 26,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Cambodia là 1.020,6 triệu USD, tăng 40,6%. Cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước có mức thặng dư 1.755,5 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam, tăng 280,7 triệu USD so với năm 2016.

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia chủ yếu gồm mặt hàng sắt thép các loại đạt 914.000 tấn, trị giá 521 triệu USD, tăng 69,7%; xăng dầu các loại đạt 678.000 tấn, trị giá 375 triệu USD, tăng gần 30% về trị giá; hàng dệt may đạt 348 triệu USD, tăng 42,6%. Hàng hóa có xuất xứ từ Cambodia được nhập về Việt Nam chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 214 triệu USD, tăng 16,9%; hạt điều đạt 168 triệu USD, tăng 46%; cao su đạt 138 triệu USD, tăng 64%.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 03/02)

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 01/2018 đạt hơn 40,26 tỷ USD, tăng 46,2%, tương ứng tăng 12,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 20,22 tỷ USD, tăng 41% (tương ứng tăng 5,88 tỷ USD); tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu đạt 20,04 tỷ USD, tăng 51,9% (tương ứng tăng 6,85 tỷ USD). Như vậy, cả nước xuất siêu 181 triệu USD.

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 14,12 tỷ USD, tăng 41,5% (tương ứng tăng 4,14 tỷ USD), chiếm 69,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước;trị giá nhập khẩu đạt 11,7 tỷ USD, tăng 52,5% (tương ứng tăng 4,03 tỷ USD) và chiếm 58,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu 2,42 tỷ USD; khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 2,4 tỷ USD.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 08/02)

Trong tuần cuối cùng của tháng 01/2018 (26/01 - 01/02), cả nước chỉ có 23 ô tô nguyên chiếc các loại được mở tờ khai hải quan, với tổng trị giá đạt gần 1,66 triệu USD. Trong đó không có xe ô tô trên 9 chỗ ngồi và xe ô tô tải được đăng ký mở tờ khai nhập khẩu. Số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi chỉ có 3 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu, với trị giá hơn 56.000 USD. 20 ô tô còn lại là xe đầu kéo, với trị giá đạt 1,6 triệu USD. Việc lượng xe nhập khẩu sụt giảm mạnh được các chuyên gia nhận định do ảnh hưởng của Nghị định 116 của Chính phủ, nhiều đơn vị kinh doanh xe ô tô chưa đáp ứng đủ các quy định mới. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/02)

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất - nhập khẩu song phương năm 2017 của Việt Nam và Hàn Quốc đạt 61,5 tỷ USD, tăng 41,3% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 14,8 tỷ USD, tăng 30% và nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 46,7 tỷ USD, tăng 45,3%.

Việt Nam và Hàn Quốc hướng đến mục tiêu thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, năm 2017 Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai (sau Nhật Bản) với số vốn FDI đăng ký 8,49 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế đến hết tháng 12/2017 đạt 57,7 tỷ USD. (Theo Bộ Công Thương ngày 02/02)

Cân đối vĩ mô

Thương mại điện tử

Báo cáo Bức tranh thương mại điện tử Đông Nam Á 2017 của iPrice (được tổng hợp từ 1.000 doanh nghiệp thương mại điện tử tại 6 thị trường Đông Nam Á) cho thấy, năm 2017, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng tích cực so với các quốc gia khác. Tổng lượng truy cập mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động tại Việt Nam có mức tăng tưởng cao nhất Đông Nam Á với 26%. Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng cao hơn hẳn so với mức trung bình của khu vực (gấp 1,3 lần mức trung bình).

Hai hình thức thanh toán phổ biến nhất là chuyển khoản (88%) và thanh toán khi nhận hàng (82%). Phương thức thanh toán trả góp và giao dịch tại điểm bán tại Việt Nam cũng cao nhất so với các quốc gia Đông Nam Á, lần lượt đạt 49% và 47%, do đa phần doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam thuộc mảng điện thoại, điện máy gia dụng sở hữu hệ thống bán lẻ trên toàn quốc. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 08/02)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 5 ngày giảm và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 10/02, so với ngày 09/02, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,70 - 36,95 triệu đồng/lượng, giảm 130 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 180 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,05 - 37,05 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở chiều mua vào và 70 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,83 - 36,98 triệu đồng/lượng, giảm 210 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 240 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 4 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng, 2 ngày giảm giá và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 10/02, tỷ giá trung tâm là 22.440 VND/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 09/02; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm như sau:

- Vietinbank: 22.659 - 22.729 VND/USD, giảm 4 đồng.

- BIDV: 22.665 - 22.735 VND/USD, không thay đổi

- Vietcombank: 22.660 - 22.730 VND/USD, không thay đổi

Dự trữ ngoại hối

Tính đến ngày 06/02, tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 57 tỷ USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 4 tỷ USD, trong năm 2017đã mua được 13 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối. Mức dự trữ ngoại hối cao có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố uy tín và vị thế của Việt Nam. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 07/02)

Thị trường tài sản

Chứng khoán

Trong tháng 01/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 659 nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm 58 tổ chức và 601 cá nhân, tăng mạnh so với tháng 12/2017 (447 mã số giao dịch) và vượt xa cùng kỳ của những năm trước. Ngoài ra, VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 40 nhà đầu tư nước ngoài gồm 8 tổ chức và 32 cá nhân, hủy mã số giao dịch chứng khoán cho 03 nhà đầu tư gồm 1 tổ chức và 2 cá nhân.

Lũy kế đến hết tháng 01/2018, VSD đã cấp 24.162 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài gồm 3.607 tổ chức và 20.555 cá nhân. Ngoài ra, tính chung trong tháng 01/2018, khối ngoại đã mua ròng gần 176 triệu đơn vị với tổng giá trị lên tới hơn 7.582 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HOSE mua ròng 177,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 7.460 tỷ đồng. (Theo VSD ngày 05/02/2018)

Trái phiếu

Ngày 07/02, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước phát hành với khối lượng gọi thầu 4.000 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn 10 năm và 15 năm.

- 10 năm: Huy động được 1.850 tỷ đồng (92,5%) với lãi suất trúng thầu 4,35%, thấp hơn 0,03 điểm phần trăm so với lãi suất trúng thầu ngày 24/11.

- 15 năm: Huy động được 365 tỷ đồng (18,25%) với lãi suất trúng thầu 4,52%, cao hơn 0,02 điểm phần trăm so với ngày 24/11.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 07/02, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 21.580 tỷ đồng TPCP thông qua đấu thầu tại HNX.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 09/02, năm 2018, dự kiến khối lượng TPCP đấu thầu qua HNX đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, kỳ hạn dưới 5 năm chiếm 10% tổng khối lượng đấu thầu, kỳ hạn 5 năm chiếm 15%, kỳ hạn 7 năm chiếm 18%, kỳ hạn 10 năm chiếm 19%, kỳ hạn 15 năm chiếm 16%, kỳ hạn 20 năm chiếm 10% và kỳ hạn 30 năm chiếm 13%. Trên thị trường sơ cấp, HNX sẽ tập trung triển khai các giải pháp để tổ chức các đợt đấu thấu TPCP an toàn, hiệu quả.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 05/02 - 09/02/2018, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 19,31 điểm (-1,89%) xuống 1.003,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 286,48 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 8.244,61 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,56 điểm (0,48%) lên 117,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 70,84 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 756,08 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,02 điểm (0,04%) lên 56,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,5 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 175,49 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 103.643.992 đơn vị, trị giá 4.286,61 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng 5,2 triệu đơn vị, trị giá 299,32 tỷ đồng; cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là VRE với khối lượng 87,77 triệu đơn vị, trị giá 4.193,26 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng, tổng cộng mua ròng 94,57 triệu đơn vị, trị giá 4.113,35 tỷ đồng, tăng mạnh so với tuần trước (mua ròng 25,88 triệu đơn vị, trị giá 39,25 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng duy nhất vào ngày 09/02, tổng cộng mua ròng 8,69 triệu đơn vị, trị giá 111,03 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 516.060 đơn vị, trị giá 98,25 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng, tổng cộng mua ròng 383.992 đơn vị, trị giá 62,23 tỷ đồng, giảm 21,11% về lượng và 27,24% về giá trị so với tuần trước.

Thị trường vàng

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, thị trường vàng Việt Nam tăng trưởng nhu cầu mạnh nhất trong khu vực, với 11% trong quý IV/2017 và đẩy nhu cầu cả năm tăng 7%, lên 16,5 tấn. Đây là năm nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, nhờ nền kinh tế và thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 07/02)

Chính sách

Nghị quyết số 09/NQ-CP

Ngày 03/02/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 03/02/2018.

Thông tư số 144/2017/TT-BTC

Ngày 29/12/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 144/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản công áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Theo đó, khi xác định loại tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được dùng để kinh doanh thì tài sản đáp ứng yêu cầu đúng mục đích được giao là những tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động hỗ trợ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó.

Đơn cử như đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế:

- Tài sản phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ gồm: Hoạt động phòng bệnh; khám, chữa bệnh; nghiên cứu khoa học; đào tạo và các hoạt động khác.

- Tài sản phục vụ hoạt động hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ gồm: Dịch vụ ăn uống; trông, giữ xe; kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực y tế; giặt là; khử khuẩn; vệ sinh; dịch vụ lưu trú cho người nhà bệnh nhân.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2018.

Nhận định

chuyên gia

Moody’s (05/2):

Một số ngân hàng Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc xử lý nợ xấu, đây là một điểm tích cực đối với tín nhiệm của ngành ngân hàng, giúp cải thiện chất lượng tài sản và tháo gỡ rào cản đối với lợi nhuận của ngân hàng. Ngân hàng ACB đã trích lập đầy đủ lượng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Một số ngân hàng khác như Vietcombank, Techcombank và MBBank cũng đã xóa nợ thành công tại VAMC.

Chất lượng tài sản tại hầu hết các ngân hàng Việt Nam ổn định trong năm 2017 nhờ tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện. Lợi nhuận của các ngân hàng cũng tăng nhờ tăng cường hoạt động bán lẻ vốn có luận nhuận cao, giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để xóa nợ tại VAMC trước thời hạn. Lợi nhuận được cải thiện giúp các ngân hàng có khả năng tăng trích lập dự phòng và tạo dựng các khoảng đệm vốn cho các tài sản có vấn đề.