Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 5-10/11/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Sáng ngày 08/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, GDP tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng CPI khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Sản xuất công nghiệp

Chiều ngày 06/11, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá các loại xăng từ 1.082 đồng/lít đến 1.138 đồng/lít, giảm 67 đồng/lít dầu diesel, giữ ổn định giá dầu hỏa và dầu mazut và giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Cũng trong lần điều chính giá này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để chi 700 đồng/lít cho xăng E5 RON92, 91 đồng/lít cho dầu hỏa và 267 đồng/kg cho dầu mazut, đồng thời ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng RON95 và dầu diesel.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5 RON92 giảm 1.082 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 1.138 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 67 đồng/lít, giá dầu hỏa và dầu mazut được giữ ổn định.

Theo đó, mức giá trần trên thị trường của xăng E5 RON92 là 19.600 đồng/lít, xăng RON95-III là 21.065 đồng/lít, dầu diesel 0.05S là 18.544 đồng/lít; dầu hỏa là 17.086 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S là 15.694 đồng/kg. Thời gian thực hiện các quyết định trên áp dụng từ 15h ngày 06/11/2018.

- Đến thời điểm 15h ngày 06/11, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn khoảng 1.230 tỷ đồng, giảm 190 tỷ đồng so với lần công bố cách đây hai tuần (ngày 22/10) là 1.420 tỷ đồng. (Theo Petrolimex ngày 06/11)

Sau 10 tháng, xuất khẩu sắt thép các loại đạt khoảng 2,47 tỷ USD, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng sản xuất sắt thép thô tăng 40,5%, trong khi thép cán tăng 6,6% và thép góc tăng 6,9%.

Trong những tháng qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu làm cho xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.

Do đó, doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước.

Đồng thời nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

(Theo Bộ Công Thương ngày 07/11)

Lũy kế 10 tháng năm 2018, sản lượng điện toàn hệ thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 182,6 tỷ kWh, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính riêng tháng 10/2018, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 19 tỷ kWh (trung bình 614,3 triệu kWh/ngày).

Sản lượng điện thương phẩm của EVN tháng 10 đạt khoảng 16,27 tỷ kWh; lũy kế 10 tháng năm 2018 đạt khoảng 159,3 tỷ kWh, tăng 9,78% so cùng kỳ năm 2017; trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,87%.

Tháng 11/2018, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến đạt 611 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 32.840 MW. (Theo EVN ngày 07/11)

Doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát “HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp” do Ngân hàng HSBC công bố, các doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh căng thẳng về chính sách thương mại toàn cầu.

91% đối tượng khảo tin rằng triển vọng thương mại rất thuận lợi, vượt xa tỷ lệ 75% của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Ba yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại là môi trường kinh tế thuận lợi; chi phí vận chuyển, hậu cần và lưu kho giảm; nhu cầu về sản phẩm tăng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có mức độ lạc quan về môi trường thương mại quốc tế cao hơn đáng kể so với trung bình trên toàn cầu, cho thấy các doanh nghiệp tin rằng căng thẳng thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đáng kể lên tăng trưởng. (Theo báo Chính phủ ngày 01/11)

Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý III/2018 ở mức 81 điểm, cao thứ hai kể từ cuối năm 2016, cho thấy niềm tin các doanh nghiệp châu Âu vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.

- Đánh giá về tình hình kinh doanh, 68% doanh nghiệp thành viên EuroCham phản hồi kinh doanh “rất tốt” (11%) và “tốt” (57%).

Điều này tiếp tục cho thấy Việt Nam có một môi trường kinh doanh tích cực cho các doanh nghiệp châu Âu phát triển.

- Đánh giá về triển vọng kinh doanh cho quý IV2018, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vẫn thể hiện tinh thần lạc quan với 71% số doanh nghiệp được hỏi trả lời “rất tốt” (11%) và “tốt” (60%) khi dự đoán tình hình kinh doanh đến cuối năm 2018.

- Đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam quý IV/2018, các thành viên EuroCham cũng bày tỏ sự lạc quan với 59% thành viên đánh giá tình hình vĩ mô ổn định và sẽ được cải thiện, tăng so với quý II/2018 (57%), .

- Về kế hoạch nhân sự, một nửa các doanh nghiệp của Eurocham cho biết đã lên kế hoạch tăng nhân sự trong quý IV/2018. Trong đó 42% “tăng tương đối” và 8% “tăng đáng kể”.

- Về kế hoạch đầu tư, có tới 94% doanh nghiệp trả lời khảo sát có kế hoạch tiếp tục duy trì hoặc tăng đầu tư tại Việt Nam.

Theo đó, 41% doanh nghiệp trả lời sẽ “duy trì” mức đầu tư hiện tại, 42% sẽ “tăng tương đối” đầu tư và 11% sẽ “tăng đáng kể” đầu tư trong quý cuối của năm 2018.

- Về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2018, 71% thành viên EuroCham dự đoán mức tăng trưởng “đáng kể” (15%) hoặc “tương đối” (56%).

(Theo kết quả BCI quý III/2018 được Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham công bố ngày 06/11)

Tính đến hết tháng 10/2018 tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm khi chỉ có 10% doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa.

Kế hoạch cổ phần này đang gặp phải những vướng mắc về phía doanh nghiệp như: Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối trên 51% tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước.

Theo kế hoạch, năm 2016 phải cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 doanh nghiệp độc lập) với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng; tuy nhiên, hết năm 2016 có 18/35 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra.

Trong năm 2017, theo kế hoạch có 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng; tuy nhiên, hết năm có 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra.

(Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính ngày 06/11)

Doanh số bán ôtô đã chuyển biến tích cực trong quý III/2018, tăng 6,8% (tương ứng 123.060 xe). Tổng doanh số 9 tháng đầu năm tăng 0,9%, tương ứng 186.422 xe sau khi giảm gần 8% trong năm 2017.

Thị Trường ô tô Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhờ sự hồi phục kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong năm 2018 ; tỷ giá tiền đồng Việt Nam tương đối ổn định và lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi. (Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA ngày 08/11)

Tổng cầu


Ngân sách
nhà nước

Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 ở mức 61,4% GDP, giảm so với mức 63,7% GDP của năm 2016. Nợ chính phủ ở mức 52,1% GDP (mức trần là không quá 54%).

Trong giai đoạn 2016 - 2018, cơ cấu vay của Chính phủ được tiếp tục thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

Huy động vốn vay trong nước trung bình trong giai đoạn 2016 - 2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ.

Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% (so với tỷ lệ 45% nợ trong nước và 55% nợ nước ngoài vào năm 2015).

(Theo Bộ Tài chính ngày 04/11)

Đến hết tháng 10, số thu do ngành Thuế quản lý đã đạt hơn 921 nghìn tỷ đồng và đạt hơn 86% dự toán năm 2018. Thu ngân sách tháng 10/2018 của ngành Thuế đạt 128.440 tỷ đồng.

Lũy kế thu 10 tháng đầu năm 2018, ngành Thuế đã thu 921.297 tỷ đồng, bằng 86,1% so với dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, thu từ dầu thô đạt 51.732 tỷ đồng (bằng 144,1% dự toán); thu nội địa đạt 869.565 tỷ đồng (bằng 84,1% so với dự toán). Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 698.408 tỷ đồng (bằng 80,5% so với dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ).

Thu ngân sách 10 tháng đạt khá so với nhiều năm gần đây cả về tiến độ và tốc độ, chủ yếu do giá dầu thô tăng khá (bình quân 10 tháng đạt khoảng 73,8 USD/thùng); thị trường bất động sản sôi động, các địa phương tích cực đẩy mạnh các hoạt động giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất và thu hồi nợ đọng tiền sử dụng đất từ các dự án triển khai các năm trước đây. (Theo Tổng cục Thuế ngày 08/11)

Xuất - nhập khẩu

Tháng 10/2018, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt khoảng 41,5 tỷ USD, tăng 2,1% so tháng 9. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 20,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt khoảng 20,7 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2018 dự kiến đạt 394,11 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 200,27 tỷ USD (tăng 14,2%), nhập khẩu là 193,84 tỷ USD (tăng 11,8%), qua đó nâng mức thặng dư lên 6,42 tỷ USD.

Số thu NSNN tháng 10 đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đạt 254.160 tỷ đồng, bằng 86,74% chỉ tiêu phấn đấu (293 nghìn tỷ đồng), tăng 6,82% so cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/11)

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10/2018 đạt khoảng 873 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đạt 7,24 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 54,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản trong tháng 10/2018 đạt khoảng 141 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thủy sản 10 tháng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 06/11)

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2018 đạt 264.000 tấn với giá trị 136 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,2 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 24% thị phần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 503 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Về chủng loại gạo xuất khẩu, gạo trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (58% về lượng và 55% về giá trị), tiếp theo là gạo thơm/gạo Jasmine (chiếm 24% về lượng và 28% về giá trị) và gạo nếp (chiếm 13% về lượng và 12% về giá trị). (Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 05/11)

Trong tháng 10, cả nước đã nhập 147 nghìn tấn phế liệu sắt thép với giá trị 147 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 13,2% về giá trị so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng, nhập khẩu phế liệu sắt thép vẫn tăng 51,1% về lượng và tăng 42,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 4,3 triệu tấn, tương đương 1,532 tỷ USD. (Theo Bộ Công Thương ngày 08/11)

Trong 5 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (Thủ tướng phê duyệt ngày 10/6/2013), toàn ngành tăng trưởng 2,55%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước.

Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012 và tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 08/11)

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 10/2018 đạt khoảng 3,36 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2018 đạt 32,6 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 16,4 tỷ USD ( tăng 2,3%), giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 7,24 tỷ USD (tăng 6,2%), giá trị xuất khẩu chăn nuôi đạt khoảng 0,46 tỷ USD (tăng 9,5%), giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 7,6 tỷ USD (tăng 16,3%).

Trong 9 tháng đầu năm 2018, bốn thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 22,8% thị phần (tăng 3,8% giá trị), Mỹ 17,7% (+7,7%), Nhật Bản 9% (+6,4%) và Hàn Quốc 6,9% (+30,4%).

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 08/11)

Lao động

Trong tháng 10/2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.548 lao động, trong đó, số lao động đi Đài Loan là 5.373 lao động, Nhật Bản là 8.078 lao động, Hàn Quốc là 522 lao động...

Trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động (41.636 lao động nữ) đã vượt chỉ tiêu đề ra và đạt 106,07% kế hoạch năm.

3 tháng cuối năm 2018, nhiều chính sách mới của các thị trường tiềm năng được phê chuẩn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Điển hình là việc Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội dự thảo luật kiểm soát nhập cư sửa đổi nhằm tiếp nhận thêm lao động người nước ngoài và giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng của Nhật Bản.

(Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 08/11)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 10/11 so với ngày 09/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,34 - 36,50 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,35 - 36,45 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 10/11, tỷ giá trung tâm là 22.723 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 09/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm mạnh so với ngày 09/11 như sau:

- Vietcombank: 23.245 - 23.335 VND/USD, giảm 25 đồng.

- BIDV: 23.250 - 23.340 VND/USD, giảm 25 đồng

- Techcombank: 23.225 - 23.335 VND/USD, giảm 35 đồng.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

- Thị trường TPCP sơ cấp: Tháng 10/2018, HNX đã tổ chức 26 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP), huy động được 8.306 tỷ đồng, giảm 60% so với tháng 9/2018.

Trong đó, TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành huy động được 5.366 tỷ đồng và TPCP do Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 2.940 tỷ đồng.

Tỷ lệ giá trị TPCP trúng thầu so với giá trị gọi thầu trong tháng 10/2018 chỉ đạt 30,5%, trong khi khối lượng đặt thầu của nhà đầu tư cao gấp 1,82 lần khối lượng trái phiếu đưa ra đấu thầu.

Lãi suất trúng thầu của TPCP phát hành theo kỳ hạn 5 năm huy động được trong tháng 10/2018 khoảng 4,02 - 5,05%/năm, kỳ hạn 10 năm khoảng 4,85 - 4,95%/năm, kỳ hạn 15 năm khoảng 5 - 6%/năm.

So với tháng 9/2018, lãi suất trúng thầu của TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành tăng trên các kỳ hạn: 10 năm (tăng 0,15%/năm), 15 năm (tăng 0,13%/năm).

Thị trường TPCP thứ cấp: Trong tháng 10/2018, tổng khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 506 triệu trái phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 55,7 nghìn tỷ đồng, giảm 19,1% về giá trị so với tháng 9/2018.

Tổng khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 893 triệu trái phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 89,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% về giá trị so với tháng 9/2018.

(Theo HNX ngày 07/11)

Trong tháng 10/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 315 nhà đầu tư nước ngoài gồm 51 tổ chức và 264 cá nhân; chấp thuận thay đổi thông tin cho 48 nhà đầu tư nước ngoài gồm 15 tổ chức và 33 cá nhân, hủy mã số giao dịch chứng khoán cho hai nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Lũy kế đến hết tháng 10, VSD đã cấp 28.491 mã số giao dịch chứng khoán gồm 4.010 tổ chức và 24.484 cá nhân. (Theo VSD ngày 05/11)

Trong tháng 10/2018, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 2.551.535 hợp đồng, tăng 63,85% so với tháng 9. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 110.936 hợp đồng mỗi phiên, tăng 35,35%.

Tại thời điểm cuối tháng 10, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 50.956 tài khoản, tăng 9,45% so với tháng 9. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường trong tháng 10 tăng 26,08% so với tháng 9. Tính đến cuối ngày 31/10/2018 khối lượng OI toàn thị trường đạt 18.426 hợp đồng.

Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,83%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm khoảng 1% khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong đó hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng gần gấp đôi so với tháng 9, chiếm 0,6% khối lượng giao dịch.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 0,17% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

(Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 08/11)

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 05/11 - 09/11/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 11,99 điểm (-1,29%) xuống 914,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 142,71 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.070,33 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 1,53 điểm (-1,46%) xuống 103,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 33,54 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 441,43 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,41 điểm (-0,79%) xuống 51,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 9,63 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 182,01 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4.335.175 đơn vị, trị giá 400,49 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng với khối lượng 7,45 triệu đơn vị, trị giá 427,53 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 6,5 triệu đơn vị, trị giá 1.569,34 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,23 triệu đơn vị, trị giá 33,23 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 1,74 triệu đơn vị, trị giá 28,18 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 884.825 đơn vị, trị giá mua ròng 6,19 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 324.986 đơn vị, trị giá 41,32 tỷ đồng).

Đàm phán - Ký kết

JICA và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 05/11 đã ký Biên bản thảo luận Dự án “Tăng cường năng lực về nâng cao tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.

Mục đích của Biên bản Thảo luận là nhằm thiết lập sự đồng thuận của hai bên về việc triển khai Dự án “Tăng cường năng lực về nâng cao tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” cũng như Kế hoạch chi tiết của Dự án này.

Dự án sẽ được thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác Kỹ thuật (1998) và các Công hàm liên quan, giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam.

JICA sẽ hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở giao dịch chứng khoán rà soát khuôn khổ quản lý giám sát, cung cấp tư vấn, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, cập nhật các hướng dẫn, sổ tay hoạt động nội bộ và xem xét sửa đổi khung pháp lý liên quan.

Dự án dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2019 và được triển khai trong 3 năm. Dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Vietjet Air và Airbus

Ngày 02/11, tại Hà Nội, Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 50 tàu bay A321neo trị giá 6,5 tỷ USD theo giá niêm yết của nhà sản xuất.

Cùng với hợp đồng lần này, Airbus sẽ triển khai hàng loạt các chương trình đào tạo mới cho kỹ thuật, huấn luyện phi công, kỹ sư, thợ máy… chương trình điều hành bay và quản lý an toàn của Vietjet Air.

Hiện tại, Vietjet Air đang khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 103 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến nhiều nước trong khu vực.

Chính sách

Nghị định số 153/2018/NĐ-CP

Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP về chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.

Theo đó, việc điều chỉnh áp dụng với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

Tùy theo thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh = Mức lương hưu tính theo Khoản 2 Điều 56 hoặc Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH 2014 + Mức điều chỉnh.

Trong đó: Mức điều chỉnh = Mức lương hưu tính tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu x Tỷ lệ điều chỉnh.

Tỷ lệ điều chỉnh được quy định chi tiết trong Bảng tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 153; đơn cử như sau:

- Thời gian đã đóng BHXH 20 năm: 7,27% (năm 2018); 5,45% (năm 2019); 3,64% (năm 2020); 1,82% (năm 2021).

- Thời gian đã đóng BHXH 29 năm 01 tháng - 29 năm 6 tháng: 1,08% (năm 2018); 0,81% (năm 2019); 0,54% (năm 2020); 0,27% (năm 2021).

Nghị định có hiệu lực từ ngày 24/12/2018.