Kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 25-30/7/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế quý 3/2016 của Việt Nam dự báo đạt 6,14%, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6,8%, thâm hụt thương mại 0,4 tỷ USD, giá tiêu dùng tăng khoảng 1,31%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa lấy lại được đà phục hồi và việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 hầu như không khả thi. (Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 2/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố ngày 26/7)

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuấttoànngành công nghiệp tháng7/2016tăng khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%, đóng góp 6,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,7%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm mức tăng chung. Lũy kế 7 tháng năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2015.(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/7)

Doanh nghiệp

7 tháng năm 2016, cả nước có 64.122 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 497 nghìn tỷ đồng (tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015) và có 894,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm, nâng tổng vốn đăng ký và bổ sung vào nền kinh tế đạt 1.391,9 nghìn tỷ đồng; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là16.706doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2015; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 36.206 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/7)

Ngày 22/7/2016, Bank of India (1 trong 4 ngân hàng lớn nhất tại Ấn Độ) đã khai trương chi nhánh nước ngoài thứ 61 và là chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam (đặt trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh); số vốn là 15 triệu USD; thời hạn hoạt động 99 năm. Tính đến nay, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư hơn 1,1 tỷ USD cho trên 100 dự án tại Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Việc thành lập Bank of India - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác đầu tư. Mục tiêu thương mại song phương theo thỏa thuận của hai quốc gia vào năm 2020 đạt 15 tỷ USD.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đang diễn ra rất sôi động. Giá trị các thương vụ năm 2015 đạt 5,2 tỷ USD; nửa đầu năm 2016 đạt trên 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015, tập trung tại các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản…Điều này cho thấy, M&A đóng vai trò như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. (Theo Báo Đầu tư ngày 25/7)

Tổng cầu


Đầu tư

Tính đến ngày 20/7/2016, tổng vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 1.2940,4 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015; vốn thực hiện đạt khoảng 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/7)

Từ ngày 01/7/2015 đến 20/7/2016, cả nước có 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là 2,948 tỷ USD, trong đó: Giá trị vốn góp lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện là 1,894 tỷ USD, tại 1.709 doanh nghiệp; giá trị vốn góp dưới 50% là 1,054 tỷ USD, tại 1.432 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nhà phát triển năng lượng điện gió Singapore The Blue Circle đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án điện gió 40 MW tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 60 triệu USD, mở ra cơ hội ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án nằm dọc theo quốc lộ 1A, có khả năng được nâng công suất lên 70 MW hoặc 100 MW. Giai đoạn 1 dự kiến khởi công vào năm 2017. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đặt mục tiêu đạt công suất điện gió 4.000 MW vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành thị trường điện gió lớn nhất Đông Nam Á. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 26/7 đưa tin)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻhàng hóavà doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2016 đạt khoảng 295,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng 6 và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 2.016,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2015(nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 8% củacùng kỳnăm 2015). (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/7)

Ngân sách nhà nước

Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 15/7/2016, tổng thu NSNN đạt khoảng 500,8 nghìn tỷ đồng (bằng 49,4% dự toán cả năm), trong khi tổng chi NSNN đạt khoảng 606,4 nghìn tỷ đồng (bằng 47,6% dự toán cả năm), bội chi khoảng 105,6 nghìn tỷ đồng.

- Thu nội địa đạt 397,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6% dự toán; thu từ dầu thô đạt 21,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,6% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán.

- Chi đầu tư phát triển đạt 89,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 435,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52% dự toán.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 7/2016, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 2,64 tỷ USD, đưa tổng giá tri ̣xuất khẩu 7 tháng đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015.Trong đó giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 3,98 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.

- Mặt hàng gạo, xuất khẩu trong tháng 7/2016 đạt khoảng 274 nghìn tấn, trị giá 120 triệu USD; lũy kế 7 tháng đạt khoảng 2,93 triệu tấn trị giá 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với trên 35% thị phần; xếp thứ hai là Indonesia (11,6% thị phần). Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Gana (41%) và Bờ Biển Ngà (31,3%). Ngược lại, nhiều thi ̣trường có giá trị giảm mạnh như Philippines (54,3%), Malaysia (59,2%) và Singapore (34,6%).

- Xuất khẩu cà phê trong tháng 7/2016 đạt khoảng 142 nghìn tấn, trị giá 269 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 1,98 tỷ USD, tăng lần lượt 38% và 18% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị xuất khẩu cà phê ở hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ. Một sốthị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như Philippines (63,7%), Trung Quốc (53,5%), Angieri (53,5%), Hoa Kỳ (39%), Đức (23%), Nhật (14%). Riêngthị trường Tây Ban Nha giảm 10,3%.

- Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 7/2016 đạt 120 nghìn tấn với giá trị 153 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2016 đạt 564 nghìn tấn và 705 triệu USD, tăng 8,8% về khối lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 63% thị phần.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Tính đến hết ngày 15/7/2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 177 tỷ USD, tăng 2,8% (tương ứng tăng hơn 4,85 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 89,3 tỷ USD, tăng 6,5% (tương ứng tăng gần 5,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 87,7 tỷ USD, giảm 0,7% (tương ứng giảm 584 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Tổng cục Hải quan)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã sửa đổi quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của một số nước, trong đó có Việt Nam do một số lỗi trong quá trình xác định biên độ bán phá giá, cụ thể:

- Nâng biên độ phá giá sơ bộ của 2 doanh nghiệp tại Việt Nam là Công ty Chế tạo máy Hồng Nguyên Hải Phòng (Vietnam Haiphong Hongyuan Machinery Manufactory Co., Ltd.) và Công ty Thép Hòa Phát lên 2,32%, thay vì lần lượt 1,19% và 0,38% như kết luận sơ bộ được công bố hồi tháng 6/2016.

- Giữ nguyên mức 0% đối với Công ty SeaH Steel Vina Corporation.

(Theo thông báo của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương ngày 15/7/2016)

Tính đến tháng 6/2016, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam (chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản); tính lũy kế, nguồn vốn đầu tư dự kiến của nước này đạt 37,9 tỷ USD với 1.643 dự án khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 1,08 tỷ USD (giảm 33,98% so với cùng kỳ) và nhập từ Singapore 2,57 tỷ USD (giảm 27,44%). Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Singapore chủ yếu gồm: điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị… Trong khu vực ASEAN, Singapore vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 tăng 0,13% so với tháng 6, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 2,48% so với tháng 01/2015, chủ yếu do mặt hàng xăng dầu; nhu cầu sử dụng điện, nước và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè tăng... CPI bình quân 7 tháng năm 2016 đã tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm tăng giá; 4 nhóm ổn định hoặc chỉ tăng giá rất nhẹ và 2 nhóm hàng giảm giá. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 24/7)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 3 ngày tăng giá và 3 ngày giảm, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 130 - 290 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 30/7), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,52 - 36,8 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,52 - 36,82 triệu đồng/lượng, tăng 320 nghìn, tương đương 0,88%; tính từ đầu tháng, vàng SJC tăng 1,47 triệu đồng/lượng, tương đương 4,19%.

- Tập đoàn Doji: 36,65 - 36,68 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và không đổi chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,66 - 36,79 triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 120 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 19 đồng với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 30/7), tỷ giá trung tâm là 21.862 đồng/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi với so với sáng ngày 29/7:

- Vietcombank và BIDV: 22.260 - 22.330 đồng/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 22.265 - 22.335 đồng/USD, không thay đổi.

- ACB và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 22.245 - 22.350 đồng/USD, giảm 15 đồng chiều mua vào và không đổi chiều bán ra.

- Eximbank: 22.280 - 22.330 đồng/USD, tăng 10 đồng cả hai chiều.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Ngày 25/7, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã chính thức thông báo về những cải tiến trong việc tính toán các chỉ số chứng khoán kỳ 2/2016 nhằm tiệm cận thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam. Theo đó, nâng cao điều kiện sàng lọc loại cổ phiếu có tỷ lệ tự do chuyển nhượng; thay đổi phương pháp sàng lọc tính thanh khoản của các cổ phiếu từ 6 tháng sang 12 tháng… Kết quả là, số lượng cổ phiếu được đưa vào bộ chỉ số HOSE - Index kỳ 2/2016 gồm 223 cổ phiếu, giảm 29 cổ phiếu so với kỳ 1/2016.

Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 1 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành vào ngày 27/7, với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng, gồm 4 loại kỳ hạn: 5 năm (3.000 tỷ đồng); 7 năm (1.000 tỷ đồng); 10 năm (1.000 tỷ đồng); 30 năm (1.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.760 (92%) tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,11%/năm.

- Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 400 tỷ đồng (40%), lãi suất trúng thầu 6,62%/năm.

- Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu.

- Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 912 (91,2%) tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 8%/năm

Tính chung từ đầu năm đến ngày 29/7/2016, KBNN đã huy động thành công 196.822,8566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Sau 4 năm vận hành (tính đến hết tháng 5/2016), chỉ số HNX 30 tăng khoảng 16% (20,37 điểm) đạt 120,37 điểm; giá trị và khối lượng giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX 30 lần lượt chiếm 55,54 - 74,17% và 52,84 - 68,85% tổng giá trị và khối lượng giao dịch toàn thị trường; có khoảng 29 tỷ cổ phiếu thuộc nhóm HNX 30 được chuyển nhượng với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 320 nghìn tỷ đồng.

Trong tuần từ 25 - 29/7/2016, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index biến động trái chiều: Lực cầu tăng mạnh cùng sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index tăng điểm, trong khi giá dầu giảm mạnh khiến cổ phiếu nhóm dầu khí giảm giá, kéo HNX-Index giảm điểm.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 2,36 điểm (0,36%) lên 652,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt114,79 triệu đơn vị/phiên, giảm13,64%so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.155,44 tỷ đồng, giảm 17,4%so với tuần trước.

- HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,36 điểm (0,43%) xuống 83,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 39,46 triệu đơn vị/phiên, giảm 24,3% so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 471,37 tỷ đồng, giảm 23,76% so với tuần trước.

Trong tuần qua, tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại mua ròng 12,05 triệu đơn vị, giá trị 484,01 tỷ đồng, giảm 46,13% về khối lượng nhưng tăng 108,27% về giá trị so với tuần trước (18 - 22/7/2016).

- HOSE:Khối ngoại mua ròng 6,97 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 414,24 tỷ đồng, giảm 54,31% về khối lượng nhưng tăng 286,63% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục có 5 phiên mua ròng với khối lượng 5,07 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 69,77 tỷ đồng, giảm 28,63% về lượng và 44,3% về giá trị so với tuần trước đó.

Đàm phán - Ký kết

Ngân hàng Thế giới và Việt Nam

Ngày 25/7, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết hiệp định pháp lý cho ba dự án với tổng giá trị 371 triệu USD, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, cấp nước và xử lý nước thải.

(i) Chương trình hỗ trợ Quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh lần thứ ba (khoảng 162 triệu USD, bao gồm 12 triệu USD vốn đồng tài trợ từ Chính phủ Canada và Chính phủ Thụy Sĩ).

(ii) Dự án hỗ trợ Chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh lần thứ nhất trị giá 90 triệu USD.

(iii) Khoản tài trợ bổ sung cho Dự án cấp nước và nước thải đô thị trị giá 119 triệu USD.

Campuchia và Việt Nam

Ngày 27/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Cẩm Tú và Quốc vụ khanh Bộ Thương Mại Campuchia Mao Thora đã ký Biên bản ghi nhớ triển khai dự án “Chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia”, nhằm mở rộng giao thương, xây dựng hệ thống phân phối, xuất nhập khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho cư dân có chung đường biên giới giữa hai tỉnh Tây Ninh và Tbaung Khmum.

- Tổng vốn đầu tư trên 44 tỷ đồng, do phía Chính phủ Việt Nam hỗ trợ không hoàn lại dành cho Chính phủ Campuchia.

- Dự án sẽ khởi công vào quý 4/2016 và dự kiến đến giữa năm 2018 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Chính sách

Nghị quyết số 63/NQ-CP

Ngày 22/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; trong đó tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các quy định quản lý chuyên ngành xuất khẩu và nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và môi trường…

Nghị định số 88/2016/NĐ-CP

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện:

- Đối tượng tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, thiết lập và hoạt động quỹ hưu trí là người sử dụng lao động, người lao động và cá nhân đủ 15 tuổi trở lên không làm việc theo hợp đồng. Người lao động có thể đóng góp vào quỹ hưu trí thông qua người sử dụng lao động hoặc trực tiếp nộp vào quỹ hưu trí.

- Chi trả từ quỹ hưu trí: Người tham gia quỹ lựa chọn nhận chi trả hàng tháng hoặc một lần. Thời gian nhận chi trả hàng tháng khi người tham gia quỹ đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 10 năm. Mức chi trả hàng tháng do người tham gia lựa chọn nhưng không quá tổng giá trị tài khoản hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 120 tháng.

Nghị định này có hiệu lực ngày 01/7/2016.

Nhận định

chuyên gia

Ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định:

Các tháng còn lại của năm 2016 sẽ là khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường chứng khoán khi rủi ro lớn nhất đối với thị trường chính là các yếu tố vĩ mô trên thị trường thế giới (sự kiện Brexit, bất ổn của giá dầu, các vấn đề biển Đông, Trung Quốc và những hành động của Liên minh châu Âu). Dự kiến mức cao nhất mà VN-Index có thể chinh phục trong năm 2016 là khoảng 700 điểm. Trong thời gian tới, tỷ trọng cổ phiếu phù hợp trong danh mục là khoảng 20 - 30%, do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn mua các cổ phiếu có thanh khoản thấp, beta thấp và là những cổ phiếu cơ bản tốt. Một số ngành sẽ được hưởng lợi trong thời gian là nhóm ngành vật liệu xây dựng, logistic và thủy điện.