Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015

Theo gso.gov.vn

Nông nghiệp

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3112,2 nghìn ha, giảm 4,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1161,8 nghìn ha, xấp xỉ vụ đông xuân năm 2014; các địa phương phía Nam đạt 1950,4 nghìn ha, giảm 0,2%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 66,5 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2014; sản lượng đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153,3 nghìn tấn. Sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay giảm so với vụ đông xuân trước cả về diện tích, năng suất và sản lượng chủ yếu do nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn, một số địa phương có diện tích lúa bị nhiễm mặn.

Tính đến ngày 15/6, các địa phương phía Bắc thu hoạch được 1045,5 nghìn ha lúa đông xuân; năng suất ước tính đạt 62,1 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân 2014; sản lượng đạt 7,2 triệu tấn, giảm 36,5 nghìn tấn. Riêng vùng đồng bằng sông Hồng do thực hiện dồn ô, đổi thửa, một phần diện tích trồng lúa được chuyển sang mục đích sử dụng khác nên diện tích gieo cấy giảm 5,4 nghìn ha, sản lượng đạt 3,6 triệu tấn, giảm 15 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân, sản lượng ước tính đạt 13,5 triệu tấn, giảm 116,8 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2014, riêng vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long đạt 11,1 triệu tấn, giảm 61 nghìn tấn do thời tiết nắng nóng cùng với sâu bệnh phát sinh. Một số địa phương có sản lượng lúa giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Đồng Tháp giảm 53,8 nghìn tấn; An Giang giảm 32,8 nghìn tấn.

Cùng với việc thu hoạch vụđông xuân, tính đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1851,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 93,6% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1477,9 nghìn ha, bằng 92,1%. Diện tích lúa hè thu sớm được thu hoạch đạt 220,6 nghìn ha, bằng 107% cùng kỳ năm trước.

Một số cây trồng khác của vụđông xuân năm nay đã cơ bản thu hoạch xong. Sản lượng ngô đạt 2,5 triệu tấn, giảm 43,3 nghìn tấn so với năm trước; khoai lang đạt 856,9 nghìn tấn, tăng 14,7 nghìn tấn; đậu tương đạt 77,6 nghìn tấn, giảm 4,7 nghìn tấn; lạc đạt 354,6 nghìn tấn, tăng 4,6 nghìn tấn; rau các loại đạt 8,6 triệu tấn, tăng 244 nghìn tấn.

Theo báo cáo từ các địa phương, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm và cây ăn quả đạt khá so với cùng kỳ năm trước: Sản lượng chè đạt 442 nghìn tấn, tăng 2,4%; cao su đạt 315 nghìn tấn, tăng 0,6%; hồ tiêu đạt 126 nghìn tấn, tăng 5,4%; điều đạt 336 nghìn tấn, tăng 1%; cam đạt 249 nghìn tấn, tăng 1,4%; đặc biệt sản lượng vải năm nay đạt khá cao với 350,7 nghìn tấn, tăng 14%.

Theo kết quả điều tra tại thời điểm 01/4/2015, đàn lợn cả nước có 27,2 triệu con, tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2014; đàn gia cầm có 327,1 triệu con, tăng 4%. Chăn nuôi trâu, bò 6 tháng đầu năm tương đối ổn định. Đàn trâu cả nước ước tính có 2,6 triệu con, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 5,3 triệu con, tăng 2,7%; đàn bò sữa có 253,7 nghìn con, tăng 26,5%. Sản lượng thịt trâu hơi 6 tháng ước tính đạt 49,9 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi ước tính đạt 179,8 nghìn tấn, tăng 1,9%; sản lượng sữa tươi ước tính đạt 355,2 nghìn tấn, tăng 24,4%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,05 triệu tấn, tăng 3,9%; thịt gia cầm đạt 515,9 nghìn tấn, tăng 4,5%; trứng gia cầm đạt 4,9 triệu quả, tăng 6,8%.

Đến ngày 21/6/2015, dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày được khống chế; dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày còn ở Đắk Lắk; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Quảng Nam và Bắc Kạn.

Lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 85 nghìn ha, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới tập trung đạt cao: Quảng Ninh đạt 10,7 nghìn ha, tăng 3,6%; Hà Giang 8 nghìn ha, tăng 60%; Thái Nguyên 6,1 nghìn ha, tăng 77,4%; Bắc Kạn đạt 5,6 nghìn ha, tăng 10,2%. Diện tích rừng trồng tập trung tăng khá một mặt do nhu cầu về gỗ cho sản xuất và tiêu dùng có xu hướng tăng cao, mặt khác do các doanh nghiệp lâm nghiệp thực hiện liên kết với các hộ gia đình thông qua các hợp đồng kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật trồng rừng, bao tiêu sản phẩm. Diện tích rừng trồng được chăm sóc trong kỳ đạt 360 nghìn ha, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2014. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh đạt 604,7 nghìn ha, giảm 0,5%. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 4805,2 nghìn ha, giảm 2,7%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính đạt 111 triệu cây, tăng 0,3%.

Khai thác lâm sản tại các địa phương tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đạt 3470 nghìn m3, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2014; củi đạt 14,9 triệu ste, tăng 1,7%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Nam đạt 372 nghìn m3, tăng 6,6%; Quảng Ngãi đạt 344 nghìn m3, tăng 16,3%; Bình Định đạt 296 nghìn m3, tăng 29%; Tuyên Quang đạt 188 nghìn m3, tăng 24,8%. Sản lượng gỗ khai thác tăng chủ yếu do nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao.

Công tác bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm với nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai, nhằm giảm thiểu thiệt hại nhưng do thời tiết diễn biến nắng nóng kéo dài nên tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 842 ha rừng bị thiệt hại, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 556 ha, giảm 38,1%; diện tích rừng bị chặt phá 286 ha, giảm 11%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều: Đắk Lắk 176 ha; Yên Bái 142 ha; Hà Giang 99 ha. Một số địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều: Đắk Nông 134 ha; Lâm Đồng 64 ha; Điện Biên 41 ha.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 3071,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó cá đạt 2260,7 nghìn tấn, tăng 3,3%, tôm đạt 314 nghìn tấn, giảm 2,5%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước tính đạt 921 nghìn ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá đạt 262 nghìn ha, tăng 1%; diện tích nuôi tôm đạt 602,3 nghìn ha, giảm 2,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng ước tính đạt 1574,8 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1178,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 236 nghìn tấn, giảm 2,5%.

Xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm gặp khó khăn do đồng đô la Mỹ tăng mạnh so với một số ngoại tệ khác khiến cho thị trường nhập khẩu bị thu hẹp, trong khi cá tra xuất khẩu vẫn phải chịu mức thuế cao. Diện tích thả nuôi cá tra công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 3975 ha, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014. Các tỉnh, thành phố có diện tích nuôi cá tra công nghiệp giảm: An Giang đạt 768 ha, giảm 0,3%; Cần Thơ đạt 650 ha, giảm 10%; Bến Tre đạt 544 ha, giảm 13,2%; Vĩnh Long đạt 440 ha, giảm 10%. Sản lượng cá tra 6 tháng ước tính đạt 561 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có sản lượng cá tra giảm so với cùng kỳ: Tiền Giang đạt 199,8 nghìn tấn, giảm 1,3%; Bến Tre đạt 92,6 nghìn tấn, giảm 3,7%; Vĩnh Long đạt 47,2 nghìn tấn, giảm 8,5%. Một số tỉnh có sản lượng cá tra tăng do chủ động trong sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới: Đồng Tháp đạt 180,3 nghìn tấn, tăng 2%; An Giang đạt 130,3 nghìn tấn, tăng 3,5%. Thời gian gần đây, nuôi trồng cá tra tại các địa phương được chuyển dịch theo hướng từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi quy mô lớn, tập trung, bảo đảm chu trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nhằm đáp ứng các điều kiện khắt khe của thị trường nhập khẩu.

Nuôi tôm gặp một số khó khăn do giá tôm trên thị trường giảm mạnh trong khi chi phí đầu vào có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngày, đêm chênh lệch cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến nuôi trồng tôm tại các địa phương. Diện tích nuôi thả tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 46 nghìn ha, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có diện tích tôm thẻ chân trắng giảm nhiều: Sóc Trăng đạt 15,5 nghìn ha, giảm 40%; Bến Tre đạt 4,2 nghìn ha, giảm 16,8%; Bạc Liêu đạt 3,9 nghìn ha, giảm 17,8%. Sản lượng tôm thẻ chân trắng 6 tháng ước tính đạt 110 nghìn tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó Sóc Trăng đạt 10 nghìn tấn, giảm 13%; Bến Tre đạt 13,9 nghìn tấn, giảm 23,9%; Bạc Liêu đạt 9,5 nghìn tấn, giảm 7,7%.

Diện tích nuôi tôm sú 6 tháng ước tính đạt 502 nghìn ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Kiên Giang đạt 91,5 nghìn ha, tăng 6,6%; Bạc Liêu đạt 75,7 nghìn ha, tăng 4,9%; Tiền Giang đạt 3,4 nghìn ha, tăng 43%. Sản lượng tôm sú trong kỳ ước tính đạt 99,5 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Cà Mau đạt 45,4 nghìn tấn, giảm 17%; Trà Vinh đạt 3 nghìn tấn, giảm 25%. Sản lượng tôm sú giảm chủ yếu do dịch bệnh phát sinh dẫn đến một số địa phương phải thu hoạch tôm non nên năng suất thu hoạch bị ảnh hưởng. Nuôi trồng thủy sản biển phát triển mạnh với sản lượng 6 tháng ước tính đạt 120,6 nghìn tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các loài có giá trị kinh tế cao: Nghêu, sò đạt 75,6 nghìn tấn, tăng 18,8%; cua bể 14,2 nghìn tấn, tăng 34,5%; cá chẽm 9,1 nghìn tấn, tăng 23,1%.

Thời tiết trong kỳ tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác trên biển của ngư dân. Sản lượng thuỷ sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1496,7 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó cá đạt 1082,3 nghìn tấn, tăng 4,4%, tôm đạt 78 nghìn tấn, giảm 2,5%. Sản lượng khai thác biển 6 tháng ước tính đạt 1411 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá ngừ đại dương đạt 13,1 nghìn tấn, tăng 0,8%.