Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 8 tháng đầu năm 2016

Theo gso.gov.vn

Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu. Tính đến ngày 15/8, cả nước đã gieo cấy được 1352,0 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,9% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy được 1127,1 nghìn ha, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam gieo cấy 224,9 nghìn ha, bằng 100,4% cùng kỳ năm trước.

Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm nay ở các tỉnh phía Bắc đạt thấp, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng cơ bản kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 550,3 nghìn ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang phục vụ các công trình thủy lợi, khu công nghiệp, hoặc trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số địa phương có diện tích gieo cấy lúa mùa giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội giảm 1424 ha, Bắc Ninh giảm 787 ha, Hà Nam giảm 518 ha.

Trong tháng, các địa phương ở miền Bắc chịu ảnh hưởng liên tiếp của bão số 1, số 2 và số 3, gây mưa lớn, ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất lúa và hoa màu. Theo báo cáo sơ bộ, đã có trên 200 nghìn ha lúa và hoa màu ở các tỉnh phía Bắc bị ngập úng, trong đó gần 5 nghìn ha lúa bị mất trắng (Vĩnh Phúc mất trắng 2 nghìn ha; Hà Nam mất trắng 1,2 nghìn ha); gần 14,6 nghìn ha lúa phải gieo cấy lại.

Đến trung tuần tháng Tám, cả nước gieo cấy được 2112,2 nghìn ha lúa hè thu, tăng 2,1 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích lúa hè thu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng 8,2 nghìn ha. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên diện tích chỉ đạt 1674,1 nghìn ha, giảm 3,7 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, toàn bộ diện tích trà lúa hè thu sớm đã thu hoạch xong; phần diện tích lúa còn lại phát triển tốt, dự tính cuối tháng Tám sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích.

Tính đến giữa tháng Tám, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 951,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 85,6% cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 949,8 nghìn ha, chiếm 56,7% diện tích gieo cấy và bằng 85,8% cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu năm nay ước tính đạt 54 tạ/ha, xấp xỉ vụ hè thu năm trước, sản lượng ước tính đạt 11,4 triệu tấn.

Đến giữa tháng Tám, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 481,4 nghìn ha lúa thu đông, bằng 110% cùng kỳ năm trước, trong đó một số tỉnh đạt khá: An Giang đạt 54,8  nghìn ha, gấp 3,4 lần; Long An đạt 39,9 nghìn ha, bằng 150%; Hậu Giang đạt 45,8 nghìn ha, bằng 103,9%; Đồng Tháp đạt 125,7 nghìn ha, bằng 101,7%.

 Gieo trồng hoa màu đạt thấp do ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán kéo dài. Tính đến ngày 15/8, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 948,8 nghìn ha ngô, bằng 94,5% cùng kỳ năm trước; 100,3 nghìn ha khoai lang, bằng 84,2%; 75,1 nghìn ha đậu tương, bằng 84%; 177,4 nghìn ha lạc, bằng 97,4%; 933,3 nghìn ha rau, đậu, bằng 102,8%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định. Đàn trâu của cả nước trong tháng ước tính giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2%, trong đó đàn bò sữa tăng 10%-15%; đàn lợn tăng 3,5%-4%; đàn gia cầm tăng 4,5%-5%. Tính đến thời điểm 24/8/2016, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng; dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày còn ở Hậu Giang.

Lâm nghiệp

Trong tháng Tám, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 10,9 nghìn ha, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng), trong đó diện tích rừng trồng tập trung của một số tỉnh giảm mạnh: Sơn La đạt 2650 ha, giảm 21,7%; Hòa Bình 619 ha, giảm 65,6%; Bắc Giang 426 ha, giảm 58,1%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng đạt 9,7 triệu cây, tương đương cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1176 nghìn m3, tăng 9,8%.

Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 130,9 nghìn ha, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 131,2 triệu cây, giảm 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5562 nghìn m3, tăng 10,7%; sản lượng củi khai thác đạt 19,2 triệu ste, tăng 0,5%.

Thời tiết nắng nóng cục bộ tại một số khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nên vẫn xảy ra cháy rừng ở một số địa phương, trong đó diện tích rừng bị cháy của Hà Tĩnh là 49 ha; Bình Định là 38,8 ha; Phú Yên là 38,7 ha. Tính chung 8 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 2990 ha, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2138 ha, gấp 2,9 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 852 ha, gấp 1,8 lần.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Tám ước tính đạt 589 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 397,2 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 101,8 nghìn tấn, giảm 3%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 339,1 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 230,3 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 83,8 nghìn tấn, giảm 3,9%.

Nuôi tôm có tín hiệu tích cực về thị trường tiêu thụ, giá tôm nguyên liệu tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh những tháng đầu năm, tôm nuôi chậm lớn, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch. Sản lượng tôm sú trong tháng ước tính đạt 23,3 nghìn tấn, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Cà Mau đạt 7,5 nghìn tấn, giảm 1,5%; Trà Vinh đạt 2,6 nghìn tấn, giảm 34,3%; Kiên Giang đạt 2,6 nghìn tấn, giảm 52,2%. Sản lượng tôm thẻ đạt 35,3 nghìn tấn, tăng 2%, trong đó Cà Mau đạt 4 nghìn tấn, tăng 21,2%; Trà Vinh đạt 3 nghìn tấn, tăng 33,9%; Bến Tre đạt 2,4 nghìn tấn, giảm 17,1%.

Nuôi cá tra vẫn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả, đặc biệt giá cá tra quá lứa ở mức rất thấp do tác động của việc thị trường Trung Quốc ngừng mua sản phẩm này. Sản lượng cá tra trong tháng ước tính đạt 103,3 nghìn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 34,9 nghìn tấn, tăng 0,5%; An Giang đạt 20,3 nghìn tấn, giảm 8,1%; Bến Tre đạt 7 nghìn tấn, giảm 15,3%, Vĩnh Long đạt 3,9 nghìn tấn, tăng 1%. Trong thời gian tới, ngành Thủy sản cần có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp phát triển dòng sản phẩm cá tra chất lượng cao, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Thời tiết mưa, bão trong tháng đã ảnh hưởng đến nuôi trồng[3] và khai thác thủy sản. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước tính đạt 249,9 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 166,9 nghìn tấn, tăng 2,3%, tôm đạt 18 nghìn tấn, tăng 1,7%.

Tính chung 8 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4334,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2302,4 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2032,2 nghìn tấn, tăng 3,1% (sản lượng cá ngừ đại dương đạt 12,8 nghìn tấn, giảm 1,5%).