Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2016

Theo Tổng cục Thống kê

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2016 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 594,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 433,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1%; lâm nghiệp đạt 20,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%; thủy sản đạt 139,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9%.

Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng 9, cả nước gieo cấy được 1691,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1151,6 nghìn ha, bằng 98,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 539,7 nghìn ha, bằng 97,2%.

Diện tích lúa mùa của các địa phương phía Bắc giảm chủ yếu do thời tiết nắng hạn, thiếu nước đầu vụ, khi gieo cấy lại bị ảnh hưởng của 3 cơn bão liên tiếp, một số diện tích lúa mùa bị ngập nặng không có khả năng phục hồi nên các địa phương chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã chuyển một phần diện tích trồng lúa sang phục vụ các công trình thủy lợi, dân sinh. Đến nay trà lúa mùa ở miền Bắc đang trong giai đoạn vào chắc và chín, đã thu hoạch được gần 24 nghìn ha.

Do ảnh hưởng của các cơn bão số 1, số 2 và số 3 gây ngập úng cục bộ, một số diện tích phải cấy dặm nên năng suất lúa mùa của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng giảm mạnh: Vĩnh Phúc giảm 10 tạ/ha; Quảng Ninh giảm 2,6 tạ/ha; Hà Nam giảm 1 tạ/ha.

Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi trong những tháng cuối năm và không bị ảnh hưởng của sâu bệnh, năng suất lúa mùa năm nay của các địa phương phía Bắc đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước; sản lượng ước tính đạt 5,8 triệu tấn, giảm 36,6 nghìn tấn so với vụ mùa năm 2015.

Diện tích lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 2106 nghìn ha, tăng 3,2 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1674,5 nghìn ha, giảm 3,3 nghìn ha. 

Tính đến ngày 15/9/2016, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1648,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 93,6% cùng kỳ năm trước, chiếm 78,3% diện tích gieo cấy, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1422,2 nghìn ha, bằng 93,6% và chiếm 85% diện tích gieo cấy.

Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 53,9 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2015; sản lượng đạt 11,3 triệu tấn, giảm 49 nghìn tấn.

Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của thời tiết không thuận nên diện tích và năng suất lúa hè thu đều giảm so với năm trước (diện tích giảm 0,2%; năng suất giảm 1,2%); sản lượng ước tính đạt 9,02 triệu tấn, giảm 125,6 nghìn tấn.

Tính đến trung tuần tháng 9, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 664,7 nghìn ha lúa thu đông, bằng 109,4% cùng kỳ năm trước do một số địa phương chủ động mở rộng diện tích lúa ở những vùng có đê bao (An Giang tăng 13,2 nghìn ha; Long An tăng 11,6 nghìn ha; Cần Thơ tăng 3,5 nghìn ha). 

Đến nay, diện tích lúa thu đông đã thu hoạch đạt 120,2 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm 2015 với năng suất ước tính đạt 53,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha.

Gieo trồng một số cây hoa màu giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tính đến giữa tháng 9, cả nước gieo trồng được 1047,5 nghìn ha ngô, bằng 99,1% cùng kỳ năm trước; 111,2 nghìn ha khoai lang, bằng 90,3%; 188,2 nghìn ha lạc, bằng 97,1%; 85,8 nghìn ha đậu tương, bằng 86,8% và 952,6 nghìn ha rau đậu, bằng 102,8%.

Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển, sản lượng đạt khá do diện tích đến kỳ cho sản phẩm tăng: Sản lượng hồ tiêu 9 tháng ước tính đạt 192,9 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; chè 853 nghìn tấn, tăng 3%; cao su 643 nghìn tấn, tăng 0,4%; riêng sản lượng điều đạt 301 nghìn tấn, giảm 15%.

Một số cây ăn quả sản lượng tăng nhẹ do thị trường tiêu thụ tốt: Sản lượng cam tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; chuối tăng 1,3%; xoài tăng 0,7%; bưởi tăng 0,5%; dứa tăng 0,3%. Riêng sản lượng vải giảm 13%; chôm chôm giảm 2,4%; nhãn giảm 1,5% do thời tiết không thuận và diện tích cho sản phẩm giảm.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định. Tính đến giữa tháng 9, đàn trâu cả nước giảm 1% so với cùng kỳ năm 2015; đàn bò tăng 2%-2,5%; đàn lợn tăng 3,5%-4%; đàn gia cầm tăng 5%-5,5%.

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2016 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi tăng 2%; sản lượng thịt lợn hơi tăng 4,5%; sản lượng thịt gia cầm tăng 5,7%.

Tính đến thời điểm 26/9/2016, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng; dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày còn ở Hà Tĩnh.

Trong 9 tháng năm nay, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mà đỉnh điểm là tháng Ba, tháng Tư và đầu tháng Năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân tại vùng bị thiên tai.

Đặc biệt, hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, xâm nhập mặn đã vào đến vùng lõi của Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương sau này.

Do đó, ngành Nông nghiệp cần có các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phục những bất cập từ biến đổi khí hậu, đồng thời tu bổ, nạo vét hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi ngăn mặn, xây dựng các hồ chứa để giữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Lâm nghiệp

Trong 9 tháng năm 2016, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 151,9 nghìn ha, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do mưa bão, lũ lụt xảy ra vào đúng thời vụ trồng rừng; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 133,6 triệu cây, giảm 1,9%. 

Một số tỉnh có diện tích rừng trồng tập trung giảm mạnh: Hà Giang đạt 8,5 nghìn ha, giảm 66,4%; Tuyên Quang 3,3 nghìn ha, giảm 23,9%; Lạng Sơn 2,9 nghìn ha, giảm 50%; Thanh Hóa 1,8 nghìn ha, giảm 15,4%. 

Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng ước tính đạt 6521 nghìn m3, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước do thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ tương đối ổn định, trong đó một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi đạt 627 nghìn m3, tăng 17,3%; Tuyên Quang 440 nghìn m3, tăng 42%; Thanh Hóa 364 nghìn m3, tăng 19,7%; Hòa Bình 262 nghìn m3, tăng 46,2%.

Sản lượng củi khai thác 9 tháng ước tính đạt 21,3 triệu ste, giảm 0,5%.

Công tác bảo vệ phòng chống cháy rừng được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhưng do thời tiết nắng hạn kéo dài nên tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương.

Trong 9 tháng năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 4359 ha, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 3256 ha, gấp 3 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 1103 ha, tăng 67,9%.

Một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều: Điện Biên là 969 ha; Sơn La 919 ha; Hà Giang 226 ha; Yên Bái 194 ha; Bình Định 174 ha; Hà Tĩnh 112,5 ha.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản 9 tháng ước tính đạt 4937,6 nghìn tấn, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3601,6 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 570 nghìn tấn, tăng 1,7%.

Nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc những tháng đầu năm và tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng ước tính đạt 1021,7 nghìn ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 2604,8 nghìn tấn, tăng 1,2%, trong đó cá đạt 1894,8 nghìn tấn, tăng 0,9%; tôm đạt 447 nghìn tấn, tăng 1,5%.

Nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do giá cá tra không ổn định và ở mức thấp, chi phí cao, sức mua từ các thị trường tiêu thụ lớn sụt giảm.

Diện tích nuôi cá tra 9 tháng ước tính đạt 11,2 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá tra thâm canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 4,4 nghìn ha, tăng 1,4%.

Sản lượng cá tra 9 tháng ước tính đạt 850 nghìn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó An Giang đạt 210,5 nghìn tấn, giảm 6,3%; Bến Tre 121,9 nghìn tấn, giảm 7,3%, Tiền Giang đạt 28,8 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh, đặc biệt là tôm sú do chủ yếu nuôi bằng hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến.

Diện tích nuôi tôm sú 9 tháng ước tính đạt 576,9 nghìn ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 180 nghìn tấn, giảm 2,7%, trong đó Cà Mau đạt 62 nghìn tấn, giảm 9,8%; Bạc Liêu đạt 42,9 nghìn tấn, giảm 10,4%; Kiên Giang đạt 30,9 nghìn tấn, tăng 11,2%; Bến Tre đạt 5,8 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 9 tháng ước tính đạt 80,2 nghìn ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 232,3 nghìn tấn, tăng 4,5%, trong đó Cà Mau đạt 38,3 nghìn tấn, tăng 6,4%; Sóc Trăng 35,8 nghìn tấn, tăng 25,7%; Bến Tre 22 nghìn tấn, giảm 11,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng của cả nước ước tính đạt 2332,8 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1706,8 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 123 nghìn tấn, tăng 2,6% (Sản lượng thủy sản khai thác biển 9 tháng đạt 2195,8 nghìn tấn, tăng 3%, trong đó cá đạt 1602,8 nghìn tấn, tăng 2,7%; tôm đạt 113 nghìn tấn, tăng 2,4%).

Sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng Tư tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng; ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng nên sản lượng thủy sản khai thác của các địa phương giảm mạnh.