Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nửa đầu năm 2017

Theo Tổng cục Thống kê

Nông nghiệp

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3.077,4 nghìn ha, giảm 5,7 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2016, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.144,1 nghìn ha, giảm 12,1 nghìn ha; các địa phương phía Nam đạt 1.933,3 nghìn ha, tăng 6,4 nghìn ha.

Diện tích lúa đông xuân thời gian gần đây có xu hướng thu hẹp dần (tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác.

Riêng vụ đông xuân năm nay, diện tích gieo cấy của vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 536,2 nghìn ha, giảm 10,1 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.539,4 nghìn ha, giảm 16,3 nghìn ha.

Tính đến ngày 15/6, các địa phương phía Nam đã kết thúc thu hoạch vụ đông xuân; các địa phương phía Bắc thu hoạch được 981,8 nghìn ha, chiếm 85,8% diện tích gieo cấy. 

Do ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn từ năm trước cùng hiện tượng mưa trái mùa liên tiếp xảy ra tại thời điểm lúa trổ bông và cho thu hoạch đã làm giảm năng suất lúa vụ đông xuân năm nay. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 62,1 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2016; sản lượng đạt 19,1 triệu tấn, giảm 296,6 nghìn tấn

Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân giảm nhiều so với năm trước: Đồng Tháp giảm 165,8 nghìn tấn; Long An giảm 96,5 nghìn tấn; Hà Tĩnh giảm 88,1 nghìn tấn; Cần Thơ giảm 59,1 nghìn tấn.

Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương đã chủ động xuống giống vụ hè thu sớm hơn năm trước. Tính đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.940,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 106,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.589,2 nghìn ha, bằng 104,4%.

Đến nay đã có 378,7 nghìn ha lúa hè thu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện lúa hè thu đang phát triển tốt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống sâu bệnh, hướng dẫn người dân chăm sóc lúa đúng kỹ thuật để thu được năng suất cao.

Đến giữa tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 607,4 nghìn ha ngô, bằng 85,3% cùng kỳ năm trước; 91,6 nghìn ha khoai lang, bằng 103%; 41,4 nghìn ha đậu tương, bằng 94,4%; 149,3 nghìn ha lạc, bằng 95%; 697,6 nghìn ha rau, đậu, bằng 103,7%.

Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè đạt 455,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; cao su đạt 334,5 nghìn tấn, tăng 4,4%; hồ tiêu đạt 207,7 nghìn tấn, tăng 7,1%; riêng sản lượng điều đạt 222,3 nghìn tấn, giảm 26,8% do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài.

Sản lượng một số cây ăn quả đạt khá: Cam đạt 304,6 nghìn tấn, tăng 24,8%; thanh long đạt 488 nghìn tấn, tăng 16,4%; xoài đạt 448,3 nghìn tấn, tăng 2,2%.

Chăn nuôi lợn những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do tình trạng cung vượt quá cầu, giá thịt lợn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng giá thịt lợn vẫn giảm xuống mức thấp, người chăn nuôi chịu thua lỗ dẫn đến tình trạng giảm đàn, bỏ đàn. Tính đến tháng Sáu, đàn lợn cả nước giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu giảm 0,8%; đàn bò tăng 2,3% (đàn bò sữa tăng 5,2%); đàn gia cầm tăng 5,2%.

Sản lượng thịt trâu hơi đạt 51 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi đạt 201 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,2 triệu tấn, tăng 2,7%; thịt gia cầm đạt 573 nghìn tấn, tăng 6,3%; trứng gia cầm đạt 5,6 tỷ quả, tăng 6,5%; sản lượng sữa tươi đạt 434 nghìn tấn, tăng 13,2%.

Trong 6 tháng đầu năm không xảy ra dịch bệnh lớn, đến ngày 26/6/2016 trên phạm vi cả nước không còn dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh và dịch lở mồm long móng.

Lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 100,5 nghìn ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 55,1 triệu cây, tăng 0,7%; sản lượng củi khai thác đạt 14,1 triệu ste, tăng 0,7%. Sản lượng gỗ khai thác đạt khá với 4.835 nghìn m3, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng đến kỳ khai thác.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác đạt khá: Quảng Nam đạt 431 nghìn m3, tăng 6,4%; Bình Định đạt 368 nghìn m3, tăng 11,4%; Thừa Thiên - Huế đạt 285 nghìn m3, tăng 6,2%; Bắc Giang đạt 259 nghìn m3, tăng 8,8%; Phú Thọ đạt 225 nghìn m3, tăng 7,7%.

Việc sản phẩm gỗ từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường xuất khẩu gỗ của nước ta trong thời gian tới.

Mặc dù công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được quan tâm thực hiện, nhưng do thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài nên vẫn xảy ra tình trạng cháy rừng, tập trung ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung.

Trong tháng Sáu, cả nước có 284,5 ha rừng bị thiệt hại, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 145,5 ha, tăng 58,2%; diện tích rừng bị chặt phá là 139 ha, giảm 44,8%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 1.031,4 ha rừng bị thiệt hại, giảm 60,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 373,2 ha, giảm 80,9%; diện tích rừng bị chặt phá là 658,2 ha, tăng 2,2%.

Thủy sản

Hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Ước tính tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 3.328,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2.460,7 nghìn tấn, tăng 3,7%; tôm đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 7,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 1.668,2 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.232,6 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 252,1 nghìn tấn, tăng 8,9%.

Nuôi cá tra từng bước phục hồi, giá cá tra tăng dần trong những tháng đầu năm đã khuyến khích người dân thả nuôi trở lại. Sản lượng cá tra 6 tháng ước tính đạt 543,3 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,8%; quý II tăng 1,9%), trong đó Đồng Tháp đạt 185,7 nghìn tấn; An Giang đạt 116,9 nghìn tấn.

Nuôi tôm nước lợ gặp thuận lợi về thời tiết và giá cả. Diện tích nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm ước tính đạt 605,2 nghìn ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm sản lượng tôm sú và tôm thẻ đạt 222,4 nghìn tấn, tăng 9,2%, trong đó Cà Mau đạt 66,9 nghìn tấn, tăng 1%; Bạc Liêu đạt 33,8 nghìn tấn, tăng 3%; Kiên Giang đạt 20,8 nghìn tấn, tăng 12,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.660,6 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.228,1 nghìn tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 80,3 nghìn tấn, tăng 2,9%.

Thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thủy sản cùng với hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá và công tác dự báo ngư trường được quan tâm thực hiện đã khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển, đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt thủy sản tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã hồi phục và tăng trở lại.

Sản lượng thủy sản khai thác biển 6 tháng đạt 1.572,4 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.166,9 nghìn tấn, tăng 5,5% (sản lượng cá ngừ đại dương đạt 13,6 nghìn tấn, tăng 14,9%); sản lượng tôm đạt 74,6 nghìn tấn, tăng 3,8%.