Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2019 duy trì tăng trưởng khá, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bản sản phẩm ổn định cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới kết quả sản xuất ngành chăn nuôi trong những tháng tiếp theo. Thủy sản mặc dù đạt mức tăng trưởng cao nhất 9 năm qua nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang phải đối mặt với cạnh tranh từ các quốc gia khác, nhất là cá tra và tôm nước lợ.

Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước đã gieo trồng được 3.087,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,8% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc đạt 1.088,4 nghìn ha, bằng 99,6%; các địa phương phía Nam đạt 1.998,8 nghìn ha, bằng 101,4%. Gieo cấy lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc cơ bản hoàn thành, thời tiết nắng ấm cùng nguồn nước tưới dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp, nhất là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy các loại…, ngành nông nghiệp cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Tại các địa phương phía Nam, diện tích gieo trồng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đạt 1.601,5 nghìn ha, bằng 101,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích lúa tăng chủ yếu ở Cà Mau với 37,9 nghìn ha do chuyển đổi mùa vụ từ lúa mùa sang lúa đông xuân.

Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.042,6 nghìn ha lúa đông xuân cho thu hoạch, chiếm 65,1% diện tích xuống giống, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm 2018 do không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và triều cường như năm trước. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất của những trà lúa sớm. Sản lượng lúa đông xuân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 10,8 triệu tấn, giảm 37,9 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước; năng suất ước tính đạt 67,4 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha.

Cũng đến trung tuần tháng Ba, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa vụ mùa 2018-2019. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích gieo trồng toàn vùng đạt 171,7 nghìn ha, giảm 25,6 nghìn ha so với vụ lúa mùa trước; năng suất ước tính đạt 46,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; sản lượng đạt 797,2 nghìn tấn, giảm 112,3 nghìn tấn. Việc chuyển đổi diện tích từ gieo trồng lúa mùa sang lúa đông xuân tại tỉnh Cà Mau đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất vụ mùa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời năng suất lúa giảm do mùa mưa kết thúc sớm, một phần diện tích lúa tôm bị nhiễm mặn dẫn đến sản lượng lúa của tỉnh Cà Mau giảm 206,7 nghìn tấn so với vụ mùa năm trước.

Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trong cả nước đã gieo trồng được 346,8 nghìn ha ngô, bằng 102,9% cùng kỳ năm trước; 62,3 nghìn ha khoai lang, bằng 98,9%; 120,8 nghìn ha lạc, bằng 98,2%; 14,9 nghìn ha đỗ tương, bằng 103,5%; 520,8 nghìn ha rau đậu, bằng 102,8%.

Trong quý I/2019, một số cây công nghiệp lâu năm đã cho thu hoạch, trong đó: sản lượng cao su ước tính đạt 121,5 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; chè búp đạt 86,1 nghìn tấn, tăng 2,6%; hồ tiêu đạt 137,6 nghìn tấn, giảm 1,4%; điều đạt 166,7 nghìn tấn, giảm 8,5%. Sản lượng một số loại cây ăn quả tăng khá: chuối ước tính đạt 528,2 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018; cam đạt 375,3 nghìn tấn, tăng 8,6%; dứa đạt 190,2 nghìn tấn, tăng 6,7%; xoài đạt 185 nghìn tấn, tăng 4,8%.

Đàn trâu cả nước trong tháng Ba tiếp tục giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả thu hẹp; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2019 đạt 26,3 nghìn tấn, tăng 1,8%. Đàn bò phát triển khá với mức tăng trong tháng đạt 3% do thuận lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ, người chăn nuôi có lãi ổn định; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý I năm nay ước tính đạt 99,2 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa bò tươi quý I đạt 252,2 nghìn tấn, tăng 7,3%. Đàn lợn của cả nước tháng Ba tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I đạt 1.012,2 nghìn tấn, tăng 3,2%.

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế sử dụng thịt lợn làm cho giá thịt lợn hơi giảm trên khắp cả nước. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng Ba tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2019 đạt 338,3 nghìn tấn, tăng 6,2%; sản lượng trứng gia cầm quý I đạt gần 3,6 tỷ quả, tăng 10,6%.

Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị mặt bằng, cây giống để triển khai trồng rừng theo kế hoạch năm 2019. Trong tháng Ba, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 16,6 nghìn ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 996 nghìn m3, tăng 6%.

Tính chung quý I/2019, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 31,9 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 15,7 triệu cây, tăng 0,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.714 nghìn m3, tăng 4,5%, trong đó: Lào Cai tăng 21,7%; Thanh Hóa tăng 7,2%; Quảng Nam tăng 7%. Sản lượng củi khai thác quý I ước tính đạt 3,9 triệu ste, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 3/2019 là 53,1 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 18,4 ha; diện tích bị chặt phá là 34,7 ha. Tính chung 3 tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 98,7 ha, giảm 48,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 22,8 ha, giảm 56,6%; diện tích rừng bị chặt phá là 75,9 ha, giảm 45,4%.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản quý I/2019 ước tính đạt 1.466,7 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.098,7 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 136,4 nghìn tấn, tăng 5,2%; thủy sản khác đạt 231,6 nghìn tấn, tăng 3,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I ước tính đạt 646,2 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 468,2 nghìn tấn, tăng 5%; tôm đạt 101,9 nghìn tấn, tăng 7,6%. Giá cá tra nguyên liệu trong hai tháng đầu năm duy trì ở mức khá cao nhưng đến tháng Ba có xu hướng giảm do sản lượng cá tra xuất khẩu vào các thị trường chính (Mỹ và Trung Quốc) chậm lại, các doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế thu mua, tuy nhiên ở mức giá hiện tại người nuôi vẫn có lãi từ 500-1.000 đồng/kg nên diện tích nuôi mới tiếp tục tăng.

Diện tích nuôi cá tra quý I/2019 ước tính đạt 3 nghìn ha, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cá tra đạt 250,1 nghìn tấn, tăng 7,7%, trong đó Đồng Tháp đạt 98,9 nghìn tấn, tăng 3,9%; An Giang đạt 81,6 nghìn tấn, tăng 11,3%; Cần Thơ đạt 36,4 nghìn tấn, tăng 13%. Nuôi tôm nước lợ đang vào vụ thả nuôi chính trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Sản lượng tôm sú quý I ước tính đạt 43,1 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 45,6 nghìn tấn, tăng 8,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác quý I năm nay ước tính đạt 820,5 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 630,5 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 34,5 nghìn tấn, giảm 1,1%. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, chi phí hoạt động khai thác ổn định, nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân tăng tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Ước tính sản lượng thủy sản khai thác biển quý I/2019 đạt 785,1 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 606,1 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm đạt 31,6 nghìn tấn, giảm 0,9%.