Sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng năm 2013

Theo Thống kê Hải quan

Đánh giá chung

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 4/2013 đạt hơn 21 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước (do số ngày làm việc chính thức của tháng 4 chỉ là 19 ngày so với của tháng 3 là 21 ngày). Trong đó, xuất khẩu đạt 10,03 tỷ USD, giảm 4,5% và nhập khẩu là 10,97 tỷ USD, giảm 0,9%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 tiếp tục thâm hụt 936 triệu USD, tăng mạnh 65,3% so với tháng trước.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 4 năm 2013, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 79 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 39,14 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu là 39,86 tỷ USD, tăng 17%. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2013, cán cân thương mại hàng hoá của cả nước đã chuyển sang trạng thái thâm hụt với mức nhập siêu là 723 triệu USD.

Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại 4 tháng giai đoạn 2008-2013

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_05_20/image001.png

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với kim ngạch xuất khẩu đạt 23,2 tỷ USD, tăng 26,4%; nhập khẩu đạt 22,07 tỷ USD, tăng 27%, thì cán cân thương mại hàng hoá của các doanh nghiệp này thặng dư là 1,17 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2013.

Một số nhóm hàng xuất khẩu chính

Điện thoại các loại & linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt gần 1,55 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước, nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2013 lên gần 6 tỷ USD, tăng 97%, tương ứng tăng 2,94 tỷ USD về số tuyệt đối, trong đó xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng tới 994 triệu USD.

EU là thị trường lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam nhưng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này trong 4 tháng qua (70,8%) lại thấp hơn nhiều so với tăng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Tiểu vương quốc A rập thống nhất, Ấn độ, Thái Lan,…

Biểu đồ 2: Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện 4 tháng/2013 so với 4 tháng 2012

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_05_20/image003.png

Hàng dệt may: trị giá xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 4/2013 đạt 1,24 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong 4 tháng/2013 lên gần 5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 4 tháng qua sang Nhật Bản đạt 698 triệu USD, tăng 20,4%; Thị trường EU đạt 674 triệu USD, tăng 9% và Hàn Quốc: 413 triệu USD, tăng 41,8% so với cùng kỳ năm 2012.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng 4/2013 đạt 776 triệu USD, giảm 12,2%, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng lên 3,13 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ 2012, tương ứng tăng 963 triệu USD về số tuyệt đối.

EU là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 4 tháng/2013 với kim ngạch đạt 759 triệu USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2012, tiếp theo là Trung Quốc đạt 718 triệu USD, tăng 31,1%; Hoa Kỳ: 380 triệu USD, tăng 41%; Ma lai xi a: 329 triệu USD, tăng 104%, …

Dầu thô: lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 4 đạt 650 nghìn tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2013 lên 2,72 triệu tấn, tăng 14%. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này lại giảm 10,4% nên trị giá đạt 2,38 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Dầu thô xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường sau: Nhật Bản: đạt 848 nghìn tấn, giảm 16,8%; sang Ôx trây lia : 483 nghìn tấn, tăng 67,1%; sang Hàn Quốc: 452 nghìn tấn, gấp 5,7 lần; sang Malaixia: 440 nghìn tấn, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giày dép các loại: trị giá xuất khẩu trong tháng 4/2013 đạt 639 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2013 lên 2,36 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng qua, trị giá xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam sang thị trường EU đạt 784 triệu USD, tăng 6,8%;  Hoa Kỳ đạt 756 triệu USD, tăng 20,9% (tương ứng tăng 130 triệu USD); Nhật Bản đạt 121 triệu USD, tăng 17,8%; Trung Quốc đạt 115 triệu USD, tăng 10,2%, ... so với cùng kỳ năm trước.  

Nhóm hàng phương tiện vận tải & phụ tùng các loại: trong tháng xuất khẩu gần 524 triệu USD, tăng 32,5% so với tháng trước, nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng qua lên gần 1,81 tỷ USD, tăng 18,5% so với 4 tháng/2012.

Nhật Bản là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 4 tháng qua với 549 triệu USD, tăng 2,2%; tiếp theo là Hàn Quốc: 318 triệu USD, tăng 22,5%; Hoa Kỳ: 204 triệu USD, giảm 10,7%; Thái Lan: 125 triệu USD, tăng gấp 2,16 lần, … so với cùng kỳ năm trước.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác: trong tháng 4/2013, xuất khẩu đạt 452 triệu USD, giảm 2,4%, nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2013 lên 1,69 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Tính đến hết tháng 4/2013, xuất khẩu nhóm hàng này sang Nhật Bản là 379 triệu USD, giảm 2,7%; sang Hoa Kỳ: 274 triệu USD, giảm 8,4%; sang Trung Quốc: 101 triệu USD, giảm 8,8%; sang Hồng Kông: 98 triệu USD, tăng 9,1%;… so với cùng kỳ năm trước.

Hàng thủy sản: trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2013 là 514 triệu USD, tăng 6,6% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2013, xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản cả nước đạt 1,73 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường có kim ngạch dẫn đầu là EU giảm mạnh, giảm 10,3% so với 4 tháng/2013 với mức kim ngạch đạt 320 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng nhẹ (0,1%), đạt kim ngạch 336 triệu USD - vượt EU trở thành thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong 4 tháng qua, hàng thủy sản của nước ta xuất sang Nhật Bản đạt 295 triệu USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Biểu đồ 3: Xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường chính 4 tháng đầu năm giai đoạn 2011-2013

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_05_20/image005.png

Gỗ & sản phẩm gỗ: xuất khẩu trong tháng đạt gần 414 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng/2013 lên gần 1,58 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Tính đến hết tháng 4/2013, nhóm hàng gỗ & sản phẩm gỗ xuất sang Hoa Kỳ đạt 539 triệu USD, tăng 6%; sang Trung Quốc: 262 triệu USD, tăng 20,3%; sang thị trường EU: 237 triệu USD, giảm 0,3%; sang Nhật Bản: 234 triệu USD, tăng 15%;… so với cùng kỳ năm 2012.

Cà phê: lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 4/2013 là 111 nghìn tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này của nước ta trong 4 tháng qua lên 588 nghìn tấn, trị giá là 1,26 tỷ USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 13,9% về trị giá so với 4 tháng/2012. Đây cũng là mặt hàng nông sản giảm mạnh nhất trong 4 tháng/2013 (giảm tới 203 triệu USD).

Cao su: lượng cao su xuất khẩu trong tháng đạt 43 nghìn tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong 4 tháng/2013 đạt gần 232 nghìn tấn, giảm 13,5%, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 618 triệu USD, giảm tới 23,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 4 tháng/2013 nhưng lượng xuất khẩu sang thị trường này đã giảm mạnh, chỉ đạt 116 nghìn tấn, giảm 22,1% so với 4 tháng/2012 và chiếm gần 50% lượng cao su xuất khẩu của cả nước.

Hạt tiêu: lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng là 15,5 nghìn tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 4 tháng qua đạt 53,6 nghìn tấn, tăng 12,9%. Giá bình quân xuất khẩu nhóm hàng này giảm nhẹ 3,1% nên trị giá đạt 353 triệu USD, tăng 9,4% so với 4 tháng/2012, tương ứng tăng 30 triệu USD.

Gạo: trong tháng, lượng gạo xuất khẩu đạt 653 nghìn tấn, giảm 15% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2013 lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước tăng nhẹ 0,4%, đạt 2,2 triệu tấn và kim ngạch giảm 5,2%, đạt 986 triệu USD.

 Trong 4 tháng/2013 xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh đạt 910 nghìn tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 41% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tiếp theo là sang Cu Ba: 179 nghìn tấn, tăng 125%; sang Singapore: 122 nghìn tấn, tăng 50,9%; sang Malaysia: 113 nghìn tấn, giảm 57,1%;  so với cùng kỳ năm trước, ...

Than đá: trong tháng lượng than đá xuất khẩu của cả nước là 718 nghìn tấn, nâng tổng lượng than đá xuất khẩu trong 4 tháng/2013 lên 4,9 triệu tấn, tăng 9,2%, trị giá xuất khẩu đạt 341 triệu USD, giảm 14,3% so với 4 tháng/2012.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu than đá của Việt Nam với 4,1 triệu tấn, tăng 18,1% và chiếm tới 84% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt gần 1,42 tỷ USD, giảm 10,6% so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2013, cả nước nhập khẩu 5,57 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 61%; trong đó nhập khẩu của khu vực các doanh nghiệp FDI là 5,06 tỷ USD, tăng 67,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là gần 512 triệu USD, tăng 16,2% so với 4 tháng/2012.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 1,58 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 1,41 tỷ USD, tăng 65,1%; Xing ga po: 628 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần; Nhật Bản: 501 triệu USD, giảm 2,1%; Cộng hòa Ailen: 289 triệu USD, tăng gấp 2,6 lần; Malaixia: 283 triệu USD, tăng 68,8%;… so với cùng kỳ năm 2012.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là gần 1,57 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2013 lên 5,43 tỷ USD, tăng 10% so với 4 tháng/2012; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 3,16 tỷ USD, tăng 25,7% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 2,28 tỷ USD, giảm 6,2%.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2013 với trị giá đạt 1,71 tỷ USD, tăng 12,1%; các thị trường lớn tiếp theo bao gồm : Nhật Bản: 934 triệu USD, giảm 8,9%; Hàn Quốc: 829 triệu USD, tăng 78,1%; Đức: 247 triệu USD, giảm 15,3%; Hoa Kỳ: 239 triệu USD, giảm 8,3%; Đài Loan: 236 triệu USD, giảm 13%; …

Điện thoại các loại và linh kiện: trong tháng 4/2012, cả nước đã nhập khẩu 620 triệu USD nhóm hàng này, tăng 4,9% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2013 lên gần 2,32 tỷ USD, tăng 92,6% về số tương đối và tăng mạnh 1,11 tỷ USD về số tuyệt đối so với kết quả thực hiện cùng kỳ một năm trước đó.

Các thị trường chủ yếu cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam là: Trung Quốc với 1,57 tỷ USD, tăng 87,8% và chiếm 67,7% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; Hàn Quốc: 714 triệu USD, tăng gấp 2,6 lần;… so với cùng kỳ năm trước.

Xăng dầu các loại: lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng là 753 nghìn tấn, trị giá là 691 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với tháng trước. Như vậy tính đến hết 4 tháng/2013, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 2,45 triệu tấn, giảm 18,3%, trị giá là 2,36 tỷ USD, giảm 22,9% so với 4 tháng/2012.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Xingapo với 719 nghìn tấn, giảm 43,4%; Đài Loan: 405 nghìn tấn, tăng 8%; Trung Quốc: 389 nghìn tấn, giảm 1,5%; Malaixia: 230 nghìn tấn, tăng gấp 2,1 lần; Hàn Quốc: 214 nghìn tấn, giảm 42,4%;Cô Oét: hơn 200 nghìn tấn, giảm 0,7%; … so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày: trong tháng, nhập khẩu nhóm hàng này là hơn 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2013 lên 4,32 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, trị giá vải nhập khẩu là: 2,39 tỷ USD, tăng 16,1%; nguyên phụ liệu: 1,08 tỷ USD, tăng 13,4%; xơ, sợi là 466 triệu USD, tăng 3,9% và bông: 386 triệu USD, tăng 37%.

Trong 4 tháng/2013, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 1,55 tỷ USD, tăng 26,4%; Hàn Quốc: 732 triệu USD, tăng 11,8%; Đài Loan: 647 triệu USD, tăng 0,3%; Hoa Kỳ: 254 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần; Nhật Bản: 239 triệu USD, giảm 1,9%;… so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại: lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng đạt gần 947 nghìn tấn, là mức cao nhất kể từ năm 2011 với trị giá gần 701 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 16,5% về trị giá so với tháng trước, nâng tổng lượng nhập khẩu sắt thép của cả nước trong 4 tháng/2013 lên 3,1 triệu tấn, trị giá là 2,25 tỷ USD, tăng 24,8% về lượng và tăng 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012.

Biểu đồ 4: Lượng nhập khẩu sắt thép các loại theo tháng từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2013

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_05_20/image008.gif

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 1 triệu tấn, tăng 55,5%; Nhật Bản: 940 nghìn tấn, tăng 64,1%;  Hàn Quốc: 486 nghìn tấn, giảm 10%; Đài Loan: 319 nghìn tấn, tăng 17,3%, ... so với 4 tháng/2012.

Thức ăn gia súc và nguyên liệu: trong tháng 4/2013, cả nước nhập khẩu hơn 200 triệu USD nhóm hàng thức ăn gia súc & nguyên liệu, giảm 43,4% so với tháng trước; trong đó trị giá nhập khẩu khô dầu đậu tương là 77 triệu USD, giảm 127 triệu USD so với tháng trước.

Tính đến hết 4 tháng/2013, cả nước nhập khẩu 911 triệu USD nhóm hàng thức ăn gia súc & nguyên liệu. tăng 50,1%; trong đó trị giá nhập khẩu khô dầu đậu tương là 477 triệu USD, tăng 86% so với 4 tháng/2012.

Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc & nguyên liệu trong 4 tháng qua chủ yếu từ các thị trường: Ấn Độ: 226 triệu USD, tăng 36,7%; Hoa Kỳ: 168 triệu USD, tăng 85,1%; Achentina: 123 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần; Italia: 59 triệu USD, tăng 50,8%; Trung Quốc: 57,3 triệu USD, tăng 85,5%; … so với 4 tháng/2012.

Sắt thép phế liệu : trong tháng 4/2013, cả nước nhập khẩu gần 361 nghìn tấn, trị giá gần 150 triệu USD, tăng 40,2% về lượng và tăng 41,7% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2013, cả nước nhập khẩu hơn 1 triệu tấn với trị giá 404 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với 4 tháng/2012.

Các thị trường chính cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam như: Hoa Kỳ: 223 nghìn tấn, tăng gần gấp 2,5 lần; Nhật Bản: 101 nghìn tấn, tăng gấp gần 4,1 lần; Hồng Kông: 86 nghìn tấn, tăng gấp 2,9 lần; Bỉ: 85 nghìn tấn, tăng gấp 10 lần; Ôx trây lia: 71 nghìn tấn, giảm 43,8%, … so với cùng kỳ năm 2012.

Kim loại thường khác: lượng nhập khẩu trong tháng 4/2013 là gần 66,3 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, tăng 0,7% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2013, tổng lượng nhập khẩu kim loại thường khác của Việt Nam là 245 nghìn tấn, tăng 23,5%, trị giá là 915 triệu USD, tăng 18,5%.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 58,2 nghìn tấn, tăng gấp 2,1 lần; Hàn Quốc: 55,2 nghìn tấn, tăng 30,8%; Ôxtrâylia: 26,5 nghìn tấn, tăng 22%; Đài Loan: 22,9 nghìn tấn, giảm 13,4%;  … so với 4 tháng/2012.

Chất dẻo nguyên liệu: lượng nhập khẩu trong tháng 4/2013 là 239 nghìn tấn, trị giá là 414 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 14,2% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2013, tổng lượng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của Việt Nam là 969 nghìn tấn, tăng 14,2%, kim ngạch nhập khẩu là gần 1,71 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường: Ả rập Xê út: 210 nghìn tấn, tăng 9,8%; Hàn Quốc: 199 nghìn tấn, tăng 28,8%; Đài Loan: gần 150 nghìn tấn, tăng 19,3%; Thái Lan: 92,3 nghìn tấn, tăng 17,3%; … so với cùng kỳ năm 2012.

Hóa chất: trong tháng 4/2013, Việt Nam nhập khẩu gần 237 triệu USD nhóm hàng hóa chất, giảm 5,1% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2013 lên 885 triệu USD, giảm 5,0% so với 4 tháng/2012.

Việt Nam nhập khẩu hóa chất trong 4 tháng qua chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc: 252 triệu USD, tăng 5,2%; Đài Loan: gần 111 triệu USD, giảm 21,6%; Hàn Quốc: 109 triệu USD, tăng 9,5%; Nhật Bản: 65,3 triệu USD, tăng 24%; … so với 4 tháng/2012.

Phân bón các loại: lượng phân bón nhập khẩu trong tháng là 332 nghìn tấn, trị giá là 132 triệu USD, tăng 34,7% về lượng và tăng 35% về trị giá so với tháng trước, đơn giá nhập khẩu bình quân trong tháng chỉ tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước.

Tính đến hết 4 tháng/2013, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 1,08 triệu tấn, trị giá là 441 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Bảng 1: Chi tiết nhập khẩu các mặt hàng phân bón trong 4 tháng/2013

Tên hàng

4 tháng/ 2013

Tăng/giảm so với 11T/2011

Lượng

Trị giá

Đơn giá

Lượng

Trị giá

Đơn giá

(nghìn tấn)

(triệu USD)

(USD/tấn)

(%)

(%)

(%)

Phân SA

306

63

206

15,6

-1,9

-15,2

Phân Kali

256

118

460

17,0

1,4

-13,3

Phân DAP

229

123

539

43,2

34,9

-5,8

Phân NPK

141

69

489

130,6

127,8

-1,2

Phân Ure

64

24

372

-20,4

-28,2

-9,9

Phân bón loại khác

87

45

512

-13,3

-18,2

-5,7

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 4 tháng/2013 với 453 nghìn tấn, tăng 11,8% và chiếm 41,8% tổng lượng phân bón cả nước nhập về; tiếp theo là Philippin: 99,4 nghìn tấn, tăng 41,2%; Nhật Bản: 90,6 nghìn tấn, giảm 9,6%; Canada: 74,5 nghìn tấn, tăng 12,9%;…so với cùng kỳ năm 2012.

Ô tô nguyên chiếc: lượng nhập khẩu ô tô trong tháng 4 đạt 3,08 nghìn chiếc, tăng 24,7%; trong đó lượng ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 1,75 nghìn chiếc, tăng 49,9% so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2013, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập về là hơn 10 nghìn chiếc, tăng 5,4%, trị giá là 187 triệu USD, tăng nhẹ 1,4% so với  cùng kỳ năm 2012.

Trong 4 tháng qua, nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc nhiều nhất vẫn là ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống với gần 5,6 nghìn chiếc, giảm 8,3%; ô tô tải: gần 3,65 nghìn chiếc, tăng 29,3%; ô tô trên 9 chỗ ngồi: 140 chiếc, tăng gấp 4,5 lần; ô tô loại khác: 691 chiếc, tăng 16,1% so với 4 tháng/2012.

Biểu đồ 5: Lượng và trị giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2013

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_05_20/image010.gif

Ô tô nguyên chiếc xuất xứ từ Hàn Quốc vẫn là nguồn nhập chính vào Việt Nam với 5,25 nghìn chiếc, tăng 15,9% và chiếm 52% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Thái Lan: 1,8 nghìn chiếc, tăng 28,2%; Trung Quốc: 1,17 nghìn chiếc, tăng 3,6%; Nhật Bản: 514 chiếc, tăng 28,2%;…