Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 16-21/5/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia:

- Hoa Kỳ: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm từ 2,3% xuống 2% trong năm 2016, do kinh tế nước này tăng trưởng chậm trong quý 1/2016 và nhu cầu hàng hóa trên thế giới vẫn yếu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên 2,3% trong năm 2017. (Theo Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 19/5)

- Trung Quốc: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,3% trong năm 2016, giảm so với 6,9% trong năm 2015. Đây sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. (Theo Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 19/5)

- Nhật Bản: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,7% trong quý 1/2016, cao hơn dự báo 0,3%, cho thấy Nhật Bản đang thoát dần khủng hoảng, do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế của Trung Quốc và đồng JPY tăng giá. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 18/5)

- Nga: Trong quý 1/2016, GDP tăng trưởng -1,2% so với cùng kỳ năm 2015, giảm mạnh so với mức tăng trưởng -3,8% trong quý 4/2015 và -3,7% trong cả năm 2015, cho thấy thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng đã qua và có thể nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2016, sớm hơn so với dự báo là vào năm 2017, do sự phục hồi mạnh của giá dầu từ tháng 02/2016; đồng RUB lên giá góp phần làm lạm phát giảm mạnh, do đó thu nhập thực tế tăng. (Theo Cơ quan Thống kê Nga ngày 16/5). Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2016 là -0,2%. (Theo Bộ Kinh tế Nga)

- Hàn Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 dự báo sẽ giảm xuống còn 2,7% so với mức dự báo tăng 3,1% (tháng 11/2015), do nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu của nước này đang phải đối mặt với tình trạng thương mại toàn cầu trì trệ, nhập khẩu giảm từ Trung Quốc (chiếm một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc) và nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu. (Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD ngày 16/5)

- Indonesia: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 giảm từ 5,2 - 5,6% xuống còn 5 - 5,4%, do sức tiêu thụ của thị trường yếu và đầu tư từ khu vực tư nhân thấp. (Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia ngày 19/5)

- Philippines: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines trong quý 1/2016 đạt 6,9%, cao hơn mức dự báo 6,6%. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2016 đạt 6,5%, do kiều hối (một nguồn thu quan trọng của nước này) từ nguồn lao động ở nước ngoài tăng lên 2,425 triệu USD trong tháng 3, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 19/5)

Lạm phát

- Hoa Kỳ: CPI trong tháng 4/2016 tăng 0,4% so với tháng 3 - mức cao nhất trong hơn 3 năm qua, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, lạm phát cơ bản trong tháng 4 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 17/5)

- Anh: CPI trong tháng 4/2016tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015, giảm so với 0,5% của tháng 3 và là tháng thứ 17 liên tiếp CPI đạt dưới 1%, do giá các mặt hàng may mặc, ô tô, giá thuê nhà ở xã hội và giá vé máy bay giảm. Điều này cho thấy nền kinh tế Anh vẫn trong tình trạng cầu thấp hơn cung; tăng trưởng về thu nhập vẫn còn yếu và Anh không có đủ mức đầu tư công cần thiết để đảm bảo tăng trưởng mạnh. (Theo Cơ quan thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 17/5)

Xếp hạng
tín nhiệm

Ngày 15/5, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ mức độ tín nhiệm của các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt ở vùng Vịnh là Saudi Arabia, Bahrain và Oman.

- Mức tín nhiệm của Saudi Arabia bị hạ một bậc từ Aa3 xuống A1 do giá dầu giảm đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này; tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi tỷ lệ nợ ngày càng cao đã làm giảm khả năng chống đỡ của Saudi Arabia trước các “cú sốc” từ bên ngoài trong tương lai.

- Mức tín nhiệm của Bahrain bị hạ từ Ba1 xuống Ba2; của Oman bị hạ từ A3 xuống Baa1.

Dầu mỏ

Tính chung tuần từ 16 - 20/5/2016, giá dầu WTI tăng 3,3% và Brent tăng 2%, chủ yếu do sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ, Nigeria, Venezuela, Canada, Lybia và nhiều khu vực khác giảm. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch cuối tuần (20/5/2016):

- Giá dầu WTI giao tháng 6/2016 giảm 41 cent (0,9%) xuống 47,75 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 giảm 9 cent (0,2%) xuống 48,72 USD/thùng.

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Các chỉ số chứng khoán chính hầu hết tăng điểm trong tuần qua, do dầu tăng giá và cổ phiếu của Apple, cổ phiếu năng lượng tăng. Tính chung cả tuần (16 - 20/5/2016), chỉ số S&P 500 tăng 0,3%; Nasdaq Composite tăng 1,1%; riêng Dow Jones giảm 0,2%. Tính riêng ngày giao dịch cuối tuần (20/5/2016) so với phiên giao dịch ngày hôm trước, các chỉ số:

- Dow Jones đạt 17.509,94 điểm, tăng 65,54 điểm (0,38%).

- S&P 500 đạt 2.052,32 điểm, tăng 12,28 điểm (0,6%).

- Nasdaq Composite đạt 4.769,56 điểm, tăng 57,03 điểm (1,21%).

Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, các thị trường chứng khoán chính tại châu Á hầu hết giảm điểm, do số liệu kinh tế Hoa Kỳ khả quan làm tăng dự đoán về việc FED sẽ tăng lãi suất trong tương lai gần; nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng hạ giá sau vụ chiếc máy bay của Hãng hàng không EgyptAir (Ai Cập) bị mất tích. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,24% xuống 125,63 điểm.

- Các thị trường chính giảm điểm:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,1% xuống 2.825,48 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,32% xuống 19.852,20 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,45% xuống 1.947,67 điểm.

- Các thị trường chính tăng điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 2,31% lên16.736,35 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,9% lên 5.351,31 điểm.

Châu Âu

Anh

- Mặc dù IMF và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều đã cảnh báo nguy cơ Anh rời khỏi EU có thể khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái. Nhưng hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp tại Anh vẫn bày tỏ ủng hộ Anh rời EU do: (i) “Tệ quan liêu” trong thể chế EU kìm hãm hoạt động kinh doanh của 5,4 triệu doanh nghiệp Anh, trong khi chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp này có giao dịch thương mại thực sự với EU; (ii) Anh rời khỏi EU sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, vươn ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều việc làm. (Theo The Daily Telegraph ngày 16/5).

- Trong quý 1/2016, số người thất nghiệp tại Anh là 1,69 triệu, giảm 2.000 người so với quý 4/2015; tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 5,1%; số người lao động có việc làm đạt 31,58 triệu, tăng 44.000 người so với quý 4/2015, nâng tỷ lệ người lao động có việc làm lên mức cao kỷ lục 74,2%. (Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 18/5).

- Trong tháng 4/2016, doanh số bán lẻ của Anh tăng 1,3% so với tháng 3/2016 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù giá trung bình tại các cửa hàng giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2015, do giá nhiên liệu giảm 7,3%; giá tại các cửa hàng thực phẩm giảm 2,3%; nhưng tổng chi cho tiêu dùng trong tháng 4 vẫn tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015 lên 28,1 tỷ GBP. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh ngày 19/5).

Nga

Trong năm 2016, Nga có kế hoạch huy động 12,4 tỷ USD vốn trong nước và 3 tỷ USD vốn nước ngoài. Ngoài ra, việc tăng lợi tức cổ phiếu của các doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của họ đối với các chương trình đầu tư, từ đó ngân sách quốc gia trong năm 2016 có thêm 400 - 450 tỷ RUB (6,2 - 6,9 tỷ USD). (Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siliuanov ngày 17/5).

Hoa Kỳ

Khu vực bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 1,3% trong tháng 4/2016, cao hơn so với dự báo tăng 0,8% và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2015, sau khi giảm 0,3% vào tháng 3/2016. Doanh số bán lẻ của hầu hết các mặt hàng chính đều tăng, trong đó doanh thu bán ô tô tăng 3,2%; xăng dầu tăng 2,2% và doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng 2,1%.Nếu không tính doanh thu từ bán xe ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống, doanh thu bán lẻ của Hoa Kỳ trong tháng 4 tăng 0,9%.(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 13/5)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định tăng thuế thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên 522% sau khi cáo buộc Trung Quốc bán thép dưới giá thị trường. Các loại thuế đặc biệt áp dụng cho thép tấm cán nguội Trung Quốc dùng trong ngành sản xuất xe hơi, vận chuyển công ten nơ và xây dựng. Trong năm 2015, có 12.000 công nhân ngành thép Hoa Kỳ đã bị mất việc làm do thép giá rẻ của Trung Quốc. (Theo BBC ngày 18/5)

FED có thể tăng lãi suấttrong tháng 6/2016 nếu tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 2/2016 tiếp tục ổn định và tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ đang tịnh tiến sát mục tiêu (2%). (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 18/5)

Chính phủ Hoa Kỳ ngày 18/5 thông báo Kế hoạch mở rộng chương trình bảo vệ quyền lợi người lao động. Điều luật mới (có hiệu lực từ ngày 01/12/2016) sẽ mang lại quyền lợi được hưởng lương làm thêm giờ cho khoảng 4,2 triệu người lao động có thời gian làm việc trên 40 giờ/tuần và được hưởng lương dưới 913 USD/tuần (thay vì chỉ 455 USD/tuần như trước đây), tương đương với gần 47.500 USD/năm. Điều luật này được cho là tạo thêm “gánh nặng” cho doanh nghiệp (do làm gia tăng chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động) trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế ảm đạm.

Trung Quốc

Ngày 16/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm 45 tỷ CNY (4,3 tỷ USD) theo hợp đồng mua lại có kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,25%; đồng thời có 20 tỷ CNY đáo hạn theo các hợp đồng trước đó; do đó trên thực tế, PBoC bơm 25 tỷ CNY (3,8 tỷ USD) vào thị trường nhằm bảo đảm thanh khoản. (Theo Tân Hoa xã)

Ngày 19/5, Ngân hàng Nhân dânTrung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của đồngCNYở mức 6,5531 CNY = 1 USD, tương ứng mức giảm giá 0,5% so với phiên trước, sau khi FED cho biết có thể tăng lãi suất trong tháng 6/2016. Đây là phiên giảm giá nội tệ mạnh nhất của Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua.

Hàn Quốc

Trong tháng 4/2016, thặng dư thương mại của nước này đạt 8,82 tỷ USD, thấp hơn 9,85 tỷ USD trong tháng 3/2016 nhưng cao hơn 8,36 tỷ USD (tăng 5,4%) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu giảm 11,2% xuống 41 tỷ USD và là tháng giảm thứ 19 liên tiếp do nhu cầu từ các thị trường mới nổi đang giảm mạnh và nền kinh tế của Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng trì trệ.

- Kim ngạch nhập khẩu giảm 14,9% xuống 32,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu dầu thô giảm tới 30,4% xuống còn 3,2 tỷ USD so cùng kỳ.

(Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 16/5)

Đàm phán - Ký kết

Hoa Kỳ và Pháp

Hai công ty dịch vụ dầu mỏ và khí đốt Technip (Pháp) và FMC Technologies (Hoa Kỳ) đã đạt được thỏa thuận sáp nhập trị giá 13 tỷ USD để thành lập Công ty TechnipFMC, trở thành 1 trong 5 nhà cung cấp dịch vụ dầu khí lớn nhất thế giới (ước tạo ra doanh thu khoảng 20 tỷ USD và sử dụng khoảng 49.000 người lao động). Cổ phiếu của TechnipFMC sẽ được niêm yết tại thị trường chứng khoán New York và Paris.(Theo Reuters ngày 19/5)

Cu-ba và Trung Quốc

Ngày 18/5, Cu-ba và Trung Quốc đã thành lập 1 quỹ trị giá 307 triệu USD tại Tứ Xuyên, Trung Quốc nhằm hỗ trợ các dự án về công nghệ sinh học (sản xuất thuốc điều trị các căn bệnh như tiểu đường, viêm gan, não…) tại hai nước. (Theo Nhật báo Granma - Cuba)