Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 22 - 27/2/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển ở mức khiêm tốn do nhu cầu sụt giảm tại nhiều nước, sẽ kéo lùi đà phục hồi của nhiều nền kinh tế.

- Tác động tiêu cực từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cùng nhiều thị trường mới nổi chủ chốt khác.

- Những biến động tiêu cực trên thị trường tài chính, giá dầu và xung đột địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới.

Trước những động thái về tình hình kinh tế toàn cầu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có những chính sách mạnh mẽ ở cả cấp độ quốc gia và đa phương để kiểm soát các nguy cơ và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể: (i) Các nền kinh tế phát triển cần giảm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và tăng cường chính sách tài chính, tập trung vào đầu tư; (ii) Các nền kinh tế mới nổi nên thực hiện chính sách linh hoạt tỷ giá hối đoái và chỉ sử dụng biện pháp can thiệp mang tính thời điểm, đồng thời, các nước nên tăng cường năng lực tài chính và kêu gọi các cơ chế tài chính mới nhằm hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu; (iii) Ngân hàng Trung ương các nước, đặc biệt là FED, cần giữ nguyên các chính sách tiền tệ thích hợp nhằm đảm bảo các điều kiện tài chính siết chặt hơn không cản trở đà tăng trưởng.

(Theo IMF ngày 25/02)

Xếp hạng tín nhiệm

EU

Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor's (S&P) ngày 22/02 đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm của 3 doanh nghiệp dầu mỏ hàng đầu châu Âu gồm BP, Total và Statoil, do giá dầu giảm mạnh sẽ tác động đến tài chính của 3 doanh nghiệp này.

- Hạ xếp hạng của BP (Vương quốc Anh) xuống A- (mức đầu tư trung bình), với triển vọng ổn định;

- Xếp hạng của Total (Pháp) giảm xuống A+ (mức đầu tư trên trung bình), nhưng với triển vọng tiêu cực;

- Xếp hạng của Statoil (Na Uy) cũng giảm xuống A+, với triển vọng ổn định.

Dự báo lợi nhuận của hoạt động lọc dầu của 3 doanh nghiệp này sẽ giảm từ 25 - 33% trong năm 2016.

Anh

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 22/02 nhận định, thiệt hại về kinh tế từ việc Anh quyết định rời EU sẽ lớn hơn những lợi ích mà nó đem lại.Đồng thời, tổ chức này sẽ cân nhắc hạ mức đánh giá triển vọng tín nhiệm của Anh xuống mức tiêu cực nếu nước này bỏ phiếu rời khỏi EU.

Đồng bảng Anh trong phiên giao dịch ngày 22/02 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009, ở mức 1 bảng đổi 1,4059 USD, sau khi Thị trưởng London, ông Boris Johnson tuyên bố ủng hộ nhóm vận động rời khỏi EU.

Brazil

Ngày 24/02, Moody's đã hạ 2 bậc xếp hạng tín nhiệm của Brazil, xuống mức Ba2, cho thấy các nguy cơ kìm hãm sự phục hồi kinh tế, thậm chí có thể tạo ra những cú sốc khác, gây ra tình trạng bất ổn về nợ công tại. Nguyên nhân là do: (i) Tăng trưởng kinh tế thấp, với mức suy giảm 3% vào năm 2015; (ii) Nợ công tăng cao; (iii) Môi trường chính trị nhiều thách thức.

Moody's là Hãng xếp hạng tín nhiệm thứ 3 trên thế giới (sau Fitch và S&P) hạ bậc tín nhiệm của Brazil xuống mức “vô giá trị”.

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ tuần qua có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp, do giá dầu tăng trong thời gian gần đây. Trong đó, chỉ số Dow Jones tăng 1,5%, S&P tăng 1,6% và Nasdaq tăng 1,9%. Chốt phiên ngày 26/02, các chỉ số:

+ Dow Jones giảm 0,34%, xuống 16.639,97 điểm;

+ S&P 500 giảm 0,19%, xuống 1.948,05 điểm;

+ Nasdaq tăng 0,18%, lên 4.590,47 điểm.

Trong tuần qua, chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,76%, xuống 119,62 điểm, các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,07%, xuống 16.188,41 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 2,69%, lên 2.767,21 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,21%, lên 19.364,15 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,723%, xuống 1.920,16 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 2,43%, xuống 4.879,958 điểm.

Dầu mỏ

Tình trạng giá dầu thấp hiện nay có thể buộc các nhà sản xuất dầu của Hoa Kỳ phải cắt giảm mạnh sản lượng trong năm 2016 và 2017. Sau đó, sản lượng dầu của nước này có thể tăng lên mức 14,2 triệu thùng/ngày và sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 khi hiệu quả sản xuất được cải thiện (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA)

Các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã thiệt hại hơn 340 tỷ USD nguồn thu ngân sách trong năm 2015, tương đương 20% GDP của các nước này, do giá dầu giảm mạnh, khiến MENA buộc phải áp dụng biện pháp nhằm cải thiện cán cân ngân sách như cắt giảm trợ cấp năng lượng và phát hành trái phiếu chính phủ. (Theo IMF)

Nguồn cung và cầu đối với dầu mỏ năm 2017 sẽ giảm và giá dầu có thể bắt đầu tăng trở lại khi thị trường tái cân bằng, song lượng dự trữ lớn hiện nay có thể sẽ kìm hãm đà phục hồi của giá dầu thế giới.

- Nguồn cung dầu mỏ sẽ bị cắt giảm khi các khoản đầu tư sụt giảm. Theo đó, hoạt động đầu tư vào hoạt động khai thác dầu mỏ và các trang thiết bị có thể sẽ giảm 17% trong năm 2016 sau khi sụt giảm 24% trong năm 2015.

- Nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng, song ở mức yếu hơn, với mức tăng trưởng trung bình của nhu cầu dầu mỏ trên thế giới trong 5 năm tới sẽ giảm từ 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2015 xuống còn khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.

(Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA ngày 22/02)

Sản lượng khai thác dầu thô trung bình của Iran sẽ ở mức khoảng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2016 (tương đương 10% tổng sản lượng khai thác mỗi ngày của OPEC) và tăng lên khoảng 3,6 triệu thùng/ngày vào năm 2017. Đặc biệt, sản lượng khai thác dầu thô trung bình của Iran sẽ đạt 3,3 triệu thùng/ngày vào các tháng cuối năm 2016 và 3,7 triệu thùng/ngày vào các tháng cuối năm 2017.

Trong 3 năm qua, sản lượng dầu thô của Iran gần như ổn định và đạt mức trung bình khoảng 2,8 triệu thùng/ngày trong năm 2015, bằng 9% tổng sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC.

(Theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA)

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 6,3% và WTI tăng 3,2% do số giàn khoan dầu tại Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 và thông tin 4 nước sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới sẽ tiếp tục nhóm họp vào giữa tháng 3/2016 để thảo luận các nỗ lực ổn định thị trường.

Chốt phiên ngày 26/02:

- Giá dầu WTI giao tháng 4/2016 tại New York giảm 29 cent (0,9%), xuống 32,78 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 tại London giảm 19 cent (0,5%), xuống 35,10 USD/thùng.


Dự báo giá dầu trong các năm tới:

- Từ giữa năm 2016, giá dầu có thể sẽ tăng thêm từ 10 - 15 USD/thùng,nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu mỏ của 4 nước Nga, Saudi Arabia, Qatar và Venezuela được ký kết vào 01/3/2016. Tuy nhiên, nếu giá dầu phục hồi về ngưỡng hơn 100 USD/thùng sẽ không có lợi cho thị trường, do sau đó sẽ lại gây ra một chu kỳ sụt giá tiếp theo. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio Del Pino ngày 22/02)

- Năm 2018, giá dầu Brent sẽ tăng từ mức dưới 35 USD/thùng hiện nay lên 50 USD mỗi thùng.(Theo S&P ngày 22/02)

- Năm 2020, giá dầu sẽ ở mức 80 USD/thùng do hoạt động khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ phục hồi sẽ hạn chế đà phục hồi của giá dầu trong những năm tới.(Theo Giám đốc IEA Fatih Birol)

Châu Á

ASEAN

Văn phòng ​nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) được khai trương tại Singapore vào ngày 19/02. AMRO tập trung tăng cường và phát triển các năng lực giám sát, lập ra một cơ chế cảnh báo sớm các nguy cơ đang nổi lên ở khu vực, qua đó giúp các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sớm nhận diện và ứng phó với những rủi ro trong tương lai. AMRO, với gần 40 nhân viên, là tổ chức quốc tế đầu tiên được thành lập bởi các thành viên ASEAN+3 (ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Ấn Độ

Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và các nước ASEAN đã đạt hơn 76,5 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2015; trong đó, Indonesia là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với kim ngạch trao đổi song phương đạt hơn 19 tỷ USD; tiếp theo là Malaysia, Singapore và Thái Lan. Dự kiến trong tương lai, kim ngạch trao đổi song phương sẽ được tăng cường với việc hoàn tất khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, Hiệp định ASEAN - Ấn Độ về thương mại dịch vụ và đầu tư (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2015).(Theo hãng thông tấn Malaysia - Bernama)

Hàn Quốc

- Tính đến cuối năm 2015, nợ của các hộ gia đình tại Hàn Quốc đã lên đến 1,207 triệu tỷ won (khoảng 979,7 tỷ USD), là mức cao nhất từ trước tới nay, do thị trường nhà đất trong năm 2015 sôi động với các giao dịch mua bán nhà đã tăng 18,8% lên mức cao kỷ lục với hơn 1,19 triệu giao dịch thành công.(Theo NHTW Hàn Quốc - BoK ngày 24/02)

- Năm 2015, sản lượng gạo của Hàn Quốc đạt 4,32 triệu tấn, vượt 360.000 tấn so với dự báo trước đó, khiến giá của mặt hàng này tính đến ngày 15/02/2016 giảm tới 12,8% so với cùng kỳ năm 2015. Do vậy, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tiếp tục mua gạo nhằm bình ổn giá mặt hàng này, với khoản chi khoảng 140 tỷ won (113,6 triệu USD) để mua 157.000 tấn gạo vào tháng 3/2016, sau khi đã mua vào 200.000 tấn hồi tháng 10/2015. (Theo Hãng tin Yonhap ngày 24/02)

- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này trong năm 2016 sẽ giảm từ 0,4 - 0,5% so với năm 2015 và là năm giảm thứ2 liên tiếp, do: (i) Nhu cầu hàng hóa trên thị trường toàn cầu tiếp tục sụt giảm; (ii) Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc; (iii) Các đồng tiền của châu Âu và Nhật Bản giảm giá; (iv) Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi không mấy lạc quan, trong khi sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ và châu Âu không đáng kể. (Theo Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hàn Quốc - EximBank ngày 21/02)

Singapore

Tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng 01/2016 đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2015.Đây là tháng thứ 15 liên tiếp CPI sụt giảm. Dự kiến CPI các mặt hàng trong năm 2016 của Singapore sẽ tiếp tục giảm khoảng -1 đến 0% so với mức -0,5 đến 0,5%, do giá dầu thế giới tiếp tục ở mức thấp trong những tháng gần đây. (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp - MTI; NHTW Singapore - MAS ngày 23/02)

Philippines

- Cam kết đầu tư nước ngoài được các cơ quan xúc tiến đầu tư Philippines phê duyệt trong năm 2015 là 245,2 tỷ peso (tương đương 5,2 tỷ USD), tăng 31,2% so với năm 2014.Riêng trong quý 4/2015, tổng vốn đầu tư nước ngoài được phê duyệt đạt 138,6 tỷ peso, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2014.

+ Nhật Bản cam kết đầu tư 39,4 tỷ peso, chiếm 28,5% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, Hà Lan cam kết 37 tỷ peso, chiếm 26,7% và Hoa Kỳ cam kết 16,5 tỷ peso, chiếm 11,9%.

+ Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là các ngành sản xuất (chiếm 69,1% tổng vốn đầu tư).

(Theo Cơ quan Thống kê Philippines)

- Trong năm 2015, lượng kiều hối của nước này tăng lên mức kỷ lục 28,48 tỷ USD, phá vỡ mức kỷ lục 27,27 tỷ USD của năm 2014.Riêng trong tháng 12/2015, lượng kiều hối đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2014 và là mức cao nhất hàng tháng từ trước đến nay.(Theo Ngân hàng Trung ương Philippines - BSP)

Thái Lan

- Xuất khẩu của Thái Lan giảm gần 9% trong tháng 01/2016, là mức giảm mạnh nhất trong hơn 4 năm qua, với kim ngạch xuất khẩu giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2015, xuống còn 15,7 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2011 và là tháng giảm thứ 14 liên tiếp; kim ngạch nhập khẩu giảm 12,37% xuống 15,5 tỷ USD, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của Thái Lan trong năm 2015 chỉ đạt 2,8%, do: (i) Bất ổn chính trị; (ii) Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này giảm sút; (iii) Nợ của các hộ gia đình cao; (iv) Lòng tin của người tiêu dùng giảm sút. (Theo Bộ Thương mại Thái Lan ngày 25/02)

- Chính phủ Thái Lan ngày 24/02 đã quyết định soạn thảo chiến lược 20 năm về lúa gạo với tổng kinh phí thực hiện khoảng 10 tỷ baht, nhằm cải thiện công tác quản lý trồng lúa, để giải quyết tất cả các vấn đề về canh tác và thị trường.

+ Bao quát các giai đoạn quản lý từ trồng trọt đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

+ Đặt mức trần sản xuất gạo năm 2016 là 26 triệu tấn (thấp hơn so với 31,2 triệu tấn của năm 2015) nhằm tránh việc nguồn cung dư thừa quá mức khiến giá gạo xuống thấp.

+ Tăng cường các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ gạo ở thị trường nội địa.

Bên cạnh chiến lược sản xuất lúa gạo, Thái Lan cũng sẽ sớm xây dựng các chiến lược đối với ngành trồng cao su, sắn và mía đường.

Châu Âu

Anh

- Trong năm 2015, Ngân hàng Standard Chartered đã lỗ ròng 2,36 tỷ USD, do phải tăng chi phí tái cơ cấu và các khoản nợ xấu, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động bất lợi.

+ Lợi nhuận trước thuế đã giảm 84%, xuống 834 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 1,37 tỷ USD của 20 nhà phân tích mà Bloomberg khảo sát ý kiến.

+ Nợ xấu đã tăng gần gấp đôi và doanh thu của ngân hàng này giảm 15%, xuống 15,44 tỷ USD trong năm 2015, thấp hơn con số dự báo của các nhà phân tích.

- Vào năm 2030, gần 25% nhà tại London dự báo sẽ có giá trên 1 triệu bảng; giá nhà trung bình tại Vương quốc Anh cũng sẽ tăng gần 2 lần, lên 557.444 bảng/căn, so với mức 283.565 bảng Anh/căn hiện nay. Đà tăng giá nhà tại thủ đô London ước đoán sẽ vượt xa mức tăng nhu nhập (đã điều chỉnh theo lạm phát) trong cùng thời gian này, theo đó, giá nhà trung bình tại thủ đô có thể cao gấp 16,5 lần thu nhập trung bình của người dân vào năm 2030, thay cho mức cao gấp 11,5 lần vào thời điểm hiện nay. (Theo nghiên cứu của Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế London - LSE cùng Ngân hàng Santander của Anh)

- Ngày 23/02, hơn 1/3 doanh nghiệp hàng đầu nước Anh đã kêu gọi người dân nước này bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU và cho rằng việc rời khỏi EU có thể khiến nền kinh tế quốc gia này đối mặt với nhiều nguy cơ như:

+ Kinh tế nước này khó tránh khỏi kịch bản tăng trưởng chậm lại đáng kể.

+ Thị trường tài chính Anh sẽ phải đối mặt với một cú sốc khi đồng bảng Anh và thị trường cổ phiếu sẽ rớt giá.

+ Đầu tư vào Anh sẽ giảm sút, kéo theo nguy cơ thất nghiệp tăng cao.

- Lợi nhuận ròng của ngân hàng HSBC trong năm 2015 đã giảm 1,2% so với với năm 2014, xuống còn 13,52 tỷ USD. Riêng trong quý 4/2015, ngân hàng bị lỗ 1,3 tỷ USD, so với khoản lãi 511 triệu USD của cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân do: (i) Giá cả hàng hóa, thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc đều lao dốc; (ii) Tín dụng tại Trung Quốc được siết chặt do động thái tăng lãi suất tại Hoa Kỳ. (Theo Ngân hàng HSBC ngày 22/02)

Pháp

- Trong tháng 01/2016, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm 0,8% (tương đương 27.100 người), làm giảm số người thất nghiệp trong cả nước xuống còn gần 5,8 triệu người, là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2012, do Chính phủ đã triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho 500.000 người. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp kéo dài tiếp tục tăng, chiếm 45,8% tổng số người thất nghiệp (tương đương 2,643 triệu người) vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với Pháp. (Theo Bộ Lao động Pháp ngày 24/02)

- Thâm hụt của Quỹ Bảo hiểm tại nước này trong năm 2015 ước tính lên tới 4,4 tỷ euro (4,83 tỷ USD) và dự kiến có thể giảm xuống còn 3,3 tỷ euro (3,62 tỷ USD) trong năm 2016, do tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng giảm. Tình trạng thất nghiệp ở mức cao kéo dài trong 8 năm qua đã khiến Quỹ trên hiện nợ tới 25,8 tỷ euro và nhiều khả năng sẽ lên đến 29,4 tỷ euro vào cuối năm 2016. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp năm 2015 tăng 2,6%, nhưng chỉ bằng một nửa so với mức tăng 5,7% trong năm 2014.

(Theo Cơ quan Bảo hiểm thất nghiệp Pháp - Unédic)

Hy Lạp

EC, Quỹ cứu trợ của Eurozone và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang thảo luận về kế hoạch giảm nợ từng bước cho Hy Lạp với điều kiện nước này thông qua các cải cách bổ sung đến năm 2022. Theo đó, thời gian đầu, các nhà tài trợ sẽ hạ lãi suất và lùi thời hạn thanh toán số nợ 316 tỷ euro (352 tỷ USD) cho Hy Lạp. Sau đó, giai đoạn tiếp theo sẽ xem xét lại việc trả nợ tùy theo tình hình kinh tế của nước này tại thời điểm cần thanh toán nợ, trên cơ sở Hy Lạp thực thi các biện pháp đã nhất trí với các chủ nợ cho đến năm 2022. (Theo Tuần báo Agora của Hy Lạp ngày 20/02)

Châu Mỹ

Argentina

Argentina sẽ huy động 15 tỷ USD trái phiếu chính phủ để có đủ số tiền cần thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài đang kiện nước này tại tòa án Hoa Kỳ. Trong đó: (i) Khoản tiền trị giá 6,5 tỷ USD dùng để thanh toán cho một số nhà đầu tư đã đạt được thỏa thuận trong vụ kiện tại tòa án Hoa Kỳ; (ii) Số còn lại sẽ được sử dụng để thanh toán cho các chủ nợ khác, bao gồm các chủ nợ đã từ chối tham gia thỏa thuận.Trái phiếu mới sẽ được phát hành sau khi Quốc hội thông qua cải cách tại kỳ họp ngày 01/3/2016. (Theo Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Alfonso Prat-Gay)

Canada

Ngân sách liên bang của Canada trong năm tài khóa 2016 - 2017 sẽ thâm hụt khoảng 18,4 tỷ đôla Canada (CAD), cao gần gấp đôi so với con số cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử của đảng Tự do (LIB); trong năm tài khóa 2017 - 2018 sẽ thâm hụt vào khoảng 15,5 tỷ CAD, thấp hơn tài khóa 2016 - 2017 nhưng vẫn cao gấp 1,5 lần so với mức cam kết.

Nguyên nhân: (i) Do giá dầu giảm mạnh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ như Canada; (ii) Tác động từ khó khăn kinh tế toàn cầu; (iii) Hậu quả của các năm tăng trưởng yếu trước đó.

(Theo Bộ trưởng Tài chính liên bang Canada Bill Morneau ngày 22/02)

Hoa Kỳ

Các NHTW Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác đã và đang bán trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và tham gia nhiều hơn vào chương trình mua lại đảo ngược của FED để hưởng lãi suất trong nỗ lực huy động tiền mặt, nhằm ổn định đồng tiền của nước họ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu khác phải dùng đến ngoại tệ dự trữ để ngăn chặn dòng vốn bị rút ra khi giá hàng hóa và dầu giảm.

Theo FED, vào ngày 17/02, các NHTW nước ngoài nắm giữ 246,65 tỷ USD trong các thỏa thuận repo (chương trình mua lại đảo ngược), tăng từ 129,78 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015. Trước đó hồi tháng 12/2015, các tổ chức chính thức của nước ngoài, trong đó có các NHTW, bán ròng kỷ lục 48,1 tỷ USD trái phiếu dài hạn của Hoa Kỳ, mức bán cao kỷ lục trong một tháng.

(Theo số liệu của các chính phủ)

Trung Quốc

Trong tuần, NHTW Trung Quốc (PBoC) đã thực hiện tăng cung tiền 4 lần vào hệ thống tài chính thông qua các giao dịch thị trường mở, theo hình thức hợp đồng mua lại có kỳ hạn (repo).

- Ngày 25/02: Bơm thêm 340 tỷ NDT (52,31 tỷ USD) Mặc dù vậy, lãi suất liên ngân hàng qua đêm (Shibor) tại Thượng Hải ngày 25/02 giảm 4,8 điểm, xuống còn 2,004%.

- Ngày 24/02: Bơm thêm 40 tỷ NDT.

- Ngày 23/02: Bơm thêm 130 tỷ NDT.

- Ngày 22/02: Bơm thêm 40 tỷ NDT.

Trước đó, PBoC đã bơm 163 tỷ NDT (tương đương 25 tỷ USD) vào hệ thống tài chính (20 thể chế tài chính) thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF); trong đó, 47,5 tỷ NDT có kỳ hạn 3 tháng, 62 tỷ NDT kỳ hạn 6 tháng và 53,5 tỷ NDT kỳ hạn 1 năm với lãi suất tương ứng là 2,75%, 2,85% và 3%.


NHTW Trung Quốc (PBOC) ngày 23/02 đã hạ tỷ giá tham chiếu NDT/USD thêm 0,17%, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 0,015% của ANZ, là mức hạ tỷ giá tham chiếu mạnh nhất trong 6 tuần qua. Điều này tạo ra lo ngại về sức khỏe kinh tế Trung Quốc và thị trường toàn cầu.

Từ đầu tháng đến 23/02, đồng NDT đã tăng 0,9% sau khi giảm 0,4% trong tháng 01/2016 khi rơi xuống mức thấp nhất 5 năm cả trên thị trường Hong Kong và Thượng Hải.

Nhật Bản

Tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản trong tháng 01/2016 đã trở về mức 0% - mức không thay đổi so với cùng kỳ năm 2015, sau khi đã tăng lên trong hai tháng liền; thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà BoJ đặt ra, cho thấy, Nhật Bản vẫn đang đối mặt với các thách thức trong quá trình chống giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng theo chính sách kinh tế "Abenomics". Nguyên nhân là do sự sụt giảm liên tiếp của giá các mặt hàng liên quan đến năng lượng, với giá năng lượng đã giảm gần 11%; giá xăng giảm gần 17%; giá dầu hỏa giảm hơn 26%.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao của Công ty Chứng khoán SMBC Nikko Securities Inc, ông Hiroshi Watanabe, CPI của Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm trong 2 tháng tới, do đồng yên mạnh trong khi giá dầu thô tiếp tục ở mức thấp. (Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 26/02)

Đàm phán - Ký kết

EU và Monaco

Liên minh châu Âu (EU) và Monaco ngày 22/02 đã ký thỏa thuận thiết lập trao đổi tự động thông tin tài khoản ngân hàng của công dân hai bên, nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế ở châu Âu.

Sau khi thỏa thuận trên có hiệu lực từ năm 2018, Monaco sẽ tự động cung cấp cho các quốc gia thành viên EU thông tin liên quan tài khoản ngân hàng của công dân các nước này mở tại Monaco. Đây là thỏa thuận nằm trong khuôn khổ cam kết của Monaco về tăng cường tính minh bạch của hệ thống ngân hàng kể từ năm 2009.

Trên thực tế, Monaco đã ký kết khoảng 30 thỏa thuận song phương trao đổi thông tin thuế với nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Pháp, Đức, Anh… Tuy nhiên, việc trao đổi này không được thực hiện tự động mà tùy thuộc theo yêu cầu của giới chức thuế giữa các nước.

Sri Lanka và ADB

Chính phủ Sri Lanka ngày 24/02 đã ký một thỏa thuận vay vốn trị giá 100 triệu USD với ADB nhằm phát triển Dự án hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ (SME).

- Dự án sẽ giúp các doanh nghiệp SME có thêm cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay, qua đó tăng cơ hội việc làm cho người lao động.

- Chính phủ Sri Lanka sẽ cho vay lại khoản tiền này bằng đồng nội tệ thông qua các ngân hàng tham gia.

- Dự án bao gồm cả phần hỗ trợ kỹ thuật có trị giá 2 triệu USD do phía Nhật Bản viện trợ không hoàn lại.

Tính tới tháng 7/2015, ADB đã phê chuẩn tổng cộng 194 khoản vay cho Sri Lanka. ADB cũng là tổ chức cung cấp khoản vay không hoàn lại trị giá 358 triệu USD cho Sri Lanka và dành 127,78 triệu USD cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật nước này.

Chính sách

NHTW Indonesia ngày 18/02 đã giảm mức lãi suất chuẩn thêm 0,25 điểm phần trăm xuống 7%, là lần cắt giảm thứ 2 trong năm 2016; lãi suất tiền gửi và cho vay qua đêm cũng được cắt giảm 25 điểm cơ bản xuống tương ứng còn 5,00% và 7,50%. Đồng thời, ngân hàng này thông báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thêm 100 điểm phần trăm, xuống 6,5% đối với đồng nội tệ rupiah trong các ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 16/3) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân là do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn yếu và rủi ro trên các thị trường tài chính.