Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 29/2 - 5/3/2016

Bài đăng trên Thông tin Công tác Đảng số 1 - 2016

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Brazil: Trong năm 2015, GDP đã giảm 3,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1990; tỷ lệ lạm phát đã lên tới 10,71%, mức cao nhất trong 12 năm qua. (Theo Văn phòng thống kê quốc gia Brazil ngày 03/3)

Canada: Trong quý 4/2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,4% trong quý 3.(Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 01/3)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Tuần qua là tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, do số liệu việc làm tích cực của Hoa Kỳ trong tháng 02/2016; giá dầu tăng trong thời gian gần đây và giới đầu tư kỳ vọng những biện pháp kích thích tăng trưởng mới của PBoC sẽ giúp kinh tế Trung Quốc phục hồi. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,2%, S&P tăng 2,67% và Nasdaq tăng 2,76%. Chốt phiên ngày 04/3, các chỉ số:

- Dow Jones tăng 62,87 điểm (0,37%), lên 17.006,77 điểm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 17.000 kể từ ngày 05/01/2016.

- S&P 500 tăng 6,59 điểm (0,33%), lên 1.999,99 điểm.

- Nasdaq Composite tăng 9,6 điểm (0,2%), lên 4.717,02 điểm.

Trong tuần qua, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 6,98%, lên 126,3 điểm, các thị trường chính:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 5,07%, lên 17.014,78 điểm;

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 2,69%, lên 2.874,15 điểm;

- Hang Seng (Hong Kong) tăng 4,25%, lên 20.176,70 điểm;

- Kospi (Hàn Quốc) tăng 3,74%, lên 3.877,87 điểm;

- S&P/ASX 200 (Australia) tăng 5,46%, lên 5.090,025 điểm.

Dầu mỏ

Các tập đoàn dầu mỏ của Nga đã nhất trí “đóng băng” sản lượng ở cấp độ như đề xuất (khoảng 10 triệu thùng/ngày) vào tháng 02/2016 của Nga và Saudi Arabia, nhằm khắc phục tình trạng dư cung. (Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 01/3)

Tuy nhiên, Iran sẽ không tham gia vào thỏa thuận “đóng băng” sản lượng trên, mặc dù, từ 21/01 đến 19/02 (tháng thứ 11 theo lịch của Iran), xuất khẩu dầu của nước này đã đạt mức 1,75 triệu thùng/ngày, tăng thêm 400.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namadar Zanganeh ngày 01/3)

Ngày 02/3, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Arabia đã nâng giá dầu giao tháng 4/2016 bán sang thị trường châu Á, châu Âu và giảm nhẹ giá dầu bán sang thị trường Hoa Kỳ, cụ thể:

- Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI bán sang châu Á tăng thêm 0,25 USD/thùng, thấp hơn mức giá chuẩn 0,75 USD/thùng.

- Giá dầu WTI bán sang khu vực Tây Bắc Âu tăng thêm 0,35 USD/thùng và thấp hơn mức giá chuẩn 4,60 USD/thùng. Các loại dầu khác tăng 0,2 USD/thùng và đều được giữ thấp hơn mức giá chuẩn.

- Tại thị trường Hoa Kỳ, giá của tất cả các loại dầu có xuất xứ từ Saudi Arabia giảm từ 0,20 - 0,30 USD/thùng.

Động thái này được đưa ra sau khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng lên mức 37 USD/thùng và giá dầu WTI xấp xỉ 34 USD/thùng.

Trước thông tin về số giàn khoan tại Hoa Kỳ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 và số liệu việc làm tích cực của nước này trong tháng 02/2016, cho thấy sự cải thiện của thị trường lao động Hoa Kỳ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/3:

- Giá dầu WTI giao tháng 4/2016 tại Hoa Kỳ tăng 1,35 USD (3,91%), lên 35,92 USD/thùng, cao nhất kể từ 05/02/2016.

- Giá dầu Brent tăng 1,63 USD (4,5%), lên 38,72 USD/thùng, cao nhất kể từ 10/12/2015.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI đã tăng 9,5% và Brent tăng 14,8%.

Châu Á

Singapore

- Chỉ số PMI tháng 02/2016 đã giảm xuống 48,5 điểm và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.Đây là tháng thứ 8 liên tiếp PMI của Singapore giảm dưới 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất đã xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm, do đơn đặt hàng mới, hợp đồng xuất khẩu, sản lượng sản xuất liên tục giảm và lượng hàng tồn kho tiếp tục tăng.Theo Ngân hàng UOB, sản xuất của Singapore vẫn sẽ suy yếu trong những tháng tới, do nhu cầu bên ngoài giảm mạnh, đi kèm những thách thức nội tại như: Chi phí gia tăng, nguồn cung nhân lực bị thắt chặt, khả năng cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất giảm sút. (Theo Viện Thu mua và Quản lý nguyên vật liệu Singapore - SIPMM)

Hàn Quốc

Trong tháng 02/2016, thặng dư thương mại của nước này là 7,4 tỷ USD, giảm 100 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.

- Kim ngạch xuất khẩu đã giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2015, xuống 36,4 tỷ USD do nhu cầu hàng hóa thị trường toàn cầu vẫn yếu. Đây là tháng thứ 14 liên tiếp xuất khẩu giảm và là giai đoạn sụt giảm dài nhất từ trước tới nay.

- Kim ngạch nhập khẩu giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2015, còn 29 tỷ USD.

Khả năng tăng cường xuất khẩu của Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng của: (i) Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc; (ii) Giá dầu thấp.

(Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 01/3)

Malaysia

Trong năm 2015, nước này đã phê chuẩn khoản đầu tư trị giá 186,7 tỷ ringgit (khoảng 46,7 tỷ USD) vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, vượt xa mục tiêu đầu tư trung bình hàng năm là 148 tỷ ringgit theo Kế hoạch phát triển tổng thể Malaysia lần thứ 10.Tuy nhiên, mức đầu tư này đã giảm 21% so với năm 2014, do ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu, giá hàng hóa (dầu thô và hàng tiêu dùng) giảm mạnh; sự mạnh lên của đồng USD so với đồng ringgit.(Theo Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia)

Philippines

ADB đã hỗ trợ Philippines phát hành trái phiếu khí hậu trị giá 10,7 tỷ pesos (tương đương 225 triệu USD). Đây là lần đầu tiên trái phiếu khí hậu được phát hành tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng là lần đầu tiên loại trái phiếu này được áp dụng cho một dự án riêng lẻ tại một thị trường đang nổi.Ngoài ra, ADB sẽ cấp thêm tín dụng cho Công ty AP Renewables (APRI), một chi nhánh của Tập đoàn AboitizPower, để đầu tư vào các cơ sở năng lượng địa nhiệt Tiwi-MakBan ở Philippines.(Theo ADB ngày 29/02)

Châu Âu

Eurozone

CPI trong tháng 02/2016 đã giảm mạnh, xuống mức -0,2%, sau khi đạt 0,3% vào tháng 01/2016, chủ yếu do sự sụt giảm liên tiếp của giá dầu trên thế giới. (Theo Eurostat)

Anh

- Chỉ số lòng tin tiêu dùng trong tháng 02/2016 đã giảm 4 điểm xuống ngưỡng 0, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014, do sự bất ổn của các thị trường tài chính toàn cầu và sự giảm tốc của các nền kinh tế trên thế giới. Lòng tin của người tiêu dùng vào triển vọng kinh tế chung trong 12 tháng tới cũng giảm mạnh, xuống mức -12, thấp hơn 15 điểm so với cùng kỳ năm 2015. (Theo khảo sát do Viện nghiên cứu thị trường lớn nhất của Đức - GfK thực hiện)

Hy Lạp

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos ngày 02/3 cảnh báo, chương trình cứu trợ dành cho nước này có thể thất bại nếu EU và IMF tiếp tục trì hoãn việc hoàn tất quá trình đánh giá quan trọng. Trước đó, ngày 05/02/2016, 3 chủ nợ quốc tế của Hy Lạp, gồm EU, ECB và IMF, đã hoàn tất giai đoạn đánh giá đầu tiên về quá trình thực hiện cải cách của Hy Lạp nhằm đổi lấy gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay quá trình đánh giá này hầu như không mấy tiến triển.

Nga

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sẽ vay của Ngân hàng Trung Quốc (BOC) 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trong thời hạn 5 năm. Trong những năm qua, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng mạnh, Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài giúp các nước phát triển nguồn tài nguyên khí đốt để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tháng 5/2014, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng đã ký thỏa thuận mua khí đốt của Gazprom trị giá 400 tỷ USD trong thời hạn 30 năm. Theo hợp đồng này, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí mỗi năm.(Theo Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ngày 03/3/2016)

Châu Mỹ

Canada

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Canada trong quý 4/2015 suy giảm do nhu cầu nội địa giảm mạnh, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu sa sút, nhưng 6 ngân hàng lớn của Canada vẫn tiếp tục gia tăng lợi nhuận. Trong 3 tháng tính đến ngày 31/01/ 2016:

- Lợi nhuận của Ngân hàng Nova Scotia đã tăng 5%, giá cổ phiếu tăng thêm 2,45 CAD và đạt mức 57,21 CAD (42,6 USD)/cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Toronto.

- Lợi nhuận của Ngân hàng Montreal cũng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước và thu được 1,07 tỷ CAD (tương đương 797,5 triệu USD) tiền lãi.

Úc

Trong quý 4/2015, nợ nước ngoài của nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ AUD, đạt 1.006 tỷ AUD (1 USD = 1,4 AUD), tăng 2,8% so với quý 3 (ở mức 971 tỷ AUD); thâm hụt tài khoản vãng lai tăng lên 21,1 tỷ AUD, tăng 12% so với 18,8 tỷ AUD của quý 3 và làmức thâm hụt lớn thứ 2 kể từ mức kỷ lục được ghi nhận trong năm 1959 trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm 4,9%. (Theo Cơ quan Thống kê Australia ngày 01/3)

Trung Quốc

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 02/3 đã hạ mức đánh giá tín nhiệm đối với Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực,” đồng thời cảnh báo, nước này cần tiến hành cải cách nếu không muốn tiếp tục “rớt hạng”. Tuy nhiên, Moody's cho rằng, Trung Quốc vẫn xếp hạng Aa3 và thông qua thực hiện cải cách, nước này vẫn có thể xử lý vấn đề mất cân bằng trong nền kinh tế.

Nguyên nhân: (i) Dự báo khả năng tài chính của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm; (ii) Trung Quốc không thực hiện đầy đủ quá trình cải cách cần thiết sẽ khiến tăng trưởng GDP của nước này có nguy cơ chậm lại đáng kể; (iii) Cơ cấu dân số ngày càng bất lợi; (iv) Gánh nặng nợ công tăng cao, chính sách tiền tệ yếu kém khiến dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.

Hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tiếp tục suy giảm trong tháng 02/2016.

- Chỉ số PMI tiếp tục giảm từ mức 49,4 điểm trong tháng 1, xuống còn 49 điểm.Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012 và là tháng thứ 7 liên tiếp sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm.

- Chỉ số PPI giảm 1,2 điểm so với tháng 1, xuống 50,2 điểm.

- Chỉ số đặt hàng mới giảm 0,9 điểm so với tháng 1, xuống 48,6 điểm.

- Chỉ số việc làm cũng giảm 0,2 điểm so với tháng 1, xuống 47,6 điểm.

(Theo Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc ngày 01/3)

Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại từ 17,5% xuống 17% kể từ ngày 01/3/2016, nhằm duy trì khả năng thanh khoản, định hướng cho dòng tiền và tín dụng tăng trưởng ổn định.Đây là lần cắt giảm RRR đầu tiên của PBoC kể từ tháng 10/2015 với mức tương tự.(Theo NHTW Trung Quốc - PboC ngày 29/02)

Trong vòng 2 - 3 năm tới, Trung Quốc sẽ sa thải 5 - 6 triệu công nhân trong khu vực kinh tế nhà nước (trong đó, dự kiến sẽ có 1,8 triệu công nhân 2 ngành sản xuất than và thép) nhằm giảm tình trạng dư thừa công suất và ô nhiễm. Đây được coi là chương trình cắt giảm nhân sự mạnh nhất của nước này trong vòng 2 thập kỷ. Tổng số tiền gần 150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 23 tỷ USD) sẽ được dành cho việc hỗ trợ công tác cắt giảm nhân lực ngành than - thép trong 2 năm. (Theo Hãng tin Reuters)

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản ngày 29/02 đã bán tổng cộng khoảng 2,2 nghìn tỷ yên (20 tỷ USD) trái phiếu chính phủ với lợi suất trung bình ở mức -0,024%. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, nước này bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức lợi suất âm.Theo ước tính của Bộ Tài chính Nhật Bản, lượng đặt mua trái phiếu lớn gấp 3,2 lần so với khối lượng trái phiếu chào bán, ghi nhận mức tăng đáng kể về nhu cầu kể từ đợt phát hành trái phiếu vào tháng 12/2015.

Ngày 01/3, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cho tài khoá 2016 (bắt đầu từ tháng 4/2016) trị giá 96,72 nghìn tỷ yên (khoảng 860 tỷ USD), trong đó:

- Dành ngân sách kỷ lục 73,11 nghìn tỷ yên để tài trợ các hoạt động và chương trình, trong đó 31,97 nghìn tỷ yên dành cho an sinh xã hội (tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các chương trình chăm sóc y tế khác).

- Ngân sách dành cho quốc phòng sẽ tăng 1,5%, lên 5,05 nghìn tỷ yên.

- Ngân sách cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ tăng 1,8%, lên 551,9 tỷ yên.

- Ngân sách cho Cơ quan Du lịch Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi, lên tới 20 tỷ yên nhằm đạt được mục tiêu thu hút 30 triệu lượt du khách nước ngoài tới nước này hàng năm.

Ngoài ra, Hạ viện Nhật Bản cũng thông qua một loạt dự luật khác nhằm sửa đổi luật thuế hiện hành, trong đó chú trọng vào miễn tăng thuế tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm và giảm mức thuế thu nhập của công ty. Theo kế hoạch, việc tăng thuế tiêu dùng sẽ được bắt đầu vào tháng 4/2017.

Sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 02/2016 đã tăng 3,7% so với tháng 01/2016.Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2015 do lượng sản xuất linh kiện điện tử và máy móc tăng.Chính phủ Nhật Bản cho rằng, sản lượng công nghiệp vẫn có xu hướng dao động do tình hình kinh tế ảm đạm trong tháng 02/2016.

(Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 29/02)

Đàm phán - Ký kết

ASEAN và EU

Ngày 03/3/2016, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 22 (AEM Retreat 22) tại Chiang Mai (Thái Lan) và Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Ủy viên Thương mại EU đã bế mạc. AEM Retreat 22 đạt được sự đồng thuận về nhiều nội dung quan trọng, nhằm thúc đẩy việc xây dựng thành công AEC và hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, thúc đẩy đàm phán thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước ASEAN về TPP.

Tổng giá trị thương mại hai chiều giữa ASEAN và EU năm 2015 đạt 219 tỷ USD và đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào ASEAN đạt 29,3 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN. EU tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN.