Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 11-16/7/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành thép đã sản xuất được hơn 8,5 triệu tấn sản phẩm (thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội…), tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2015; tổng tiêu thụ đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 39% so với cùng kỳ 2015, trong đó tiêu thụ nội địa đạt trên 7 triệu tấn, do nhu cầu thép phục hồi và các biện pháp tự vệ tạm thời đã phát huy hiệu quả. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA)

Dịch vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của ngành viễn thông Việt Nam đạt khoảng 93.500 tỷ đồng (không tính phần kinh doanh của Viettel ở nước ngoài). Đến hết tháng 6/2016, toàn quốc có khoảng 84 triệu thuê bao 2G, số thuê bao 3G khoảng 38 triệu; số lượng thuê bao internet băng rộng có dây tiếp tục tăng và đạt hơn 8,5 triệu thuê bao.(Theo Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 12/7)

Doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản đạt 1.354 doanh nghiệp, tăng 110,9%; số vốn đạt 107.909 tỷ đồng, tăng 359,1% so với cùng kỳ năm 2015, nhờ chính sách tín dụng được cải thiện, các luật mới như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… bắt đầu có hiệu lực. (Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 4 tổng công ty và 23,18% vốn điều lệ tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 với tổng giá trị thu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại SCIC là 2.039 tỷ đồng, bằng 134% giá trị mệnh giá. Ngoài ra, các tổng công ty thuộc Bộ cũng hoàn thành thoái vốn tại 11 công ty cổ phần với tổng giá trị thu về trên 140 tỷ đồng, gần bằng 160% giá trị mệnh giá. (Theo Bộ Giao thông Vận tải ngày 12/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh số bán ô tô toàn thị trường đạt trên 135.000 chiếc, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, doanh số bán xe du lịch, xe thương mại và xe chuyên dụng tăng lần lượt 24%; 40% và 50% so với cùng kỳ năm 2015; doanh số bán xe lắp ráp trong nước tăng 35% và chiếm 76% tổng doanh số, xe nhập khẩu tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, người Việt Nam đã tiêu thụ gần 1,5 triệu xe máy, do người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới công nghệ, kiểu dáng, chất lượng; khách hàng lựa chọn xe tay ga ngày càng nhiều hơn xe số. Trong đó, 5 liên doanh sản xuất xe máy lớn nhất Việt Nam gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha bán được 1,44 triệu xe, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm 2015, tổng doanh số bán hàng của 5 thành viên VAMM đạt hơn 2,8 triệu xe. Trong đó Honda Việt Nam đứng đầu với gần 2 triệu xe máy bán ra, chiếm 70% thị phần; tiếp theo là Yamaha Việt Nam với hơn 700.000 xe, chiếm 25% thị phần; các vị trí kế tiếp là SYM, Piaggio và Suzuki. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - VAMM)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế tăng thêm 6 tỷ USD, chiếm 46% tổng số lượt dự án và 67% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng vốn của cả nước; Tính lũy kế đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 7.510 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 147,6 tỷ USD, vốn thực hiện 81,4 tỷ USD (bằng 55% vốn đăng ký); 7.163 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 1.173 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 540 nghìn tỷ đồng (bằng 46% vốn đăng ký). (Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 6/2016, Việt Nam xuất khẩu 380.000 tấn gạo, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2015. Tính cả quý 2/2016, Việt Nam xuất khẩu được 1,232 triệu tấn gạo, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do áp lực cạnh tranh từ Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ… Theo kế hoạch của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 6 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, giảm 22% so với cùng kỳ; lũy kế cả năm xuất khẩu 5,65 triệu tấn, giảm 15% so với năm 2015 (chỉ tính xuất khẩu chính ngạch). (Theo VFA)

Trong tháng 6/2016, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 16,13 tỷ kWh; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 88,51 tỷ kWh (tăng 12,51% so với cùng kỳ 2015). Trong đó, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 1,38% tổng sản lượng mua và sản xuất của tập đoàn. Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trong tháng 7/2016 sẽ tăng cao, bình quân khoảng 531 triệu kWh/ngày, công suất khoảng 28.690 MW. (Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN)

Tại cuộc hội đàm song phương Việt Nam - Thái Lan ngày 08/7, hai bên đã nhất trí tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tích cực phối hợp thúc đẩy triển khai hiệu quả kế hoạch hành động về hợp tác thương mại - đầu tư Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2015 - 2020, phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Mexico hiện là một trong những đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Tổngkim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Mexico trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mexico tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015, đạt gần 900 triệu USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Mexico có xu hướng giảm, khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt khoảng 221 triệu USD. Việt Nam xuất siêu hơn 660 triệu USD (Theo Tổng cục Hải quan)

Cân đối vĩ mô


Tín dụng

7 tổ chức tín dụng cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long với tổng số tiền gần 28.500 tỷ đồng; trong đó có 16 hợp đồng tín dụng tiêu biểu với số tiền gần 10.000 tỷ đồng, với mục tiêu giúp nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 12/7)

Tính đến ngày 31/5/2016:

- Tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 7.631.228 tỷ đồng, tăng 104.385 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 4/2016 và tăng 311.915 tỷ đồng (4,26%) so với cuối năm 2015. Trong đó tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tăng mạnh nhất ở mức 58.668 tỷ đồng lên 3.405.722 tỷ đồng; khối NHTM cổ phần tăng 32.375 tỷ đồng lên 3.054.767 tỷ đồng.

- Vốn tự có của toàn hệ thống đạt 594.928 tỷ đồng, tăng 3.074 tỷ đồng so với cuối tháng 4/2016 và tăng 16.908 tỷ đồng (2,93%) so với cuối năm 2015. Trong đó vốn tự có của khối NHTM nhà nước tăng mạnh 1.317 tỷ đồng lên 206.877 tỷ đồng; khối NHTM cổ phần tăng 1.282 tỷ đồng lên 240.216 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài tăng 400 tỷ đồng lên 125.901 tỷ đồng…

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Thuế

Tính đến ngày 30/6/2016, toàn ngành thuế đã thanh, kiểm tra 85 doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.735,59 tỷ đồng; giảm lỗ 1.254,27 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 352,89 tỷ đồng.Mục tiêu đến cuối năm 2016, thanh tra, kiểm tra người nộp thuế đạt tối thiểu 18% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. (Theo Tổng cục Thuế)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 3 ngày tăng giá và 3 ngày giảm giá, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 420 - 660 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 16/7) giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,65 - 37,05 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,65 - 37,07 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Tập đoàn Doji: 36,75 - 36,95 triệu đồng/lượng, tăng 220 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,76 - 36,93 triệu đồng/lượng, tăng 180 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 2 đồng với 2 ngày tăng giá; 3 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 16/7), tỷ giá trung tâm là 21.864 đồng/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với sáng ngày 15/7 không thay đổi so với phiên giao dịch trước:

- Vietcombank và BIDV: 22.260 - 22.330 đồng/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 22.265 - 22.335 đồng/USD, không thay đổi.

- ACB, Eximbank và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 22.260 - 22.340 đồng/USD, không thay đổi.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh:

- Ngày 11/7, đấu thầu TPCP do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 1.500 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (300 tỷ đồng); 5 năm (1.000 tỷ đồng); 15 năm (200 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 300 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,69%/năm.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 100 tỷ đồng (10%), lãi suất trúng thầu 6,5%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 11/7/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 4.250 tỷ đồng TPCP.

- Ngày 13/7, đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng, gồm 4 loại kỳ hạn: 5 năm (2.000 tỷ đồng); 7 năm (2.000 tỷ đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng); 15 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,1%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng (65%), lãi suất trúng thầu 6,62%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 13/7/2016, KBNN đã huy động thành công 186.940,8566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 11 - 15/7/2016, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index biến động trái chiều khi VN-Index tăng điểm chủ yếu nhờ lực cầu tăng mạnh, giúp nhiều mã cổ phiếu tăng giá, trong khi áp lực bán cổ phiếu để chốt lời khiến HNX-Index giảm giá. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,88 điểm (0,89%) lên 664,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt157,8 triệu đơn vị/phiên, tăng11,98%so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt3.312,01 tỷ đồng, tăng6,6%so với tuần trước.

- HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,94 điểm (1,07%) xuống 86,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 66,37triệu đơn vị/phiên, giảm 4,76% so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 851,76tỷ đồng, giảm 7,55% so với tuần trước.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trong tuần qua nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền bên ngoài do khối ngoại mua ròng cả 5 phiên trong tuần . Tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại mua ròng 23,73 triệu đơn vị với tổng giá trị 457,47 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần về khối lượng và 6,4 lần về giá trị so với tuần trước.

- HOSE:Khối ngoại mua ròng 20,37 triệu đơn vị với tổng giá trị 423,46 tỷ đồng, tăng 146,9% về khối lượng và 447,25% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại mua ròng 34 tỷ đồng, tương đương với khối lượng 3,36 triệu đơn vị trong khi tuần trước khối này bán ròng 5,94 triệu đơn vị với giá trị là 148,4 tỷ đồng. .

Bảo hiểm

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đấu thầu thành công 431 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm và 6,466 nghìn tỷ đồng TPCP kỳ hạn 30 năm, tương ứng 3,6% và 53,9% kế hoạch phát hành cả năm của KBNN.Đây là xu hướng xuất hiện từ đầu năm 2015 được các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư tài chính. (Theo Bộ Tài chính)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, ytổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 21.033 tỷ đồng (tăng 36,78%); doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 17.580 tỷ đồng (tăng 15%). Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt khoảng 218.219 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 157.219 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 61.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 171.171 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 138.303 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 32.868 tỷ đồng.

(Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính)

Đàm phán - Ký kết

World Bank và Việt Nam

Ngày 11/7, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký hiệp định tín dụng trị giá 560 triệu USD nhằm hỗ trợ 2 dự án phát triển đô thị, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó 250 triệu USD dành cho dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; 310 triệu USD giúp xây dựng năng lực chống chịu khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho 1,2 triệu dân sinh sống tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển và lũ lụt. Nguồn vốn tài trợ các dự án này của WB gồm: 435 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và 125 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD).

Công ty Bảo hiểm FWD và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Việt Nam

Ngày 14/7, Công ty Bảo hiểm FWD (thuộc Tập đoàn Pacific Century) đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Việt Nam với giá trị 48,2 triệu đô la Singapore, đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác với NHTM cổ phần An Bình (ABBANK) để triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đó, với thời hạn hợp đồng 15 năm, FWD sẽ trở thành đối tác độc quyền phân phối toàn bộ sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm thông qua kênh phân phối của ABBANK tại Việt Nam.

Chính sách

Nghị định số 73/2016/NĐ-CP

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; thay thế Nghị địnhsố 46/2007/NĐ-CP, Nghị địnhsố 45/2007/NĐ-CP, Nghị địnhsố 123/2011/NĐ-CP và Nghị địnhsố 68/2014/NĐ-CP. Theo đó, ngoài điều kiện chung, thành viên tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm phải là tổ chức và đáp ứng các điều kiện sau:

- Đối với tổ chức Việt Nam: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; tổng tài sản tối thiểu là 2.000 tỷ đồng vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

- Đối với tổ chức nước ngoài: Phải đáp ứng điều kiện theo điểm a, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 73.

Nghị địnhcó hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

Nghị định số 74/2016/NĐ-CP

Ngày 01/7/2016, Nghị định số 74/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.Theo đó, kinh phí thuộc ngân sách cấp nào sẽ do ngân sách cấp đó bảo đảm và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan thực hiện công tác điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế. Việc bố trí kinh phí phải căn cứ trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trường hợp được tài trợ từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân khác ở trong và ngoài nước thì việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 74/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định số 26/2008/NĐ-CP ngày 05/3/2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Nghị định số 89/2016/NĐ-CP

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.

- Đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ: Cần đáp ứng các yêu cầu như được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam; có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm như cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên…

- Đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ: Cần được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam; có trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đối với hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ như: Máy tính, điện thoại, máy fax…

- Đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý, chi trả ngoại tệ: Cần đáp ứng các điều kiện như được thành lập hợp pháp theo quy định và có trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

Thông tư số 12/2016/TT-NHNN

Ngày 29/6/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư bằng 1 loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 1 tổ chức tín dụng được cấp phép. Nếu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư chỉ được thực hiện thông qua 1 tài khoản ngoại tệ trước đầu tư mở tại 1 tổ chức tín dụng được phép; mọi giao dịch thu, chi phải thông qua tài khoản ngoại tệ trước đầu tư này.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 13/8/2016.

Nhận định

chuyên gia

Ngân hàng Công Thương Việt Nam:

Trong 6 tháng cuối năm 2016, tỷ giá trong nước sẽ chịu áp lực từ: (i)Ảnh hưởng của Brexit đến tăng trưởng toàn cầu; (ii) Nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất; (iii) Đồng CNY giảm giá.Dự báo tỷ giá VND/USD tăng từ 2 - 3% nhằm tạo sức cạnh tranh cho xuất khẩu, tương quan với mức tăng lãi suất của VND và tránh tình trạng đô la hóa trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu dự báo tăng khoảng 20 - 30% so với đầu năm.

Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) ngày 14/7 nhận định:

Brexit sẽ tác động làm giảm kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường Anh doBrexit làm tăng khoảng 10 - 12% chi phí trong ngành công nghiệp xây dựng, giảm nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Anh (bao gồm cả các sản phẩm gỗ nhập từ Việt Nam).

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 14/7 nhận định:

- Khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm 2016 là không thể tránh khỏi, do Brexit tác động làm giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục, cùng với những đợt điều chỉnh giá các mặt hàng trong nước.

- Nếu thực hiện huy động vàng, thì vàng sẽ có thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền, khiến nhu cầu vàng sẽ tăng lên. Điều này đi ngược với nguyên tắc kinh tế, do vàng chỉ mang bản chất như mọi tài sản khác và là phương tiện cất trữ.