Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 18-23/7/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Trong năm 2016, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 6%, thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2016, do những ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán khiến ngành nông nghiệp bị tác động tiêu cực, gián tiếp làm công nghiệp sụt giảm. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 19/7)

Sẽ có 43 quốc gia, đặc biệt là những nước ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia sẽ bị suy giảm về kinh tế do nắng nóng và thay đổi khí hậu. Đối với Việt Nam, đến năm 2030, GDP sẽ giảm 6% do nắng nóng và 11% do những thiên tai khác. (Theo Tổ chức Health and Environment International Trust thuộc Liên Hợp quốc)

Sản xuất công nghiệp

Ngày 18/7, Hãng tin Bloomberg công bố bảng xếp hạng mới nhất về giá xăng toàn cầu, trong 6 tháng đầu năm 2016, GDP bình quân của người dân Việt Nam khoảng 111.000 đồng/người/ngày, trong khi giá xăng RON-95 hiện tại của Việt Nam là 16.660 đồng/lítcho vùng 1, tương ứng 14,9% mức GDP bình quân đầu người trên và cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ (21,19%) và Pakistan (14,98%).

Bảng xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí: Giá bán lẻ xăng RON-95, giá xăng so với thu nhập bình quân và mức chi tiêu mua xăng hàng tháng.

Năm 2015, Việt Nam xuất xưởng 50.000 chiếc ô tô, tương đương khoảng 0,055% tổng sản lượng xe toàn thế giới và đang ở mức thấp trong khu vực, trong khi Thái Lan xuất xưởng 1,91 triệu chiếc (gấp 40 lần Việt Nam), Indonesia 1,1 triệu chiếc, Malaysia 615.000 chiếc…, do sự yếu kém của ngành sản xuất linh kiện hỗ trợ; thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng giao thông và giá bán ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60 - 80%.

Hiện Việt Nam có đến 17 công ty lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 33 công ty công nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 181 công ty cấp 2. Trong khi Thái Lan cũng có số doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô tương đương nhưng có đến 709 doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 với 354 công ty của Thái Lan và 355 công ty có yếu tố nước ngoài. Số nhà cung cấp cấp 2, 3 và thấp hơn nữa của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan là hơn 1.100 doanh nghiệp địa phương; tại Malaysia là khoảng 280 nhà cung cấp cấp 1; 200 nhà cung cấp cấp 2 và tại Indonesia là 166 nhà cung cấp cấp 1 cùng với 336 nhà cung cấp cấp 2. (Theo Tổ chức các nhà sản xuất ô tô thế giới)

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ ngày 20/7), ước quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp này còn dư 1.350 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm công bố gần đây nhất (ngày 05/7) là 1.405 tỷ đồng, quỹ bình ổn của Petrolimex đã giảm 55 tỷ đồng. Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá cao nhất của các loại xăng như sau: Xăng Ron 92 là 15.303 đồng/lít; xăng E5 là 14.843 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 12.298 đồng/lít; dầu hỏa là 10.667 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 9.001 đồng/kg. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngày 20/7)

Doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm và thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu (loại A hoặc B) về điều kiện an toàn thực phẩm đã tăng lên 79,7% (năm 2015 là 78,3%); tỷ lệ cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 35,8% (năm 2015 là 34,4%). (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 15/7)

Trong quýII/2016, Chỉ số Môi trườngkinh doanh(CBI) đạt 77 điểm cho thấy,phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp thành viên EuroCham đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đây là dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định tự do thương mại EU - Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu. (Theo kết quả khảo sát Chỉ số Môi trườngkinh doanh(BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroChamthực hiện)

Tổng cầu


Đầu tư

Năm 2016, Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý thực hiện 19 dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng vốn ODA tài trợ đạt hơn 45,6 triệu USD, chủ yếu tập trung tăng cường năng lực và hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; 3 dự án vay vốn tại các tỉnh do WB tài trợ nhằm nâng cấp đô thị, cấp nước và xử lý nước thải với tổng mức đầu tư hơn 937 triệu USD.

Tập đoàn Daikin Industries (Nhật Bản) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất máy điều hòa không khí tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư 93,6 triệu USD. Dự kiến nhà máy bắt đầu sản xuất từ năm 2018 với công suất khoảng 500 nghìn máy điều hòa/năm và có thể được nâng lên gấp đôi vào năm 2020 tùy vào nhu cầu tiêu thụ. Thị trường máy điều hòa gia đình tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường lớn nhất Đông Nam Á, ước tính đạt tới 2 triệu máy mỗi năm. Doanh số bán máy điều hòa đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 30% mỗi năm và sẽ còn tăng trưởng do thu nhập người Việt đang tăng lên. (Theo tờ Nikkei)

Xuất nhập khẩu

Trong 5 tháng đầu 2016, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ đạt 248 triệu USD, giảm mạnh so với 430 triệu USD cùng kỳ năm 2015, do giá dăm giảm mạnh trên thị trường thế giới; nhu cầu tiêu thụ dăm tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất thế giới - giảm mạnh; Việt Nam tăng thuế xuất khẩu dăm từ 0% lên 2% kể từ đầu năm 2016. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ năm 2016 đạt khoảng 600 triệu USD, bằng 50% kim ngạch xuất khẩu năm 2015. (Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ngày 15/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt trên 12,6 tỷ USD, tương đương 41% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp so với mức trung bình các năm gần đây (khoảng 8 - 10%), chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước giảm. Dự báo năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 29 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu ở mức 30 tỷ USD. (Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam)

Cân đối vĩ mô


Tín dụng

Tính đến ngày 30/6/2016, tăng trưởng tín dụng đạt 8,16%, cao hơn mức 7,86% của cùng kỳ năm 2015 và phù hợp với chỉ tiêu định hướng 18 - 20% của cả năm. Tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế, tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 21/7)

Tính đến ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có nguồn vốn trên 849.000 tỷ đồng, dư nợ nền kinh tế trên 658.000 tỷ đồng, trong đó trên 70% tổng dư nợ để đầu tư cho “tam nông” và là đối tác tin cậy của hơn 10 triệu hộ sản xuất, hàng chục ngàn doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. Cho vay xây dựng nông thôn mới với dư nợ đạt trên 271.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2015; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư số 06/2009/TT-NHNN với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2015, với trên 6.500 khách hàng dư nợ; cho vay tái canh cà phê dư nợ 761 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản với dư nợ 1.270 tỷ đồng; cho vay thí điểm phát triển chuỗi liên kết và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết số 14/2014/NQ-CP của Chính phủ đạt dư nợ 653 tỷ đồng…(Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 15/7)

Thông tư số 36/2015/TT-NHNN quy định trong 1 năm kể từ ngày 01/02/2015, các ngân hàng thương mại đang sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác hoặc nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của các tổ chức tín dụng đó sẽ phải thoái vốn.Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại diễn ra khá chậm: Vietcombank nắm giữ vốn cổ phần tại 4 ngân hàng gồm Eximbank (8,19%), Saigonbank (4,3%), MB (9,59%), OCB (5,07%) và tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) là 10,91%; BIDV cũng đang sở hữu 65% vốn tại Ngân hàng liên doanh Lào - Việt, 50% vốn tại Ngân hàng liên doanh Việt - Nga; Eximbank đang nắm giữ 8,76% cổ phần tại Sacombank.

Giá vàng

Trong tuần qua, với 1 ngày tăng giá và 5 ngày giảm giá, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 280 - 470 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 23/7) giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng so với thứ 7 tuần trước (15/7/2016):

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,2 - 36,53 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,2 - 36,55 triệu đồng/lượng, giảm 110 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 120 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Tập đoàn Doji: 36,34 - 36,44 triệu đồng/lượng, giảm 120 nghìn đồng/lượng mỗi chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,33 - 36,4 triệu đồng/lượng, giảm 140 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 24 đồng với 5 ngày tăng giá và 1 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 23/7), tỷ giá trung tâm là 21.888 đồng/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với sáng ngày 23/7 không có nhiều thay đổi so với phiên giao dịch trước:

- Vietcombank và BIDV: 22.260 - 22.330 đồng, trong đó, BIDV giảm 5 đồng ở cả 2 chiều, Vietcombank không điều chỉnh tỷ giá.

- Vietinbank: 22.270 - 22.340 đồng, không thay đổi.

- Eximbank và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng, không thay đổi.

- Techcombank: 22.260 - 22.350 đồng, tăng 10 đồng chiều mua vào, chiều bán ra không thay đổi.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh:

- Ngày 18/7, đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 1.000 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 5 năm (800 tỷ đồng); 15 năm (200 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 800 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,5%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 22/7/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 5.050 tỷ đồng TPCP.

- Ngày 20/7, đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.450 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (3.000 tỷ đồng); 7 năm (1.500 tỷ đồng) và 15 năm (1.950 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.710 tỷ đồng (90,3%), lãi suất trúng thầu 6,1%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 1.150 tỷ đồng (76,7%), lãi suất trúng thầu 6,62%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.950 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 22/7/2016, KBNN đã huy động thành công 192.750,8566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 18 - 22/7/2016, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index cùng giảm điểm do các mã chứng khoán nhóm bluechips và nhóm đầu cơ giảm mạnh như VCB, GAS, VIC, CTG, KSA, SCR, HHS, HSG... Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 14,69 điểm (2,21%) xuống 649,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt132,92 triệu đơn vị/phiên, giảm15,76%so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.610,15 tỷ đồng, giảm 21,19%so với tuần trước.

- HNX-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 2,56 điểm (2,95%) xuống 84,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 52,12 triệu đơn vị/phiên, giảm 21,46% so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 618,26 tỷ đồng, giảm 27,4% so với tuần trước.

Cùng với thanh khoản thị trường suy giảm, nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh giao dịch, đặc biệt trên sàn HOSE, tuy nhiên, khối này vẫn duy trì trạng thái mua ròng trên cả hai sàn. Tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại đã mua ròng tuần 18 – 23/7 đạt 22,37 triệu đơn vị, giá trị 232,4 tỷ đồng, giảm 5,73% về khối lượng và giảm 49,2% về giá trị so với tuần trước đó.

- HOSE:Khối ngoại mua ròng 15,27 triệu đơn vị, trị giá 107,14 tỷ đồng, giảm 25% về lượng và 74,7% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại mua ròng 7,1 triệu đơn vị, trị giá 125,26 tỷ đồng, tăng 111,57% về lượng và 267,87% về giá trị so với tuần trước đó.

Bất động sản

Trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường bất động sản tăng trưởng khá ổn định, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm mạnh, dư nợ tín dụng có xu hướng tăng.

- Tại Hà Nội có khoảng 7.800 và thành phố Hồ Chí Minh là 7.500 giao dịch thành công.Tổng giá trị tồn kho còn khoảng 37.489 tỷ đồng, giảm 13.400 tỷ đồng (tương đương 26,33%) so với tháng 12/2015.

- Giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính đến tháng 5/2016 đạt tổng số tiền đã cam kết là 34.475 tỷ đồng, đã giải ngân 24.243 tỷ đồng.

(Theo Bộ Xây dựng ngày 21/7)

Đàm phán - Ký kết

Hoa Kỳ và Việt Nam

Ngày 18/7 tại Washington (Hoa Kỳ), Bộ Công Thương Việt Nam đã ký thỏathuận với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về thuế chống bán phá giácủa Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam.Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đạt được biên độ phá giá bằng 0% (hoặc ở mức không đáng kể) trong 3 đợt rà soát hành chính liên tiếp, chính thức được đưa khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ.

Anh và Việt Nam

Ngày 21/7, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Bộ Tài chính đã tổ chức ký kết Hợp đồng tài trợ cho Dự án hỗ trợ phát triển thị trường vốn và cơ chế tài chính cho hình thức đối tác công tư, thông qua phát triển thị trường trái phiếu và mở rộng cơ sở nhà đầu tư. Chính phủ Anh đã phân bổ khoảng 1,1 triệu bảng Anh của Quỹ Thịnh vượng Anh trong năm tài khóa 2016 - 2017 để tài trợ cho các dự án tại Việt Nam, tập trung vào tăng cường an ninh năng lượng và đẩy mạnh phát triển năng lượng carbon thấp; thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch.

Chính sách

Ngày 18/7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

-Đối với thép dài nhập khẩu: Giữ nguyên mức thuế đang áp dụng là 14,2% đến ngày 01/8/2016. Từ ngày 02/8/2016 - 21/3/2017, mức thuế sẽ điều chỉnh tăng lên 15,4%, là mức thuế tự vệ chính thức cho năm đầu tiên. Các năm tiếp theo, thuế sẽ giảm dần từ 13,9% (từ 22/3/2017 đến 21/3/2018) xuống 12,4% (22/3/2018 đến 21/3/2019), 10,9% (từ 22/3/2019 đến 21/3/2020 và sẽ giảm về 0% từ ngày 22/3/2020 nếu không gia hạn).

- Với mặt hàng phôi thép: Giữ nguyên mức thuế tự vệ tạm thời đang áp dụng 23,3% đến ngày 21/3/2017 và giảm dần trong mỗi năm từ 21,3% xuống còn 19,3%, 17,3% và về 0% từ 22/3/2020 nếu không gia hạn.

Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.