Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 4-9/7/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2016 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó ngành khai khoáng giảm 6,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, IIP tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do giá dầu thô giảm khiến sản lượng khai khoáng giảm mạnh. (Theo Tổng cục Thống kê)

PMI

Trong tháng 6/2016, PMI của Việt Nam đạt 52,6 điểm so với 52,7 điểm tháng 5, cho thấy lĩnh vực sản xuất đã liên tục tăng trưởng trong 7 tháng qua. (Theo Công ty Nikkei - Markit)

Doanh nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều rất lạc qua khi đưa ra dự báo về tình hình sản xuất - kinh doanh trong 6 tháng cuối nămTrong đó: (i) Khối lượng sản xuất: 55,4% số doanh nghiệp dự báo tăng, 9,3% dự báo giảm và 35,3% cho rằng vẫn ổn định; (ii) Số đơn đặt hàng: 48,5% số doanh nghiệp dự kiến số đơn đặt hàng tăng, 9,5% dự kiến giảm và 42% cho rằng sẽ ổn định; (iii) Quy mô lao động: 26,5% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động, 7% dự kiến sẽ giảm và 66,5% cho rằng không có biến động.(Theo Tổng cục Thống kê)

Tính đến ngày 22/6/2016:

- Cả nước có 39 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó Nhà nước nắm giữ 9.890 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.050 tỷ đồng, bán cho người lao động 258 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 1,8 tỷ đồng và bán đấu giá công khai là 3.868 tỷ đồng.

- Các đơn vị đã thoái được 2.314 tỷ đồng vốn ngoài ngành kinh doanh chính, thu về 4.490 tỷ đồng. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn 357 tỷ đồng, thu về 400 tỷ đồng từ 5 lĩnh vực (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư); thoái vốn 945 tỷ đồng, thu về 1.207 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực trên. Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán 1.011 tỷ đồng, thu về 2.882 tỷ đồng.

(Theo Bộ Tài chính ngày 02/7)

Ngày 06/7/2016, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2016, gồm: Công Thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, Á Châu, Kỹ Thương Việt Nam, Quân Đội, Sài Gòn Thương tín, Tiên Phong, Sài Gòn - Hà Nội, Sài Gòn; dựa trên 3 tiêu chí: (i) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất (35% trọng số điểm); (ii) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên truyền thông (30% trọng số điểm); (iii) Khảo sát qua mạng về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm/dịch vụ ngân hàng (35% trọng số điểm).

Moody's - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới ngày 07/7 đã công bố xếp hạng tín nhiệm đối với một số ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam:

- NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam được xếp hạng tín nhiệm mức B3 với triển vọng tích cực; xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ ở mức B3/NP; tiền gửi nội tệ và ngoại tệ ở mức B3/NP; xếp hạng tín nhiệm cơ sở ở mức caa1; đánh giá rủi ro đối tác ở mức B2(cr)/NP(cr).

- NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam được xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ ở mức B1/NP; tiền gửi nội tệ ở mức B1/NP; tiền gửi ngoại tệ ở mức B2/NP; xếp hạng tín nhiệm cơ sở ở mức B2; đánh giá rủi ro đối tác ở mức B1(cr)/NP(cr).

Tổng cầu


Ngân sách
nhà nước

Trong 6 tháng đầu năm 2016, thu NSNN đạt khoảng 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm 2015. Chi NSNN đạt khoảng 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, xử lý sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung.

(Theo Bộ Tài chính ngày 02/7)

Xuất nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,6 triệu tấn thép các loại, với tổng kim ngạch khoảng 3,42 tỷ USD, trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng nhập khẩu. Nếu so với cùng kỳ năm 2015, nhập khẩu thép đã tăng khoảng 48% về lượng (cùng kỳ khoảng hơn 5 triệu tấn) và khoảng 1% về giá trị (cùng kỳ là 3,38 tỷ USD). Dự báo trong thời gian tới, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đặc biệt ở thời điểm cuối năm khi nhu cầu xây dựng tăng cao. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam)

Từ ngày 15/7 - 15/10/2016, tất cả lô hàng cá da trơn thuộc bộ Siluriformes của các cơ sở chế biến xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm. Các lô hàng cá thuộc bộ Siluriformes gồm: Cá tra, basa, cá trê, cá lăng… được sản xuất tại các nhà máy có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ do cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chấp nhận sẽ thuộc đối tượng kiểm tra. (Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Cân đối vĩ mô


Xăng dầu

Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ ngày 05/7), ước quỹ bình ổn giá (BOG) của Petrolimex còn dư 1.405 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm công bố gần nhất ngày 20/6 là 1.487 tỷ đồng, quỹ bình ổn này giảm 82 tỷ đồng. Sau khi ​điều chỉnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), giá các mặt hàng xăng dầu ngày 05/7 được điều chỉnh như sau: Xăng Ron 92 và xăng sinh học E5 giảm 200 đồng mỗi lít; dầu diesel 0,05S và dầu hỏa giữ nguyên; dầu mazút 3,5S tăng 260 đồng/kg so với kỳ công bố ngày 20/6. Cụ thể: Giá trần của xăng Ron 92 là 15.968 đồng/lít; xăng là 15.447 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 12.298 đồng/lít; dầu hỏa là 10.667 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 9.001 đồng/kg. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, liên bộ Công Thương - Tài chính)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 4 ngày tăng giá và 2 ngày giảm giá, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 290 - 330 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 09/7) giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,9 - 37,7 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,9 - 37,72 triệu đồng/lượng, tăng 750 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Tập đoàn Doji: 36,9 - 37,5 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 700 nghìn đồng chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 37 - 37,3 triệu đồng/lượng, tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 24 đồng với 3 ngày tăng giá; 1 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong ngày giao dịch cuối tuần (ngày 09/7), tỷ giá trung tâm là 21.862 đồng/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm nhẹ:

- Vietcombank và BIDV: 22.260 - 22.330 đồng, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.265 - 22.335 đồng, giảm 5 đồng ở cả hai chiều.

- ACB, Eximbank và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng, trong đó Eximbank giảm 10 đồng ở cả hai chiều, ACB và DongABank không điều chỉnh tỷ giá.

- Techcombank: 22.260 - 22.360 đồng, giảm 10 đồng chiều mua vào và tăng 10 đồng chiều bán ra.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Tính đến tháng 6/2016, quy mô thị trường chứng khoán tăng khoảng 11% so cuối năm 2015 và đạt tỷ lệ 36% GDP; huy động được 223 nghìn tỷ đồng (bao gồm phát hành TPCP, cổ phiếu, đấu giá cổ phần) cho NSNN và đầu tư phát triển. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2016 tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015; đầu tư trở lại nền kinh tế 175 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư vào TPCP. (Theo Bộ Tài chính ngày 02/7)

Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam được quản lý bởi DragonCapital, được thành lập năm 1995 và có tổng tài sản ròng hiện khoảng 900 triệu USD) đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán London ngày 05/7/2016, với mã chứng khoán VEIL, được kỳ vọng sẽ trở thành kênh huy động vốn nổi bật đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ giá trị tổng tài sản đang quản lý và nguyên tắc tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành có tiềm năng tăng trưởng cao. (Theo DragonCapital)

Trái phiếu

KBNN ngày 30/6 đã nâng tổng mức phát hành trái phiếu cả năm 2016 từ 220.000 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng, gồm 40.000 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, 145.000 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm, 7.000 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm, 25.000 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm, 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 20 năm và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 30 năm. Trong đó: (i) Khối lượng trái phiếu kỳ hạn 5 năm được điều chỉnh tăng mạnh nhất, lên 145.000 tỷ đồng thay cho 100.000 tỷ đồng như kế hoạch đầu năm; (ii) Lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra thị trường TPCP kỳ hạn 7 năm (đã được gọi thầu trong 3 tuần qua và nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức tài chính).

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh:

- Ngày 04/7, tổ chức đấu thầu TPCP do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 1.200 tỷ đồng, gồm 4 loại kỳ hạn: 3 năm (300 tỷ đồng); 5 năm (500 tỷ đồng); 10 năm (200 tỷ đồng); 15 năm (200 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 300 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,7%/năm.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 400 tỷ đồng (80%), lãi suất trúng thầu 6,5%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 04/7/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 3.850 tỷ đồng TPCP.

- Ngày 06/7, tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 7.300 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (3.000 tỷ đồng); 7 năm (3000 tỷ đồng) và 30 năm (1.300 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.885 (62,8%) tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,14%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 885 tỷ đồng (29,5%), lãi suất trúng thầu 6,62%/năm.

+ Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 8%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 06/7/2016, KBNN đã huy động thành công 182.640,8566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 04 - 08/7/2016, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu ngành thép, bất động sản, dược phẩm… tăng giá mạnh. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 39,43 điểm (6,37%) lên 658,68. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt140,92triệu đơn vị/phiên, tăng27,7%so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt3.106,51tỷ đồng, tăng28,56%so với tuần trước.

- HNX-Index có 4 phiên tăng 1 phiên giảm. Kết thúc tuần, HNX-Index tăng 3,65 điểm (4,35%) lên 87,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 69,69 triệu đơn vị/phiên, tăng 37,7% so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 921,3 tỷ đồng, tăng 51,55% so với tuần trước.

Tính chung trên hai sàn,khối ngoại đã mua ròng về khối lượng với 2,31 triệu đơn vị, giảm 89,3% so với tuần trước (27/6 - 01/7) nhưng xét về giá trị, khối này đã bán ròng 71,02 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 293,7 tỷ đồng).

- HOSE:Khối ngoại đã mua ròng 8,25 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 77,38 tỷ đồng, giảm 18,93% về lượng và 51,48% về giá trị so với tuần trước đó.

- HNX:Khối ngoại đã bán ròng 5,94 triệu đơn vị với tổng giá trị 148,4 tỷ đồng; trong khi tuần trước mua ròng 11,41 triệu đơn vị, trị giá 134,23 tỷ đồng.

Đàm phán - Ký kết

World Bank và Việt Nam

Ngày 05/7, tại Washington, D.C (Hoa Kỳ),Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt
Dự án Cải thiện Quản lý và Cơ sở Dữ liệu Đất đai Việt Nam trị giá 150 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống thông tin đất đai cấp quốc gia và tạo lập cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia để Chính phủ và người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Chính sách

Nghị định số 69/2016/NĐ-CP

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn bán nợ phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư ít nhất 5 tỷ đồng; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải có vốn tối thiểu là 100 tỷ đồng; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ phải có mức vốn tối thiểu 500 tỷ đồng…

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Thông tư liên tịch số 92/2016/TTLT-BTC-NHNN

Ngày 27/6/2016, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư liên tịch số 92/2016/TTLT-BTC-NHNN hướng dẫn việc phát hành tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Kỳ hạn: 13 tuần, 26 tuần và 52 tuần và một số kỳ hạn khác không vượt quá 52 tuần.

- Mệnh giá: 100.000 đồng; các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng.

- Phương thứ phát hành: Đấu thầu qua Sở Giao dịch NHNN hoặc phát hành trực tiếp cho NHNN.

- Thời gian phát hành: Thứ hai hoặc trong một số trường hợp KBNN có thể quyết định ngày tổ chức phát hành tín phiếu khác.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2016.

Thông tư số 15/2016/TT-NHNN

Ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

- Cổ đông sáng lập là doanh nghiệp Việt Nam: Phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

- Cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại: Phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định…

- Cổ đông sáng lập là tổ chức tín dụng nước ngoài: Phải có tổng tài sản có trên 10 tỷ USD vào cuối năm liền kề và kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép…

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Thông tư số 19/2016/TT-NHNN

Ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Trong đó, đối tượng được sử dụng thẻ ngân hàng trong vai trò là chủ thẻ phụ đã được mở rộng đối với người từ đủ 6 tuổi, thay vì quy định chỉ người từ đủ 15 tuổi trở lên mới được sử dụng thẻ ngân hàng như trước.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8/2016.

Thông tư số 20/2016/TT-NHNN

Ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 20/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động và Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Thông tư đã nâng hạn mức rút tiền tại các máy ATM tối thiểu lên 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng và 3 triệu đồng đối với giao dịch liên ngân hàng, thay vì 2 triệu đồng như quy định trước đây.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Thông tư số 22/2016/TT-NHNN

Ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 22/2016/TT-NHNN (thay thế Thông tư số 28/2011/TT-NHNN ngày 01/9/2011) quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp.

- Nếu phát hiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích theo nội dung phương án phát hành trái phiếu và cam kết với chủ sở hữu trái phiếu thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán…

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2016.

Nhận định

chuyên gia

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Dự báo 6 tháng cuối năm, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn; lãi suất cho vay có điều kiện giảm do thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng hiện đang khá dồi dào hỗ trợ tích cực cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm và phát hành TPCP 6 tháng cuối năm chỉ còn 20% kế hoạch, giúp làm giảm áp lực lên lợi suất TPCP, tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất.

Các chuyên gia kinh tế, tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” ngày 07/7:

Trong bối cảnh CPI tháng 6 tăng 2,35% so với tháng 12/2015 và bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015, việc kiềm chế lạm phát năm 2016 ở mức dưới 5% sẽ gặp nhiều khó khăn, do chịu tác động tăng giá của hàng hóa thế giới; giá dịch vụ y tế, giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình; khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 trên 20% sẽ làm tăng mặt bằng giá, khiến CPI cả năm 2016 sẽ từ 5 - 5,5%.