Thị trường tài chính – tiền tệ thế giới quý III/2014


(Tài chính)

TTCK thế giới

Cuối quý III/2014, giới đầu tư chứng khoán thế giới đã phải đón nhận những thông tin không mấy khả quan của các nền kinh tế lớn. Tại Mỹ, báo cáo mới nhất từ Chính phủ Mỹ cho hay chỉ số lòng tin tiêu dùng của nước này trong tháng 9 đã giảm xuống mức 86, từ mức tương ứng 93,4 của tháng 8, chấm dứt chuỗi bốn tháng tăng liên tiếp. Một báo cáo khác lại cho biết, giá nhà tại 20 thành phố của Mỹ tăng chậm nhất gần 2 năm.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/9/2014, TTCK Mỹ đỏ lửa, ghi nhận đà giảm lớn của tháng 9 nhưng vẫn tăng trong toàn quý III. Tại New York, chỉ số S&P 500 chốt phiên giao dịch cuối quý ở mức 1.972,29 điểm. Chỉ số này đã giảm 1,6% trong tháng 9 nhưng vẫn tăng 0,6% trong quý III. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones dừng ở ngưỡng 17.042,90 điểm. Như vậy, chỉ số này đã giảm 0,3 % trong tháng 9 nhưng vẫn tăng 1,3 % trong quý III.

Việc giá dầu thô ngọt nhẹ và dầu Brent giảm mạnh trong quý III năm nay cũng khiến cổ phiếu nhóm năng lượng lao dốc, đẩy lùi đà tăng của phố Wall. Bên cạnh đó, xu hướng giảm điểm của TTCK thế giới trong tháng 9 còn được củng cố bởi số liệu yếu kém về lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc và tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) (giảm từ 0,4% trong tháng trước xuống 0,3% trong tháng này).

Khép lại phiên giao dịch 30/9, tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 ở mức 4.416,24 điểm. Như vậy, tính chung trong quý III, CAC 40 của Pháp đã giảm 0,2%.

Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh ở mức 6.622,72 điểm. Tăng trưởng kinh tế Anh trong quý III chậm hơn dự tính và giá nhà ở tại nước này cũng bất ngờ sụt giảm trong tháng 9 đã khiến FTSE 100 giảm 1,8% trong cả quý III.

Trên TTCK châu Á, chứng khoán Nhật Bản ở mức 16.173,52 điểm cuối quý III/2014. Động lực để Nikkei 225 tăng 6,67% trong quý III/2014 được cho là liên quan nhiều đến việc đồng Yên Nhật giảm giá mạnh.

                              Chỉ số chứng khoán Dow Jones quý III/2014 (Điểm)

             Thị trường tài chính – tiền tệ thế giới quý III/2014 - Ảnh 1
Nguồn: Bloomberg.com
Đồng USD

Được hỗ trợ đắc lực bởi các dữ liệu kinh tế khả quan và triển vọng tăng lãi suất từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), USD hôm 30/9 đã tăng lên mức cao nhất 4 năm so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ và cao nhất 2 năm so với Euro sau khi lạm phát trong khu vực Eurozone giảm trong tháng 9. Theo đó, Euro giảm xuống còn 1,2571 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9/2012. Như vậy, đồng bạc xanh đã có tháng tăng tốt nhất trong vòng hơn 1 năm và đã có 11 tuần tăng liên tiếp.

Kết thúc quý III/2014, USD cũng đã ở mức cao nhất trong vòng 6 năm so với Yên Nhật (109 Yên/USD). Tính cả quý III, USD đã tăng 8,25% so với Yên Nhật. Các nhà lập pháp Nhật Bản khẳng định đồng Yên yếu sẽ hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tăng trưởng trở lại.
                                                   
                                                    Tỷ giá USD/Euro quý III/2014

             Thị trường tài chính – tiền tệ thế giới quý III/2014 - Ảnh 2
Nguồn: Bloomberg.com
Giá dầu

Trên sàn Nymex, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 kết thúc ngày 30/9/2014 ở mức 91,16 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 07/11/2012.

Giá dầu thô ngọt nhẹ đã giảm 5% trong tháng 9, tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2014. Tính chung trong quý III, giá dầu bốc hơi hơn 13%, quý sụt giảm mạnh nhất kể từ quý II/2012.

Dầu thô Brent giao tháng 11 còn 94.67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012. Trong quý III, giá dầu Brent lao dốc 16%, cũng là quý sụt giảm mạnh nhất kể từ quý II/2012. Riêng trong tháng 9, giá dầu Brent trượt 8,3%, đánh dấu tháng giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2012.

Các nhiên liệu còn lại trên sàn Nymex cũng lao dốc mạnh trong quý III vừa qua. Giá xăng giao tháng 10 còn 2,5869 USD/gallon. Giá xăng đã đánh mất 7% trong tháng 9 và 16% trong quý III, ghi nhận quý lao dốc mạnh nhất kể từ quý IV/2012.

Đà giảm dài hơi của thị trường năng lượng xuất phát từ việc nguồn cung dồi dào trong khi lực cầu yếu bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thực sự vững chắc. Theo khảo sát của Reuters, nguồn cung dầu từ OPEC lên mức cao nhất 2 năm qua trong tháng 9 nhờ sản lượng cao hơn từ Arab Saudi và Libya. Giá dầu liên tục giảm từ giữa tháng 6 khi cung vượt cầu.

Ngoài ra, giá trị của đồng bạc xanh tăng mạnh đã khiến dầu mỏ, mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những khách hàng sử dụng các tiền tệ có giá trị thấp hơn.

                                       Giá dầu thô ngọt nhẹ quý III/2014 (USD/thùng)

            Thị trường tài chính – tiền tệ thế giới quý III/2014 - Ảnh 3
                                                                                                                 Nguồn: marketwatch.com
Giá vàng

Ngày 30/9, trên sàn Nymex, giá vàng giao ngay còn 1.208 USD/oz. Hợp đồng vàng giao tháng 12 trên bộ phận Comex của sàn Nymex xuống 1.211,60 USD/oz, mức thấp nhất kể từ ngày 31/12/2013

Tính chung trong tháng 9, giá vàng đánh mất 5,9%, tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2013 khi kim loại quý lao dốc 12%. Còn trong quý III, giá vàng rớt tổng cộng 8,4%, đánh dấu quý giảm giá đầu tiên trong năm 2014.

Đà giảm mạnh của vàng trong quý III xuất phát từ các nguyên nhân: Đồng USD liên tục tăng giá và TTCK Mỹ neo ở ngưỡng cao, căng thẳng địa chính trị leo thang, lực cầu yếu.

Trên thị trường Việt Nam, giá vàng SJC trong quý III/2014 giảm 1,23 triệu đồng/lượng, tương đương giảm 3,3%. Trong đó, riêng trong tháng 9, giá vàng đã rớt giá 660.000 đồng/lượng. Nửa cuối của tháng 9, giá vàng vẫn chưa thể bứt phá khỏi mốc 36 triệu đồng/lượng. Phiên kết thúc quý, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Hà Nội niêm yết giá vàng giao dịch ở 35,58 - 35,72 triệu đồng/lượng, tại TP. Hồ Chí Minh ở mức 35,58 - 35,70 triệu đồng/lượng.

 Giá vàng quý II và quý III/2014 (USD/oz)
                             Thị trường tài chính – tiền tệ thế giới quý III/2014 - Ảnh 4
                                                                                                                                     Nguồn: Kitco.com