Tình hình giá cả thị trường năm 2012

Theo Cục Quản lý Giá

Diễn biến

Tháng 12/2012: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng 11/2012. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 đã giảm mạnh kể từ mức tăng 2,2% của tháng 9/2012 (tháng 10 tăng 0,85%, tháng 11 tăng 0,47%, tháng 12 tăng 0,27%); đồng thời, cũng thấp hơn mức tăng cùng kỳ tháng 12 một số năm trước, trừ năm 2008[1].

Năm 2012: Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng  6,81% so với tháng 12/2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ một số năm trước[2]. Trong đó, chỉ số giá tăng không quá cao trong 2 tháng đầu năm (tháng 1: +1,0%, tháng 2: +1,37%- mặc dù là 2 tháng Tết), tăng đột biến vào tháng 9/2012 (tăng 2,2%) chủ yếu do nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và Giáo dục, các tháng còn lại có mức tăng từ 0,05-0,85%, mức tăng có xu hướng giảm dần trong những tháng cuối năm; riêng tháng 6 và tháng 7/2012 chỉ số giá giảm[3].

Xét về nhóm hàng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng cao ở hai nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (+45,23%) và nhóm Giáo dục (+16,97%)[4], các nhóm khác tăng từ 1,01-9,80%. Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp nhất 1,10%- mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2002 đến 2011, trong đó: Lương thực giảm 5,66%, thực phẩm tăng 0,95%, mức tăng bình quân chung là 8,61% khác với diễn biến năm 2011 (Hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng cao nhất là 26,49%, trong đó: Lương thực tăng 22,82%, thực phẩm tăng 29,34%- cao hơn nhiều so với mức tăng chung là 18,31%). Trong nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm dịch vụ y tế có chỉ số giá tăng mạnh ở mức 20,37%, cao hơn nhiều lần so với mức tăng của năm 2011 (tăng 4,36%). Chỉ số giá nhóm giáo dục duy trì mức tăng cao (năm 2011 tăng 23,18%; năm 2012 tăng 17,07%). Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông tiếp duy trì mức giảm (năm 2011 giảm 5,06%; năm 2012 giảm 1,11%).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2012 tăng 0,46%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,03% so với tháng 11/2012. So với tháng 12/2011, chỉ số giá vàng tăng 0,40 %, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,96%.

Những yếu tố tác động đến sự vận động của giá thị trường năm 2012:

Mặt bằng giá thị trường năm 2012 chịu tác động của một số yếu tố chính sau:

Những yếu tố kiềm chế tăng giá:

- Giá một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới như thép thành phẩm, phân urê, bông xơ, sợi các loại, lúa mỳ, giấy… năm 2012 giảm so năm 2011 làm giảm áp lực tăng giá hàng hoá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu[5].

- Trong nước, kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, tổng cầu và sức mua có giảm, tồn kho, nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng tăng, tín dụng tăng trưởng thấp; người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.... (Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% (năm 2011 tăng 5,89%) so với năm 2011; Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 ước tính đạt 2324,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011 là mức tăng khá thấp (các năm trước trên 20%), nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,2%[6]; Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP, đây là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây[7]).

-  Điều hành tổng phương tiện thanh toán phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô từng thời kỳ trong năm (tổng phương tiện thanh toán năm 2012 tăng 19,02%).

- Giá nhiều hàng hoá thiết yếu trong nước ổn định hoặc giảm trong năm 2012 như: lương thực, thực phẩm[8], xi măng, phân bón, thép xây dựng, đường... góp phần kiềm chế mức tăng giá chung của nền kinh tế.

- Các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc NQ số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012, NQ số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012, trong đó có các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, ổn định tỷ giá, hạ lãi suất[9], tăng cường và thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý giá cả, thị trường; giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục (học phí), giá nước sạch sinh hoạt, giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá...

Một số yếu tố gây áp lực tăng giá:

- Giá một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới năm 2012 tăng so với năm 2011, tác động làm tăng giá hàng hoá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu[10]. Do vậy, ngoài một số dịch vụ được điều chỉnh tăng giá (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục), các mặt hàng có sự biến động lớn về giá năm 2012 chủ yếu tập trung ở mặt hàng nhóm nhiên liệu (xăng dầu, LPG).

 - Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng như: điều chỉnh giá điện tăng bình quân;  điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012, tác động làm chỉ số giá tăng cao từ tháng 8 đến tháng 11 (riêng chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao đột biến +2,20% so với mức trung bình của các tháng trước đó, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế đóng góp 0,95%); điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí) cũng đóng góp vào mức tăng tháng 9 và tháng 10 (chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng lần lượt là 10,54% và 1,88%); một số địa phương tăng giá nước sạch, giá vé xe buýt nội đô...

- Ngoài ra, lương tối thiểu đối với người hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước tăng 26,5% từ 01/5/2012[11]; nhu cầu và giá hàng hóa dịch vụ tăng theo quy luật trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các dịp Lễ, hội, mùa vụ; lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; thiên tai còn xảy ra tại một số địa phương; tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn; thông tin về sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn khiến giá thực phẩm thay thế tăng tại một số địa phương.

Công tác quản lý, điều hành giá đã triển khai trong năm 2012

Chỉ đạo và triển khai công tác quản lý và bình ổn giá:

- Thực hiện Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 12/12/2011 chỉ đạo toàn ngành thực hiện công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nhâm Thìn và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Để hạn chế tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước ngày 7/3/2012, Bộ Tài chính ban hành công văn số 3116/BTC-QLG ngày 09/3/2012 gửi Sở Tài chính các địa phương về tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá, trong đó đề nghị Sở Tài chính thực hiện giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không do tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu, tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu.

- Để hạn chế tác động của giá nhập khẩu LPG tăng vào giá trong nước, Bộ Tài chính đã thực hiện giảm thuế nhập khẩu LPG từ 5% xuống 0%, đồng thời có Công văn số 2817/BTC-QLG ngày 2/3/2012 yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối giảm giá bán gas tương ứng với thuế suất thuế nhập khẩu đã được giảm đồng thời, yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh thành phố chủ trì tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện của các doanh nghiệp.

- Trong bối cảnh giá nhập khẩu LPG trên thế giới giảm liên tục trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6, ngày 20/6/2012 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 100/2012/TT-BTC khôi phục mức thuế suất thuế nhập khẩu gas từ 0% lên 5% và đã ban hành công văn số 8261/BTC-QLG ngày 20/6/2012 yêu cầu các địa phương kiểm tra và báo cáo về việc chấp hành pháp luật về giá của các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn, chấp hành đăng ký giá gas sau điều chỉnh thuế. Sau đó đã liên tục theo dõi, báo cáo Bộ về diễn biến giá gas trên thị trường thế giới và thị trường trong nước.

- Sau khi giá xăng dầu, giá gas liên tục được điều chỉnh giảm, Bộ Tài chính đã có công văn số 8078/BTC-QLG ngày 15/6/2012 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá thị trường trên địa bàn địa phương sau khi giảm giá xăng dầu, giá gas.

- Triển khai Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 7039/BTC-CQLG ngày 25/5/2012 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, trong đó đề nghị UBND các tỉnh tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón...

- Trước tình hình giá xăng dầu được doanh nghiệp xăng dầu điều chỉnh tăng theo tần suất quy định theo diễn biến giá xăng dầu thế giới, khiến giá thị trường hàng hóa dịch vụ (nhất là giá cước vận tải) có xu hướng tăng, ngày 17/8/2012, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 11116 /BTC-QLG về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng các cơ quan có liên quan trên địa bàn (Công Thương, Quản lý thị trường, Giao thông vận tải, Thuế,...) tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá trên địa bàn.

- Nhằm thống nhất quy trình đăng ký, kê khai giá giữa cơ quan quản lý giá trung ương và địa phương, ngày 28/6/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-BTC về Quy trình đăng ký giá, kê khai giá tại Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính và tại Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn số 222/TB-VPCP ngày 21/6/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, ngày 25/9/2012 Bộ Tài chính đã có Công văn số 13038/BTC-QLG về việc tăng cường kiểm tra, giám sát Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai nghiêm túc ý kiến trong đó chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá trên địa bàn; đồng thời, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý và bình ổn giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá trên địa bàn theo quy định của pháp luật; ngày 26/10/2012 có Công văn số 14719/BTC-NSNN hướng dẫn về việc bố trí nguồn kinh phí và kiểm soát sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá tại các địa phương.

 - Trước diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng cao, trên cơ sở phân tích nguyên nhân chủ yếu do giá dịch vụ khám chữa bệnh, học phí được điều chỉnh tăng tại một số địa phương, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012; Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 2/11/2012 về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và tết Nguyên Đán Quý Tỵ năm 2013.

- Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012,  ngày 17/12/2012, Bộ Tài chính đã có Công văn số 17477/BTC-QLG gửi Bộ Y tế về việc điều hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh năm 2013. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế chủ trì, chỉ đạo việc triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh năm 2013 của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trong cả nước: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh năm 2013; tính toán kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân, khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; Chỉ đạo Sở Y tế trước khi tham mưu với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thời điểm áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch tổng thể lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh năm 2013 của Bộ Y tế; tránh tình trạng các cơ sở y tế đồng loạt điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Công tác quản lý, điều hành giá:

a) Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012: Nhà nước giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như giá điện, giá than cho tất cả các hộ tiêu thụ than trong nền kinh tế, giá cước bưu chính; giảm giá cước dịch vụ viễn thông…, giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp.

Ngoài ra, việc bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ được triển khai tích cực hiệu quả, nguồn cung hàng hoá trong 3 tháng đầu năm được bảo đảm, nhất là hàng thực phẩm; nhiều chính sách hỗ trợ, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đã được triển khai tích cực như: thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt 2012; tăng tiến độ cấp bổ sung ngân sách năm 2012 cho một số địa phương để đáp ứng yêu cầu chi trong dịp Tết là những yếu tố quan trọng góp phần giữ chỉ số giá chung quý I/2012 tăng thấp (tăng 2,55% so với tháng 12/2011)[12].

b) Đối với một số mặt hàng thiết yếu:

* Giá xăng dầu: Trong bối cảnh giá thị trường xăng dầu thế giới năm 2012 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước có những diễn biến không thuận lợi… Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, kiềm chế lạm phát và điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng, dầu thận trọng và tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành, tuân theo tín hiệu thị trường, có tăng có giảm (từ đầu năm 2012 đến nay có 6 lần tăng và 6 lần giảm giá; kết hợp với sử dụng hài hòa các công cụ tài chính (thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá) theo diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời quan tâm tới sự tác động đến nền kinh tế và người dân.

Việc công bố thông tin về điều hành giá xăng dầu đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch; đồng thời góp phần bình ổn chỉ số giá tiêu dùng, việc điều hành thuế được bình ổn, đặc biệt Nhà nước không bù lỗ các mặt hàng xăng dầu.

* Giá điện: Năm 2012, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 2 lần, mỗi lần tăng thêm 5% (lần 1, từ ngày 01/7/2012: 1.304 đồng/kwh lên 1.369 đồng/kwh; lần 2, từ ngày 22/12/2012: 1.369 đồng/kwh lên 1.437 đồng/kwh, chưa bao gồm VAT). Việc tăng giá điện này nhằm bù đắp chi phí phát sinh do giá nhiên liệu tăng (giá than bán cho điện, khí,...) và bù đắp một phần các chi phí còn treo lại chưa được tính vào phương án giá điện.

* Giá nước sạch: Trong năm 2012 có 13 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng giá nước sạch gửi Quyết định điều chỉnh giá nước đến Bộ Tài chính là: Quảng Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Lào Cai, Quảng Nam, Phú Thọ, Bình Thuận, Nam Định, Bến Tre, Bình Dương, Trà Vinh. Mức điều chỉnh tăng trung bình của 13 tỉnh khoảng 20%.

Năm 2012, Liên Bộ: Tài chính- Xây dựng- Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn (Thông tư có hiệu lực ngày 29/6/2012) và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 về việc ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt (Thông tư có hiệu lực ngày 11/7/2012). Từ sau khi ban hành 02 Thông tư trên đã có 04 tỉnh thành phố (Bến Tre, Khánh Hoà, Trà Vinh và Bình Dương) gửi Quyết định điều chỉnh giá nước sạch. Giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt sau điều chỉnh của 04 tỉnh phù hợp với khung giá nước sạch sinh hoạt quy định tại Thông tư 88/2012/TT-BTC.

* Lúa gạo:

- Về việc công bố giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch:

Thực hiện Nghị định số 109/2011/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Căn cứ vào phương pháp tính giá thành sản xuất lúa kế hoạch tại Thông tư Liên tịch số 171/2010/TTLT-BTC-BNNPTNN ngày 01/11/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn về phương pháp điều tra, khảo sát, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa các vụ sản xuất trong năm, UBND các tỉnh, thành phố điều tra, tính toán giá thành sản xuất trên địa bàn, công bố và gửi Bộ Tài chính để tổng hợp công bố chung.

Cụ thể đã triển khai trong năm 2012:

Vụ Đông Xuân 2011-2012: Bộ Tài chính ban hành công văn số 682/BTC-QLG ngày 16/1/2012 công bố giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ Đông Xuân năm 2011-2012 để làm căn cứ xác định giá mua lúa định hướng.

Vụ Hè Thu 2012: Bộ Tài chính ban hành công văn số 8605/BTC-QLG ngày 27/6/2012 công bố mức giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè thu năm 2012 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để làm căn cứ xác định giá mua lúa định hướng.

 Bộ Tài chính cũng đề nghị căn cứ vào giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch vụ Đông Xuân 2011-2012/Hè thu năm 2012 do Bộ Tài chính công bố, các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân mua lúa với giá định hướng đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2011-2012/vụ Hè thu năm 2012.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đăng ký giá, cụ thể:

-  Giá sữa:

+ Trong quý I/2012, trước việc một số doanh nghiệp tăng giá sữa, Bộ Tài chính đã có công văn số 2080/BTC-QLG ngày 20/2/2012 chỉ đạo các địa phương tổng hợp, kiểm tra, đánh giá mức hợp lý giữa tỷ lệ tăng (giảm) chi phí đầu vào so với tỷ lệ tăng giá bán; công văn số 2078/BTC-QLG ngày 20/2/2012 yêu cầu một số doanh nghiệp sữa không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; công văn số 2079/BTC-QLG ngày 20/2/2012 yêu cầu Công ty TNHH Nestle Việt Nam không tăng giá hai dòng sản phẩm sữa do yếu tố đầu vào không thay đổi; đồng thời trong tháng 3/2012, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phổ bổ sung mặt hàng sữa nhập khẩu vào danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu về giá nhằm tăng cường quản lý giá mặt hàng này ngay từ khâu nhập khẩu.

+ Từ tháng 4/2012 đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan (Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Cục Quản lý giá) phối hợp kiểm tra xác minh trị giá tính thuế đối với sữa nhập khẩu, kiểm tra thanh tra chống hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại từ khâu nhập khẩu vào trong nước, mức giá sữa đăng ký bán trên thị trường trong nước để phát hiện, xử lý các hiện tượng gian lận yếu tố hình thành giá, tăng giá sữa quá mức gây bức xúc dư luận xã hội.  

- Giá LPG: Trong năm 2012, giá LPG trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh theo diễn biến giá nhập khẩu LPG và thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Công văn số 23/QLG-TLSX ngày 7/2/2012 chỉ đạo các địa phương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với mặt hàng gas tại các địa phương; Công văn số 2817/BTC-QLG ngày 2/3/2012 yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối giảm giá bán gas tương ứng với thuế suất thuế nhâp khẩu đã được giảm tại Thông tư số 37/2012/TT-BTC ngày 2/3/2012 (thuế suất thuế nhập khẩu gas được giảm từ 5% xuống còn 0%); Công văn số 8261/BTC-QLG ngày 20/6/2012 chỉ đạo sở Tài chính kiểm tra việc chấp hành đăng ký giá gas sau điều chỉnh thuế (Ngày 20/6/2012 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 100/2012/TT-BTC khôi phục mức thuế suất thuế nhập khẩu gas từ 0% lên 5%). Qua rà soát, kiểm tra hồ sơ đăng ký giá của các doanh nghiệp về Bộ Tài chính, về cơ bản các doanh nghiệp kinh doanh gas thực hiện nghiêm túc chế độ đăng ký giá, tuy nhiên, một số doanh nghiệp (hồ sơ đăng ký giá bán LPG trong tháng 9 và tháng 10/2012), chưa chấp hành nghiêm túc quy định về thời gian đăng ký giá (đăng ký chậm so với quy định)[13].

Ngày 4/10/2012, Bộ Tài chính có công văn số 13548/BTC-QLG gửi các doanh nghiệp kinh doanh LPG đầu mối, đồng thời gửi cho Sở Tài chính các tỉnh TP trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký giá LPG; công văn số 246/QLG-TLSX ngày 4/10/2012 gửi Công ty cổ phần kinh doanh khí hoá lỏng Miền Bắc về việc yêu cầu nghiêm túc thực hiện các quy định đăng ký giá mặt hàng kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG). Trong tháng 10/2012, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra và có Quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam và Công ty Cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc về hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký giá.

- Giá than:

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 10/2011/QH13 ngày 8/11/2011 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, theo đó phải “thực hiện cơ chế giá thị trường đối với giá điện, than và dịch vụ công chậm nhất vào năm 2013”, đồng thời thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát:

-Giá than cho các hộ tiêu thụ lớn (trừ than cho điện): thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thông báo số 244/VPCP-KTTH ngày 11/8/2009 của Văn phòng Chính phủ: ”Giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (trừ than cho điện) thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa là 10%”. Thực hiện chỉ đạo này, giá than cho các hộ tiêu thụ này cơ bản theo giá thị trường (có tăng, có giảm theo nhu cầu thị trường), cụ thể:

+ Trong tháng 2/2012, căn cứ đăng ký giá của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã xem xét và có công văn số 2368/BTC-QLG ngày 23/2/2012, trong đó đề nghị doanh nghiệp chỉ điều chỉnh giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ (xi măng, giấy, phân bón) tăng 10% (doanh nghiệp đề nghị tăng 15%), thời gian thực hiện từ ngày 24/2/2012; giá than đối với các hộ nhỏ lẻ tại thị trường trong nước tăng từ 0% đến 16,7% so với mức giá hiện hành.

+ Sang tháng 4/2012, giá than thị trường thế giới giảm từ 0-12% tuỳ loại; ngày 18/4/2012, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đăng ký và thực hiện giảm giá than bán cho các hộ lẻ trên thị trường trong nước, mức giảm từ 0-16% tuỳ loại thực hiện từ ngày 20/4/2012.

+ Từ ngày 10/7/2012, giá than tiêu thụ cho các hộ nhỏ lẻ tiếp tục được TKV đăng ký giảm từ 0% đến 15% tuỳ theo từng chủng loại than do giá than xuất khẩu giảm.

+ Từ 10/8/2012 một số loại than cho các hộ nhỏ lẻ tiếp tục được TKV đăng ký giảm từ 6-12% do giá than xuất khẩu giảm. Giá than tại một số cảng lẻ tại Quảng Ninh cũng được TKV giảm giá 30.000 đồng/tấn cho sản xuất xi măng, phân bón, giấy từ 1/8/2012. Sang tháng 9/2012, giá một số loại than cho hộ nhỏ lẻ tiếp tục được TKV đăng ký giảm giá.

+ Ngày 22/10/2012, giá than trong nước (trừ than bán cho sản xuất điện) được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đăng ký giảm so với hiện hành. Cụ thể: giá than bán cho hộ nhỏ lẻ: giảm 0,9-9,5%; giá than bán cho 3 hộ lớn (xi măng, giấy, phân bón): giảm 1,5-6,7%.

- Giá than bán cho sản xuất điện: Thực hiện lộ trình từng bước giá than cho sản xuất điện thợc hiện theo cơ chế thị trường, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Vinacomin báo cáo Thủ tướng điều chỉnh từng bước đối với mặt hàng này, theo đó giá bán than cho sản xuất điện được giữ ổn định ở mức thấp từ 01/03/2011 đến 01/7/2012. Từ ngày 01/7/2012, cùng với việc điều chỉnh giá điện, giá than bán cho sản xuất điện được điều chỉnh tăng từ 10,2% - 11,5% tùy chủng loại. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 421/VPCP-KTXH ngày 6/4/2012 và công văn số 5847/VPCP-KTTH ngày 16/8/2012, Bộ Tài chính đã có văn bản thông báo giá than bán cho sản xuất điện từ 15/9/2012; theo đó, giá than cho sản xuất điện tăng 27,9% - 41,9% tùy từng loại so với giá hiện hành tại thời điểm điều chỉnh. Tuy nhiên, giá than cho điện chỉ bằng khoảng 70% giá thành sản xuất than năm 2011 đã kiểm toán.

d) Giá hàng hoá dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch, thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước: Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước; đồng thời, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra[14]; thực hiện việc kiểm soát chi từ Ngân sách Nhà nước trong đầu tư, trong chi tiêu thường xuyên, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chi sai chế độ chính sách[15].

đ) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, lưu thông giảm áp lực tăng giá đầu ra, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá như:

Bộ Tài chính đã tập trung triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Tính đến hết tháng 11/2012, đã xử lý miễn, giảm, gia hạn tiền thuế cho khoảng 457.500 lượt doanh nghiệp và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 19.025 tỷ đồng, trong đó: thực hiện miễn và gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng đối với khoảng 216.450 lượt doanh nghiệp và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 11.160 tỷ đồng; miễn, giảm và gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đối với  khoảng 203.550 lượt doanh nghiệp, với số tiền khoảng 4.940 tỷ đồng; gia hạn tiền sử dụng đất cho trên 340 doanh nghiệp, với số tiền gần 2.470 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 3.610 doanh nghiệp, với số tiền 445 tỷ đồng; miễn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Tổ chức thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu kịp thời để giúp doanh nghiệp giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, tiết kiệm thời gian…

e) Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường: các ngành, các địa phương đã tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chuẩn bị lực lượng hàng hoá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong dip Tết, nhất là giám sát các doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi dự trữ hàng hoá[16].

 - Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2012/TT-BTC ngày 18/5/2012 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/ 2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

g) Công tác phân tích dự báo: Cục Quản lý giá đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới, trên cơ sở đó định kỳ và đột xuất đều có báo cáo tổng hợp, phân tích diễn biến, nguyên nhân cũng như dự báo xu hướng biến động về giá cả đối với một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, dự báo chỉ số giá tiêu dùng, từ đó tham mưu phục vụ Lãnh đạo Bộ chỉ đạo công tác điều hành tài chính, giá cả hàng tháng; phục vụ Bộ tham dự các cuộc họp hàng tháng của Chính phủ, Tổ điều hành thị trường trong nước... 

h) Công tác thông tin tuyên truyền: Đã hoàn thành tốt, đúng thời gian và đảm bảo thời gian các báo cáo về công tác giá, phục vụ họp báo định kỳ của Bộ hàng tháng và hàng quý; đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, giải thích chính sách điều hành giá đối với giá điện, xăng dầu, gas, sữa... trên các phương tiện thông tin đại chúng khi có điều chỉnh giá.  

Công tác nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá (Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề án trình Bộ).

Trong năm 2012, ngoài việc tiếp tục chủ trì dự thảo 01 dự án Luật giá để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII; Cục Quản lý giá được giao 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giá trình Chính phủ và 01 Đề án trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời được giao 01 Chỉ thị và 03 Thông tư trình Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Đến nay tất cả các đề án nói trên đang hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý giá đã góp phần đạt được những kết quả tích cực bước đầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 tăng ở mức 6,81%, hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Quốc Hội, Chính phủ đã đề ra (5 tháng đầu năm tăng thấp, tháng 6 giảm 0,26%, tháng 7 giảm 0,29%, tháng 8 tăng nhẹ 0,63%, tháng 9 tăng cao 2,2%; tháng 10 và tháng 11 và tháng 12 tăng thấp với tốc độ tăng giảm dần (0,85% và 0,47% và 0,27%).

Chú thích:

[1] Mức tăng chỉ số giá tháng 12 năm 2001: +1,0%, 2002: +0,3%, 2003: +0,8%, 2004: +0,6%, 2005: +0,8%, 2006: +0,5%, 2007:+2,91%, 2008: -0,68%, 2009: +1,38%, 2010: +1,98%, 2011: +0,53%.

[2] Mức tăng chỉ số giá cùng kỳ 2011: +18,13%; năm 2010: +11,75%; 2008: +19,89%; 2007: +12,63%.

[3] So với tháng trước, chỉ số giá tháng 1: +1,0%, tháng 2: +1,37%, tháng 3: +0,16%, tháng 4: +0,05%, tháng 5: +0,18%, tháng 6: - 0,26%, tháng 7: - 0,29%, tháng 8: +0,63%, tháng 9: +2,2%, tháng 10: +0,85%, tháng 11: +0,47%, tháng 12: +0,27%.

[4] Hai nhóm này đóng góp vào mức tăng chỉ số giá chung khoảng 3,5% (bằng khoảng 51,55% chỉ số chung), các nhóm còn lại đóng góp vào mức tăng chung khoảng 3,81%.

[5] Theo số liệu của Tổ Điều hành thị trường trong nước, năm 2012 giá nhập khẩu bình quân một số mặt hàng giảm so với năm 2011 như: thép các loại giảm 10,07%, phôi thép giảm 4,38%, phân urê giảm 5,43%, bông các loại giảm  34,68%; giá xuất khẩu bình quân: gạo giảm 10,85%, cà phê giảm 2,91%, than đá giảm 14,88%, cao su giảm 29,47%.

[6] Tổng mức bản lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội các năm: 2011 tăng 24,2%, 2010 tăng 24,5%, 2009 tăng 18,6%, 2008 tăng 31%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá mức tăng: 2011 tăng 4,7%, 2010 tăng 19,3%, 2009 tămg 14,9%, năm 2008 tăng 9,7%.

[7] Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP năm 2000: 34,2%; 2001: 35,4%; 2002: 37,4%; 2003: 39,0%; 2004: 40,7%; 2005: 40,9%; 2006: 41,5%; 2007: 46,5%; 2008: 41,5%; 2009: 42,7%; 2010: 41,9%; 2011: 36,4%.

[8] So với tháng 12/2011, chỉ số giá nhóm Lương thực tháng 12 giảm 5,66%, thực phẩm tăng 0,95%, do vậy chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm có quyền số tính CPI lớn nhất) chỉ tăng 1,10% là nhóm cấp I có chỉ số giá tăng thấp nhất so với mức tăng các nhóm khác , trong đó từ tháng 3 đến tháng 8, chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm liên tục lần lượt là: -0,83%, -0,8%, -0,14%, -0,23%, -0,47%, -0,18%; tháng 9 tăng 0,08%, tháng 10 tăng 0,29%, tháng 11 giảm 0,21%, tháng 12 tăng 0,28%.

[9]Tỷ giá LNH hàng ổn định từ ngày 24/12/2011 đến nay; lãi suất giảm, quy định trần lãi suất huy động giảm từ 14% xuống 9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, TCTD tự án định và áp dụng từ ngày 11/6/2012; Nhà nước cũng quy định trần đối với các khoản vay ngắn hạn cho một số lĩnh vực ưu tiên xuống mức 13%/năm, một số ngân hàng thương mại đã có những gói vốn lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vay.

[10] Theo số liệu của Tổ Điều hành thị trường trong nước, năm 2012 giá nhập khẩu bình quân một số mặt hàng tăng  so với năm 2011như: xăng dầu tăng 5,44%, phân urê tăng 5,43%, khí đốt hoá lỏng tăng 4,51%; giá xuất khẩu bình quân: hạt tiêu tăng 15,02%, dầu thô tăng 0,46%, chè các loại tăng 0,30%.

[11] Từ ngày 1-5-2012 thực hiện mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng (tăng 26,5% so với trước), phụ cấp công vụ 25% cho cán bộ, công chức. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu.

[12] Mức tăng tương ứng cùng kỳ năm 2011 là 6,12%, 2010 là 4,12%.

[13]Trong tháng 9/2012 có 02 đơn vị (Công ty cổ phần kinh doanh khí hoá lỏng Miền Bắc, Công ty cổ phần kinh doanh khí hoá lỏng Miền Nam) đăng ký giá sau khi đã điều chỉnh giá bán LPG trong nước, chưa thực hiện đúng  quy định về thời gian đăng ký giá; trong tháng 10 có 01 đơn vị (Công ty cổ phần kinh doanh khí hoá lỏng Miền Bắc) vẫn đăng ký giá chậm so với ngày điều chỉnh giá.

[14] Đến tháng 11/2012 ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 4.715 lượt doanh nghiệp, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2011; đã phát hiện, xử lý truy thu và xử phạt  8.570 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ; giảm lỗ 11.830 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 613 tỷ đồng. Cũng đến thời điểm này, qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, ngành Hải quan cũng đã  phát hiện, bắt giữ  và xử lý gần 22.000 vụ việc vi phạm, trị giá ước tính gần 370 tỷ đồng.

[15] 11 tháng đầu năm 2012, qua công tác giám sát và kiểm soát chi, cơ quan Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 51.800 khoản chi của 23.600 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; xử lý tạm dừng chưa thanh toán trên 736 tỷ đồng.

[16] Cụ thể: Bộ Tài chính tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại các tỉnh trọng điểm Bắc, Trung, Nam; trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tiến hành thanh tra, kiểm tra giá tại 16 công ty sản xuất điện ngoài EVN, 6 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu; 4 doanh nghiệp kinh doanh gas... các địa phương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của Pháp luật về giá và thuế, phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, thuế và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ....