Tình hình giá thị trường tháng 09 năm 2013

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong tháng 9/2013, giá lúa gạo ổn định, giá thực phẩm tươi sống; giá rau củ quả ổn định hoặc tăng nhẹ tùy loại, giá phân Ure tiếp tục giảm; giá LPG tăng.

Tháng 9/2013: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 9/2013 tăng 1,06% so với tháng 8/2013. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2013 có mức tăng cao hơn mức tăng chỉ số giá tháng 8/2013 (tăng 0,83%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ tháng 9/2012 (tăng 2,20%). Xét theo cơ cấu nhóm hàng, ngoài 2 nhóm có chỉ số giá giảm là Giao thông (giảm 0,24%) và Bưu chính viễn thông (giảm 0,01%), chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2013 tăng tại 9/11 nhóm hàng cấp I; trong đó nhóm Giáo dục có mức tăng cao nhất là 9,38% (riêng dịch vụ giáo dục tăng 10,66%); tiếp đến là nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,33%, Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,91%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,65%, các nhóm còn lại tăng từ 0,04% -0,29%.  

Chín tháng đầu năm 2013: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2013 tăng 4,63% so với tháng 12/2012, so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ các năm kể từ năm 2007 đến nay, đây vẫn là mức tăng thấp nhất, trừ mức tăng tháng 9/2009. Trong đó, chỉ số giá tăng cao ở các nhóm: Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,67%), Giáo dục (tăng 10,98%); các nhóm còn lại tăng từ 2,18-4,87%. Nhóm duy nhất có chỉ số giá giảm là Bưu chính viễn thông giảm 0,51%.

So với tháng 9/2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2013 tăng 6,30%. Chỉ số giá tiêu dùng chín tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2013 tăng 1,97%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,26% so với tháng 8/2013. So với tháng 12/2012, chỉ số giá vàng giảm 18,60%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,32%.

Về diễn biến giá một số loại hàng hóa trong nước tháng 9 và 9 tháng năm 2013 cụ thể như sau:

Giá lúa gạo

Tháng 9/2013, tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường ổn định so với tháng 8/2013, giá thóc tẻ thường dao động ở mức 6.000-8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động ở mức 8.000-12.500 đồng/kg. Tại Nam Bộ, giá lúa, giá gạo thành phẩm xuất khẩu giảm so với tháng 8/2013. Giá lúa dao động ở mức 4.600-5.400 đồng/kg, giảm 350-600 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giá phổ biến trong khoảng 7.150-7.950 7đồng/kg, giảm 550-700 đồng/kg; gạo 25% tấm giá phổ biến trong khoảng 6.450-7.150 đồng/kg, giảm 600-700 đồng/kg.

Chín tháng đầu năm 2013, tại Miền Bắc, giá thóc tẻ thường khoảng 6.000-8.500 đồng/kg, giá gạo 8.000-12.500 đồng/kg, ổn định so cuối năm 2012. Tại Nam Bộ, trong 9 tháng năm 2013 giá thóc, gạo liên tục giảm do chịu tác động mạnh từ thị trường xuất khẩu; giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm giảm trong 2 tháng đầu năm, giá gạo tăng nhẹ trong tháng 3 nhờ tác động chính sách thu mua tạm trữ của Chính phủ; từ nửa cuối tháng 4 đến nay, giá gạo tiếp tục giảm trở lại.

So với cùng kỳ năm 2012, giá thóc khoảng 4.600-6.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; giá gạo loại 5% tấm dao động trong khoảng 7.150-8.500 đồng/kg, giảm 675-700 đồng/kg, loại 25% tấm khoảng 6.450-7.700 đồng/kg, giảm 600-850 đồng/kg.

Giá các loại thực phẩm tươi sống

Ổn định hoặc tăng nhẹ (tùy loại) so với tháng 8/2013. Giá các loại rau củ quả tăng từ 15-25% so với tháng trước. Cụ thể: Thịt lợn hơi: Miền Bắc giá phổ biến trong khoảng 39.000-46.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến trong khoảng 39.000-46.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; Thịt lợn mông sấn: Miền Bắc giá phổ biến trong khoảng 85.000-95.000 đồng/kg, ổn định; miền Nam giá phổ biến trong khoảng 82.000-92.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; Thịt bò thăn ổn định: Miền Bắc giá phổ biến trong khoảng 235.000-250.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến trong khoảng 215.000-240.000 đồng/kg.

Giá phân bón Ure

Tháng 9/2013, nhu cầu thị trường giảm do hiện đang trong giai đoạn chưa vào các vụ bón chính, thời tiết mưa nhiều đã tác động làm giá phân bón thị trường trong nước giảm nhẹ khoảng 100-300 đồng/kg. Cụ thể tại miền Bắc, giá urê dao động khoảng 8.900-9.000 đồng/kg; tại miền Nam mức giá phổ biến khoảng 8.600-9.000 đồng/kg. 

Chín tháng đầu năm 2013 , giá phân bón thị trường trong nước 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp và không ổn định. Giá giảm trong tháng 1, tăng trở lại từ thời điểm đầu tháng 2 đến tháng 4. Từ tháng 5 đến nay, giá phân bón Urê liên tục giảm. So với cùng kỳ năm 2012, giá phân bón trên thị trường thế giới và thị trường trong nước đều giảm.

Giá LPG

Tháng 9/2013:
Từ ngày 1/9/2013, các doanh nghiệp kinh doanh LPG đã điều chỉnh tăng giá bán LPG trong nước; mức tăng khoảng từ 12.000 - 13.534 đồng/bình 12kg tùy từng doanh nghiệp. Mức tăng trên cơ bản phù hợp với mức tăng của LPG thế giới.

Chín tháng đầu năm 2013,
do tác động chủ yếu của giá LPG thế giới, giá LPG trong nước cũng biến động ở mức tương ứng:

Từ tháng 01/2013 đến 5/2013: giá bán lẻ LPG trong nước giảm liên tục; Cụ thể: giá bán bình 12kg tháng 01/2013 giảm từ 6.072 đồng - 7.277 đồng; tháng 02/2013 giảm từ 12.276 đồng – 13.100 đồng; tháng 03/2013 giảm từ 3.036 đồng – 4.366 đồng; tháng 04/2013 giảm từ 23.100 đồng - 24.000 đồng; tháng 05/2013 giảm từ 16.728 đồng đến 17.160 đồng.

Sau 05 tháng giảm liên tục, từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2013 giá LPG thế giới tăng trở lại theo diễn biến giá LPG nhập khẩu thế giới: giá bán bình 12kg tháng 6/2013 tăng từ 728 đồng - 1.584 đồng; tháng 7/2013 tăng từ 10.187 đồng - 13.734 đồng; tháng 8/2013 tăng từ 8.000 đồng - 8.211đồng; tháng 9/2013 tăng từ 12.000 đồng – 13.534 đồng).

Giá xăng dầu

Tháng 9/2013: tuy giá xăng dầu thế giới diễn biến tăng, nhưng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, Liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định giá xăng dầu thị trường trong nước (công văn số 12143/BTC-QLG ngày 12/9/2013); đồng thời tiếp tục cho sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu như mức điều hành ngày 22/8/2013.

Chín tháng đầu năm 2013:

Trong 3 tháng đầu năm, mặc dù giá xăng dầu thế giới biến động tăng so với những tháng cuối năm 2012 nhưng để giữ bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu.

Đến cuối tháng 3, do Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hết, giá xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục thấp hơn nhiều so với giá cơ sở, đồng thời thấp hơn nhiều so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/3/2013: Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã có văn bản điều hành ngừng sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; giữ ổn định thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu như hiện hành; khôi phục lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở; phần chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành cho phép các doanh nghiệp tăng giá bán xăng, dầu (từ 362 – 1.430 đồng/lít, kg) thực hiện từ 20 giờ ngày 28 tháng 3 năm 2013.

Tháng 4/2013, giá xăng dầu thế giới biến động theo xu hướng giảm, căn cứ các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 03 lần yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong nước và 2 lần khôi phục một phần thuế suất thuế nhập khẩu.

Tháng 5/2013, giá xăng dầu trên thị trường thế giới có những biến động trái chiều: đầu tháng giảm nhẹ, nửa cuối tháng lại biến động tăng; căn cứ biến động của giá xăng dầu thế giới, Liên Bộ đã 01 lần điều hành khôi phục thuế nhập khẩu xăng dầu sau đó 01 lần điều hành giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và 01 lần điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trong tháng 6 và tháng 7, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trở lại, trong điều kiện số dư Quỹ BOG không còn, Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp kết hợp hài hòa giữa công cụ Quỹ BOG và chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, phần chênh lệch còn lại cho phép điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước.

Trong tháng 8, diễn biến giá xăng dầu trong nước tiếp tục biến động phức tạp, Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 22/8/2013 Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán xăng tối thiểu 300 đồng/lít đồng thời tiếp tục sử dụng Quỹ BOG 300 đồng/lít; tăng mức sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu thêm 100-500 đồng/lít, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cắt giảm lợi nhuận định mức từ 300 đồng/lít xuống mức từ 100 đồng/lít đối với dầu hỏa, dầu điêzen.

Trong tháng 9, mặc dù giá xăng dầu thế giới có biến động tăng, tuy nhiên căn cứ tình hình kinh tế xã hội trong nước, Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp trước mắt giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước như hiện hành, đồng thời tiếp tục cho sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu như mức điều hành ngày 22/8/2013.