Tình hình hoạt động của doanh nghiệp năm 2015

Theo gso.gov.vn

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Mười Hai, cả nước có 7901 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,8 nghìn tỷ đồng, giảm 15,1% về số doanh nghiệp và tăng 19,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8 tỷ đồng, tăng 40,9%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 155,3 nghìn người, giảm 2,6% so với tháng trước.

Trong tháng, cả nước có 2860 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,8% so với tháng trước; có 8615 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 80,6%, bao gồm 1170 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký và 7445 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký; có 999 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 20,8%.

Trong năm 2015, cả nước có 94754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014 (Năm 2014, số doanh nghiệp giảm 2,7%; số vốn tăng 8,4% so với năm 2013). Bên cạnh đó, có 851 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn trong năm 2015. Như vậy, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm nay là 1452,5 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014.

Trong năm nay, cả nước có 21506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Điều này cho thấy hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2015 là 9467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%). Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 3511 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 37,1%); 2668 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 28,2%); 1907 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 20,1%) và 1381 công ty cổ phần (chiếm 14,6%).

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15649 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55742 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, có 26349 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 36,9%); 22889 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 32,1%); 13081 công ty cổ phần (chiếm 18,3%) và 9070 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12,7%) và 2 công ty hợp danh.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng cuối năm khả quan hơn những tháng đầu năm, trong đó có 42,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV khả quan hơn quý III; 19,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 40,9% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 17,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 41,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Về khối lượng sản xuất, có 44,8% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV năm nay tăng so với quý trước; 20,4% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 34,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Về xu hướng quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 42,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 17,6% số doanh nghiệp dự báo giảm và 40,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định. Có tới 91,6% doanh nghiệp dự báo năm 2016 có khối lượng sản xuất tăng so với năm 2015.

Về đơn đặt hàng, có 38,6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng quý IV cao hơn quý III; 20,8% doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm và 40,6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý I năm 2016 so với quý IV năm 2015 tiếp tục khả quan với 38,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 18,1% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 43,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Có tới 91,1% số doanh nghiệp lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng và giữ ổn định so với năm 2015.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý IV so với quý trước, có 30,7% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 21,4% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 47,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý I năm sau so với quý IV năm nay, có 33% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 19,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định. Đối với năm 2016, có 90,8% số doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng lên và giữ ổn định.

Về chi phí sản xuất, có 24,4% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý IV tăng so với quý trước; 10,4% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 65,2% số doanh nghiệp cho rằng chi phí ổn định. Xu hướng trong quý I năm 2016, có 22,4% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý IV năm 2015; 10,9% cho rằng chi phí giảm và 66,7% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.

Về giá bán sản phẩm quý IV so với quý trước, có 15,4% số doanh nghiệp cho biết có giá bán sản phẩm tăng; 13,6% số doanh nghiệp có giá bán thấp hơn và 71% số doanh nghiệp có giá bán sản phẩm ổn định. Dự kiến giá bán sản phẩm quý I năm 2016 so với quý IV năm 2015, có 16,1% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 10,5% số doanh nghiệp dự báo giá bán sẽ thấp hơn và 73,4% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ ổn định.

Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 20,4% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý IV năm 2015 tăng so với quý trước; 31,3% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 48,3% số doanh nghiệp giữ ổn định. Xu hướng quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 16,5% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 29,5% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 54,0% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định.

Về tồn kho nguyên vật liệu quý IV so với quý III, có 19,4% số doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 28,6% số doanh nghiệp cho là giảm và 52,0% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Dự kiến quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 15,5% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 28,1% dự báo lượng tồn kho giảm và 56,4% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên, vật liệu.

Về sử dụng lao động quý IV so với quý III, có 17,3% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng; 12,7% số doanh nghiệp khẳng định giảm và 70% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định. Xu hướng biến động lao động có chiều hướng tăng lên ở 6 tháng đầu năm 2016 và cả năm 2016 so với năm 2015, với 90,5% số doanh nghiệp dự kiến số lao động 6 tháng đầu năm 2016 tăng và giữ ổn định trong so với 6 tháng cuối năm 2015.

Dự báo cả năm 2016, có 34,3% số doanh nghiệp cho rằng quy mô lao động tăng so với năm 2015 (37,8% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 33,9% doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 25,9% doanh nghiệp Nhà nước dự báo quy mô lao động tăng); 57,6% số doanh nghiệp dự báo giữ quy mô lao động ổn định; 8,1% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động sẽ giảm.