Tình hình hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2009 - 2013

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia

Theo số liệu của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), trong 10 tháng đầu năm 2013, CDC đã cấp phép 125 dự án (giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng vốn đầu tư là 3,325 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, ngành công nghiệp có 113 dự án đầu tư (tăng 1%) đã được cấp phép và ngành nông nghiệp có 10 dự án đầu tư (giảm 41%), trong khi ngành dịch vụ có 02 dự án đầu tư (giảm 71%), tạo công ăn việc làm cho 181.897 lao động. Tính từ năm 1994 đến hết tháng 10 năm 2013, tổng vốn đầu tư FDI vào Campuchia đạt trên 53,6 tỷ USD.

Về phía Việt Nam, theo thống kê tại Việt Nam trong năm 2013 có khoảng 16 dự án được cấp phép đầu tư sang Campuchia với tổng giá trị trên 360 triệu USD, tuy nhiên theo thống kê của CDC tính từ đầu năm 2013 đến nay Việt Nam không có thêm dự án đầu tư nào đăng ký tại CDC.

1. Về đầu tư

Tính đến thời điểm 30/10/2013, có khoảng 126 dự án đầu tư vào Campuchia được Việt Nam cấp phép còn hiệu lực (trong tổng số 137 dự án được cấp phép đầu tư), với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 3,023 tỷ USD (tính cả dự án thủy điện Hạ Sesan II của EVNI đăng ký đầu tư ra nước ngoài 806,4 triệu USD, đến nay chưa thực hiện giảm vốn, dự kiến còn khoảng 20 triệu USD), đứng vị trí thứ 05 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Đến nay đã có 16 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp phép với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam đạt trên 360 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, một số dự án nhỏ trong lĩnh vực vận tải kho bãi, thương mại, dịch vụ- điện tử (một số dự án đã được phía Campuchia cấp phép năm 2012 và một số dự án giá trị nhỏ hơn 2 triệu USD không qua CDC cấp phép).

Đến thời điểm hiện tại, tổng vốn FDI thực hiện của Việt Nam tại Campuchia đạt khoảng trên 1,2 tỷ USD, đạt 40% vốn đầu tư đăng ký, đã có trên 50 dự án của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động tại Campuchia.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Campuchia, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Hàng không (49 triệu USD), Bưu chính Viễn thông (270 triệu USD), Tài chính ngân hàng ( 250 triệu USD), Trồng cây cao su và cây công nghiệp (411 triệu USD), Nông nghiệp (86,7 triệu USD), Sản xuất Công nghiệp nhẹ (81,4 triệu USD), Khai khoáng – dầu khí (22 triệu USD), Năng lượng (32,3 triệu USD), Y tế (27 triệu USD)…

Tổng vốn đầu tư tập trung chủ yếu tại Thủ đô Phnompenh (Tài chính- Ngân hàng, y tế) và các tỉnh Đông Bắc giáp biên giới Việt Nam-Campuchia như: Rattanakiri, Mondolkiri (trồng cây cao su và cây công nghiệp, khai khoáng), StưngTreng (thủy điện), Kandal (Nhà máy sản xuất phân bón NPK), Kratie (Dự án mía đường)…; Các dự án đầu tư tại các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh biên giới của hai quốc gia, giữ vững hòa bình và ổn định của từng quốc gia.  .

Từ sau khi kết thúc hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Campuchia lần 3 (tháng 06/2012) đến nay, đã có thêm 24 dự án được Việt Nam cấp phép đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD.

Các dự án lớn được hoàn thành từ sau Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Campuchia lần 3 đến thời điểm hiện nay là:

(i)- Dự án Nhà máy chế biến gạo của Cavifoods, gồm 2 dây chuyền. Dây chuyền 1 hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 4/2012. Dây chuyền 2 hoàn thành, đi vào hoạt động tháng 12/2012.

(ii)- Dự án Nhà máy Đường - Cồn- Điện của Công ty Kamadhenu Ventures Cambodia Limited: Đưa vào hoạt động tháng 4/2012 và Lễ khánh thành tổ chức ngày 26/5/2013, với sự tham dự và phát biểu của Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly, đại diện Chính phủ Campuchia.

(iii)- Dự án Phân bón NPK của Tập đoàn Năm Sao, hoàn thành và tổ chức Lễ khánh thành đưa vào sử dụng ngày 25/12/2012.

(iv)- Dự án khai thác tài nguyên sét và chế biến tại chỗ, xây dựng nhà máy gạch của Vinacomin: Đã hoàn thành và đưa vào khai thác, vận hành.

(v)- Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy- Phnompenh: đã đưa vào hoạt động trong tháng 12/2013 và dự kiến sẽ tổ chức khánh thành đầu tháng 1/2014.

Về hiệu quả kinh tế- xã hội của các dự án của Việt Nam đầu tư tại Campuchia:

Hiệu quả xã hội: Các dự án của Việt Nam đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả đã góp phần tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế Campuchia; tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động, tăng thu nhập,cải thiện, nâng cao đời sống xã hội (các dự án trồng cây cao su, khai khoáng, phân bón, sản xuất đường cồn điện,...); nâng cao chất lượng y tế, giáo dục cho người dân Campuchia (các dự án xây dựng trường học, bệnh viện); qua đó góp phần cải thiện môi trường và cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao trình độ nhân lực và đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành công-nông nghiệp, năng lượng của Campuchia, đồng thời góp phần nâng cao hợp tác kinh tế và từng bước nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa hai nước;

Các dự án của Việt Nam đã đầu tư đảm bảo theo đúng định hướng chỉ đạo của của hai Thủ tướng Chính phủ hai nước tập trung vào các khu vực dọc biên giới hai nước, gắn hiệu quả đầu tư với đảm bảo an ninh quốc phòng và hỗ trợ người nghèo tại Campuchia. Ngoài các hiệu quả kinh tế- xã hội, các dự án còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng biên giới giữa hai quốc gia.

Hiệu quả kinh tế: Mặc dù nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng dòng vốn đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tiếp tục tăng mạnh mẽ về số lượng dự án, tổng vốn đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án quyết liệt, đúng tiến độ cam kết, đưa vào vận hành dự án hiệu quả góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nền kinh tế của Campuchia, tăng thu ngân sách Chính phủ, góp phần trực tiếp vào tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế Campuchia, cụ thể:

(i) Các dự án triển khai trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán: đã triển khai hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đóng vai trò là cầu nối thanh toán và hỗ trợ về vốn để thực hiện thành công các dự án, góp phần hạn chế rủi do, tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư vào Campuchia. Đặc biệt, các hiện diện của BIDV tại Campuchia hoạt động hiệu quả và uy tín đã trở thành địa chỉ tin cậy, điểm đến của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Campuchia.

(ii) Hoạt động hàng không, viễn thông: với việc mở đường bay thẳng Hà Nội – PhnomPenh, Phnompenh – Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh - Phnompenh của Vietnam Airlines từ tần suất bay là 3 – 4 chuyến/tuần (năm 2009), đến nay đã tăng lên 7 chuyến/tuần, cho thấy hoạt động hàng không thu được hiệu quả kinh tế rõ rệt, đã góp phần tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai quốc gia; Dự án đầu tư mạng di động của Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), hiện nay đã phủ sóng hầu hết các tỉnh tại Campuchia, hoạt động có hiệu quả, uy tín và chiếm thị phần lớn tại Campuchia (60% thị phần) đã hỗ trợ thiết thực cho DN Việt Nam tại Campuchia.

(iii) Nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây cao su, cụm công nghiệp mía đường: đã góp phần tăng sản lượng, năng suất lúa, tăng lượng gạo xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch XNK của Campuchia; Tận dụng được các điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương như đất đai, khí hậu, tạo doanh thu tốt, có lợi nhuận, đảm bảo khả năng hoàn vốn.

Việc các DN Việt Nam triển khai nhanh chóng, đồng bộ các dự án đầu tư sang Campuchia đã tạo tiếng vang lớn và nâng cao vị thế, uy tín của DNViệt Nam đối với Chính phủ và nhân dân Campuchia, thông qua đó góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy hoạt động thương mại đầu tư giữa hai nước.

2. Về thương mại

Trong 10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đạt 2,94 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Campuchia đạt 2,5 tỷ USD, xuất khẩu Campuchia sang Việt Nam đạt 435 triệu USD - Việt Nam xuất siêu đạt mức 2,1 tỷ USD. Ước tính cả năm 2013, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt gần 3,5 tỷ USD.

Việt Nam luôn duy trì được tỷ trọng xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang Campuchia hàng năm ở mức cao (~ 85%) và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Campuchia là xăng dầu, sắt thép, hàng dệt may, máy móc nông nghiệp; hóa chất, phân bón… Xuất khẩu từ Campuchia sang Việt Nam chủ yếu là mủ cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên liệu thuốc lá.

3. Về du lịch

Trong những năm gần đây, số lượng du khách du lịch từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại liên tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 30%/năm. Theo số liệu Bộ du lịch Campuchia, đến hết tháng 10/2013 lượng khách du lịch 2 chiều Việt Nam - Campuchia đã vượt 1 triệu lượt, trong đó, lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Campuchia đạt 712.038 lượt.

Ước cả năm 2013, lượng du khách Việt Nam đến Campuchia đạt khoảng 850.000 lượt người, tăng 11,5% so với năm 2012 và chiếm khoảng 21% lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia. Theo chiều ngược lại, lượng khách du lịch Campuchia đến Việt Nam là 310.156 lượt, ước cả năm 2013 đạt 340.000 lượt.

4. Về an sinh xã hội

Trong quá trình triển khai đầu tư, các DN Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm cao đối với cộng đồng qua việc tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Campuchia, góp phần làm ổn định tình hình xã hội, nâng cao đời sống của bà con Campuchia, đặc biệt tại một số vùng khó khăn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số tiền các DN Việt Nam đăng ký và thực hiện an sinh xã hội tại Campuchia trong những năm gần đây là 35 triệu USD, tập trung chủ yếu vào giáo dục, y tế, hỗ trợ người nghèo…, trong đó riêng năm 2013 đạt khoảng 5 triệu USD.

5. Về phương hướng, mục tiêu đến năm 2015

Phấn đấu đến năm 2015: (i) FDI của Việt Nam tại Campuchia đạt 4-4,2 tỷ USD (ii) Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 5 tỷ USD và (iii) du lịch tăng trưởng trên 30%/năm.