Tình hình kinh tế đầu tư 7 tháng đầu năm 2013

Theo gso.gov.vn

Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy ước tính đạt 18479 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 3421 tỷ đồng; vốn địa phương 15058 tỷ đồng. Tính chung bảy tháng năm 2013, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 106,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch năm và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2012, gồm có: 

- Vốn trung ương quản lý đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% kế hoạch năm và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 3709 tỷ đồng, bằng 59,1% và giảm 10,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2329 tỷ đồng, bằng 53,2% và giảm 6,7%; Bộ Xây dựng 842 tỷ đồng, bằng 47,8% và giảm 9,5%; Bộ Y tế 410 tỷ đồng, bằng 47,5% và giảm 28,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 339 tỷ đồng, bằng 48,6% và giảm 27,9%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 273 tỷ đồng, bằng 54,5% và giảm 16%; Bộ Công Thương 179 tỷ đồng, bằng 66% và giảm 22,6%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 83,9 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2012. Vốn đầu tư thực hiện của một số địa phương như sau: Hà Nội đạt 12227 tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch năm và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2012; thành phố Hồ Chí Minh 8742 tỷ đồng, bằng 51% và tăng 6,2%; Quảng Ninh 2399 tỷ đồng, bằng 61,6% và tăng 5,9%; Vĩnh Phúc 2311 tỷ đồng, bằng 77,1% và tăng 21,4%; Đà Nẵng 2221 tỷ đồng, bằng 41,6% và giảm 51,3%; Thanh Hóa 2133 tỷ đồng, bằng 68% và tăng 4%; Bà Rịa-Vũng Tàu 2018 tỷ đồng, bằng 45,8% và tăng 6,8%; Nghệ An 1960 tỷ đồng, bằng 88,7% và giảm 8%; Kiên Giang 1794 tỷ đồng, bằng 66% và tăng 1,6%; Bình Dương 1648 tỷ đồng, bằng 42,4% và tăng 4,8%.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2013 đạt 11911 triệu USD, bằng 119,6% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 677 dự án được cấp phép mới đạt 6919,7 triệu USD, bằng 93,5% số dự án và bằng 110% số vốn cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký bổ sung của 266 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 4991,3 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện Bảy tháng năm nay ước tính đạt 6,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành bảy tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10440,9 triệu USD, chiếm 87,6% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 580,8 triệu USD, chiếm 4,9%; các ngành còn lại đạt 889,3 triệu USD, chiếm 7,5%.

Cả nước có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong bảy tháng, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 2141,5 triệu USD, chiếm 44,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Định 1009,5 triệu USD, chiếm 21,1%; Hải Dương 611,6 triệu USD, chiếm 12,8%; Bình Dương 460,7 triệu USD, chiếm 9,6%; Đồng Nai 338,8 triệu USD, chiếm 7,1%; Hải Phòng 335,4 triệu USD, chiếm 7%; thành phố Hồ Chí Minh 333,5 USD, chiếm 7%.

Trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam trong bảy tháng đầu năm, Xin-ga-po tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 2485,6 triệu USD, chiếm 35,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Liên bang Nga 1015,2 triệu USD, chiếm 14,7%; Nhật Bản 1001,6 triệu USD, chiếm 14,5%; Hàn Quốc 667,3 triệu USD, chiếm 9,6%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông 575,7 triệu USD, chiếm 8,3%; Thái Lan 309,3 triệu USD, chiếm 4,5%, v.v.