Tình hình kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2013

Theo nfsc.gov.vn

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực.

Tăng trưởng tiếp tục tăng dần qua các quý và ước đạt 5,54% trong quý III, đưa GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,14% cao hơn cùng kỳ năm ngoái. GDP quý IV dự báo sẽ tăng ở mức 6% do tổng cầu nền kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn khi tính đến tính chất mùa vụ và tác động của độ trễ chính sách (khoảng 9 tháng) trong những tháng cuối năm. Do vậy, tăng trưởng cả năm được dự báo có phần khả quan hơn so với mức dự báo ban đầu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (5,3%). Một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính có chuyển dấu hiệu khả quan hơn trong tháng như sản xuất, xuất khẩu, lạm phát, vốn đầu tư FDI. Chỉ số chứng khoán-chỉ báo sớm của nền kinh tế cũng cho thấy dấu hiệu đã qua đáy trung dài hạn. Cụ thể:

Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn : chỉ số PMI tháng 9 tăng cao nhất kể từ khi tiến hành khảo sát (đạt 51,5) nhờ sự gia tăng các đơn hàng mới đặc biệt đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong vòng lịch sử khảo sát của HSBC kéo dài 2,5 năm. Ngoài ra, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) phục hồi dần qua các quý: quý I tăng 4,5%, quý II tăng 5,2%, quý III ước tăng 6%. Tính chung 10 tháng đầu năm, IIP tăng 5,4% trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi khá hơn mặt bằng chung ở mức 6,8%.

Nguồn vốn FDI khả quan và cơ cấu vốn tích cực: Tính đến tháng 10/2013, FDI thu hút đạt trên 19 tỷ USD, tăng 65,6%, vốn FDI thực hiện đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, thiết bị điện tử vẫn là các lĩnh vức hấp dẫn nhất, trong 9 tháng chiếm 86,4% tổng vốn cấp mới & tăng thêm và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ giúp VN cải thiện năng lực sản xuất dài hạn và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 15,2%), nhập siêu ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (thâm hụt 187 triệu USD). Trong đó, khu vực FDI hiện vẫn là trụ cột trong hoạt động xuất khẩu với tỷ trọng 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 27,2% so với cùng kỳ). Trong khi đó, do chịu tác động mạnh của chính sách trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh hơn kể từ năm 2011 so với khu vực FDI (Hình 1). Xu hướng có phần cải thiện hơn trong năm 2013 so với năm 2012 khi hoạt động động xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực này lần lượt tăng 3% và 3,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất và máy móc phục vụ sản xuất cũng tăng khá cho thấy triển vọng phục hồi sản xuất trong nước sáng sủa hơn. 

Tình hình kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2013 - Ảnh 1

Tuy nhiên, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cũng như việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn trong trung hạn đang gặp nhiều thách thức. Phân tích xu thế tăng trưởng dài hạn cho thấy tăng trưởng đang trong xu thế giảm kể từ năm 2006 đến nay do hiệu quả tăng trưởng thấp, mô hình tăng trưởng không còn phù hợp (Hình 2). Mặc dù thành phần tăng trưởng do chu kỳ đã bắt đầu cải thiện từ quý 2/2013 (Hình 3), nhưng sự phục hồi tăng trưởng nhanh hơn còn nhiều thách thức do: tăng trưởng còn phụ thuộc vào cầu bên ngoài biến đổi khó lường (xuất khẩu và khu vực FDI), trong khi động lực cho tăng trưởng trong ngắn hạn là nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách bị hạn chế bởi cân đối ngân sách khó khăn, nợ công ng tăng cao và cầu nội địa trong nước còn chậm hồi phục khiến cho sản xuất khó tăng trưởng mạnh và doanh nghiệp trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, cần phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong vòng 2-3 năm tới nhằm nâng cao năng suất của nền kinh tế, cải thiện tốc độ tăng trưởng dài hạn.

Tình hình kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2013 - Ảnh 2

Lạm phát

Lạm phát tiếp tục giảm xuống mức thấp. Lạm phát theo tháng có xu hướng tăng kể từ tháng 6 và đạt mức cao trong hai tháng cuối quý 3/2013 (bình quân tháng trong quý 3 tăng 0,7% so với mức âm của quý trước). Tuy nhiên, CPI các tháng này chịu tác động chủ yếu của việc điều chỉnh mùa vụ (giá các hàng hóa, dịch vụ công do nhà nước quản lý) chứ không phải do các yếu tố cơ bản của lạm phát tăng, đặc biệt là tổng cầu hiện vẫn còn thấp (Hình 4). Sang tháng 10/2013, lạm phát so với cùng kỳ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 (5,92%) và lạm phát cơ bản cũng trong xu hướng giảm (từ mức 10% trong tháng 9 xuống còn 8,85%). So với tháng trước, CPI tăng 0,49% do sự tăng lên của nhóm hàng lương thực thực phẩm và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.

Tình hình kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2013 - Ảnh 3

Trong quý 4/2013, phân tích yếu tố chu kỳ cho thấy đây là quý có mức tăng cao nhất trong năm, tuy nhiên sức cầu còn yếu nên sẽ hạn chế đáng kể đà tăng giá trong các tháng tới. Các yếu tố chính gây tăng giá trong quý này bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu mua sắm theo thời vụ các tháng cận Tết, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, gas. Dự báo lạm phát bình quân tháng sẽ dao động trong khoảng 0,6-0,8% nếu không có điều chỉnh đột biến về giá các mặt hàng nhà nước quản lý.

Tính đến tháng 10, CPI tăng 5,14% so với đầu năm, do đó dư địa còn lại cho lạm phát quý 4 là 1,9% tương ứng với mức bình quân tháng khoảng 0,63%. Lạm phát cả năm 2013 dự báo vẫn được kiểm soát xung quanh mức 7% nếu như có sự quản lý và điều tiết tốt việc điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước quản lý. Đây sẽ là thành quả nổi bật của kinh tế Việt Nam trong việc duy trì lạm phát ổn định liên tiếp 2 năm giúp ổn định kỳ vọng lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Khu vực Ngân sách Nhà nước: cân đối ngân sách tiếp tục khó khăn.

Thu Ngân sách Nhà nước lũy kế đến 15/10 ước đạt 70,1% dự toán, thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước cũng như so với yêu cầu tiến độ thực hiện dự toán20. Thu Ngân sách Nhà nước tiếp tục đạt thấp do thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 68,5% và 62,5% dự toán do sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chịu thuế giảm so cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguồn thu từ dầu thô – nhân tố chính bù đắp hụt thu từ thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 86,4% dự toán, thấp hơn nhiều so với 103,6% và 116,9% dự toán của cùng kỳ năm 2012 và 2011. Vì vậy, thu Ngân sách Nhà nước trong năm 2013 khó khăn hơn năm 2012, hụt thu khoảng 63.630 tỷ đồng.

Sang năm 2014, thu Ngân sách Nhà nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng nợ đọng thuế, chuyển giá; sự phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn chậm, giảm thu chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giá dầu thô thế giới giảm. Do vậy, cần có những biện pháp triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cơ cấu lại hệ thống các cơ quan hành chính, đoàn thể, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư công 

Thị trường tiền tệ - ngoại hối.

Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, mặc dù có vài biến động ngắn hạn trong trung tuần tháng 10 do tâm lý đón đầu nhu cầu tín dụng tăng vào cuối năm mang tính chất mùa vụ. Trong 10 tháng qua, rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm bớt với những chuyển biến tích cực như: (1) thanh khoản hệ thống dồi dào với sự gia tăng mạnh của tiền gửi của khu vực dân cư và TCKT (hệ LDR giảm) khiến cho mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và cả LNH giảm mạnh xuống mức thấp ngang với thời điểm năm 2006; (2) cơ cấu tín dụng cũng có sự chuyển biến tích cực với việc cơ cấu kỳ hạn, cơ cấu đồng tiền trở nên hợp lý hơn (tín dụng VNĐ tăng trong khi tín dụng ngoại tệ giảm), đường cong lãi suất hợp lý hơn theo nguyên lý kinh tế. Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,82%, cao hơn so với cùng kỳ và chiếm hơn 50% kế hoạch. Để đạt được kế hoạch cả năm, tốc độ tăng bình quân các tháng cuối năm cần phải đạt mức 1,7%/tháng.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định và chỉ có vài biến động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý nhất thời. Theo nhận định của UBGSTCGQ, thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào (nguồn cung FDI, ODA, kiều hối khả quan) trong khi cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Thị trường chứng khoán tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc, biểu hiện: (1) Chỉ số Vn-index cải thiện qua từng tháng; (2) Thanh khoản tuy chưa cao nhưng ổn định qua từng phiên giao dịch và tăng dần từng tháng; (3) Các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quay lại thị trường; (4) Phân tích kỹ thuật cũng cho thấy nhiều khả năng thị trường đã qua đáy trung và dài hạn. Như vậy, sự phục hồi của nền kinh tế trong nước cùng với khả năng gói QE3 của nước Mỹ được kéo dài ít nhất hết năm 2013 đã khiến kỳ vọng về diễn biến thị trường chứng khoán lạc quan hơn trong những tháng cuối năm.

Kiến nghị

Về định hướng chung: những chính sách được thực hiện trong thời gian qua với định hướng ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đạt được những kết quả nhất định. Chính sách điều hành trong thời gian tới cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế trong nước và củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường. Đồng thời, để thúc đẩy tăng trưởng, một mặt cần có giải pháp chung từ tổng vốn đầu tư xã hội ở mức cần thiết (30-32% GDP), mặt khác cần tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất nền kinh tế.

Về công tác quản lý giá: lạm phát trong những tháng vừa qua tăng khá mạnh so với giai đoạn đầu năm. Dù vậy, như đã phân tích, CPI tăng trong những tháng qua không phải do những yếu tố cơ bản mà chủ yếu là do việc chủ động điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công. Vì vậy, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp, tránh việc tăng giá tùy ý (về thời điểm tăng giá, mức tăng giá…) nhằm tránh gây tác động lạm phát tâm lý trong thời gian tới.

Về chính sách tài khóa: trong một hai năm tới, khi tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, vấn đề cân đối ngân sách sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo cân đối ngân sách cho những năm tới, cần rà soát lại các khoản chi thường xuyên không hợp lý, cơ cấu lại chi thường xuyên theo hướng tinh giản bộ máy cơ quan Nhà nước và đoàn thể, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Đồng thời, để đảm bảo bền vững của Ngân sách Nhà nước, an toàn nợ công cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn trong đó cụ thể hóa các mục tiêu dài hạn về thâm hụt ngân sách, kế hoạch vay và trả nợ công, cũng như kế hoạch cơ cấu lại các khoản chi, nhất là chi thường xuyên.