Tình hình kinh tế Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2013

Theo ncseif.gov.vn

Sản xuất kinh doanh

Khu vực công nghiệp và xây dựng

Trong tháng 10, tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự được cải thiện nhiều. Tính đến cuối tháng 9/2013, tăng trưởng tín dụng toàn quốc đạt 6,8%, chỉ đạt nửa chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Đối với các ngân hàng, mặc dù rất muốn tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, tuy nhiên do tình hình nợ xấu vẫn còn trong tình trạng lo ngại nên đa số các ngân hàng có tâm lý dè dặt trong việc cho vay.

Động thái tích cực trong tháng này đối với khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp đó là việc VAMC mua lại một phần nợ xấu. Tính đến thời điểm 17/10/2013, VAMC đã mua được 4.978 tỷ đồng nợ trên sổ sách với trị giá trái phiếu được phát hành là 3.800 tỷ đồng với cơ cấu 60% là nợ liên quan đến bất động sản, 1/3 là nợ từ các doanh nghiệp nhà nước. Giải quyết căn nguyên “nợ xấu” dẫn đến tình trạng khó tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các điều kiện sản xuất và xuất khẩu chưa thật sự thuận lợi với doanh nghiệp trong một số ngành hàng (sắt thép, hạt điều..). Điển hình là tình hình xuất khẩu thép của các doanh nghiệp Việt Nam trở lên khó khăn hơn trong tháng 10. Brazil, quốc gia chiếm 30% thị phần xuất khẩu thép cuộn cán nguội của Việt Nam, đã tăng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm này lên 35,6%. Tương tự, Indonesia đã áp thuế 13,5 – 36,6% với các sản phẩm này (theo hiệp hội thép Việt Nam – VSA).

Theo đó, ước tính, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10  tăng khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị); sản xuất xe có động cơ; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất; khai thác, xử lý và cung cấp nước; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Một số ngành có mức tăng khá là: Sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất và phân phối điện; Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất thiết bị điện; sản xuất, chế biến thực phẩm và ngành sản xuất thuốc lá; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học; sản xuất kim loại; khai thác than cứng và than non; khai khoáng khác.

Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy sự phục hồi còn chậm. Tham khảo chỉ số PMI Việt Nam của HSBC trong 9 tháng đầu năm cho thấy, chỉ số này sau tháng 3 và tháng 4 liên tục tăng đã có 4 tháng liên tiếp đạt dưới 50 điểm và tháng 9 vừa qua mới có sự tăng nhẹ lên 51.5 điểm. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn còn khá thận trọng trong việc mở rộng sản xuất khi các điều kiện thị trường chưa thực sự thuận lợi.

Khu vực nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình mưa bão.  Thời tiết bão và mưa kéo dài làm ngập, đổ nhiều diện tích lúa, trong đó một phần diện tích bị mất trắng, ảnh hưởng phần nào đến kết quả sản xuất. Tốc độ tăng trưởng ở mức thấp so với cùng kỳ những năm trước đây.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục gặp khó khăn do giá bán sản phẩm ở mức thấp trong khi giá thức ăn và các chi phí khác cho chăn nuôi ở mức cao khiến người nuôi không có lãi. Dịch bệnh trên gia cầm những tháng đầu năm diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi

Trong nuôi trồng thủy sản, tăng trưởng của ngành vẫn đạt mức khá. Tính chung 10 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 4927 nghìn tấn, tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai khác chín tháng đạt 2263,4 nghìn tấn, tăng 2.9 % so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, riêng ngành sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn với tình trạng thua lỗ kéo dài nên diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân một mặt do giá cá tra nguyên liệu giảm, giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng; mặt khác do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Bên cạnh đó, cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp mức thuế chống phá giá với mức thuế nhập khẩu cao làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Khu vực dịch vụ

Tiêu dùng đã có mức tăng dần theo tháng nhưng vẫn tương đối yếu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ 10 tháng năm 2013 ước tính chỉ tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 1847,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,9%; khách sạn nhà hàng đạt 257 nghìn tỷ đồng, chiếm 12%; dịch vụ đạt 211 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1%; du lịch đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thông thường, về cuối năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng gia tăng, tháng 9 năm 2013 cũng không nằm ngoài quy luật này với 2,38 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI 9 tháng đầu năm 2013 vào VN lên 15 tỉ USD (vượt mục tiêu đề ra của cả năm là 14 tỉ USD), tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 9,29 tỉ USD, vốn đăng ký tăng thêm 5,71 tỉ USD. Tuy nhiên, vốn giải ngân FDI chưa có sự đột biến chỉ đạt khoảng 8,62 tỉ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn đầu tư FDI đăng kí trong 9 tháng năm 2013 vẫn tập trung vào một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đạt 118,8 tỷ USD (chiếm 53,3% tổng số vốn FDI); kinh doanh bất động sản đạt 48,23 tỷ USD (chiếm 21,6% tổng số vốn), tiếp đến là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2,77 tỷ USD (chiếm 4,7% tổng số vốn).

Giá cả 

CPI tháng 10/2013 ước tính tăng khoảng 0.8% so với tháng trước. Trong tháng 10, yếu tố làm gia tăng của lạm phát là mức tăng giá cả của nhóm hàng thực phẩm, nhóm hàng rau củ, ước tính tăng thêm khoảng 15-25%. Ngoài ra tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và sự tăng giá nước tại thành phố Hà Nội cũng thúc đẩy mức tăng giá cả chung. Một số nhóm hàng hóa vẫn trong xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ như gạo, đường, thức ăn chăn nuôi, xi măng, gas, xăng dầu….

Nhìn chung, trong 10 tháng đầu năm 2013 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây; đến hết qúy III/2013 chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 4,63% so với  tháng 12 năm trước. Nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng 3 qúy đầu năm tăng thấp chủ yếu là do nhóm hàng hóa lương thực giảm mạnh (giảm -1,43%) và làm cho nhóm hàng ăn uống và dịch vụ tăng ở mức rất thấp (chỉ tăng khoảng 3% so với tháng 12 năm trước, và đây cũng là nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa; riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất từ trước đến nay (hết qúy III tăng đến 18,7% so với tháng 12 năm trước).

Dự báo, CPI sẽ tiếp tục duy trì đà tăng vào các tháng cuối năm do ảnh hưởng yếu tố mùa vụ, ảnh hưởng từ các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế tiếp tục được thực hiện đẩy sức mua lên vào cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Xuất nhập khẩu

Theo Tổng cục hải quan, 15 ngày đầu tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 11,61 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tính đến hết ngày 15/10 đạt 204,17 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể:

Xuất khẩu

Nửa đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt 5,75 tỷ USD, giảm 8% so với nửa cuối tháng 9.

Về cơ cấu, khu vực FDI vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. 15 ngày đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt 3,59 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù kim ngạch này tuy có thấp hơn mức xuất khẩu kỳ 2 tháng 9 nhưng vẫn giúp tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng tốt của khu vực FDI là do sự tăng trưởng tốt của các mặt hàng chủ lực của khu vực này như điện thoại và linh kiện điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện máy tính. Cụ thể, giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại vẫn đạt giá trị cao nhất trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đạt mức 16,67 triệu USD, tăng 80,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau là giá trị xuất khẩu của các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện máy tính, đạt 8,16 triệu USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại với đà tăng trưởng tốt của các mặt hàng xuất khẩu của khu vực FDI, các mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhận các tín hiệu không tốt. Tính riêng 15 ngày đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ đạt 2,45 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chủ yếu là do sự giảm giá của mặt hàng trên.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá xuất khẩu gạo đang có xu hướng tăng dần, theo đó, giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đang ở mức 390USD/ tấn, tăng 5-10 USD so với những ngày đầu tháng, chủ yếu là do sự khan hiếm khi mùa thu hoạch chưa tới trong khi nhu cầu mua bán tiểu ngạch đang gia tăng. Do đó, dự báo trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều khả năng được cải thiện hơn so với tháng 9.

Mặt hàng dầu thô trong nửa tháng đầu tháng 10 cũng ghi nhận mức sụt giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 5,65 triệu USD. Mức giảm này phù hợp với mức giảm giá chung của mặt hàng này trên thế giới. Theo đó, những động thái đóng của chính phủ Mỹ cũng như những báo cáo gần đây của cơ quan thông tin năng lượng Mỹ đã khiến giá dầu thô giảm mạnh, giữ ở mốc thấp nhất trong 4 tháng vừa qua. Do đó, dù tăng trưởng sản lượng xuất khẩu dầu thô vẫn ở mức tốt nhưng giá trị xuất khẩu dầu thô được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong tháng 10 này.

Tính chung 10 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những sự thay đổi trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu. Theo đó, ngành hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp có xu hướng tăng dần tỷ trọng trong khi nhóm hàng nông lâm sản đang mất dần vị thế của mình. Cụ thể, giá trị hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp từ mức 5,58 tỷ USD trong tháng 1 đã đạt mức 6,27 tỷ USD trong tháng 9, tăng 690 triệu USD, trong khi đó các mặt hàng nông sản tuy liên tục tăng về sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Giá trị của ngành hàng này đã giảm 1,14 tỷ USD trong tháng 1 xuống còn 716 triệu USD trong tháng 9, làm gia tăng khoảng cách giữa 2 nhóm hàng chủ lực trên. Điều này khá phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam trong 10 tháng qua, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào khối ngoại FDI.

Nhập khẩu

Nửa đầu tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 5,86 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với nửa cuối tháng 9 nhưng nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt nam từ đầu năm lên mức 102,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
 

Trong đó, giá trị nhập khẩu của máy móc, thiết bị và phụ tùng đã có mức cải thiện đáng kể, đạt mức 14,16 triệu USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam, phản ánh những tín hiệu phục hồi trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu chủ yếu vẫn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI khi kim ngạch nhập khẩu của máy vi tính, sản phẩm điện tử; điện thoại và linh kiện điện thoại luôn ở mức cao, tăng lần lượt 40,4 và 74,8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, các doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực nhập khẩu chủ yếu của nền kinh tế, chiếm 56,8% tổng trị giá nhập khẩu Việt Nam với mức nhập khẩu đạt 3,3 tỷ USD trong nửa đầu tháng 10.

Cán cân thương mại

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt nam trong kỳ 1 tháng 10 thâm hụt 113 triệu USD, kéo theo cán cân thương mại Việt Nam thâm hụt ở mức 310 triệu USD. Ước tính trong cả tháng 10, mức thâm hụt sẽ ở mức 250 triệu USD do những khởi sắc trong nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước, cải thiện tình hình kinh tế Việt nam trong những tháng cuối năm.