Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012

Theo Tổng cục Thống kê

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp

Tính đến 15/4/2012, cả nước đã gieo cấy được 3078,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy, diện tích đạt 1147,8 nghìn ha, bằng 101,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1930,3 nghìn ha, bằng 99,2%. Hiện thời tiết tại các địa phương phía Bắc diễn biến tương đối thuận cho sự sinh trưởng và phát triển của lúa. Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để đạt kết quả sản xuất tốt nhất.

Tính đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1718,9 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 104,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1523,4 nghìn ha, chiếm 96,4% diện tích gieo cấy và bằng 104,3%. Theo báo cáo sơ bộ, sản lượng lúa toàn vùng ước tính đạt 10,8 triệu tấn, tăng 280 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước, chủ yếu do năng suất tăng 1,2 tạ/ha. Năng suất lúa tăng một mặt do thời gian ngập lũ trước đó kéo dài mang lại lượng lớn phù sa, làm đất đai thêm màu mỡ; mặt khác do các địa phương thực hiện các khâu đúng lịch thời vụ như đã được khuyến cáo và sử dụng các giống lúa năng suất cao, đồng thời ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quá trình chăm bón, đặc biệt là sử dụng bảng so màu lá lúa, cũng như thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên hạn chế được dịch bệnh, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Tại khu vực Duyên Hải miền Trung, thời tiết diễn biến khá thuận nên năng suất lúa đông xuân của các tỉnh tăng so với năm trước, trong đó một số địa phương có năng suất lúa tăng cao là: Quảng Nam tăng 5 tạ/ha; Phú Yên tăng 3,2 tạ/ha; Bình Định tăng 0,8 tạ/ha.

Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 575,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 85,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 569 nghìn ha, bằng 88,2%.

Tính đến giữa tháng Tư, cả nước gieo trồng được 452,4 nghìn ha ngô, bằng 90% cùng kỳ năm trước; 84,8 nghìn ha khoai lang, bằng 90,2%; 156,4 nghìn ha lạc, bằng 90,9%; 52,9 nghìn ha đậu tương, bằng 47,1%; 443,1 nghìn ha rau đậu, bằng 99,1%.

Theo báo cáo sơ bộ, đàn trâu, bò trong tháng cả nước ước tính giảm 7% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm làm 1,5 nghìn con gia súc bị chết. Riêng chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển với nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp thu mua và người chăn nuôi nên tổng đàn bò sữa tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2011. Đàn lợn mặc dù tăng 3-4% nhưng người nuôi vẫn gặp khó khăn do tâm lý lo ngại của người tiêu dùng đối với việc sử dụng chất kích thích tạo nạc trong chăn nuôi lợn tại một số địa phương. Đàn gia cầm ước tính tăng 5-6%, hiện nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm trên thị trường có xu hướng tăng lên. Tính đến ngày 23/4/2012, dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm, long móng trên trâu, bò đã được khống chế; dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày còn ở Điện Biên, Yên Bái, Nam Định và Phú Thọ.

  Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 4 năm 2012

Lâm nghiệp

Thời tiết trong tháng mặc dù đã có mưa nhưng lượng mưa thấp nên tình trạng khô hạn vẫn xảy ra tại một số địa phương, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là công tác trồng rừng. Diện tích rừng trồng tập trung tháng Tư ước tính đạt 11,3 nghìn ha, bằng 93,4% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán là 17,4 triệu cây, tăng 1,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 386 nghìn m3, tăng 9%; sản lượng củi khai thác đạt 2,7 triệu ste, tăng 2,2%. Tính chung bốn tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 28 nghìn ha, bằng cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 79,4 triệu cây, tăng 2,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1431 nghìn m3, tăng 9,2%; sản lượng củi khai thác đạt 9,9 triệu ste, tăng 2,5%.

Tính đến 18/4/2012, trên địa bàn cả nước không còn khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt khô hạn kéo dài nên hiện tượng cháy rừng vẫn xuất hiện ở một số địa phương. Trong tháng có 100 ha rừng bị cháy và bị chặt phá. Tính chung bốn tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 801 ha, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2011, trong đó diện tích rừng bị cháy là 708 ha, gấp hơn 13 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 93 ha, gấp 1,5 lần.

Thủy sản

Sản lượng thuỷ sản tháng Tư ước tính đạt 408,2 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 322,8 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng tôm đạt 35,2 nghìn tấn, tăng 7,6%. Tính chung tổng sản lượng thủy sản bốn tháng đầu năm nay ước tính đạt 1546,4 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1180,8 nghìn tấn, tăng 3,5%; tôm đạt 139,7 nghìn tấn, tăng 6,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng bốn tháng ước tính đạt 706,7 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó cá đạt 538,1 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 102,5 nghìn tấn, tăng 7,7%. Tình hình nuôi trồng thủy sản bốn tháng đầu năm nhìn chung tương đối thuận lợi do giá các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực như: Cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng... tăng. Riêng nuôi cá tra mặc dù có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro do các doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, dẫn đến giá cá tra nguyên liệu không ổn định trong nhiều tháng qua và liên tục giảm trong tháng Tư. Sản lượng cá tra thu hoạch của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tháng Tư ước tính đạt gần 80 nghìn tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2011, làm cho sản lượng chung của cá nuôi tăng chậm so với các tháng trước. Một số địa phương có sản lượng cá tra trong tháng đạt thấp là: An Giang 22 nghìn tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước; Vĩnh Long 4 nghìn tấn, giảm 65%.

Nuôi tôm phát triển khá thuận lợi, dịch bệnh tuy có xảy ra nhưng không lan trên diện rộng và phần lớn các diện tích bị dịch bệnh đã được xử lý kịp thời nên sản lượng thu hoạch trong tháng đạt khá. Một số địa phương có sản lượng tôm nuôi tăng cao trong tháng Tư là: Cà Mau đạt 11 nghìn tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2011; Bạc Liêu đạt 5 nghìn tấn, tăng 14%.

Nuôi trồng các loại thủy sản khác tương đối ổn định theo hướng đa canh, đa con kết hợp để mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Mô hình nuôi phổ biến tại các địa phương hiện nay là kết hợp tôm – cá; tôm -  cua; tôm – lúa; lúa - cá hoặc nuôi lồng, bè trên biển với các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá mú, cá giò, tu hài...

Thời tiết biển khá thuận cho hoạt động khai thác thủy sản. Sản lượng thủy sản khai thác bốn tháng đầu năm ước tính đạt 833,7 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khai thác biển đạt 784,8 nghìn tấn, tăng 3,3%. Việc thực hiện tích cực Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn khai thác trên các vùng biển xa bờ, cùng với việc triển khai khẩn trương dự án quan sát bằng vệ tinh cho tàu cá có công suất 90CV trở lên tại các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (Tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2010 và 2011 là 7,9% và 10%). Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,6%; công nghiệp chế biến tăng 3,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14%.

Trong ngành công nghiệp khai thác mỏ, sản xuất than bị ảnh hưởng do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gặp khó khăn. Sản lượng than bốn tháng giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu than giảm 4,2%; tồn kho than sạch đầu tháng Tư là 6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả sản xuất của ngành công nghiệp chế biến đạt thấp chủ yếu do kinh tế trong nước và thế giới gặp khó khăn nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng trong dân cư giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp; lãi suất vay mặc dù đã hạ nhưng vẫn còn ở mức cao. Sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm phục vụ xây dựng nhìn chung giảm mạnh. Ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước bốn tháng cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho sản xuất và sinh hoạt, chủ yếu do một số nhà máy phát điện mới được đưa vào hoạt động cùng với việc huy động năng lực sản xuất điện của nhiều đơn vị ngoài EVN.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất bốn tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Đóng và sửa chữa tàu tăng 173%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 46,1%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 19,1%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 17,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 17,2%; sản xuất, tập trung và phân phối điện tăng 14,5%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 14,4%; sản xuất đường tăng 13,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 10,6%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng khá là: Khai thác, lọc và phân phối nước tăng 8,1%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 6,7%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 6,4%; sản xuất bia tăng 4,2%. Nhiều ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 2,6%; sản xuất thuốc lá, thuốc lào tăng 1,7%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 3,1%; khai thác và thu gom than cứng giảm 3,3%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 3,9%; sản xuất giày, dép giảm 6,5%; sản xuất xi măng giảm 6,5%; sản xuất sắt, thép giảm 8,9%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 15,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 17,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Vĩnh Phúc tăng 12,3%; Đồng Nai tăng 6,7%; Hải Dương tăng 5,9%; Bình Dương tăng 5,7%; Bà Rịa -Vũng Tàu tăng 5,7%; Hà Nội tăng 4,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,7%; Cần Thơ tăng 3,6%; Đà Nẵng tăng 2,4%.

Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến ba tháng đầu năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Chế biến và bảo quản rau quả tăng 43,1%; sản xuất đường tăng 42%; sản xuất xe có động cơ tăng 33,4%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 26,9%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 26%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá là: Chế biến bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 15,6%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 15,4%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 4,3%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 1,5%; sản xuất thuốc lá, thuốc lào giảm 0,6%; sản xuất sắt, thép giảm 2,2%; sản xuất xi măng giảm 9,5%; sản xuất giày, dép giảm 11%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 13%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 18,3%; sản xuất giấy nhăn và bao bì giảm 24,8%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 28,7%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 29%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/4/2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 32,1% so với cùng thời điểm năm trước và giảm nhẹ ở mức 0,5% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 101,5%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 94,8%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 90,8%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 63,4%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 51,5%; sản xuất xi măng tăng 44,2%; sản xuất mô tô xe máy tăng 38,9%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 35,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 35,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 31,6%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá là: Sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 20,8%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 16,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm bơ sữa tăng 6,3%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất giày dép tăng 4,9%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 3,5%; sản xuất sắt, thép tăng 1,1%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 22,5%; sản xuất đường giảm 24%.

Sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tồn kho tăng cao, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến. Để tháo gỡ khó khăn trên, vấn đề cần được giải quyết trước mắt là tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước để giảm lượng hàng tồn kho, kích thích sản xuất phát triển, trong đó tăng cường mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng nội địa tại các địa phương. Cùng với việc hạ dần tỷ lệ lãi suất tín dụng, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  Chỉ số sản xuất công nghiệp

  Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp

Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tư năm 2012 ước tính đạt 17065 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4680 tỷ đồng; vốn địa phương 12385 tỷ đồng. Tính chung bốn tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 55314 tỷ đồng, bằng 27,8% kế hoạch năm và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2011[1], gồm có: 

- Vốn trung ương quản lý đạt 14450 tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch năm và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông vận tải đạt 2167 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1284 tỷ đồng, bằng 26,6% và tăng 8,9%; Bộ Xây dựng 484 tỷ đồng, bằng 26,6% và tăng 11,8%; Bộ Y tế 319 tỷ đồng, bằng 28,6% và tăng 9,1%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 275 tỷ đồng, bằng 29,5% và tăng 4,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 189 tỷ đồng, bằng 29,8% và tăng 5,6%; Bộ Công Thương 126 tỷ đồng, bằng 27,9% và tăng 11,2%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 40864 tỷ đồng, bằng 27,6% kế hoạch năm và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước bốn tháng đầu năm của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 4513 tỷ đồng, bằng 18,9% kế hoạch năm và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011; thành phố Hồ Chí Minh 3469 tỷ đồng, bằng 22,3% và tăng 8,3%; Đà Nẵng 1763 tỷ đồng, bằng 27,1% và giảm 32,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1092 tỷ đồng, bằng 28,9% và tăng 2,6%; Quảng Ninh 1049 tỷ đồng, bằng 25,9% và giảm 1,6%.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2012 đạt 4267,1 triệu USD, bằng 68,5% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 169 dự án được cấp phép mới đạt 3099 triệu USD, bằng 44,1% số dự án và bằng 72,6% số vốn cùng kỳ năm 2011; vốn đăng ký bổ sung của 73 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 1168,1 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện bốn tháng đầu năm ước tính đạt 3,6 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành bốn tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2374,3 triệu USD, bao gồm: 1623,4 triệu USD của 82 dự án cấp phép mới và 750,9 triệu USD vốn tăng thêm; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1576,5 triệu USD, bao gồm: 1200,1 triệu USD của 02 dự án cấp phép mới và 376,4 triệu USD vốn tăng thêm; ngành vận tải, kho bãi đạt 180 triệu USD của 01 dự án cấp phép mới.

Cả nước có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong bốn tháng đầu năm, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 1264,3 triệu USD, chiếm 40,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 612,6 triệu USD, chiếm 19,8%; Quảng Ninh 347,4 triệu USD, chiếm 11,2%; Ninh Bình 184,4 triệu USD, chiếm 6%; Khánh Hòa 180 triệu USD, chiếm 5,8%; Tiền Giang 152,6 triệu USD, chiếm 4,9%; Hưng Yên 79,5 triệu USD, chiếm 2,6%...

Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam bốn tháng đầu năm, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 2360,7 triệu USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 349,9 triệu USD, chiếm 11,3%; Hàn Quốc 200,1 triệu USD, chiếm 6,5%; Hà Lan 46,1 triệu USD, chiếm 1,5%; Xin-ga-po 38,3 triệu USD, chiếm 1,2%...

  Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước

  Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 20/4/2012

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/4/2012 ước tính đạt 198,9 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 127,9 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9%; thu từ dầu thô 31 nghìn tỷ đồng, bằng 35,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 38,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,1%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng 30% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 23,2%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 24,8%; thuế thu nhập cá nhân bằng 28,2%; thuế bảo vệ môi trường bằng 25,3%; thu phí, lệ phí bằng 21,2%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/4/2012 ước tính đạt 234,2 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 46,9 nghìn tỷ đồng, bằng 26% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 45,6 nghìn tỷ đồng, bằng 26,2%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 26,2%; chi trả nợ và viện trợ 29,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,9%.

Thương mại, giá cả và dịch vụ

Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 762,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,1%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bốn tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 593,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,9% tổng mức và tăng 20%; khách sạn nhà hàng đạt 87,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% và tăng 23,4%; dịch vụ đạt 73,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,7% và tăng 35,1%; du lịch đạt 7,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 13,2%.

  Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tư ước tính đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,6 tỷ USD, tăng 36,4%.

Trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, tăng 98,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 58,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 95,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,5%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức kim ngạch tăng khá là: Hàng dệt may đạt 4,4 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2011; giày dép đạt gần 2 tỷ USD, tăng 9,3%; thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 13,3%. Riêng xuất khẩu dầu thô, cà phê và gạo giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong đó dầu thô đạt 2,4 triệu tấn, giảm 14,7% và kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD, giảm 3,1%; cà phê đạt 650 nghìn tấn, giảm 7% và kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, giảm 7,9%; gạo đạt gần 2 triệu tấn, giảm 28,1% và kim ngạch đạt 969 triệu USD, giảm 27,8%.

Về thị trường xuất khẩu bốn tháng đầu năm, EU là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 5,7 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2011; tiếp đến là Hoa Kỳ đạt gần 5,7 tỷ USD, chiếm 16,9% và tăng 17,5%; ASEAN đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 14,7% và tăng 16,6%; Nhật Bản đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 12,7% và tăng 51,3%; Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD, chiếm 11,3% và tăng 24,6%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, chiếm 5,1% và tăng 7%...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tư ước tính đạt 9 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước và xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 16,1 tỷ USD, giảm 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỷ USD, tăng 25,9%.

Trong bốn tháng đầu năm, một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có kim ngạch tăng so với cùng kỳ là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, tăng 98,7%; sắt thép đạt 2 tỷ USD, tăng 2,9%; hóa chất đạt 949 triệu USD, tăng 13,9%; nguyên phụ liệu dệt may, giày, dép đạt 935 triệu USD, tăng 1,7%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,6 tỷ USD, giảm 0,8%; xăng dầu đạt 2,9 tỷ USD, giảm 21,9%; vải đạt gần 2 tỷ USD, giảm 6,7%; ô tô 682 triệu USD, giảm 34,2%, trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 169 triệu USD, giảm 56,9%.

Về thị trường nhập khẩu bốn tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là ASEAN đạt 6,6 tỷ USD, chiếm 19,7% và giảm 1,2%; Hàn Quốc đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 13,4% và tăng 13,4%; Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 10,4% và tăng 11%; EU đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 7,2% và tăng 13,3%.

Nhập siêu tháng Tư ước tính 400 triệu USD, bằng 4,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu bốn tháng đầu năm là 176 triệu USD, bằng 0,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

  Hàng hóa xuất khẩu

  Hàng hóa nhập khẩu

Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư tăng nhẹ ở mức 0,05% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư tăng ở mức thấp chủ yếu do chỉ số giá của nhóm có tỷ trọng lớn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh với mức giảm 0,8% (Lương thực giảm 1,69%; thực phẩm giảm 0,87%). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng hơn 1% là: Giao thông tăng 2,67%; giáo dục tăng 1,63%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng dưới 1% hoặc giảm gồm: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,56%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,2%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2012 tăng 2,6% so với tháng 12/2011 và tăng 10,54% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân bốn tháng đầu năm nay tăng 14,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2011.

Chỉ số giá vàng tháng 4/2012 giảm 2,62% so với tháng trước; giảm 3,50% so với tháng 12/2011 và tăng 15,89% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2012 giảm 0,07% so với tháng trước; giảm 1,06% so với tháng 12/2011 và giảm 0,85% so với cùng kỳ năm 2011.

  Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng Tư năm 2012

Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách bốn tháng năm 2012 ước tính đạt 1089,2 triệu lượt khách, tăng 14,7% và 45,9 tỷ lượt khách.km, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 15,7 triệu lượt khách, tăng 10,1% và 10,7 tỷ lượt khách.km, tăng 9,4%; vận tải địa phương đạt 1073,5 triệu lượt khách, tăng 14,9% và 35,2 tỷ lượt khách.km, tăng 12,6%. Vận tải hành khách đường bộ bốn tháng ước tính đạt 1009,6 triệu lượt khách, tăng 15,8% và 34,5 tỷ lượt khách.km, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 68,6 triệu lượt khách, tăng 0,5% và 1,5 tỷ lượt khách.km, tăng 1%; đường hàng không đạt 5,4 triệu lượt khách, tăng 4,1% và 8,5 tỷ lượt khách.km, tăng 9,6%; đường sắt đạt 3,7 triệu lượt khách, tăng 5,8% và 1,3 tỷ lượt khách.km, tăng 6,2%; đường biển đạt 2 triệu lượt khách, tăng 1,4% và 112,1 triệu lượt khách.km, tăng 1,7%.

Vận tải hàng hóa bốn tháng năm 2012 ước tính đạt 288 triệu tấn, tăng 11,1% và 66,3 tỷ tấn.km, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 275,8 triệu tấn, tăng 12,4% và 25,5 tỷ tấn.km, tăng 3,2%; vận tải ngoài nước đạt 12,2 triệu tấn, giảm 8,5% và 40,7 tỷ tấn.km, giảm 7,2%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 227,4 triệu tấn, tăng 13,8% và 12,2 tỷ tấn.km, tăng 10,7%; đường sông đạt 43,4 triệu tấn, tăng 5,1% và 4,6 tỷ tấn.km, tăng 4,8%; đường biển đạt 14,8 triệu tấn, giảm 10,8% và 48,1 tỷ tấn.km, giảm 9,9%; đường sắt đạt 2,3 triệu tấn, giảm 9,5% và 1,2 tỷ tấn.km, giảm 10,7%.

  Vận tải hành khách và hàng hóa

Bưu chính, viễn thông

Số thuê bao điện thoại phát triển mới bốn tháng đầu năm ước tính đạt 3,5 triệu thuê bao, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: 10,2 nghìn thuê bao cố định, bằng 38,1% cùng kỳ và 3,5 triệu thuê bao di động, tăng 20,8%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 4/2012 ước tính đạt 134,4 triệu thuê bao, tăng 2,5% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,3 triệu thuê bao cố định, giảm 1,7% và 119,1 triệu thuê bao di động, tăng 3,1%.

Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 4/2012 ước tính đạt 4,4 triệu thuê bao, tăng 20,4% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng Tư năm 2012 ước tính đạt 32,2 triệu người, tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm 2011. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông bốn tháng đầu năm nay ước tính đạt 45,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta trong bốn tháng đầu năm ước tính đạt 2493,7 nghìn lượt người, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1482,6 nghìn lượt người, tăng 23%; đến vì công việc 429,5 nghìn lượt người, tăng 26,7%; thăm thân nhân đạt 441,5 nghìn lượt người, tăng 20,6%.

Trong bốn tháng đầu năm, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc 513,2 nghìn lượt người, tăng 23,3%; Hàn Quốc 274,6 nghìn lượt người, tăng 49,3%; Nhật Bản 211,9 nghìn lượt người, tăng 25,3%; Hoa Kỳ 177,4 nghìn lượt người, tăng 4,9%; Đài Loan 155,9 nghìn lượt người, tăng 30,2%; Pháp 95,8 nghìn lượt người, tăng 13,4%; Ma-lai-xi-a 93,4 nghìn lượt người, tăng 28,3%; Nga 74,7 nghìn lượt người, tăng 50,9%. Một số nước có lượng khách đến nước ta giảm so với cùng kỳ năm trước là: Cam-pu-chia 120,6 nghìn lượt người, giảm 3,4%; Ôx-trây-li-a 110 nghìn lượt người, giảm 3,6%.

  Khách quốc tế đến Việt Nam

Một số vấn đề xã hội

Thiếu đói trong nông dân

Trong tháng 4/2012, cả nước có 61,3 nghìn hộ thiếu đói, chiếm 0,6% tổng số hộ nông nghiệp, tương ứng với 261 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,5% tổng số nhân khẩu nông  nghiệp. So với cùng kỳ năm 2011, số hộ thiếu đói giảm 16,7% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 20,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 19,6 nghìn tấn lương thực và 22,4 tỷ đồng, riêng tháng Tư đã hỗ trợ gần 2 nghìn tấn lương thực.

Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng Tư, trên địa bàn cả nước có 12,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (7 trường hợp tử vong); 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (2 trường hợp tử vong); 12 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 16 trường hợp mắc bệnh viêm não virút và 2 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu. Tính chung bốn tháng đầu năm, cả nước có 28,2 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (18 trường hợp tử vong); 10,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (7 trường hợp tử vong); 72 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 116 trường hợp mắc bệnh viêm não virút và 15 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (2 trường hợp tử vong).

Trong tháng đã phát hiện thêm 1,8 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến giữa tháng 4/2012 lên 253,7 nghìn người, trong đó 103,5 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 53 nghìn người đã tử vong do AIDS.

Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm làm 972 người bị ngộ độc, trong đó 4 trường hợp tử vong. Tính chung bốn tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1,3 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 7 trường hợp tử vong.          

Tai nạn giao thông

Trong tháng Ba năm 2012, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 806 vụ tai nạn giao thông, làm chết 755 người và làm bị thương 550 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 19,7%; số người chết giảm 5,3%; số người bị thương giảm 38,6%. Tính chung ba tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 2746 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2426 người và làm bị thương 2029 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,8%; số người chết giảm 19,2%; số người bị thương giảm 26,3%. Bình quân một ngày trong ba tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người và làm bị thương 22 người.

Thiệt hại do thiên tai

Thiên tai xảy ra trong tháng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư của nhiều địa phương, đặc biệt là cơn bão số 1 gây mưa lớn và lốc mạnh tại khu vực các tỉnh phía Nam. Thiên tai làm 6 người chết và mất tích; 50 người bị thương; hơn 400 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 6,6 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, tốc mái; 33,5 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, trong đó 7,5 nghìn ha bị mất trắng và 26 nghìn ha bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 139 tỷ đồng, riêng thiệt hại do cơn bão số 1 là 126,7 tỷ đồng.

Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Tình trạng cháy nổ thời gian gần đây tương đối phức tạp. Trong bốn tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 462 vụ cháy, nổ nghiêm trọng, làm 19 người chết và 44 người bị thương. Thiệt hại do cháy, nổ gần 314 tỷ đồng. Đáng chú ý là các vụ cháy, nổ lớn xảy ra tại các tỉnh: Bình Dương, Thái Bình và Tiền Giang, trong đó các vụ nổ ở Bình Dương và Thái Bình làm 7 người chết và 16 người bị thương; vụ cháy tại Tiền Giang gây thiệt hại trên 24 tỷ đồng. Riêng tháng Tư xảy ra 129 vụ cháy, nổ tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm 11 người chết, 17 người bị thương với giá trị thiệt hại là trên 51 tỷ đồng. Để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc do cháy nổ gây ra, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống cháy nổ để người dân nhận thức được đầy đủ nghĩa vụ cũng như tác dụng của việc chấp hành đúng quy định trong phòng cháy, chữa cháy.

Cũng trong tháng Tư, các cơ quan chức năng đã phát hiện 194 vụ vi phạm vệ sinh môi trường tại 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai phát hiện 60 vụ. Số vụ vi phạm vệ sinh môi trường bị xử lý là 78 vụ với tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng.