Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 9 tháng đầu năm 2013

Theo gso.gov.vn

Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Chín, cả nước đã gieo cấy được 1734,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 101% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1185,6 nghìn ha, bằng 100,1%; các địa phương phía Nam gieo cấy 549 nghìn ha, bằng 103,1%. Diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước năm 2013 ước tính đạt 1987,9 nghìn ha, tăng 0,7% so với vụ mùa năm 2012. Theo báo cáo từ các địa phương, hiện nay lúa mùa đã trỗ bông, trà lúa sớm đang trong giai đoạn vào chắc và chín với một phần diện tích đã cho thu hoạch. Thời tiết bão và mưa kéo dài đầu tháng Chín làm ngập, đổ nhiều diện tích lúa, trong đó một phần diện tích bị mất trắng, ảnh hưởng phần nào đến kết quả sản xuất. Nếu điều kiện thời tiết những tháng cuối năm thuận và ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh thì sản lượng lúa mùa cả nước năm nay ước tính đạt 9,6 triệu tấn, tăng 0,9% so với vụ mùa năm 2012; năng suất ước tính đạt 48,1 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha, trong đó năng suất các tỉnh phía Nam tăng 0,8 tạ/ha, chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15/9/2013

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 9 tháng đầu năm 2013 - Ảnh 1

Cùng với việc gieo cấy lúa mùa, các địa phương trên cả nước đang bước vào thu hoạch lúa hè thu. Tính đến 15/9/2013, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1894,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 111,6% cùng kỳ năm trước và chiếm 68,6% diện tích gieo trồng, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1668,1 nghìn ha, bằng 105,4% và bằng 72,3% diện tích xuống giống. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 51,9 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với vụ hè thu trước; sản lượng ước tính đạt 14,3 triệu tấn, tăng 2,7%.

Ước tính diện tích lúa cả năm 2013 đạt 7890,7 nghìn ha, tăng 129,5 nghìn ha so với năm 2012; năng suất đạt 55,9 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 44,1 triệu tấn, tăng 407 nghìn tấn.

Đến trung tuần tháng Chín, cả nước đã gieo trồng được 993,3 nghìn ha ngô, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2012; 131,3 nghìn ha khoai lang, tăng 0,8%; 205,3 nghìn ha lạc, giảm 1,3%; 115,3 nghìn ha đậu tương, tăng 0,3% và 866,4 nghìn ha rau, đậu tăng 4,9%.

Sản lượng cây lâu năm có xu hướng tăng do nhiều diện tích đến kỳ cho sản phẩm. Sản lượng cao su năm 2013 ước tính đạt 936,9 nghìn tấn, tăng 6,8% so với năm trước; cà phê đạt 1331,4 nghìn tấn, tăng 5,6%; chè đạt 931 nghìn tấn, tăng 2,3%; hồ tiêu 123,5 nghìn tấn, tăng 6,5%; dừa 1276,6 nghìn tấn, tăng 0,3%; riêng sản lượng điều chỉ đạt 281,7 nghìn tấn, giảm gần 10% do đầu vụ gặp mưa và ảnh hưởng của sâu bệnh.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục gặp khó khăn do giá bán sản phẩm ở mức thấp trong khi giá thức ăn và các chi phí khác cho chăn nuôi ở mức cao khiến người nuôi không có lãi. Dịch bệnh trên gia cầm những tháng đầu năm diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi. Tính đến giữa tháng Chín, đàn trâu, bò cả nước giảm 2-3% so với cùng kỳ năm 2012; đàn lợn giảm 0,5%; đàn gia cầm giảm 1,5-2%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng chín tháng giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; thịt lợn hơi xấp xỉ cùng kỳ năm trước; thịt gia cầm giảm 1,3%. Tính đến 24/9/2013, cả nước không còn địa phương nào có dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày. Dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở tỉnh Quảng Nam.

Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp từ đầu năm tuy bị ảnh hưởng thời tiết rét đậm đầu vụ và khô hạn kéo dài tại nhiều nơi, đặc biệt tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhưng do có mưa sớm nên các địa phương vẫn bảo đảm được tiến độ thời vụ nên kết quả đạt khá. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước chín tháng ước tính đạt 128,6 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có diện tích rừng trồng mới nhiều như: Tuyên Quang 13 nghìn ha; Yên Bái 12,6 nghìn ha; Bắc Kạn 11,9 nghìn ha; Quảng Ninh 11,6 nghìn ha; Thanh Hóa 10,3 nghìn ha; Phú Yên 12 nghìn ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 167,6 triệu cây, tăng 2,1%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 3645 nghìn m3, tăng 6,6%, một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác lớn là: Bình Định 326,8 nghìn m3; Yên Bái 285 nghìn m3; Quảng Nam 260,3 nghìn m3; Quảng Ngãi 245 nghìn m3; Quảng Ninh 238,6 nghìn m3; Phú Thọ 232 nghìn m3; Thanh Hóa 178,7 nghìn m3; Đắk Lắk 176 nghìn m3. Khai thác gỗ tăng khá chủ yếu do diện tích rừng được quy hoạch với tỷ trọng tương đối lớn trong diện tích rừng hiện có, bên cạnh đó các địa phương đang từng bước thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp.

Thời tiết những tháng đầu năm khô hạn gây ra tình trạng cháy rừng ở một vài nơi. Trong chín tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 1446 ha, giảm 52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 868,8 ha, giảm 57,9%; diện tích rừng bị phá 578 ha, giảm 8,9%. Một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Gia Lai 411 ha; Hà Giang 79 ha; Cà Mau 44 ha; Lâm Đồng 38 ha; Đắk Lắk 31 ha; Lai Châu 27 ha. Một số tỉnh có diện tích rừng bị phá nhiều là: Đắk Nông 130 ha; Lâm Đồng 84 ha; Kon Tum 76 ha; Bình Phước 60 ha; Quảng Nam 45 ha.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản chín tháng năm 2013 ước tính đạt 4496 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3335 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 475 nghìn tấn, tăng 6,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng chín tháng ước tính đạt 2353 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1764 nghìn tấn, tăng 0,3%; tôm đạt 362 nghìn tấn, tăng 8%, thủy sản nuôi trồng khác đạt 227 nghìn tấn, tăng 7%.

Trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn với tình trạng thua lỗ kéo dài nên diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân một mặt do giá cá tra nguyên liệu giảm, giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng; mặt khác do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Bên cạnh đó, cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp mức thuế chống phá giá với mức thuế nhập khẩu cao làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Một số địa phương có diện tích và sản lượng cá tra giảm nhiều là: An Giang giảm 13% về diện tích và giảm 8% về sản lượng; Cần Thơ giảm 5% về diện tích; Vĩnh Long giảm 2% về diện tích và giảm 11% về sản lượng; Bến Tre giảm 5% về diện tích và giảm 4% về sản lượng. Sản xuất cá tra giảm chủ yếu ở khu vực hộ gia đình do hợp đồng với doanh nghiệp chế biến chỉ được ký kết khi cá đạt tiêu chuẩn nên thường xảy ra tình trạng giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp có tính ổn định hơn do chủ động được từng khâu trong quá trình thả nuôi, thu hoạch và tiêu thụ; đồng thời đầu tư theo hướng hiện đại với các tiêu chuẩn cao nhằm hướng đến cung cấp nguồn hàng bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng tốt trên thị trường trong nước và thế giới.

Nuôi tôm đạt sản lượng khá do các địa phương tuân thủ chặt chẽ lịch thả nuôi trong năm và chất lượng con giống được kiểm soát chặt chẽ. Cơ cấu tôm nuôi theo xu hướng phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú vì loại tôm này cho năng xuất và hiệu quả kinh tế cao hơn cũng như ít bị dịch bệnh hơn. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong kỳ ước tính đạt 49 nghìn ha, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 154,3 nghìn tấn, tăng 39,2%.

Hoạt động khai thác thủy sản trong năm có nhiều thuận lợi về thời tiết cũng như về sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong việc trang bị máy thông tin liên lạc và vay vốn ưu đãi, đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Sản lượng thủy sản khai thác chín tháng năm nay ước tính đạt 2143 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 2004 nghìn tấn, tăng 3,5%. Riêng sản lượng cá ngừ đại dương chín tháng ước tính đạt 13 nghìn tấn, giảm 5,7% do chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu làm giá cá giảm mạnh nên nhiều ngư dân chuyển sang nghề lưới cản và khai thác cá ngừ sọc dưa nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.