Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2012

Theo Tổng Cục Thống kê

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2012 - Ảnh 1


Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Mười Một, cả nước đã thu hoạch được 1411,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc thu hoạch được 1110,6 nghìn ha, bằng 101,1%; các địa phương phía Nam thu hoạch được 300,6 nghìn ha, bằng 94,8%.

Mặc dù bão số 8 đã ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa của một số địa phương phía Bắc, nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng năng suất lúa mùa toàn miền Bắc ước tính vẫn đạt 47,7 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ mùa trước; sản lượng ước tính đạt 5,8 triệu tấn, tăng 36 nghìn tấn. Ở phía Nam, thời tiết cơ bản thuận lợi nên ước tính năng suất lúa mùa đạt 45 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ mùa trước, trong đó một số tỉnh có năng suất lúa mùa đạt cao như: Tây Ninh đạt 46,9 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; Bình Định đạt 45,9 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha. Sản lượng lúa mùa của các địa phương phía Nam ước tính đạt 3,5 triệu tấn, tăng 140 nghìn tấn so với vụ mùa năm 2011.

Đến giữa tháng 11/2012, các địa phương phía Nam cũng gieo sạ được 218,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 90,3% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Đồng Tháp đạt 70,6 nghìn ha, Long An đạt 61,5 nghìn ha; Kiên Giang đạt 40 nghìn ha; Tiền Giang 14,5 nghìn ha...

Cùng với việc thu hoạch lúa mùa, các địa phương phía Bắc đang tập trung chăm sóc và gieo trồng cây vụ đông. Nhìn chung tiến độ gieo trồng cây vụ đông đạt khá do thời tiết thuận lợi và thu hoạch vụ mùa năm nay kết thúc nhanh. Tính đến ngày 15/11/2012, các địa phương phía Bắc gieo trồng được 153,1 nghìn ha ngô, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước; 42,2 nghìn ha khoai lang, tăng 11,3%; 7,6 nghìn ha lạc, tăng 68,9%; 49,7 nghìn ha đậu tương, bằng 90,9%; 143,8 nghìn ha rau đậu, tăng 4,3%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng tiếp tục gặp khó khăn do giá thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2012, đàn trâu cả nước có 2,6 triệu con, bằng 96,9% cùng thời điểm năm 2011; đàn bò có 5,2 triệu con, bằng 95,5%; đàn lợn có 26,5 triệu con, bằng 97,9%; đàn gia cầm có 308,3 triệu con, bằng 95,6%. Tính đến ngày 25/11/2012, dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm đã được khống chế trên phạm vi cả nước; dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày còn ở 4 tỉnh là: Khánh Hòa, Kon Tum, Long An và Sóc Trăng.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung tháng Mười Một ước tính đạt 34,4 nghìn ha, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 5,9 triệu cây, tăng 1,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 582 nghìn m3, tăng 32,9%; sản lượng củi khai thác đạt 2,6 triệu ste, tăng 0,8%. Tính chung mười một tháng, diện tích rừng trồng tập trung cả nước đạt 176 nghìn ha, bằng 87,2% cùng kỳ năm 2011; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 176,9 triệu cây, tăng 0,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4509,5 nghìn m3, tăng 13,6%; sản lượng củi khai thác đạt 27,5 triệu ste, tăng 2,4%.

Thời tiết có mưa nhiều nên nguy cơ cháy rừng đã giảm bớt. Trong tháng chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng với 4,1 ha diện tích rừng bị cháy; diện tích rừng bị chặt phá là 10,8 ha. Tính chung mười một tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 3197,6 ha, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó diện tích rừng bị cháy là 2091,5 ha, gấp hơn 2 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 1106,1 ha, tăng 5,9%. Ngoài ra, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 8, tại Nam Định đã có 205 ha rừng phòng hộ ven biển bị gãy, đổ.

Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản tháng Mười Một ước tính đạt 497,5 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 383,4 nghìn tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 53,8 nghìn tấn, giảm 4,8%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 282,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 230,7 nghìn tấn, tăng 4,4%; tôm đạt 37,3 nghìn tấn, giảm 7,9%. Nuôi cá tra còn gặp nhiều khó khăn do giá bán ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao nên diện tích nuôi bị thu hẹp. Nuôi tôm cũng gặp khó khăn do dịch bệnh lan rộng từ những tháng trước đó làm cho phần lớn tôm nuôi phải thu hoạch sớm, năng suất và sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tháng Mười Một ước tính đạt 214,8 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khai thác biển đạt 198,4 nghìn tấn, tăng 4,1%.

Tính chung mười một tháng năm nay, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 5333,8 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2881,8 nghìn tấn, tăng 5,4%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2452 nghìn tấn, tăng 4,6%, trong đó khai thác biển đạt 2274,9 nghìn tấn, tăng 5,2%.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11/2012 ước tính tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9%, đóng góp 2,8 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,4%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất mười một tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2011 là: Đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 141,9%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 50,4%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 37%; sản xuất đường tăng 18,9%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 18,3%; sản xuất pin và ắc quy tăng 17,9%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 15,3%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 12,4%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 11,2%; khai thác dầu thô tăng 11%; sản xuất bia tăng 10,3%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 10,2%. Một số ngành có mức tăng khá như: Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 9,3%, sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 9,3%; khai thác khí đốt tự nhiên tăng 9,1%; sản xuất sợi tăng 8,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 8,5%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 8,5%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 6,3%.

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất thiết bị dây dẫn điện tăng 5,2%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 3,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 1,9%; sản xuất giày, dép giảm 0,6%; sản xuất vải dệt thoi giảm 2,3%; sản xuất sơn, vec ni giảm 2,9%; sản xuất dây cáp, dây điện giảm 3,5%; sản xuất vật liệu từ đất sét giảm 5,6%; sản xuất xi măng giảm 6,2%; sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng giảm 7,5%; sản xuất hàng may sẵn giảm 8,3%; khai thác và thu gom than cứng giảm 9,3%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 9,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 16,4%; khai thác đá, cát, sỏi giảm 20%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp mười một tháng của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như sau: TP Hồ Chí Minh tăng 4,5%; Đồng Nai tăng 6,9%; Bình Dương tăng 8,2%; Hà Nội tăng 5%; Hải Phòng tăng 3,7%; Bắc Ninh tăng 20,6%; Vĩnh Phúc giảm 4,5%; Cần Thơ tăng 4,2%; Hải Dương giảm 1,5%; Đà Nẵng tăng 5,7%.

Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,3%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất đường tăng 107,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 37,9%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 31,8%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 25,7%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 21,9%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 12,2%; sản xuất mì ống, mì sợi tăng 6,8%; may trang phục tăng 6,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ mười tháng tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 3,5%; sản xuất sợi tăng 3,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,3%; sản xuất giày, dép giảm 2,8%; sản xuất sắt, thép giảm 3,1%; sản xuất bia giảm 7,3%; sản xuất giường, tủ bàn, ghế giảm 7,8%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 10,2%; sản xuất sản phẩm từ plastic giảm 12,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 16,3%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 17,8%; sản xuất xi măng giảm 18,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 19,5%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa giảm 20,5%; sản xuất vải dệt thoi giảm 22,3%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 25,2%; sản xuất dây, cáp điện giảm 42,5%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/11/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,9% so với cùng thời điểm năm trước, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với chỉ số tồn kho của thời điểm 01/10/2012. Nguyên nhân do có sự tăng trưởng đột biến sản xuất điện thoại di động cao cấp (Smart phone) là những sản phẩm đang ăn khách, dẫn tới chỉ số sản xuất, tiêu thụ và tồn kho sản phẩm này đều tăng cao. Đồng thời, đây là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất và dự trữ hàng hóa cho tiêu thụ từ nay đến Tết Nguyên đán. Nếu loại trừ sự tăng cao đột biến về tồn kho của sản phẩm điện thoại di động thì chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức dưới 20% (trong khi chỉ số tồn kho của cùng thời điểm năm 2011 là 21,5%). Một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước là: Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 425,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 96,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 95%; sản xuất bia tăng 57,6%; may trang phục tăng 48,5%; sản xuất thuốc lá tăng 45%; sản xuất pin, ắc quy tăng 39,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 35,7%; sản xuất xi măng tăng 33%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 26,3%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 24,9%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 21,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho thấp hoặc giảm là: Sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 9,3%; sản xuất dây, cáp điện tăng 5,9%; sản xuất vải dệt thoi tăng 5,1%; sản xuất sợi tăng 1,2%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 2,2%; sản xuất giày, dép giảm 3,8%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 7%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 27,1%; sản xuất đường giảm 48,2%.

Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 01/11/2012 so với giá trị sản xuất dự kiến cả năm 2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 6,5%, trong đó một số ngành có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho khá cao như: Sản xuất xe có động cơ 15,4%; chế biến và bảo quản thuỷ sản 10,8%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 9,8%, sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ 8,3%.

Biến động lao động ngành công nghiệp tháng Mười Một so với tháng Mười của một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn như sau: Vĩnh Phúc tăng 2,8%; Đồng Nai tăng 0,8%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 0,6%; Cần Thơ tăng 0,5%; Bình Dương tăng 0,4%; Hải Dương tăng 0,2%; Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải phòng cùng tăng 0,1%; Đà Nẵng giảm 0,3%; Bắc Ninh giảm 1,5%.