Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp 12 tháng năm 2012

Theo Tổng Cục Thống kê

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 255,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2011, bao gồm: Nông nghiệp đạt 183,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8%; lâm nghiệp đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4%; thuỷ sản đạt 63,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5%.

Nông nghiệp

Sản lượng lúa cả năm 2012 ước tính đạt 43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm trước do diện tích và năng suất đều tăng, trong đó diện tích gieo trồng ước tính đạt 7753,2 nghìn ha, tăng 97,8 nghìn ha; năng suất đạt 56,3 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha. Nếu tính thêm 4,8 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2012 ước tính đạt 48,5 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2011.

Trong sản xuất lúa năm nay, sản lượng lúa đông xuân đạt gần 20,3 triệu tấn, tăng 510,4 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước do diện tích tăng 27,6 nghìn ha và năng suất tăng 1,1 tạ/ha. Sản lượng lúa hè thu đạt 14 triệu tấn, tăng 573,3 nghìn tấn do diện tích đạt 2659,8 nghìn ha, tăng 70,3 nghìn ha (Riêng diện tích lúa thu đông tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng 31,3 nghìn ha); năng suất đạt 52,5 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha. Sản lượng lúa mùa ước tính đạt gần 9,4 triệu tấn, tăng 179,6 nghìn tấn, chủ yếu do năng suất tăng 0,9 tạ/ha.

Sản xuất cây vụ đông ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của thời tiết xấu nên sản lượng một số cây hàng năm giảm so với năm 2011, trong đó đậu tương đạt 175,2 nghìn tấn, giảm 34,4%; vừng đạt 29,7 nghìn tấn, giảm 6,3%.

Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển do thuận lợi về giá bán sản phẩm đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích gieo trồng. Diện tích cho sản phẩm và sản lượng một số cây chủ lực tăng so với năm 2011, trong đó diện tích chè ước tính đạt 115,8 nghìn ha, tăng 1,4%; sản lượng đạt 923,1 nghìn tấn, tăng 5%; cà phê diện tích đạt 574,2 nghìn ha, tăng 5,6%, sản lượng đạt 1292,4 nghìn tấn, tăng 1,2%; cao su diện tích 505,8 nghìn ha, tăng 10%, sản lượng đạt 863,6 nghìn tấn, tăng 9,4%; hồ tiêu diện tích đạt 46,9 nghìn ha, tăng 4,2%, sản lượng đạt 112,7 nghìn tấn, tăng 0,6%.

Sản lượng một số cây ăn quả đạt khá, trong đó sản lượng dứa năm 2012 ước tính đạt 571,6 nghìn tấn, tăng 7,7% so với năm 2011; chuối đạt 1,8 triệu tấn, tăng 3%; xoài đạt 776,3 nghìn tấn, tăng 13%; bưởi đạt 435,6 nghìn tấn, tăng 2,7%. Tuy nhiên, một số cây khác do ảnh hưởng của thời tiết và một phần diện tích đang được cải tạo, chuyển đổi nên sản lượng giảm như: Sản lượng nhãn đạt 545,3 nghìn tấn, giảm 8,5% so với năm 2011; vải, chôm chôm đạt 649,3 nghìn tấn, giảm 10,5%; cam, quýt đạt 690,3 nghìn tấn, giảm 1,8%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp khó khăn do giá thịt giảm, chi phí đầu vào tăng cao và khó khăn về vốn nên chăn nuôi của các hộ và các doanh nghiệp cũng như trang trại bị ảnh hưởng. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2012, đàn lợn cả nước có 26,5 triệu con, giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm 2011, trong đó đàn lợn nái có 4,0 triệu con, giảm 0,5%; đàn trâu có 2627,8 nghìn con, giảm 3,1%; đàn bò có 5194,2 nghìn con, giảm 4,5%, nguyên nhân chủ yếu do diện tích chăn thả bị thu hẹp, chăn nuôi hiệu quả thấp nên chưa khuyến khích người nuôi mở rộng quy mô đàn. Riêng nuôi bò sữa vẫn phát triển, tổng đàn bò sữa tại thời điểm trên của cả nước đạt 167 nghìn con, tăng 17% so với cùng thời điểm năm 2011. Đàn gia cầm có 308,5 triệu con, giảm 4,4% so với thời điểm 01/10/2011, trong đó đàn gà 223,7 triệu con, giảm 3,86%. Tính đến ngày 20/12/2012, cả nước không còn địa phương nào có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa qua 21 ngày.

Sản lượng thịt hơi các loại năm 2012 ước tính đạt 4,3 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm trước, trong đó sản lượng thịt trâu tăng 0,8%; sản lượng thịt bò tăng 2,4%; sản lượng thịt lợn tăng 2%; sản lượng thịt gia cầm tăng 4,8%. Sản lượng trứng tăng 5,8%; sữa tươi tăng 10,5%; mật ong tăng 4,8%; kén tằm tăng 6,5%.

Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong năm gặp một số khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên việc triển khai các dự án trồng rừng chậm tiến độ, đặc biệt đối với rừng trồng phòng hộ và đặc dụng. Mặc dù vậy, kết quả các hoạt động lâm nghiệp khác vẫn tăng khá do một số yếu tố tích cực như: Sự ổn định của thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản khác trong những năm qua đã kích thích người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất; các hoạt động lâm sinh khác như chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng tiếp tục được chú trọng để tăng độ che phủ rừng; diện tích rừng sản xuất được quy hoạch ổn định và đầu tư hợp lý... Diện tích rừng trồng tập trung cả năm đạt 187 nghìn ha, bằng 88,2% năm 2011; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 169,5 triệu cây, tăng 0,3%; diện tích rừng trồng được chăm sóc tăng 34,8%; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ tăng 12,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5251 nghìn m3, tăng 11,9%, trong đó gỗ khai thác từ rừng trồng chiếm trên 80%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao là: Đồng Nai tăng 64,1%; Bắc Kạn tăng 51,6%; Thái Nguyên tăng 48,6%; Quảng Bình tăng 48%; Yên Bái tăng 47,2%; Kon Tum tăng 42,5%; Thanh Hóa tăng 42%; Lâm Đồng tăng 25,6%; Lào Cai tăng 17,6%; Bắc Giang tăng 14%. Sản lượng củi khai thác đạt 27,4 triệu ste, tăng 3%.

Do thời tiết trong năm nắng nóng, khô hạn kéo dài nên xảy ra hiện tượng cháy rừng ở một số địa phương, chủ yếu là các tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại năm 2012 là 3225 ha, giảm 18% so với năm 2011, bao gồm: diện tích rừng bị cháy 2091 ha, tăng 19,8%; diện tích rừng bị chặt, phá 1134 ha, giảm 48,2%. Một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Hà Giang 298 ha; Đà Nẵng 181 ha; Lạng Sơn 132 ha; Phú Yên 106 ha; Lào Cai 100 ha; Thừa Thiên-Huế 92 ha; Quảng Nam 80 ha. Một số tỉnh có diện tích rừng bị chặt, phá nhiều là: Lâm Đồng 140,3 ha; Kon Tum 106 ha; Sơn La 86 ha.

Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản năm 2012 ước tính đạt 5732,9 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2011, trong đó cá đạt 4343,7 nghìn tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 632,7 nghìn tấn, tăng 0,3%. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2012 ước tính đạt 1059 nghìn ha, tăng 0,7% so với năm trước, trong đó diện tích nuôi cá tra là 11,5 nghìn ha, tăng 3,4%; diện tích nuôi tôm sú 599,2 nghìn ha, giảm 1,4%; diện tích tôm thẻ chân trắng 34,3 nghìn ha, tăng 17,2%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm nay ước tính đạt 3110,7 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm 2011, trong đó cá đạt 2402,2 nghìn tấn, tăng 6,5%; tôm 473,9 nghìn tấn, giảm 1%. Nuôi cá tra vẫn gặp khó khăn do giá không ổn định, những tháng đầu năm giá tăng cao nhưng các tháng sau giá giảm trong khi giá cả các yếu tố đầu vào tăng như: Giá thuốc, thức ăn, nhiên liệu, v.v gây tâm lý e ngại và chưa khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi. Mặc dù Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 9000 tỷ đồng cho ngành cá tra, với mức lãi suất cho vay giảm nhưng đến nay người dân chưa mạnh dạn đầu tư nuôi lại vì thị trường tiêu thụ không ổn định, trong khi đó các nhà máy luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Đối với một bộ phận các doanh nghiệp nuôi cá tra quy mô lớn, do chủ động và thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn nên nhìn chung tương đối ổn định.

Sản lượng cá tra năm 2012 cả nước ước tính đạt 1226 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2011. Nhiều địa phương có diện tích và sản lượng cá tra giảm như: An Giang  927 ha, giảm 18%, sản lượng 186 nghìn tấn, giảm 8%; Vĩnh Long 507 ha, giảm 4%, sản lượng 80 nghìn tấn, giảm 6%; Trà Vinh 90 ha, giảm 35%, sản lượng 22 nghìn tấn, giảm 20%; Sóc Trăng 125 ha, giảm 25,6%, sản lượng 10 nghìn tấn, giảm 43%... Tại các địa phương có các doanh nghiệp nuôi quy mô lớn thì sản lượng tăng khá như: Đồng Tháp đạt 383 nghìn tấn, tăng 16,5% so với năm trước; Bến Tre 136 nghìn tấn, tăng 38%; Cần Thơ 194 nghìn tấn, tăng 3%; Tiền Giang 26 nghìn tấn, tăng 35%.

Nuôi tôm cũng gặp một số khó khăn do dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan, tụy lan rộng trên phần diện tích nuôi làm sản lượng thu hoạch tôm tại một số địa phương giảm như: Kiên Giang giảm 2%; Sóc Trăng giảm 18%; Long An giảm 13%; Trà Vinh giảm 59%.

Sản lượng thủy sản khai thác năm 2012 đạt 2622,2 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2011, trong đó khai thác biển đạt 2418 nghìn tấn, tăng 4,8%. Mô hình tổ đội kết hợp trong tổ chức khai thác biển nhằm tiết kiệm chi phí đang được các địa phương khuyến khích nhân rộng. Hiện nay tàu thuyền đánh bắt tập trung chủ yếu vào khai thác có chọn lọc các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Một số nghề đạt sản lượng khá là nghề cào, nghề lưới vây ánh sáng, nghề câu mực, đặc biệt là nghề câu cá lớn như cá ngừ. Sản lượng cá ngừ đại dương năm 2012 đạt 18 nghìn tấn, tăng 38% so với năm 2011. Một số địa phương có sản lượng cá ngừ đại dương khai thác đạt khá trong năm là: Phú Yên 6100 tấn, tăng 8% so với năm 2011; Bình Định 8389 tấn, tăng 78,7%, Khánh Hòa 3500 tấn, tăng 29,7%.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2012 ước tính tăng 5% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2011, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Sản xuất công nghiệp năm nay gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục; sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm nên mức tăng thấp so với một số năm trở lại đây[1]. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm đang bắt đầu có chuyển biến tích cực, theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần[2], chỉ số tồn kho giảm dần[3].

Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so với năm 2011 là: Đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 136,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 48,3%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 39,6%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 23,7%; sản xuất pin và ắc quy tăng 18%; sản xuất đường tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14,9%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 12,3%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 10,1%; khai thác khí đốt tự nhiên tăng 9,9%; khai thác dầu thô tăng 9,8%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 9,7%; sản xuất bia tăng 9,7%. Một số ngành có mức tăng khá như: Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 9,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 8,8%; sản xuất sợi tăng 8,1%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 7,9%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 7,9%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 5,2%.

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm so với năm 2011 là: May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 2,3%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 2,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 1,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 0,3%; sản xuất vải dệt thoi giảm 0,8%; sản xuất giày, dép giảm 0,9%; sản xuất dây cáp, dây điện giảm 2,1%; sản xuất sơn, vec ni giảm 3,6%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 3,9%; sản xuất xi măng giảm 6%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,1%; khai thác và thu gom than cứng giảm 9,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 10%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 14,6%; khai thác đá, cát, sỏi giảm 19,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,9%; Đồng Nai tăng 7,2%; Bình Dương tăng 7,5%; Hà Nội tăng 5%; Hải Phòng tăng 3,9%; Bắc Ninh tăng 19,1%; Đà Nẵng tăng 6%; Cần Thơ tăng 4,6%; Hải Dương giảm 1%; Vĩnh Phúc giảm 3%.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất đường tăng 112,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 34,2%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 29,2%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 23,1%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 21,7%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 10,7%; may trang phục tăng 7,8%; sản xuất mì ống, mì sợi tăng 6,5%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ mười một tháng tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,5%; sản xuất sợi tăng 3,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,9%; sản xuất sắt, thép giảm 1,9%; sản xuất giày, dép giảm 2,2%; sản xuất bia giảm 6,6%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 9,2%; sản xuất sản phẩm từ plastic giảm 11,3%; sản xuất vải dệt thoi giảm 16,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 16,7%; sản xuất xi măng giảm 17,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 18%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa giảm 18,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 20,6%; sản xuất dây, cáp điện giảm 38,3%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8%; sản xuất bia tăng 44,5%; sản xuất thuốc lá tăng 42,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1%; may trang phục tăng 41,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,8%; sản xuất xi măng tăng 30,6%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 28,6%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 24,7%; sản xuất pin, ắc quy tăng 17,1%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 9,2%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 7,1%; sản xuất giày, dép tăng 6,6%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 3,6%; sản xuất sợi tăng 1,4%; sản xuất vải dệt thoi tăng 1%; sản xuất các cấu kiện kim loại giảm 5,4%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 7,5%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 9,7%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 20,2%; sản xuất đường giảm 24%.

Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 01/12/2012 so với giá trị sản xuất ước tính cả năm 2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 6,9%, trong đó một số ngành có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho cao như: Chế biến và bảo quản thuỷ sản 12,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 10,6%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ 9,5%; sản xuất xe có động cơ 9,1%.

Lao động khu vực doanh nghiệp công nghiệp tháng Mười Hai tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó biến động lao động ngành công nghiệp của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Đồng Nai tăng 0,6%; Bình Dương tăng 0,4%; Hà Nội giảm 0,2%; Hải Phòng giảm 0,2%; Bắc Ninh giảm 4,7%; Vĩnh Phúc tăng 0,9%; Cần Thơ tăng 0,7%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Đà Nẵng ở mức tháng 11/2012.