Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2013

Theo Tổng Cục Thống kê

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp

Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng là tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến 15/4/2013, cả nước đã gieo cấy được 3120,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 101,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1138,1 nghìn ha, bằng 99,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1982,3 nghìn ha, bằng 102,7%. Tính đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1690,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1568,7 nghìn ha, chiếm 98% diện tích gieo cấy và bằng 103%. Theo báo cáo sơ bộ, sản lượng lúa toàn vùng ước tính đạt 10,8 triệu tấn, tăng 8,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước, chủ yếu do diện tích tăng hơn 19 nghìn ha.

Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 839,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 145,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 824,8 nghìn ha, bằng 145%. Một số tỉnh có diện tích gieo sạ cao là: Đồng Tháp 173 nghìn ha; Kiên Giang 117 nghìn ha; An Giang 114 nghìn ha; Long An 88 nghìn ha. Tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến lúa hè thu mới xuống giống.

Tính đến giữa tháng Tư, cả nước gieo trồng được 445,4 nghìn ha ngô, bằng 98,5% cùng kỳ năm trước; 81,8 nghìn ha khoai lang, bằng 96,4%; 154,8 nghìn ha lạc, bằng 99%; 60 nghìn ha đậu tương, bằng 113,4%; 484,7 nghìn ha rau đậu, bằng 109,4%.

Tình trạng khô hạn tại các địa phương vùng Tây Nguyên đã làm hơn 56 nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng (trên 32 nghìn ha cà phê), trong đó 5 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng.

Theo báo cáo sơ bộ, đàn trâu, bò trong tháng ước tính giảm 3-4% so với cùng kỳ năm trước do diện tích chăn thả bị thu hẹp và thời gian tái đàn chậm. Chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán ở mức thấp và dịch bệnh bùng phát. Dịch lợn tai xanh xảy ra tại một số tỉnh làm chết và tiêu hủy hơn 6000 con. Dịch lở mồm long móng trên lợn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng virus mới nhưng chưa có vac-xin phòng chống. Ước tính đàn lợn cả nước trong tháng giảm khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Trong chăn nuôi gia cầm, người nuôi có tâm lý lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch cúm. Cùng với những khó khăn do tác động của dịch bệnh, giá trứng gia cầm giảm nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đầu tư tái đàn. Ước tính đàn gia cầm cả nước trong tháng giảm khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm 2012.

Tính đến ngày 21/4/2013, dịch cúm gia cầm đã được khống chế; dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương là: Dịch lở mồm long móng trên trâu, bò ở Hà Tĩnh; dịch tai xanh trên lợn ở Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lâm nghiệp

Thời tiết khô hạn tại nhiều địa phương trong cả nước làm ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp, nhất là công tác trồng rừng. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng Tư ước tính đạt 6,3 nghìn ha, bằng 66,3% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 17,6 triệu cây, tăng 1,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 414 nghìn m3, tăng 7,3%; sản lượng củi khai thác đạt 2,8 triệu ste, tăng 2,6%.

Tính chung bốn tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung đạt 14,7 nghìn ha, bằng 82,1% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 81,6 triệu cây, tăng 2,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1544,7 nghìn m3, tăng 7,9%; sản lượng củi khai thác là 10,2 triệu ste, tăng 2,9%.

Do thời tiết trong kỳ tiếp tục nắng nóng, khô hạn nên nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong tháng có 74 ha rừng bị thiệt hại, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 42 ha; diện tích bị phá là 32 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại là 534 ha, giảm 33,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích bị cháy là 446 ha, giảm 37,1%; diện tích bị phá là 88 ha, giảm 4,5%.

Thủy sản

Sản lượng thuỷ sản tháng Tư ước tính đạt 409,8 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 321,3 nghìn tấn, giảm 0,5%; sản lượng tôm đạt 36,6 nghìn tấn, tăng 4% và sản lượng thủy sản khác đạt 51,9 nghìn tấn, tăng 3,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Tư ước tính đạt 187,3 nghìn tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó sản lượng cá đạt 148,4 nghìn tấn, giảm 6%; tôm đạt 27,5 nghìn tấn, tăng 4,2% và thủy sản khác đạt 11,4 nghìn tấn, tăng 5,6%.

Nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ. Giá thức ăn mặc dù đã giảm từ 4000- 6000 đ/kg nhưng chi phí đầu vào vẫn cao hơn giá bán từ 1000 - 1500đ/kg. Phán quyết của Mỹ áp đặt mức thuế chống phá giá đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ dẫn tới nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Trong tháng Tư, sản lượng cá tra của An Giang ước tính đạt 18 nghìn tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2012; Cần Thơ 7,4 nghìn tấn, giảm 1,4%; Bến Tre 22 nghìn tấn, giảm 29%; Vĩnh Long 1,8 nghìn tấn, giảm 52%.

Nuôi tôm sú tại các địa phương phát triển khá ổn định. Dịch bệnh tuy có xảy ra nhưng không lan rộng, phần lớn diện tích bị nhiễm bệnh đã được xử lý kịp thời. Trong tháng, sản lượng tôm sú thu hoạch tại Cà Mau là 11 nghìn tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; Bạc Liêu là 6,5 nghìn tấn, tăng 6,2%... Nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm hùm lồng không được thuận lợi, nhất là tại các địa phương khu vực miền Trung, chủ yếu do dịch bệnh và thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với môi trường nguồn nước bị ô nhiễm. Sản lượng tôm hùm lồng trong tháng của Khánh Hòa giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên có trên 56 ha tôm thẻ chân trắng bị ảnh hưởng do dịch bệnh; Bình Thuận xả bỏ 29 ha tôm thẻ chân trắng đang nuôi do dịch bệnh...

Nuôi các loại thủy sản khác phát triển theo hướng chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi đa canh, đa con kết hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp như: Tôm - cá, tôm - cua, tôm - lúa, lúa - cá… Các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá mú, cá giò, tu hài… được các địa phương phát triển nuôi lồng, bè trên biển.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng Tư ước tính đạt 222,5 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 212,5 nghìn tấn, tăng 4,6%.

Tính chung bốn tháng đầu năm nay, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1561 nghìn tấn, tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 687,3 nghìn tấn, giảm 2,7%; sản lượng thủy sản khai thác đạt  873,7 nghìn tấn, tăng 4%. Trong sản lượng thủy sản khai thác, sản lượng khai thác biển đạt 825 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2012 với sản lượng cá đạt 633 nghìn tấn, tăng 4,4%; tôm đạt 35,9 nghìn tấn, tăng 3,5%. Khai thác biển chủ yếu tập trung vào đối tượng cá lớn vùng biển xa bờ, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Sản lượng cá ngừ khai thác bốn tháng đầu năm nay của Bình Định là 3,1 nghìn tấn, tăng 76,1% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên 3,9 nghìn tấn, tăng 8,9%. Tuy nhiên, hiện giá cá ngừ đại dương vẫn đang giảm mạnh, dao động từ 50-55 nghìn đồng/kg, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước nên ảnh hưởng tới thu nhập của ngư dân.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tư tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,7%.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm 2012), trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,1% (cùng kỳ năm trước tăng 3%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5% (cùng kỳ năm trước tăng 6%); sản xuất và phân phối điện tăng 9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,9%); cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 8,8% (bằng mức tăng của cùng kỳ năm trước).

Trong 5% mức tăng chung của bốn tháng, ngành khai thác đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 3,9 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao là: Sản xuất da tăng 17,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 15,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 14,1%; sản xuất đồ uống tăng 13,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 11,8%. Một số ngành có mức tăng khá là: Sản xuất và phân phối điện tăng 9%; sản xuất trang phục tăng 6,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 6,4%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 3,9%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 3,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 3,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 3,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 2%; khai thác than cứng và than non giảm 2,5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm 2013 của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; Đồng Nai tăng 7%; Bình Dương tăng 8,6%; Hà Nội tăng 4,7%; Hải Phòng tăng 2,5%; Bắc Ninh tăng 7,6%; Vĩnh Phúc tăng 15,1%; Cần Thơ tăng 5,8%; Hải Dương tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 10,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ba tháng đầu năm 2013 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất đồ uống  tăng 16,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 10,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 6,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 6,6%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ ba tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất thuốc lá tăng 2,5%; sản xuất trang phục tăng 2,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2,2%; dệt tăng 1,9%; sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 1,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,9%; sản xuất kim loại giảm 7,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 9,3%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/4/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,1% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất đồ uống tăng 41,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 35,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 35%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 26,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,9%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Dệt tăng 8,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 3,9%; sản xuất da giảm 12,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học giảm 60%.

Tỷ lệ tồn kho tháng Ba năm nay là 73,4%, tỷ lệ tồn kho ba tháng đầu năm là 77,8%. Những ngành có tỷ lệ tồn kho cao hơn tỷ lệ tồn kho chung của ngành chế biến, chế tạo là: Sản xuất xe có động cơ 130,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất 126,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 122,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 101,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 96,3%.

Chỉ số sử dụng lao động trong tháng Tư của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,92% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng 4/2013 tăng 0,1%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%. Chỉ số sử dụng lao động tháng Tư trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,5%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%.