Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013

Theo gso.gov.vn

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sáu tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 349,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 254,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% (cùng kỳ năm trước tăng 3,3%); lâm nghiệp đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% (cùng kỳ năm trước tăng 6,2%) và thuỷ sản đạt 83,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% (cùng kỳ năm trước tăng 5,5%). Trong sản xuất nông nghiệp, kết quả của chăn nuôi giảm sút đã ảnh hưởng đến phát triển toàn ngành. Giá trị sản xuất chăn nuôi sáu tháng đầu năm chỉ tăng 0,9%, thấp hơn nhiều mức tăng 6,5% của cùng kỳ năm 2012. Trong sản xuất thủy sản, giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản sáu tháng chỉ tăng 1,8%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 7,2%.

Nông nghiệp

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3139,9 nghìn ha, tăng 15,7 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2012, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1157,6 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam đạt 1982,3 nghìn ha, tăng 15,9 nghìn ha. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân năm nay ước tính đạt 64,5 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 20,3 triệu tấn, giảm 29,4 nghìn tấn.

Tính đến ngày 15/6, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch trên 95% diện tích gieo trồng; năng suất đạt 62,1 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 7,2 triệu tấn, giảm 45,1 nghìn tấn chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh và chất lượng giống. Sản lượng lúa đông xuân của các địa phương phía Nam ước tính đạt 13,1 triệu tấn, tăng 15,7 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước. Riêng vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long năng suất giảm 0,7 tạ/ha, nhưng do diện tích gieo trồng tăng 19,3 nghìn ha nên sản lượng toàn vùng vẫn đạt 10,8 triệu tấn, tăng 27 nghìn tấn.

Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1913,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 100,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1636 nghìn ha, bằng 98,8%. Nắng nóng khô hạn kéo dài, thiếu nước gieo sạ và sự xâm mặn sâu vào nội đồng ở một số địa phương, cùng với mưa lớn đầu vụ làm một số diện tích bị đổ ngã là nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất trên phần diện tích trỗ và thu hoạch. Hiện nay có 187,7 nghìn ha lúa hè thu sớm đã cho thu hoạch, lúa hè thu chính vụ đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ, chắc xanh và chín.

Một số cây trồng khác của vụ đông xuân năm nay đã cơ bản thu hoạch xong, trong đó sản lượng ngô đạt 2,5 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm trước; đậu tương đạt 90,5 nghìn tấn, tăng 10,9%; lạc đạt 377,1 nghìn tấn, tăng 5,1%; rau đạt 8 triệu tấn, tăng 1,0%.

Trong sáu tháng đầu năm, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm và cây ăn quả đạt khá so với cùng kỳ năm trước do diện tích cho sản phẩm tăng, trong đó sản lượng chè đạt 407,6 nghìn tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 309 nghìn tấn, tăng 7,9%; hồ tiêu đạt 109 nghìn tấn, tăng 4,8%; xoài tăng 11,2%; cam, quýt tăng 9,7%; chôm chôm tăng 9,2%; dứa tăng 7,3%; măng cụt tăng 7%; chuối tăng 4,5%. Riêng sản lượng điều đạt 278,1 nghìn tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2012, dừa 653,5 nghìn tấn, giảm 3%, chủ yếu do giá bán sản phẩm thấp nên một phần diện tích được chuyển sang trồng cây khác hiệu quả hơn.

Tính đến 15/6/2013, đàn trâu cả nước có 2,6 triệu con, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 5,1 triệu con, giảm 3,2%; đàn bò sữa có 174,7 nghìn con, tăng 10,3%; đàn lợn có 26,5 triệu con, giảm 0,5%; đàn gia cầm có 304,5 triệu con, giảm 2%; sản lượng thịt trâu hơi đạt 50,1 nghìn tấn, giảm 0,6%; sản lượng thịt bò hơi đạt 180,9 nghìn tấn, tăng 3,5%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 1,9 triệu tấn, giảm 0,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt 431,4 nghìn tấn, giảm 1,8%; sản lượng trứng gia cầm đạt 4,4 triệu quả, tăng 5,8%; sản lượng sữa đạt 2,2 triệu tấn, tăng 9,2%.

Đàn trâu, bò giảm so với cùng kỳ năm trước do diện tích chăn thả thu hẹp và hiệu quả chăn nuôi thấp dẫn đến thời gian tái đàn chậm. Riêng đàn bò sữa phát triển tương đối tốt và có xu hướng tăng về số đầu con do giá sữa nhìn chung ổn định. Đàn lợn cả nước chậm được khôi phục do giá thức ăn vẫn ở mức cao, giá thịt lợn hơi giảm cùng với dịch bệnh tuy không bùng phát mạnh nhưng vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương gây tâm lý lo ngại cho người nuôi. Trong sáu tháng đầu năm, dịch tai xanh trên lợn đã xảy ra ở một số địa phương làm chết và tiêu hủy hơn 6 nghìn con. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá bán thấp, chi phí đầu vào ở mức cao. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra ở một số nơi, cùng với dịch cúm gia cầm còn tiềm ẩn và nguy cơ lây lan vi rút  cúm H7N9 từ Trung Quốc gây khó khăn cho phát triển đàn gia cầm cả nước. Đến ngày 24/6/2013, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò và dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày đã được khống chế.

Lâm nghiệp

Trong sáu tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 66,1 nghìn ha, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới nhiều là: Quảng Ninh đạt 9 nghìn ha; Tuyên Quang 9,6 nghìn ha; Yên Bái 9,5 nghìn ha; Bắc Kạn 6,9 nghìn ha; Phú Thọ 5,3 nghìn ha, Thái Nguyên và Hòa Bình cùng đạt 5 nghìn ha. Diện tích rừng trồng tập trung tăng khá cao chủ yếu do thị trường tiêu thụ gỗ ổn định, giá gỗ nguyên liệu và giá sản phẩm gỗ liên tục tăng và ở mức cao đã khuyến khích người trồng rừng tăng cường đầu tư mở rộng diện tích. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán sáu tháng ước tính đạt 111,3 triệu cây, tăng 2,4%.

Khai thác lâm sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác trong sáu tháng đầu năm đạt 2410,6 nghìn m3, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; củi đạt 14,9 triệu ste, tăng 2,1%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác nhiều và tăng cao là: Hà Tĩnh tăng 131%; Quảng Ninh tăng 49,6%; Quảng Bình tăng 23,7%; Yên Bái tăng 11,8%; Quảng Nam tăng 11,5%; Tuyên Quang tăng 10,3%; Thái Nguyên tăng 10,2%. Sản lượng lâm sản khai thác tăng cao một mặt do việc đầu tư phát triển rừng sản xuất được tăng cường trong những năm qua, với mức bình quân hàng năm khoảng gần 80% diện tích rừng trồng mới tập trung là rừng sản xuất nên nhìn chung quỹ rừng để khai thác lâm sản tương đối ổn định. Mặt khác nhiều địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng giống cây trồng mới vào sản xuất cũng góp phần rút ngắn chu kỳ sinh trưởng và làm tăng năng suất thu hoạch sản phẩm của rừng trồng.

Mặc dù đầu năm thời tiết khô hạn kéo dài gây cháy rừng tại một số địa phương nhưng năm nay có mưa sớm hơn nên tình trạng cháy rừng được cải thiện. Trong sáu tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 1355 ha, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 845 ha, giảm 2,3%; diện tích rừng bị chặt phá 510 ha, giảm 21,8%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Gia Lai 411 ha; Cà Mau 44 ha; Lạng Sơn 46 ha; Lai Châu 26 ha; Điện Biên 20 ha.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt 2737 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cá 2109 nghìn tấn, tăng 0,8%, tôm 262 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 920 nghìn ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá đạt 290 nghìn ha, tăng 0,5%, diện tích nuôi tôm đạt 595 nghìn ha, tăng 1%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng sáu tháng ước tính đạt 1425 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1121 nghìn tấn, giảm 1,5%; tôm đạt 181 nghìn tấn, tăng 3%; thủy sản nuôi trồng khác đạt 122 nghìn tấn, tăng 5,5%. Sản lượng nuôi trồng giảm chủ yếu do sản xuất cá tra thua lỗ kéo dài, giá cá tra nguyên liệu giảm, chi phí đầu vào tăng, nhu cầu nhập khẩu bị thu hẹp. Sản lượng cá tra sáu tháng đầu năm chỉ đạt 560 nghìn tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương trọng điểm nuôi cá tra có diện tích thả nuôi và sản lượng giảm nhiều là: An Giang 846 ha, giảm 3% (sản lượng 130 nghìn tấn, giảm 3%); Bến Tre 416 ha, giảm 7,1% (sản lượng 90 nghìn tấn, giảm 3%); Cần Thơ 746 ha, giảm 5,1% (sản lượng 61 nghìn tấn, giảm 6,9%); Vĩnh Long 434 ha, giảm 10,6% (sản lượng 52 nghìn tấn, giảm 7,6%).

Nuôi tôm phát triển ổn định hơn do các địa phương tuân thủ tốt lịch thả nuôi trong năm và chất lượng con giống được kiểm soát chặt chẽ. Thời gian gần đây do nuôi tôm sú hay bị dịch bệnh, hiệu quả thấp nên người dân có xu hướng chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong sáu tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 25 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 57 nghìn tấn, tăng 12%. Nuôi thủy sản trên biển phát triển khá hơn nuôi nội địa với chủng loại ngày càng đa dạng, sản lượng sáu tháng ước tính đạt 150 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản khai thác sáu tháng ước đạt 1312 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1226 nghìn tấn, tăng 3,8%. Tuy nhiên, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương có xu hướng giảm nhiều, chỉ đạt 13 nghìn tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và giá tiêu thụ giảm mạnh. Do đó, ngư dân một số địa phương chuyển sang nghề lưới cản (lưới rê) hoặc khai thác cá ngừ sọc dưa.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm ước tính tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012, tuy thấp hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm trước nhưng đã có xu hướng tăng dần[1] và mức tăng nhanh hơn so với năm 2012 do các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ đang dần phát huy tác dụng. So với quý trước, chỉ số sản xuất công nghiệp quý II năm nay cao hơn 1,5 điểm phần trăm, trong khi quý II năm 2012 chỉ tăng 0,4 điểm phần trăm.

Trong mức tăng chung 5,2% của toàn ngành sáu tháng đầu năm, ngành khai khoáng đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 4,1 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng sáu tháng tăng 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,2% cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sản lượng than và dầu thô giảm. Sản lượng than đá khai thác sáu tháng ước tính đạt 22,1 triệu tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ và đạt 50,1% kế hoạch. Sản lượng than tồn kho tính đến thời điểm 20/6/2013 là 7,2 triệu tấn, trong đó than thành phẩm 5,4 triệu tấn; than bán thành phẩm 1,8 triệu tấn. Sản lượng dầu thô khai thác sáu tháng ước tính đạt 8,3 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn mức tăng 12,4% cùng kỳ năm 2012, đạt 52,1% kế hoạch. Dầu thô sử dụng cho chế biến xăng dầu sáu tháng là 3,6 triệu tấn, trong đó 2,9 triệu tấn được khai thác trong nước, chiếm 80,5%, số còn lại được nhập khẩu.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sáu tháng tăng 5,7% (cùng kỳ năm trước tăng 5,9%). Đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tuy chưa đạt mức tăng như cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng quý II cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với mức tăng quý I (mức tăng quý II/2012 thấp hơn 1,0 điểm phần trăm so với quý I/2012).

Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao là: Sản xuất da tăng 16,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 14,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,1%; sản xuất đồ uống tăng 10,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 9%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 5,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 5,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,4%; sản xuất thuốc lá tăng 4,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 3,9%.

Sản lượng sản xuất sáu tháng đầu năm của một số sản phẩm đóng góp nhiều trong công nghiệp chế biến, chế tạo như sau: Thủy hải sản chế biến đạt 851 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ năm trước tăng 14,6%); đường kính đạt 1,1 triệu tấn, tăng 13,9% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%); phân urê đạt 1,0 triệu tấn, tăng 34,9% (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%); xi măng đạt 28,1 triệu tấn, tăng 7,2% (cùng kỳ năm trước giảm 5,9%); thép cán đạt 1,34 triệu tấn, tăng 22,3%; thép thanh, thép góc đạt 1,6 triệu tấn, tăng 4,9% (cùng kỳ năm trước giảm 14,6%); ô tô lắp ráp đạt 44,9 nghìn chiếc, tăng 5,4% (cùng kỳ năm trước giảm 11,4%)…

Chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện sáu tháng đầu năm tăng 8,7%, thấp hơn nhiều mức tăng 14,7% của cùng kỳ năm trước, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tiến độ sản xuất trong nước chậm nên nhu cầu về điện giảm; chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,6% (cùng kỳ năm trước tăng 8,7%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm nay của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hà Nội tăng 4% (cùng kỳ năm trước tăng 4,1%); thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2% (cùng kỳ năm trước tăng 5,6%); Hải phòng tăng 3,8% (cùng kỳ năm trước tăng 5,8%); Hải Dương tăng 10,1% do lắp ráp ô tô năm nay phát triển mạnh (cùng kỳ năm trước giảm 2,8%); Vĩnh Phúc tăng 20% do lắp ráp ô tô, xe máy tăng (cùng kỳ năm trước giảm 3,5%); Bắc Ninh tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 32,8% chủ yếu do điện thoại di động smartphone có lượng xuất khẩu lớn); Quảng Ninh tăng 0,9% chủ yếu do tăng sản phẩm khác ngoài than (cùng kỳ năm trước giảm 3,8%); Đà Nẵng tăng 10,5% (cùng kỳ năm trước tăng 4,5%); Quảng Nam tăng 0,2% do lắp ráp ô tô giảm (cùng kỳ năm trước tăng 19,9%); Quảng Ngãi tăng 22,6% do chế chế biến xăng, dầu tăng (cùng kỳ năm trước giảm 0,7%); Đồng Nai tăng 6,5% (cùng kỳ năm trước tăng 7,3%); Bình Dương tăng 7,4% (cùng kỳ năm trước tăng 12,1%); Bà rịa Vũng Tàu giảm 1,2% do khai thác dầu thô tiếp tục giảm (cùng kỳ năm trước giảm 1,1%)…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/6/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%, tiếp tục xu hướng mức tăng giảm dần từ đầu năm[2]. Tuy nhiên, thực tế có một số loại sản phẩm tồn kho được tiêu thụ với giá rẻ, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp thậm chí lỗ để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn đầu tư sang lĩnh vực khác.

Một số ngành có chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho tương đối tốt là: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan với các chỉ số tương ứng là 116,8%, 129,0% và 74,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy với các chỉ số: 114,7%, 105,2% và 102,4%; sản xuất đồ uống: 110,5%, 113,4% và 105,4%; sản xuất xe có động cơ: 109,0%, 122,2% và 78,4%; sản xuất trang phục: 108,7%, 107,1% và 102,5%; dệt: 107,3%, 108,7% và 103,0%. Một số ngành có chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho chưa tốt là: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất với các chỉ số tương ứng là: 111,1%, 104,6% và 132,3%; sản xuất thiết bị điện: 105,2%, 118,6% và 117,7%; sản xuất thuốc lá: 104,1%, 106,2% và 118,6%; sản xuất kim loại: 96,1%, 95,2% và 112,3%.

Tỷ lệ tồn kho tháng Năm năm nay là 71%, tỷ lệ tồn kho năm tháng đầu năm là 75,4%. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho năm tháng cao hơn tỷ lệ tồn kho chung của ngành chế biến, chế tạo là: Sản xuất xe có động cơ 120,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất 117,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 112,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 100,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 93,4%. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho năm tháng thấp hơn tỷ lệ chung là: Sản xuất thuốc lá 64,1%; sản xuất đồ uống 61,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 48,2%.

Chỉ số sử dụng lao động tháng Sáu của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,8% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng 6/2013 tăng 2,8%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,6%. Chỉ số sử dụng lao động tháng Sáu trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%.