Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2013

Theo Tổng Cục Thống kê

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng Hai tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa và rau màu vụ đông xuân. Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2649,6 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 676,1 nghìn ha, tăng 31,4%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1973,5 nghìn ha, tăng 4,6%.

Do thời tiết những ngày đầu xuân tương đối thuận lợi giúp cho bà con nông dân đảm bảo đủ các điều kiện gieo cấy lúa đông xuân nên tiến độ gieo cấy lúa đông xuân miền Bắc nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng bằng sông Hồng gieo cấy nhanh hơn 97%.

Các địa phương phía Nam đã kết thúc việc gieo cấy lúa đông xuân. Tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trà lúa chính vụ đang làm đòng, chuẩn bị trỗ. Thời gian này là thời kỳ sâu bệnh phát triển mạnh, chủ yếu là bệnh rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá. Một số địa phương có nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh là: An Giang 79,3 nghìn ha; Đồng Tháp 11,2 nghìn ha; Trà Vinh gần 7 nghìn ha. Các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế sự lây lan ảnh hưởng của sâu bệnh đến kết quả sản xuất.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân chính vụ, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch trà lúa đông xuân sớm. Tính đến trung tuần tháng Hai, toàn vùng đã thu hoạch được 281 nghìn ha, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 17,6% diện tích xuống giống. Năng suất ước tính tăng từ 1-2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2012.

Tiến độ gieo trồng các loại cây rau màu vụ đông xuân nhìn chung nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15 tháng Hai, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 223,5 nghìn ha ngô, bằng 105% cùng kỳ năm trước; 64,6 nghìn ha khoai lang, bằng 101,1%; 48,8 nghìn ha đậu tương, bằng 64,5%; 94,9 nghìn ha lạc, bằng 100,7%; 355,2 nghìn ha rau đậu, bằng 107,9%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng tương đối ổn định. Ước tính đàn trâu, bò cả nước giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, tổng số lợn của cả nước giảm khoảng 2-3%; số lượng gia cầm giảm 3-4%.

Tính đến thời điểm 24/02/2013, dịch bệnh tai xanh chưa qua 21 ngày còn ở Long An và Quảng Nam; không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

b. Lâm nghiệp

Hoạt động lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào việc gieo, ươm, chăm sóc cây giống và thực hiện các công việc chuẩn bị cho trồng rừng vụ Xuân 2013. Trong hai tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 1225 ha, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 31,8 triệu cây, tăng 3,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 643 nghìn m3, tăng 8,4%; sản lượng củi khai thác đạt 5100 nghìn ste, tăng 3,2%.

Thời tiết vào mùa khô hạn nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Các địa phương đang tích cực triển khai công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, tập trung hướng dẫn người dân phát nương rẫy đúng quy định; tiếp tục rà soát và củng cố các tổ phòng cháy, chữa cháy; đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa cũng như ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn nên trong 3 ngày từ 19/2 đến 21/2 đã xảy ra cháy lớn ở rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thuộc huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, ước tính diện tích bị cháy là 270 ha. Tính chung 2 tháng đầu năm 2013 diện tích rừng bị thiệt hại 317,2 ha, trong đó diện tích bị cháy là 281,4 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 35,8 ha.

c. Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Hai ước tính đạt 346,4 nghìn tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 268,4 nghìn tấn, giảm 3,2%; tôm đạt 27,7 nghìn tấn, tăng 1,8%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Hai ước tính đạt 139,1 nghìn tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 106,4 nghìn tấn, giảm 5%; tôm đạt 17,3 nghìn tấn, tăng 4,8%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm do sản lượng cá tra giảm. Cá tra xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do giá cá tra nguyên liệu thấp, người nuôi không có lãi, mặt khác ngân hàng siết chặt tín dụng và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường cá tra lớn đều giảm. Một số tỉnh có sản lượng cá tra thu hoạch thấp: An Giang 18 nghìn tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ 8 nghìn tấn, giảm 11,1%; Đồng Tháp 20,6 nghìn tấn, giảm 3,3%. Nuôi tôm và thủy sản khác ổn định. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong tháng tăng chủ yếu ở các vùng nuôi nội địa, quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp và tỉa thưa thả bù phục vụ nhu cầu Tết Nguyên Đán.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng Hai ước tính đạt 207,3 nghìn tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 193,7 nghìn tấn, giảm 2,3%. Tính chung hai tháng đầu năm nay, sản lượng thủy sản ước tính đạt 722,5 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 309,7 nghìn tấn, tăng giảm 1,7%, sản lượng khai thác đạt 412,8 nghìn tấn, tăng 2%.

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai ước tính giảm mạnh 21,3% so với tháng trước và giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tháng Hai năm nay là tháng Tết Nguyên đán, có số ngày nghỉ nhiều. Tuy nhiên, tính chung cả hai tháng thì chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,8% (cùng kỳ năm 2012 tăng 7,7%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2012 tăng 6,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,7% (cùng kỳ năm 2012 tăng 11,7%) và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải 9,9% (do tháng Tết phải xử lý nhiều rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt hơn các tháng bình thường khác).

Đóng góp vào mức tăng chung 6,8% của hai tháng đầu năm, ngành công nghiệp khai thác đóng góp 0,4 điểm %, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5,5 điểm %, ngành sản xuất và phân phối điện 0,8 điểm % và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải 0,1 điểm %.

Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất hai tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất pin và ắc qui tăng 107,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 51,3%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 45,9%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 43,3%; sản xuất giày, dép tăng 35,9%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 26,4%; sản xuất xi măng tăng 19,4%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 18,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 18,6%; sản xuất bia tăng 14,5%; sản xuất đường tăng 14,1%. Một số ngành công nghiệp có mức tăng khá là: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 11,7%, sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 11,5%; thu gom rác thải không độc hại tăng 10,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,4%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất dây, cáp điện tăng 6,9%; khai thác khí đốt tự nhiên tăng 6,9%; sản xuất sợi tăng 4,4%; khai thác dầu thô tăng 3,3%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 2,5%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 2,4%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 1,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 2,8%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) giảm 2,9%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 4%; khai thác và thu gom than cứng giảm 5,7%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 12,7%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 37,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012 của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,2%; Đồng Nai tăng 7,6%; Bình Dương tăng 3,7%; Hà Nội tăng 4,5%; Hải Phòng tăng 2,9%; Bắc Ninh tăng 10,2%; Vĩnh Phúc tăng 11,5%; Cần Thơ tăng 0,8%; Hải Dương tăng 9,5%; Đà Nẵng tăng 10,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Một năm 2013 so với cùng kỳ năm trước tăng 24,1% và so với tháng trước tăng 1,1%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tháng Một năm 2013 tăng cao so với cùng kỳ năm 2012 là: Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 55,5%; sản xuất đường tăng 55%; sản xuất xi măng tăng 53%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 40,6%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 40,5%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 40,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 38,1%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 30,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,5%; sản xuất thuốc lá tăng 27,9%; sản xuất sợi tăng 27,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 26%.. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất bia tăng 22,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 21,8%; sản xuất giày, dép tăng 19,5%; may trang phục tăng 18%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 15,4%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 14,2%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 8,1%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 6%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 4,8%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,8%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/02/2013 tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: Sản xuất xe có động cơ tăng 142,5%; sản xuất dây, cáp điện tăng 64,1%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 62%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 60,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 58,1%; sản xuất bia tăng 49,4%; sản xuất thuốc lá tăng 49%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 28,6%; may trang phục tăng 27%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 33,7%; sản xuất giày, dép tăng 31,9%; sản xuất đường tăng 28%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 25,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 24,6%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng 17,3%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 13,5%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 2,5%; sản xuất pin, ắc quy giảm 38,6%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 62,9%.