Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp quý I/2013

Theo Tổng cục Thống kê

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2012 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 124,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; lâm nghiệp đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; thủy sản đạt 31,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%.

Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/3 cả nước đã gieo cấy được 3092,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,9% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1111,6 nghìn ha, bằng 100,5%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1980,6 nghìn ha, bằng 101,1%. Tính đến trung tuần tháng Ba, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1123,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 134,4% cùng kỳ năm trước do nước lũ đã rút ở mức thấp nên tiến độ thu hoạch được đẩy nhanh, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1090,7 nghìn ha, chiếm 68% diện tích xuống giống và bằng 135,5%. Một số địa phương có diện tích thu hoạch lúa đông xuân nhanh là: Đồng Tháp 189 nghìn ha, chiếm 91% diện tích xuống giống; Long An 211,6 nghìn ha, chiếm 79%; Kiên Giang 213 nghìn ha, chiếm 71%; An Giang 150 nghìn ha, chiếm 58%... Theo ước tính sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 68,4 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha, chủ yếu do sâu bệnh gây hại và một số diện tích bị nhiễm mặn. Sản lượng lúa toàn vùng ước tăng 100 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2012 do diện tích tăng 18,4 nghìn ha nhưng mức tăng sản lượng không cao như năm 2012. (Năm 2012 sản lượng vùng này đạt 10,8 triệu tấn, tăng 350,9 nghìn tấn chủ yếu do diện tích tăng 12,8 nghìn ha và năng suất đạt 68,6 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha).

Gieo trồng các loại rau, màu cũng được được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến giữa tháng Ba, cả nước đã gieo trồng được 340,5 nghìn ha ngô, bằng 103,5% cùng kỳ năm trước; 79,9 nghìn ha khoai lang, bằng 90,7%; 136,2 nghìn ha lạc, bằng 92,8%; 54,4 nghìn ha đỗ tương, bằng 104%; 449,1 nghìn ha rau đậu, bằng 103,9%.

Tại các địa phương phía Nam thời tiết đang trong tình trạng hanh khô kéo dài, nắng nóng xuất hiện sớm làm nhiều diện tích lúa đông xuân và hoa màu đứng trước nguy cơ khô hạn. Ở Tây Nguyên, gần 32 nghìn ha lúa và hoa màu trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng, trong đó hơn 3 nghìn ha lúa có nguy cơ mất trắng. Tình trạng ngập mặn ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng đến diện tích lúa hè thu mới xuống giống.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong ba tháng đầu năm gặp một số khó khăn trong việc đầu tư tái đàn và khôi phục sản xuất sau dịp Tết Nguyên đán. Theo báo cáo sơ bộ, đàn trâu, bò cả nước giảm khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm trước do diện tích chăn thả trâu, bò bị thu hẹp và thời gian tái đàn chậm.

Đàn lợn ba tháng đầu năm ước tính giảm khoảng 1-2% so với cùng kỳ năm 2012 do giá thịt lợn giảm nhiều, thể hiện ở chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất thịt lợn giảm 20%, từ đó gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi và ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư tái đàn sau Tết. Bên cạnh đó, dịch lợn tai xanh xảy ra tại một số tỉnh miền Trung làm chết và tiêu hủy khoảng gần 3000 con lợn. Ước tính sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I đạt chỉ xấp xỉ mức quý I/2012.

Số gia cầm cả nước ba tháng đầu năm giảm khoảng 2-3%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2012. Dịch cúm gia cầm xuất hiện tại một số địa phương từ cuối tháng Hai làm chết và tiêu hủy hơn 14 nghìn con. Tính đến ngày 24/3/2013, dịch cúm gia cầm đã được khống chế; dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương là: Dịch lở mồm long móng trên trâu, bò ở Bắc Ninh và Thanh Hóa; dịch tai xanh trên lợn ở Nghệ An và Quảng Trị.

Lâm nghiệp

Hoạt động lâm nghiệp những tháng đầu năm tập trung vào công tác trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, đồng thời phát động toàn dân thực hiện Tết trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ trong dịp Tết nguyên đán 2013. Tính chung ba tháng đầu năm, tổng diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 8,4 nghìn ha, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 64 triệu cây, tăng 3,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1130,7 nghìn m3, tăng 8,2%; sản lượng củi khai thác đạt 7,4 triệu ste, tăng 3,1%.

Mặc dù diện tích rừng trồng mới tập trung giảm nhưng sản lượng gỗ khai thác tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước nên giá trị sản xuất lâm nghiệp vẫn tăng khá. Sản lượng gỗ khai thác quý I tăng khá chủ yếu do các nguyên nhân: Giá sản phẩm gỗ khai thác tăng 1,6% so với quý IV năm 2012 và tăng 9,2% so với cùng kỳ. Diện tích rừng sản xuất được quy hoạch ổn định, các địa phương trọng điểm về sản xuất lâm nghiệp có nhiều diện tích rừng sản xuất đến chu kỳ khai thác. Bên cạch đó, nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm như bột giấy, dăm gỗ... lớn nên đầu ra của sản phẩm gỗ nguyên liệu ổn định. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,8% (riêng gỗ tăng 25,3%), trong khi đó kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ không tăng góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu trong nước. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác cao là: Quảng Ninh 72,6 nghìn m3, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước; Thanh Hóa 9,1 nghìn m3, tăng 23,7%; Bình Định 67,3 nghìn m3, tăng 20%; Thừa Thiên Huế 47,5 nghìn m3, tăng 17,4%; Quảng Nam 48 nghìn m3, tăng 16,7%; Phú Thọ 56,7 nghìn m3, tăng 10,3%.

Thời tiết khô hạn kéo dài nên nhiều vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, trong đó trọng điểm là khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tổng hợp sơ bộ, diện tích rừng bị thiệt hại trong quý I/2013 là 459,8 ha, giảm 34,4% cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 403,9 ha, giảm 36,1%; diện tích rừng bị phá 55,9 ha, giảm 19%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy lớn là: Gia Lai 270 ha, Bình Phước 38 ha; Lâm Đồng 35 ha; Đắk Lắk 31 ha.

Thủy sản

Tổng sản lượng thủy quý I/2013 ước tính đạt 1151 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 857,5 nghìn tấn, giảm 0,1%; tôm đạt 108,8 nghìn tấn, tăng 4,1%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I ước tính đạt 500 nghìn tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cá đạt 361,2 nghìn tấn, giảm 5%; tôm đạt 79,5 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Nuôi trồng thủy sản ba tháng đầu năm gặp khó khăn do sản xuất cá tra thua lỗ kéo dài: Giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức thấp trong khi giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Ngoài ra, các ngân hàng đang siết chặt tín dụng vì sợ rủi ro, dẫn tới tình trạng không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, ngày 14/3/2013, Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết áp đặt mức thuế chống phá giá đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế nhập khẩu cao làm cho việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này càng gặp nhiều khó khăn hơn. Dự báo sản lượng cá tra còn tiếp tục giảm trong các tháng tới. Nhiều địa phương trọng điểm nuôi cá tra đã thu hẹp diện tích nuôi như: Trà Vinh còn 117 ha, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm trước; An Giang 779 ha, giảm 18%; Cần Thơ 667 ha, giảm 4,2%. Sản lượng cá tra ba tháng đầu năm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 210 nghìn tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó Vĩnh Long 7,4 nghìn tấn, giảm 66%; Bến Tre 25 nghìn tấn, giảm 31%; An Giang 66 nghìn tấn, giảm 15%; Cần Thơ 23 nghìn tấn, giảm 5,8%.

Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong kỳ chủ yếu trên phần diện tích thả nuôi tỉa thưa, thả bù và nuôi trong nội đồng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Một số địa phương bắt đầu vào vụ nuôi nhưng nhìn chung diện tích thả giống giảm, trong đó Phú Yên đạt 60 ha, giảm 42,9% so với cùng kỳ năm 2012; Sóc Trăng 2393 ha, giảm 40,8%; Bạc Liêu 1155 ha, giảm 40,8%.

Nuôi trồng các loại thủy sản khác tương đối ổn định theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Mô hình nuôi phổ biến tại các địa phương là kết hợp tôm - cá, tôm - cua, tôm - lúa, lúa - cá hoặc nuôi lồng, bè trên biển với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá mú, cá giò, tu hài.

Sản lượng thủy sản khai thác quý I ước tính đạt 651 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 612,4 nghìn tấn, tăng 4,2%. Khai thác thuỷ sản trong kỳ nhìn chung ổn định do thời tiết khá thuận lợi. Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các chủ tàu thuyền ra khơi, bám biển khai khác hải sản như: Trang bị máy thông tin liên lạc, thành lập tổ, đội tự nguyện; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn; tổ chức đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá nên các chuyến đi biển xa bờ đạt hiệu quả khá. Ngoài ra, khai thác cá lớn và cá ngừ đại dương tiếp tục phát triển mạnh tại một số tỉnh. Tuy giá cá ngừ đại dương hiện nay giảm gần 40% so cùng kỳ năm trước nhưng nhờ sản lượng đánh bắt tăng cao, ngư dân có nhiều giải pháp để giảm chi phí nên hoạt động khai thác cá ngừ vẫn có lãi. Sản lượng cá ngừ đại dương của Bình Định đạt 2053 tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên 2850 tấn, tăng 16,3%.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Ba (tính theo năm gốc so sánh 2010) tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,9%.

Tính chung quý I/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm 2012), trong đó ngành công nghiệp khai khoáng (chiếm 21,3% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tăng 2,1% (cùng kỳ năm trước tăng 3,6%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 70,9% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 5,4% (cùng kỳ năm trước tăng 5,9%); sản xuất và phân phối điện (chiếm 6,7% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 8,5% (cùng kỳ năm trước tăng 12,5%); cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải (chiếm 1,1% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 9,5% (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%).

Trong 4,9% mức tăng chung của quý I, ngành khai thác đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 3,8 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong ngành khai khoáng, khai thác dầu thô chiếm tỷ trọng lớn nhưng chỉ số sản xuất tăng ở mức thấp là 3,8% do sản lượng dầu thô chỉ tăng 3,7%, thấp hơn mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2012. Một số ngành khai thác khác có chỉ số sản xuất giảm mạnh như: Khai thác than cứng và than non giảm 5,9%; khai khoáng khác giảm 8,7%.

Trong ngành chế biến, chế tạo, nhiều ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 4,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 3,8%; sản xuất kim loại giảm 3,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 3,3%; sản xuất thuốc lá giảm 2,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,1%; sản xuất, chế biến thực phẩm là ngành lớn nhất của công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 12,8% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 3,1% (cùng kỳ năm trước tăng 11,8%).

Các sản phẩm công nghiệp có mức tăng thấp hoặc giảm là: Ti vi giảm 18,3%; ô tô giảm 12,1%; vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 11,3%; khí hóa lỏng giảm 9,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 9%; bột ngọt giảm 6,5%; than khai thác giảm 5,9%; thuốc lá giảm 2,6%; thủy hải sản chế biến tăng 3,6% (cùng kỳ năm trước tăng 13,6%)....

Tuy nhiên vẫn có những ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2012 như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19%; sản xuất da và các sản phẩm da tăng 18,3%; sản xuất đồ uống tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 8,2%. Một số ngành có mức tăng khá như: Sản xuất thiết bị điện tăng 6,8%; sản xuất trang phục tăng 5,8%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 4,7%.

Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng cao hơn các ngành khác nhưng vẫn thấp hơn mức tăng năm trước do sản suất suy giảm nên nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất thấp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2013 so với cùng kỳ năm 2012 của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: TP. Hồ Chí Minh tăng 5%; Đồng Nai tăng 8,5%; Bình Dương tăng 8,5%; Hà Nội tăng 4,7%; Hải Phòng tăng 1,7%; Bắc Ninh tăng 5,7%; Vĩnh Phúc tăng 12,3%; Cần Thơ tăng 5,7%; Hải Dương tăng 4,5%; Đà Nẵng tăng 7,8%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hai tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,1%, trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm: Sản xuất đồ uống  tăng 22,8%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác (trừ xe có động cơ) tăng 12,7%; sản xuất hóa dược và dược liệu tăng 10,4%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 8,3%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ hai tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm gồm: Sản xuất trang phục tăng 6,9%; dệt tăng 4,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 3,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 0,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 0,2%; sản xuất kim loại giảm 7,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 7,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,6%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/3/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn mức tăng 19,9% của cùng kỳ năm 2012. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm qua các tháng trong năm qua chủ yếu do các doanh nghiệp tự tháo gỡ khó khăn bằng cách tiêu thụ sản phẩm với giá rẻ, lãi ít hoặc bán lỗ để giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn để tái cơ cấu ngành hàng sản xuất có lợi hơn hoặc đầu tư sang lĩnh vực khác.

Những ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước gồm: Sản xuất xe có động cơ tăng 37,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 28,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 27,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 22%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16%; sản xuất kim loại tăng 15,6%; sản xuất trang phục tăng 15,4%. Một số ngành có chỉ số tồn kho thấp hoặc giảm là: Dệt tăng 11,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2%; sản xuất đồ uống giảm 9,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học giảm 31,5%.

Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất hàng tháng của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ tháng 7/2012 đến tháng 2/2013 luôn ở mức cao khoảng 69-93%[1], trong khi tỷ lệ tồn kho ở mức an toàn trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ bình thường khoảng 65%. Những ngành đang có tỷ lệ tồn kho cao gồm: Sản xuất xe có động cơ 147,3%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 144,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 142%; sản xuất và chế biến thực phẩm 103%.

Chỉ số sử dụng lao động trong tháng Ba của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng 2/2013. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng 3/2013 giảm 0,2%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,9%. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,4%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3%.