Tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2012 - 2015

Theo Cổng Thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Năm 2011 là năm đầu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015, được triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá cả hàng hóa tăng cao, bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, thảm họa thiên tai động đất, lũ lụt xảy ra ở nhiều nước, khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách tại Châu Âu, Châu Mỹ đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, nhất là thu hút FDI, hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Ở trong nước, tình hình lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, đầu tư ra ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước còn lớn, kém hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chặt chẽ, linh hoạt, cắt giảm đầu tư công, kiềm chế nhập siêu và đảm bảo an sinh xã hội, bước đầu rà soát để tái cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định vĩ mô.

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 168 Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2011 và phương hướng, giải pháp cho giai đoạn 2012-2015 như sau:

I. Tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhưng cùng với các thành phần kinh tế khác, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có nhiều cố gắng trong sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ và góp phần cùng với Nhà nước bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Căn cứ báo cáo của 91 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (có 65 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất; 73 Công ty mẹ đã được kiểm toán báo cáo tài chính) gửi về Bộ Tài chính, kết quả năm 2011 của 91 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như sau:

1. Tình hình tài chính 

a) Tổng tài sản

Năm 2011, số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ,TCT) là 2.093.907 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2010. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân là 43,9%.

Báo cáo của Công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (Công ty mẹ) tỷ lệ nêu trên lần lượt là 17% và 26% so với thực hiện năm 2010.

Trong đó: Nợ phải thu

Năm 2011, số liệu báo cáo hợp nhất về tổng nợ phải thu của TĐ,TCT là 296.541 tỷ đồng (bằng 14,1% tổng tài sản), tăng 13,8% so với năm 2010, trong đó nợ phải thu khó đòi là 3.753 tỷ đồng, chiếm 1,26% so với tổng nợ phải thu.

Báo cáo hợp nhất của một số TĐ,TCT có nợ phải thu khó đòi trên 100 tỷ đồng là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam 408 tỷ đồng; Tập đoàn Sông Đà 366 tỷ đồng; Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam 353 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Bắc 251 tỷ đồng; Tổng công ty XDCTGT1: 231 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn 188 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam 172 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam 161 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội 133 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 136 tỷ đồng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam 115 tỷ đồng;…

Số liệu báo cáo của Công ty mẹ, nợ phải thu khó đòi là 1.873 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2010, nhưng tỷ lệ này chỉ chiếm bình quân 1% so với tổng số nợ phải thu. Những Công ty mẹ có nợ phải thu khó đòi trên 100 tỷ đồng là: Công ty mẹ - Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam 242 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty XDCTGT1: 198 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn 173 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 136 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty XDCTGT6: 108 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội 103 tỷ đồng.

Có những Công ty mẹ, nợ phải thu khó đòi trong số tuyệt đối không lớn nhưng tỷ lệ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu đang ở mức rất cao, đó là: Công ty mẹ Tổng công  ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (nợ phải thu khó đòi là 44,391 tỷ đồng; chiếm 74% tổng nợ phải thu); Công ty mẹ - Tổng công ty XDCTGT6 (108,650 tỷ đồng; chiếm 36%); Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (173,470 tỷ đồng; chiếm 32%); Công ty mẹ - Tổng công ty Rau quả nông sản (30 tỷ đồng; chiếm 27%).

Một số Công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 40%) như: Công ty mẹ - Tổng công ty XDCTGT5 (nợ phải thu 908,469 tỷ đồng; chiếm 79% tổng tài sản); Công ty mẹ - Tổng công ty XDCTGT8 (1.043,217 tỷ đồng; chiếm 67%); Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (800,380 tỷ đồng; chiếm 63%); Công ty mẹ - Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (274,048 tỷ đồng; chiếm 63%); Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc (7.582,760 tỷ đồng; chiếm 61%); Công ty mẹ - Tổng công ty Trường sơn - BQP (1.285,897 tỷ đồng; chiếm 61%); Công ty mẹ - Tổng công ty Thành An (599,185 tỷ đồng; chiếm 49%); Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp & thuỷ lợi (381,263 tỷ đồng; chiếm 46%); Công ty mẹ - Tổng công ty Văn hoá Sài Gòn (216,972 tỷ đồng; chiếm 41%); Công ty mẹ - Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (279,359 tỷ đồng; chiếm 40%).

Hầu hết các TĐ,TCT, nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng số nợ phải thu hoặc trên tổng tài sản ở mức cao tập trung chủ yếu ở những ngành xây dựng, thương mại dịch vụ. Các TĐ,TCT, cũng đã trích lập 5.179 tỷ đồng (Công ty mẹ: 2.661 tỷ đồng) dự phòng nợ phải thu khó đòi để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định.

b) Nguồn vốn

- Vốn chủ sở hữu

Năm 2011, báo cáo hợp nhất của TĐ,TCT có tổng vốn chủ sở hữu là 727.277 tỷ đồng, tăng 61.738 tỷ đồng (tương đương với 9,3%) so với năm 2010. Nếu so với năm 2006, thời điểm khi mới hình thành một số tập đoàn kinh tế, thì vốn chủ sở hữu tăng 409.630 tỷ đồng (tương đương 226%).

Báo cáo của Công ty mẹ có tổng vốn chủ sở hữu là 677.041 tỷ đồng tăng 83.456 tỷ đồng (tương đương 14%) so với năm 2010.

Vốn chủ sở hữu của TĐ,TCT hàng năm tăng chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế; đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc của TĐ,TCT.

Xét tổng thể, các TĐ,TCT bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,14 lần. Tuy nhiên, có TCT không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính như: Tổng công ty Dâu tằm tơ, vốn chủ sở hữu âm (-) 281 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Đường thuỷ, vốn chủ sở hữu âm (-) 604 tỷ đồng. Các tổng công ty này khó khăn từ rất lâu nhưng đến nay chưa khắc phục được.

Một số TĐ,TCT có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn thấp như: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam là 2% (Công ty mẹ 2%); Tổng công ty XDCTGT1 là 4% (Công ty mẹ 8%); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 5,9% (Công ty mẹ 41%); Tập đoàn Sông Đà là 8% (Công ty mẹ 31,2%); Tổng công ty XDCTGT8 là 6% (Công ty mẹ 11%); Tổng công ty Thành An –BQP là 8% (Công ty mẹ 8%); Tổng công ty Xây dựng số 1 là 8% (Công ty mẹ 8%); Tổng công ty Thái Sơn –BQP là 9% (Công ty mẹ 9%).

- Nợ phải trả

Năm 2011, tổng số nợ phải trả của TĐ,TCT là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Xét từng TĐ,TCT, có 30 TĐ,TCT, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó: có 08 TĐ,TCT trên 10 lần; có 10 TĐ,TCT trên từ 5 - 10 lần; có 12 TĐ,TCT từ 3 - 5 lần[1].

Báo cáo hợp nhất của một số TĐ,TCT có nợ phải trả lớn, đó là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nợ phải trả 286.817 tỷ đồng (Công ty mẹ: 44.893 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ phải trả 275.278 tỷ đồng (Công ty mẹ: 210.324 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, nợ phải trả 69.577 tỷ đồng (Công ty mẹ: 11.006 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, nợ phải trả 61.768 tỷ đồng (Công ty mẹ: 12.065 tỷ đồng); Tập đoàn CN Than – khoáng sản Việt Nam, nợ phải trả 71.112 tỷ đồng (Công ty mẹ: 37.739 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, nợ phải trả 49.383 tỷ đồng (Công ty mẹ: 32.319 tỷ đồng); Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị, nợ phải trả 40.197 tỷ đồng (Công ty mẹ: 6.203 tỷ đồng); Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, nợ phải trả 28.226 tỷ đồng (Công ty mẹ: 1.124 tỷ đồng);…

Hệ số tự tài trợ bình quân (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản) theo báo cáo hợp nhất là 0,34 lần; hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn) bình quân tính theo số liệu báo cáo hợp nhất là 0,62 lần.

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) theo số liệu báo cáo hợp nhất bình quân năm 2011 là 1,62 lần, điều đó cho thấy các TĐ,TCT đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. Một số TĐ,TCT đang có nợ quá hạn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng (Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện khoanh nợ khoản tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam); Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng (nợ của Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất - nhận bàn giao từ Vinashin); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, nợ quá hạn là 467 tỷ đồng; Tổng công ty XDCTGT6, nợ quá hạn là 128 tỷ đồng; Tổng công ty Rau quả nông sản, nợ quá hạn 30 tỷ đồng.

Có 02/91 TCT, hệ số thanh toán nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn) nhỏ hơn 1, đó là Tổng công ty Xăng dầu quân đội (0.91); Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (0.37).

Báo cáo của Công ty mẹ, tổng số nợ phải trả là 606.606 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 0,9 lần; hệ số tự tài trợ bình quân (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản) là 0,52 lần. Hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn) bình quân là 0,48 lần.

Nợ nước ngoài của Công ty mẹ là 142.853 tỷ đồng bằng 23,5% tổng nợ phải trả, tăng 14% so với năm 2010. Một số Công ty mẹ nợ nước ngoài lớn như Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 99.260 tỷ đồng (do vay đầu tư nhà máy điện); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 24.027 tỷ đồng (do vay đầu tư mua máy bay mới).

Có 18 Công ty mẹ, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó: Có 05 Công ty mẹ trên 10 lần; Có 05 Công ty mẹ trên từ 5 - 10 lần; Có 08 Công ty mẹ từ 3 - 5 lần[2].

2. Tình hình sản xuất kinh doanh

a) Doanh thu

Năm 2011, Doanh thu theo báo cáo hợp nhất của TĐ,TCT là 1.577.311 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2010. Riêng Công ty mẹ năm 2011, doanh thu đạt 779.059 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2010.

Tỷ lệ doanh thu/tổng tài sản bình quân là 0,75 lần, và doanh thu/vốn chủ sở hữu bình quân là 2,16 lần.

Nhiều TĐ,TCT có tốc độ tăng doanh thu cao so với năm 2010 như Tổng công ty Becamex Bình Dương (tăng 49%); Tổng công ty Cà phê Việt Nam (46%); Tập đoàn Cao su Việt Nam (42%), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (39%); Tổng công ty Thép Việt Nam (32%); Tập đoàn Viễn thông quân đội (27%); Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (24%).

Những TĐ,TCT có mức doanh thu lớn là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông quân đội; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam. 

b) Lợi nhuận trước thuế

Năm 2011, báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT có lợi nhuận trước thuế là 135.111 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2010. Tỷ suất lợi nhuận bình quân/vốn chủ sở hữu năm 2011 của các TĐ,TCT là 18,57%.

Một số TĐ,TCT có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt cao là: Tổng công ty 15 –BQP (44,88%); Tập đoàn Viễn thông quân đội (43,5%); Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (42,19%); Tổng công ty Thái Sơn – BQP (37,31%); Tập đoàn Cao su Việt Nam (37,46%); Tổng công ty Mía đường I (31,9%); Tổng công ty Khánh Việt (29,27%); Tập đoàn CN Than & Khoáng sản Việt Nam (28,37%); Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (27,64%); Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (26,35%)…

Xét về giá trị, các TĐ,TCT lợi nhuận đạt cao là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (53.833 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (19.793 tỷ đồng); Tập đoàn Cao su Việt Nam (11.773 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (8.646 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (8.632 tỷ đồng); Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (3.268 tỷ đồng); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (1.745 tỷ đồng); Tổng công ty Becamex Bình Dương (1.662 tỷ đồng); Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (1.373 tỷ đồng); Tập đoàn HUD (1.262 tỷ đồng); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (1.143 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực miền Nam (1.129 tỷ đồng); Tổng công ty 15-BQP (1.063 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực miền Bắc (724 tỷ đồng);…

Báo cáo của Công ty mẹ năm 2011, lợi nhuận đạt 75.031 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2010. Hầu hết các Công ty mẹ đều có lãi như: Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam; Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà; Công ty mẹ - Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị; Công ty mẹ - Tổng công ty Du lịch Sài Gòn; Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn; Công ty mẹ - Tổng công ty Bến Thành; Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn;…

c) Lỗ phát sinh và lỗ luỹ kế

- Năm 2011, 05 TĐ,TCT có lỗ hợp nhất là 5.823 tỷ đồng, bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ hợp nhất 2.589 tỷ đồng (chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá 11.208 tỷ đồng); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ hợp nhất 2.390 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ hợp nhất 791 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ lỗ hợp nhất 66 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu quân đội lỗ hợp nhất 17 tỷ đồng.

Năm 2011, 05 Công ty mẹ có lỗ phát sinh là 3.104 tỷ đồng, bao gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ 2.177 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ 857 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty VTC lỗ 49 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Xăng dầu quân đội lỗ 19 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc lỗ 0,5 tỷ đồng.

- Lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất của 13 TĐ,TCT đến 31/12/2011 là 48.988 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam số lỗ lũy kế là 38.104 tỷ đồng (lỗ do sản xuất kinh doanh điện 11.437 tỷ đồng; lỗ do chênh lệch tỷ giá 26.667 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 5.738 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 2.390 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu quân đội 566 tỷ đồng; Tập đoàn Sông Đà 625 tỷ đồng; Tổng công ty Dâu tằm tơ 321 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam 209 tỷ đồng; Tổng công ty Trường Sơn 66 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ 871 tỷ đồng; Tổng công ty XDCTGT1: 35 tỷ đồng; Tổng công ty Chè Việt Nam 27 tỷ đồng; Tổng công ty XDCTGT6: 27 tỷ đồng; Tổng công ty Văn hoá Sài Gòn 3,4 tỷ đồng.

Một số tổng công ty nhà nước có lỗ từ thời gian trước để lại đến nay chưa được xử lý như: Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Đường thuỷ. Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các Bộ chuyên ngành xem xét xử lý theo thẩm quyền. Một số tập đoàn, tổng công ty lỗ do chính sách giá, lỗ do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá do biến động lớn đầu vào năm 2011 như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – CTCP), Tổng công ty Xăng dầu quân đội.

Lỗ luỹ kế theo báo cáo của 09 Công ty mẹ đến 31/12/2011 là 12.800 tỷ đồng, trong đó: Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam là: 8.084 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 857 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 2.706 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Xăng dầu quân đội 564 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam: 321 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam: 172 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Trường Sơn 66 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Chè Việt Nam: 27 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam: 0,5 tỷ đồng.

d) Nộp Ngân sách nhà nước             

Năm 2011, các TĐ,TCT nộp ngân sách nhà nước đạt 212.990 tỷ đồng, tăng 10,1% so với thực hiện năm 2010. Trong đó, thuế GTGT chiếm 24,2%; thuế TNDN chiếm 22,4% tổng số thu nộp ngân sách nhà nước.

Những TĐ,TCT hàng năm đóng góp số thu lớn vào ngân sách nhà nước là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (98.570 tỷ đồng); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (25.213 tỷ đồng); Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (16.150 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (9.290 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (7.725 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (7.450 tỷ đồng); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (7.111 tỷ đồng); Tập đoàn Cao su Việt Nam (3.239 tỷ đồng); Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (3.170 tỷ đồng); Tổng công ty Khánh Việt (2.969 tỷ đồng).

Qua tình hình trên cho thấy, năm 2011 hoạt động sản xuất kinh doanh của các TĐ,TCT gặp nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính như chi phí lãi vay cao (hầu hết các TĐ,TCT đầu tư dựa trên vốn vay). Mặt khác, nhu cầu thị trường giảm do lạm phát tăng cao nên lượng hàng tồn kho nhiều, ứ đọng khâu lưu thông hàng hóa dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, đặc biệt đối với thị trường xây dựng, bất động sản, công nghiệp ô tô. Một số TĐ,TCT cũng bị ảnh hưởng nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút như: Tổng công ty XDCTGT5, doanh thu năm 2011 chỉ bằng 55% so với năm 2010 và lợi nhuận giảm 14% so với năm 2010; Tổng công ty Xây dựng số 1 doanh thu năm 2011 tăng 28% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 52,8% so với năm 2010; Tổng công ty CN Xi măng Việt Nam doanh thu năm 2011 tăng 16% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 42% so với năm 2010.

3. Tình hình đầu tư vào các lĩnh vực: Chứng khoán, Quỹ đầu tư, Bảo hiểm, Ngân hàng, Bất động sản

Trong những năm trước đây, các TĐ,TCT đã sử dụng các nguồn vốn của TĐ,TCT để đầu tư vào các lĩnh vực Chứng khoán, Quỹ đầu tư, Bảo hiểm, Ngân hàng, Bất động sản. Do hoạt động của những lĩnh vực này có nhiều rủi ro, làm phân tán nguồn vốn của các TĐ,TCT và không trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính của các TĐ,TCT, nên Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ đã có quy định, chỉ đạo không cho phép các TĐ,TCT tiếp tục đầu tư và phải thực hiện thoái vốn ở những lĩnh vực này. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế nói chung cũng như của thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng nên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tính đến 31/12/2011, các Công ty mẹ đã đầu tư vào các lĩnh vực: Chứng khoán, Quỹ đầu tư, Bảo hiểm, Ngân hàng, Bất động sản là 23.744 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng (15%) so với năm 2010. Trong đó, đầu tư vào Chứng khoán 696 tỷ đồng (giảm 14 tỷ đồng); đầu tư vào Quỹ đầu tư 675 tỷ đồng (tăng 12 tỷ đồng); đầu tư vào Bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng (tăng 31 tỷ đồng); đầu tư vào Ngân hàng là 11.403 tỷ đồng (tăng 187 tỷ đồng); đầu tư vào Bất động sản là 9.286 tỷ đồng (tăng 2.840 tỷ đồng).

Giá trị tăng thêm trong năm 2011 nêu trên chủ yếu ở lĩnh vực Bất động sản: Tổng công ty Becamex Bình Dương (tăng 2.301 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (tăng 142 tỷ đồng); Tổng công ty Trực thăng – BQP (tăng 176 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (74 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (49 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông (tăng 74 tỷ đồng); Tập đoàn Sông Đà (tăng 69 tỷ đồng); Tổng công ty Thép (tăng 29 tỷ đồng); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (tăng 18 tỷ đồng); Tổng công ty Thái Sơn (tăng 16 tỷ đồng); Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (tăng 14 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (tăng 6 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (tăng 3 tỷ đồng).

Tổng giá trị các khoản đầu tư nêu trên nếu xét trên báo cáo hợp nhất của TĐ,TCT chỉ chiếm 3,3% vốn chủ sở hữu (1,1% tổng tài sản), nhưng xét trên báo cáo của Công ty mẹ chiếm 3,5% vốn chủ sở hữu (1,8% tổng tài sản). Giá trị các khoản đầu tư trên chủ yếu do tăng vốn điều lệ ở doanh nghiệp góp vốn theo hình thức: chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu và cho các cổ đông hiện hữu quyền mua cổ phần phát hành thêm, nên cơ bản giá trị đầu tư tăng nhưng tỷ lệ vốn góp không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐKT,TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương, các TĐ,TCT phải khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp của mình, trong đó, việc thoái vốn ở những lĩnh vực nêu trên cần phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015. Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo không cho phép các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu đầu tư vào những lĩnh vực này (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản hoặc các trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

4. Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Tính đến 30/9/2012, cả nước sắp xếp được 5.857 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.952 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, còn lại là các hình thức: chuyển thành công ty TNHH một thành viên; thực hiện giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã thúc đẩy thị trường chứng khoán và tăng tính cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá có tốc độ tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Chính phủ cũng đã có những biện pháp giải quyết chính sách cho người lao động lao động dôi dư, tạo điều kiện cho người lao động đi tìm việc làm mới, ổn định xã hội. Cổ phần hoá đã thu hút thêm các nguồn vốn của xã hội để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo cơ chế quản lý năng động, hiệu quả hơn.

5. Về thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 về việc thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Trên cơ sở đăng ký tổ chức đánh giá lại tài sản và vốn của một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp và kết quả thực hiện, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt báo cáo kết quả thí điểm kiểm kê tài sản và vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không tiếp tục thực hiện tổng kiểm kê trong năm 2012, vì khi thực hiện “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, trong đó việc sắp xếp, chuyển đổi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (chỉ giữ lại một số ít doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh…, còn lại thực hiện cổ phần hoá) sẽ phải xác định giá trị doanh nghiệp, do đó việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản của toàn bộ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ thực hiện trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

6. Về tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 929/QĐ-TTg và đã hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện. Tính đến 30/9/2012, đã có 55 TĐ,TCT xây dựng Đề án; có 24 TĐ,TCT được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lại đã và đang xây dựng đề án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt.[3] Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Tài chính chủ trì đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý và phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo kết quả thực hiện để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

II. Nhận xét, đánh giá

1. Ưu điểm

a) Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao giai đoạn 2010 - 2011, các doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

b) Các doanh nghiệp nhà nước đã phát huy vai trò trong một số ngành, lĩnh vực hiện đang là thế mạnh của nền kinh tế như: phát triển năng lượng, dịch vụ viễn thông, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

c) Các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện hoặc duy trì nhiệm vụ cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích như: vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, thuỷ lợi, điện lực công ích, cung cấp hàng hoá thiết yếu cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

d) Hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước.

đ) Các doanh nghiệp nhà nước tạo cho người lao động có mức thu nhập tương đối ổn định và hầu hết không để xảy ra đình công.

2. Những bất cập, khó khăn

Tuy đạt được kết quả nêu trên nhưng trong thực tế công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước còn có những hạn chế, yếu kếm, như:

a) Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Còn nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ có quy mô nhỏ.

b) Cổ phần hoá còn chậm, nhất là những năm gần đây do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện phá sản, giải thể nhưng rất khó khăn, nhiều trường hợp kéo dài trên 10 năm.

c) Việc chuyển doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đã hoàn thành về pháp lý nhưng năng lực quản trị doanh nghiệp chưa tương xứng, nhất là đối với các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu. Chính phủ cũng nhận thấy thực tế là cơ chế, chính sách trong việc này còn chưa hoàn chỉnh, bất cập nên dẫn đến tình trạng quản lý nhà nước và vai trò của chủ sở hữu chưa rõ, quản lý doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu cũng như nguồn lực được giao, đã xảy ra những vụ việc kinh doanh thua lỗ, mất vốn, vi phạm pháp luật rất đáng tiếc, gây bức xúc, dư luận trong nhân dân.

d) Việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập chưa có sự phân định đủ rõ quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ quản lý ngành và các Bộ quản lý tổng hợp (như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước…).

đ) Một số doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội do Nhà nước giao (đầu tư ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo); thực hiện chính sách bình ổn giá (điện, than, xăng dầu) nhưng không có cơ chế hạch toán rõ ràng nên sản xuất kinh doanh lỗ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và việc nhìn nhận đánh giá về doanh nghiệp nhà nước.

e) Việc Chính phủ phân công, phân cấp, giao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cho Hội đồng thành viên, Ban giám đốc trong việc quản lý vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua chưa được xác định rõ ràng; chưa có chế tài đồng bộ và đủ mạnh xử lý đối với Hội đồng thành viên, Ban điều hành trong trường hợp sản xuất kinh doanh yếu kém không hiệu quả, thất thoát vốn của nhà nước, không chấp hành các khuyến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

g) Hệ thống thanh tra, kiểm tra đã có nhiều kiến nghị trong công tác quản lý, giám sát, song chế tài chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để yêu cầu, buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán; chế tài xử lý trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.

h) Nội dung Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (ban hành kèm theo Quyết định 224/2006/QĐ-TTg ngày 6/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ) và tổ chức thực hiện còn những thiếu sót, bất cập (i) Các quy định về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động quản lý và điều hành của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp chưa được quy định trong Nghị định 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 về quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước. Do đó việc tổ chức quán triệt, thực hiện chế độ giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo Quyết định 224/2006/QĐ-TTg còn rất hạn chế, hiệu lực không cao. (ii) Quyết định 224/2006/QĐ-TTg thiếu chế tài đối với đại diện chủ sở hữu là các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện công tác tổng hợp, giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp. Trong Quyết định 224/2006/QĐ-TTg quy định Bộ quản lý ngành thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đó, nhưng quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ quản lý ngành lại không quy định vấn đề này. (iii) Công tác phân tích, đánh giá, phân loại doanh nghiệp của các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn nhiều bất cập.

3. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

a) Chưa quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu cấp thiết phải sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nên sự thống nhất chưa cao, còn nhìn nhận và đánh giá khác nhau.

b) Thể chế về quản lý của chủ sở hữu trên một số mặt phân định chưa rõ, chồng chéo, có kẽ hở, nhất là về kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật trong khi trao mạnh quyền tự chủ cho doanh nghiệp và chủ trương xoá bỏ chế độ chủ quản.

c) Chưa có thể chế, cơ chế thu hút cán bộ giỏi và thực hiện quản lý, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ quản lý ở doanh nghiệp nhà nước. Cán bộ quản lý ở một số doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nên công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp không phù hợp, chậm thay đổi để phù hợp theo cơ chế thị trường và hội nhập.

d) Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước tiến hành trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, phức tạp. Sau giai đoạn khôi phục kinh tế của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998; từ năm 2008 đến nay liên tục phải ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu; trong nước lạm phát cao, thị trường tài chính, chứng khoán sụt giảm.

đ) Sau khi doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động chung với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo Luật Doanh nghiệp nhưng chưa kịp thời thể chế hoá khung pháp lý cần thiết, phù hợp với loại hình doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu nên gây khó khăn cho hoạt động cũng như công tác quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu.

III. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2012 – 2015

Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước; lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đảm bảo cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm tốt vai trò là công cụ góp phần điều tiết vĩ mô, định hướng sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác cùng phát triển.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chủ yếu là tái cơ cấu: (i) ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, chiến lược - kế hoạch kinh doanh và sản phẩm; (ii) tổ chức, lao động; (iii) tài chính; (iv) quản trị doanh nghiệp; (v) quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật. Giải pháp cơ bản để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; quốc phòng, an ninh và trên một số địa bàn quan trọng. Đẩy mạnh thực hiện phương án sắp xếp, trọng tâm là cổ phần hóa, chú trọng vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo hướng giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đa dạng hoá sở hữu, thu hút các nhà đầu tư chiến lược mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích người lao động mua cổ phần tại doanh nghiệp. Sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; nâng cao năng lực, hiệu lực quản trị và thực hiện công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện triệt để hơn phân định và tăng cường chức năng quản lý nhà nước và chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu theo nguyên tắc có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt; Đổi mới cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để phát huy vai trò khu vực doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, làm nòng cốt của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế, cần phải đồng bộ về giải pháp, về cơ chế, chặt chẽ trong công tác quản lý, giám sát nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước được quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2012 – 2015 như sau:

1. Về cơ chế, chính sách

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI; Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành ngay một số chính sách, trong đó:

a) Chính phủ ban hành Nghị định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

b) Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đồng thời Chính phủ cũng chỉ đạo Xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

c) Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức, hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

d) Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

đ) Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, tổng hợp những bất cập, tồn tại trong công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần để sửa đổi cho phù hợp.

2. Tổ chức triển khai thực hiện

a) Tiếp tục “sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Trong đó, xác định doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích có trách nhiệm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững theo đặt hàng của Nhà nước.

c) Các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2012. Trong đó, chú trọng rà soát, điều chỉnh lại danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ, chiến lược phát triển ngành nghề kinh doanh chính được chủ sở hữu giao.

d) Doanh nghiệp nhà nước, nòng cốt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

đ) Trên cơ sở phân công, phân cấp thực hiện quyền chủ sở hữu, cần phải tăng cường thực hiện giám sát của chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính nhà nước đối với công tác quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện nghiêm chế tài đối với Hội đồng thành viên, Ban điều hành các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp. Trước mắt, tăng cường năng lực cho Cục Tài chính doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước theo phân công, phân cấp của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ giải pháp đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012 – 2015

[1] TCT ĐT PT Đường cao tốc (56.47 lần); TCT XDCTGT1 (21.85 lần); TCT XDCTGT8 (16.11 lần); TCT Hàng hải VN (15.07 lần); TCT Thành An (12.05 lần); TCT XDCTGT5 (11.3 lần); TCT XD số1 (11.23 lần); TĐ CNXD VN (10.7 lần); TCT Thái Sơn (9.6 lần); TCT XD Thăng Long (8.45 lần); TCT XD CTGT4 (8.28 lần); TĐ ĐTPT nhà và đô thị (7.28 lần); TCT Trường Sơn (6.85 lần); TCT ĐTPTĐT và  KCN (6.64 lần); TĐ Điện lực (6.29 lần); TCT Thanh Lễ (6.23 lần); TCT Giấy (5.55 lần); TCT Hàng Không (5.35 lần); TCT TN và MT (4.97 lần); TCT Cơ điện NN và TL (4.53 lần); TCT Truyền thông đa phương tiện (4.52 lần); TCT XDNN và PTNT (4.26 lần); TCT XDCTGT6 (4.01 lần); TĐ Xăng dầu Việt Nam (3.95 lần); TCT TVTKGTVT (3.8 lần); TCT Thương mại HN (3.72 lần); TCT Vật liệu XD số 1 (3.49 lần); TCT Máy TBCN (3.42 lần); TCT Cà phê (3.17 lần); TCT Becamex (3.08 lần).

[2]  TCT ĐTPT Đường cao tốc (57.78 lần); TCT XD số 1 (11.85 lần); TCT Thành An (11.19 lần); TCT XDCTGT1 (10.82 lần); TCT Trường Sơn (10.55 lần); TCT Thái Sơn (9.6 lần); TCT XDCTGT4 (8.49 lần); TCT XDCTGT8 (8.05 lần); TCT XD Thăng Long (6.96 lần); TCT Thanh Lễ (6.42 lần); TCT Giấy (4.98 lần); TCT TN và MT (4.97 lần); TCT ĐTPTĐT và KCN (4.91 lần); TCT Hàng Không (4.87 lần); TCT XDNN và PTNT (3.57 lần); TCT Thương mại HN (3.34 lần); TĐ Điện lực (3.25 lần); TĐ Xăng dầu Việt Nam (3.14 lần).

[3] Xem Phụ lục tình hình triển khai Đề án Tái cơ cấu DNNN