Tình hình thu, chi NSNN và xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2013

Theo Tổng cục Thống kê

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2013 ước tính đạt 136,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa 93,1 nghìn tỷ đồng, bằng 17,1%; thu từ dầu thô 20,8 nghìn tỷ đồng, bằng 21%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 21,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,1%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 17% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 20,1 nghìn tỷ đồng, bằng 18,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 20,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,4%; thu thuế thu nhập cá nhân 10 nghìn tỷ đồng, bằng 18,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 2,3 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8%; thu phí, lệ phí 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2013 ước tính đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 26,9 nghìn tỷ đồng, bằng 15,4% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 26 nghìn tỷ đồng, bằng 15,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 124,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,9%; chi trả nợ và viện trợ 20,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Ba ước tính đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I đạt 31 tỷ USD, tăng 25,1%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,3 tỷ USD, tiếp tục tăng mạnh ở mức 25,6%, chủ yếu do đóng góp của một số mặt hàng gia công lắp ráp như: Điện thoại các loại và linh kiện; điện tử máy tính và linh kiện; đá quý kim loại quý và sản phẩm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 15,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung, khu vực trong nước chiếm 35% và đóng góp 3,9 điểm phần trăm.

Một số mặt hàng xuất khẩu trong quý I đạt mức kim ngạch tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,4 tỷ USD, tăng 49,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,3 tỷ USD, tăng 21,3%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 460 triệu USD, tăng 23,4%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 485 triệu USD, tăng 287,3%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 390 triệu USD, tăng 23,3%. Một số mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng khá là: Hàng dệt may đạt 3,8 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2012; dầu thô đạt 1,9 tỷ USD, tăng 13,1%; giày dép đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15,7%. Riêng kim ngạch xuất khẩu gạo và cà phê giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó cà phê đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,5%; gạo đạt 644 triệu USD, giảm 1,4%.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu quý I, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì tỷ trọng cao với 45,5% (cao hơn so với mức 42,7% của quý I/2012) và tăng mạnh với 27,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự đóng góp của mặt hàng điện thoại và linh kiện các loại có tỷ trọng liên tục tăng trong 3 năm qua. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 10,5 tỷ USD, tăng 15,1% và chiếm 35,5% (thấp hơn so với mức 37% của quý I/2012). Hàng nông sản, lâm sản đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7% và chiếm 13,5% (thấp hơn mức 15,1% của quý I/2012). Hàng thủy sản ước tính 1,3 tỷ USD, giảm 2,3% và chiếm 4,2% (thấp hơn mức 5,2% của quý I/2012). Xuất khẩu vàng ước tính 380 triệu USD, chiếm 1,3% (quý I/2012 không có mặt hàng này).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu quý I/2013, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2012. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17%; ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 29,4%; Trung Quốc đạt gần 3 tỷ USD, tăng 8,2%.

Nhập khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56,1% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 4,2 tỷ USD (Nếu loại trừ yếu tố giá, nhập khẩu quý I ước đạt 30 tỷ USD, tăng 20,4%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 13,1 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 7,9%, đóng góp 3,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 55,3%, tăng 25,5%, tương đương 3,3 tỷ USD và đóng góp 13,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay tăng cao do sự đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu. Trong ba tháng đầu năm, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 51,5%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 86,7%; chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, tăng 17,7%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 760 triệu USD, tăng 64,9%; kim loại thường đạt 699 triệu USD, tăng 22%; sản phẩm chất dẻo đạt 545 triệu USD, tăng 20,8%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 362 triệu USD, tăng 126,3%; bông đạt 281 triệu USD, tăng 34,6%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu quý I giảm so với cùng kỳ năm 2012 là: Xăng dầu 1,5 tỷ USD, giảm 27,8%; hóa chất đạt 669 triệu USD, giảm 4,9%; lúa mỳ đạt 135 triệu USD, giảm 46,5%; xe máy đạt 132 triệu USD, giảm 24,5%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu trong quý I, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 26,7 tỷ USD chiếm 91,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải đạt 11,2 tỷ USD chiếm 38,3% và tăng 28,7%; nhóm nguyên nhiên vật liệu đạt 15,5 tỷ USD, chiếm 53,2% và tăng 7,4%. Hàng tiêu dùng đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 7,1% và tăng 15,6%. Vàng ước đạt 400 triệu USD chiếm 1,4% và tăng 42% so với cùng kỳ.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý I, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,6 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2012. Tiếp theo là ASEAN đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,6%; Hàn Quốc đạt 4,9 tỷ USD, tăng 47%; EU đạt 2,2 tỷ USD tăng 20%; Hoa Kỳ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 3,3%.

Tháng Ba nhập siêu 300 triệu USD, nhưng do hai tháng đầu năm xuất siêu 781 triệu USD nên tính chung quý I/2013 xuất siêu 481 triệu USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,1 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD.

Tình hình thu, chi NSNN và xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2013 - Ảnh 2 Hàng hóa nhập khẩu